SCIC sẽ thoái vốn nhà nước tại SAB, FPT... trong năm 2021
SCIC vừa công bố danh sách 88 doanh nghiệp dự kiến thoái vốn nhà nước trong năm 2021. Trong đó, nổi bật là các "ông lớn" ngàn tỷ như Sabeco, FPT, Tổng công ty Sông Đà...
SCIC dự kiến thoái vốn tại Sabeco và nhiều doanh nghiệp khác trong năm 2021
|
Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) vừa công bố danh sách 88 doanh nghiệp đơn vị này dự kiến bán vốn trong thời gian tới, căn cứ vào Quyết định số 64/QĐ-ĐTKDV ngày 31/3/2021.
Trong 88 doanh nghiệp trên có nhiều doanh nghiệp có vốn điều lệ lớn lên tới hàng ngàn tỷ đồng như Tổng Công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) có vốn điều lệ hơn 6,412 tỷ đồng (SCIC sở hữu 36%); CTCP FPT có vốn điều lệ hơn 7,762 tỷ đồng (SCIC sở hữu gần 6%); Tập đoàn Bảo Việt có vốn điều lệ hơn 6,804 tỷ đồng (SCIC sở hữu 3%); Tổng công ty Sông Đà - CTCP có vốn điều lệ là hơn 4,495 tỷ đồng (SCIC sở hữu 99.79%); Tập đoàn dệt may Việt Nam có vốn điều lệ là 5,000 tỷ đồng (SCIC sở hữu 53.49%) hay TCT CP Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam có vốn điều lệ 1,218 tỷ đồng (SCIC sở hữu 36.3%).
Theo thông tin từ Cục Tài chính doanh nghiệp thuộc Bộ Tài chính, ba tháng đầu năm nay, SCIC đã thoái vốn tại 9 doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Cao su Việt Nam, Tập đoàn Viettel, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tổng công ty Thái Sơn, thu về 2,081 tỷ đồng.
Kết thúc năm 2020 vừa qua, SCIC đạt doanh thu hơn 7,909 tỷ đồng, tăng 21% và lợi nhuận sau thuế hơn 6,227 tỷ đồng, tăng 43.7% so với năm 2019. Năm nay, SCIC đặt mục tiêu đạt doanh thu 6,498 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 3,300 tỷ đồng, lần lượt giảm 18% và 46% so với thực hiện 2020. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu 5.7%. Đồng thời kế hoạch giải ngân đầu tư trong năm nay đạt 9,895 tỷ đồng.
Tốc độ thoái vốn vẫn còn chậm so với kế hoạch mặc dù việc thoái vốn, đẩy nhanh cổ phần hoá được Chính phủ hết sức quan tâm.
Để giải quyết vấn đề này, ông Đặng Quyết Tiến- Cục trưởng cục Tài chính doanh nghiệp (bộ Tài chính) cho biết, tới đây Bộ sẽ kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ mới có chỉ thị đôn đốc việc cổ phần hóa, thoái vốn.
Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương về tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn đối với các DNNN; thực hiện công tác giám sát, xử lý vướng mắc tài chính của các doanh nghiệp. Hoàn thiện Đề án “Cơ cấu lại DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021 – 2025”.
Nhật Quang
FILI
|