Thứ Năm, 17/06/2021 16:14

Tập trung cổ phần hóa, thoái vốn tại các doanh nghiệp quy mô lớn

Để đảm bảo số thu từ cổ phần hoá, thoái vốn nộp vào ngân sách nhà nước theo kế hoạch, theo Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), cần tập trung cổ phần hoá, thoái vốn tại các doanh nghiệp có quy mô vốn lớn.

Ảnh minh họa.

Cổ phần hóa, thoái vốn vẫn chưa đạt nhiều kết quả

Theo Cục Tài chính doanh nghiệp, trong 05 tháng đầu năm 2021, công tác cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước vẫn chưa đạt được kết quả cụ thể, các doanh nghiệp cổ phần hóa, thoái vốn trong 05 tháng đầu năm đều thực hiện trong năm 2020.

Vẫn còn một số doanh nghiệp cổ phần hóa chưa thực hiện quyết toán cổ phần hóa theo quy định; doanh nghiệp sau cổ phần hóa chưa thực hiện đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán. Qua đó, làm ảnh hưởng đến quá trình thoái vốn của các doanh nghiệp và ảnh hưởng đến việc thu, nộp tiền thu từ cổ phần hóa, thoái vốn về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp.

Cục Tài chính doanh nghiệp cho biết, trong 05 tháng đầu năm 2021, đơn vị nhận được báo cáo phê duyệt phương án cổ phần hóa 03 doanh nghiệp thuộc Tổng công ty Lương thực Miền Bắc và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (không thuộc danh mục doanh nghiệp cổ phần hóa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt) với tổng giá trị doanh nghiệp là 252 tỷ đồng, trong đó phần vốn của các Tập đoàn, Tổng công ty là 151 tỷ đồng. Đồng thời, các đơn vị vẫn tiếp tục triển khai công tác xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hoá theo quy định.

Về thoái vốn, lũy kế 05 tháng đầu năm 2021, các doanh nghiệp đã thoái vốn với giá trị 286,6 tỷ đồng, thu về 2.165 tỷ đồng. Trong đó, thoái vốn nhà nước tại 03 đơn vị thuộc Quyết định số 908/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với giá trị 52,5 tỷ đồng, thu về 84,1 tỷ đồng; thoái vốn tại 09 doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Cao su Việt Nam, Tập đoàn Viettel, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tổng công ty Thái Sơn với tổng giá trị là 234,1 tỷ đồng, thu về 2.081,3 tỷ đồng. Số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn trong 05 tháng đầu năm 2021 nộp về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp là 228 tỷ đồng.

Theo dự báo của Cục Tài chính doanh nghiệp, trong 06 tháng đầu năm, công tác cổ phần hóa, thoái vốn vẫn chưa thể đạt được nhiều kết quả. Nguyên nhân chủ yếu là trong tháng 5, dịch bệnh Covid-19 đã bùng phát ở nhiều nơi trong cả nước, nhiều biện pháp đã được áp dụng để ứng phó, trong đó nhiều địa phương đã phải cách ly xã hội, việc này ảnh hưởng đến việc triển khai công tác cổ phần hóa, thoái vốn.

Đảm bảo 40.000 tỷ đồng thu nộp ngân sách năm 2021

Theo kế hoạch, số dự kiến thu từ cổ phần hóa, thoái vốn từ Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp nộp vào ngân sách nhà nước năm 2021 là 40.000 tỷ đồng theo Quyết định số 1950/QĐ-TTg ngày 28/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ về giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2021.

Như vậy, để đảm bảo cân đối 40.000 tỷ đồng nộp ngân sách nhà nước năm 2021 nêu trên, theo Cục Tài chính doanh nghiệp, cần tập trung cổ phần hóa, thoái vốn tại các doanh nghiệp có quy mô vốn lớn.

Tuy nhiên, nguồn thu thực tế còn phụ thuộc khả năng hấp thụ của thị trường như: nhu cầu của nhà đầu tư và tình hình thị trường tài chính, chứng khoán; trong một số trường hợp có thể không bán hết số cổ phần chào bán hoặc giá bán không đạt kỳ vọng.

Trong đó, về cổ phần hóa, cần tập trung hoàn thành việc IPO một số doanh nghiệp lớn trong năm 2021 như: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Agribank (dự kiến thu 19.847 tỷ đồng nếu Nhà nước nắm giữ 65% vốn điều lệ); Công ty mẹ Tập đoàn VNPT (dự kiến thu 30.759 tỷ đồng nếu Nhà nước nắm giữ 51% vốn điều lệ); MobiFone (dự kiến thu 9.255 tỷ đồng nếu Nhà nước nắm giữ 51% vốn điều lệ).

Các doanh nghiệp trên đều nằm trong danh sách theo Quyết định số 26/QĐ-TTg thuộc giai đoạn 2017-2020 phải hoàn thành cổ phần hóa. Tuy nhiên, số thu thực tế của các doanh nghiệp này còn phụ thuộc vào phương án cổ phần hóa cụ thể để xác định được tỷ lệ phần vốn nhà nước bán ra, giá khởi điểm cũng như tình hình thị trường.

Về thoái vốn, Cục Tài chính doanh nghiệp kiến nghị Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước chỉ đạo Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước trong năm 2021 tập trung thực hiện thoái vốn tại Sabeco (dự kiến thu khoảng 40.169 tỷ đồng), Tập đoàn FPT (dự kiến thu về 1.982 tỷ đồng) và Tổng công ty cổ phần Bảo Minh (dự kiến thu về 776 tỷ đồng).

Bên cạnh đó, Cục Tài chính doanh nghiệp cũng đề xuất kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành quyết định về tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước; quyết định phê duyệt danh mục doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa giai đoạn 2021-2025 để các cơ quan đại diện chủ sở hữu, doanh nghiệp có cơ sở thực hiện.

Các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp nhà nước cần tập trung hoàn tất việc quyết toán cổ phần hóa các doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý đang thực hiện dở dang để quyết toán, nộp tiền thu cổ phần hóa về quỹ trong năm 2021. Đồng thời, quyết liệt thực hiện kế hoạch thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo Quyết định số 908/QĐ-TTg ngày 29/06/2020 của Thủ tướng đã được gia hạn thực hiện.

Trần Huyền

Tạp chí tài chính

Các tin tức khác

>   Bộ Tài chính ra hướng dẫn về việc bán cổ phần lần đầu và quản lý tiền thu từ cổ phần hóa (04/06/2021)

>   Reuters: Thương vụ IPO của VinFast có thể bị trì hoãn (26/05/2021)

>   Năm 2021, SCIC sẽ thoái vốn 31 doanh nghiệp giao dịch trên sàn chứng khoán  (26/05/2021)

>   SCIC sẽ thoái vốn nhà nước tại SAB, FPT... trong năm 2021 (20/05/2021)

>   Một công ty hoa tiêu hàng hải chuẩn bị IPO vào ngày 17/06 (14/05/2021)

>   Genco 2 chuyển sang mô hình cổ phần từ tháng 7, chờ đón ‘mưa cổ tức’ từ công ty con (14/05/2021)

>   Bloomberg: Tập đoàn Masan muốn huy động 1 tỷ USD để đầu tư cho mảng thức ăn chăn nuôi (13/05/2021)

>   Liệu có cổ phần hóa Saigontourist hay không? (10/05/2021)

>   AAA: Thông báo kết quả đấu giá cổ phiếu (04/05/2021)

>   HOSE: Thông báo kết quả đấu giá cổ phiếu của Công ty Cổ phần Nhựa An Phát Xanh (04/05/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật