Thứ Năm, 03/06/2021 15:11

Nhịp đập Thị trường 03/06: Một ngày bừng sáng cho cả 3 sàn

HOSE nghẽn hệ thống, nhưng hôm nay TTCK VN lại tiếp tục thiết lập đỉnh thanh khoản mới. Cứ đà này, phiên giao dịch 2 tỷ USD cũng sẽ sớm đến mà thôi. Tuy nhiên, cũng nên nói tới một khả năng giúp thanh khoản vượt mức tưởng chừng là giới hạn khớp lệnh của sàn HOSE (24,000 tỷ đồng), là nhiều công ty chứng khoán không cho hủy hay sửa lệnh ngay từ sáng, do đó “tiết kiệm” không ít lệnh chuyển qua cho việc mua bán.

Chỉ số VN-Index sớm tiếp tục được đẩy lên ngay khi bước vào phiên chiều, và được treo ở mức cao cho đến khi đóng cửa, tăng hơn 23 điểm, mức tăng này gấp đôi bình quân phiên sáng. Cả 3 chỉ số phụ quan trọng trên sàn HOSE, bao gồm chỉ số nhóm VN30 và 2 nhóm Mid Cap lẫn Small Cap cũng đều tăng mạnh so với phiên sáng.

Nhóm VN30 chỉ có 2 mã xui xẻo giảm giá cuối ngày, và ngạc nhiên đó là FPTMSN. Hai mã này, thậm chí còn chưa có một deal khớp lệnh nào cao hơn tham chiếu trong cả ngày hôm nay. Ngoài ra, POW cũng trở thành cái tên hot trong nhóm, cùng MBB tăng trần cho đến khi đóng cửa. Tuy vậy, cũng chỉ có thêm 3 mã khác tăng giá hơn một nửa biên độ của sàn HOSESSI, HDBSBT, còn lại tăng nhẹ. So với Mid Cap, có lẽ Large Cap nhóm VN30 này vẫn chưa đạt “kỳ vọng” của cổ đông.

Tương tự nhóm VN30, IDCPVS là 2 mã xui xẻo 1 cách bướng bỉnh trong số Large Cap sàn HNX. Dù cũng có vài thời điểm 2 mã này tăng cao hơn tham chiếu, nhưng thực ra trong bối cảnh nhà nhà đua lệnh, cổ cổ tăng mạnh thì 2 mã này vẫn dành hầu hết thời gian chơi với sắc đỏ. Chỉ số HNX-Index cuối ngày cũng tăng cao hơn 2.45% (gần như cao nhất trong ngày), với lực đẩy từ nhiều mã chứng khoán và ngân hàng.

Trên sàn UPCoM thì có khác biệt khá lớn so với sàn niêm yết, ở nhóm Large Cap. Dù chỉ số cũng tăng hơn 1.4% và đóng cửa ở mức cao trong ngày, nhưng trong nhóm Large Cap lại có không ít mã giảm giá, trong đó phải kể đến GE2 (giảm tới 14.1%), OIL, TVN, VGT, SIP hay MCH. Trong số này, SIP là cổ phiếu cũng thuộc loại giảm cứng trong ngày.

Nhóm BĐS công nghiệp vẫn là nhóm tiêu cực hiếm thấy trong phiên chiều. Tình hình có vẻ không mấy cải thiện cho cả nhóm, dù BCM đã kịp quay trở lại tham chiếu vào đúng phút chót, sau phiên sáng có lúc giảm tới gần 4%. Ở nhóm này, nhiều mã giảm giá, dù chỉ giảm loanh quanh 1% như IDC, SIP, NTC, SZL, VRG, LHG… tăng giá được trên 2% có vài mã tên tuổi như ITA, TID hay BII.

Dệt may có dấu hiệu tiêu cực nhiều hơn trong phiên chiều, nếu phiên sáng xanh bát ngát thì đến chiều trở nên phân hóa, với không ít mã quay qua giảm giá như ADS, GMC, MNB, TNG hay TVT. Đại gia VGT đầu phiên chiều còn tăng được 400 đồng, nhưng cứ lùi dần, lùi dần đều và đóng cửa giảm 200 đồng so với tham chiếu.

Ngoài 2 nhóm nói trên, đa phần các nhóm ngành còn lại đều có kết quả rất tích cực, thậm chí có nhóm ngành không có mã nào giảm giá dù chỉ 1 line.

Phiên sáng: Mid Cap giúp VN-Index tiếp tục phá đỉnh

Đến cuối phiên sáng, VN-Index đạt mức cao nhất 1,357.3 điểm, tăng hơn 16 điểm so với cuối chiều qua. VN30-Index cũng tăng hơn 16 điểm, nhưng lùi 1 chút so với khoảng 11h. 2 chỉ số phụ nhóm Mid và Small Cap sàn HOSE cũng tăng mạnh trong nửa cuối phiên sáng, và nhiều khả năng chính dòng Mid Cap đã giúp VN-Index tiếp tục lên đỉnh khi Large Cap có dấu hiệu xả cuối phiên.

Hầu hết các nhóm ngành vẫn có kết quả tích cực trên cả 3 sàn, tuy nhiên 2 nhóm dược phẩm và nhất là BĐS công nghiệp vẫn có nhiều mã đi ngược, đỏ gần như suốt phiên sáng. BCM, LHG, NTC, SIP, IDC, TIP… là những ví dụ như vậy.

MBB đang là cổ phiếu nổi bật nhất nhóm ngân hàng với đa số thời gian tím lịm. Tuy nhiên điều thú vị cũng ở mã này, khi khối ngoại nhân màu tím hóa sim mà bán ròng hơn 4,3 triệu cổ phiếu. VPB cũng là mã nổi bật khác trong nhóm, nhưng ở phía giảm giá.Cổ phiếu này sau khi leo đỉnh thần tốc, ra tin bán cổ phần tại FE Credit thì giống như mất động lực, tăng nhẹ nhàng và gần như là đi ngang vào lúc này. Tất nhiên giá VPB vẫn chưa hề giảm, nhưng với cổ đông, có lẽ hơi thất vọng bởi nhiều ngân hàng khác lúc này lại chạy rất nhanh.

MPC đang là 1 Large Cap khác nổi bật trên sàn UPCoM, khi tăng đến 12.5%. Chỉ số sàn này cũng vì thế mà được kéo lần đầu tien lên 90 điểm. Tuy nhiên vẫn có những Large Cap khác tăng đáng chú ý như VGI, VEA, ACV, KLB, MSR… Giảm đáng tiếc chỉ số MCH, SIP, OIL hay TVN.

Nhóm chứng khoán tiếp tục nổi nhất 3 sàn với hàng loạt mã tăng hơn 6%, nhất là các mã tầm trung. Có vẻ như cổ phiếu nhóm này đều vui, khi thanh khoản khủng và có vẻ bền vững, dù thị phần thì các đại gia Top10 gần như chiếm gần hết.

HPG sáng nay bị khối ngoại bán ròng đến hơn 11 triệu cổ phiếu, lượng bán chiếm gần 40% tổng lượng khớp của mã này sáng nay, giá cổ phiếu có lẽ cũng vì thế mà luôn dao động quanh tham chiếu, lúc tăng được 600 đồng, lúc giảm mất 900 đồng. Thông tin con Chủ tịch tập đoàn bị UBCKNN yêu cầu dừng mua không rõ có tác động lên tâm lý NĐT hay không, nhưng dù sao việc dừng mua chỉ mang tính thủ tục.

10h30: VN-Index có lúc chùng xuống nhưng tiền lại vào thêm

VN-Index chùng xuống 1 đoạn ngắn trong nửa đầu phiên sáng, rồi… lại bật tăng. Dòng tiền có vẻ cuồn cuộn, không cản nổi. Chỉ số nhóm VN30 đã tăng còn cao hơn thời điểm ATO, nhưng nếu xét về %, chỉ số nhóm Mid Cap sàn HOSE vẫn là tăng mạnh nhất.

Lúc này thật khó tìm ra nhóm ngành nào chìm trong sắc đỏ, trừ nhóm BĐS công nghiệp hay dược phẩm (gọi là phân hóa đúng hơn). Nhưng mà trên sàn HOSE vẫn có 1 số tên tuổi giảm giá, ví dụ như VPB, VRE, OIL, MCH, BCMMSN giảm đến gần 2.5% là điều có lẽ rất bất ngờ.

Chỉ số HNX-Index cũng đã đạt mức cao nhất trong ngày, khi được nhóm chứng khoán hỗ trợ mạnh, ví dụ như MBS, BVS, SHS… Đa số Large Cap sàn này vẫn tăng, nhưng IDC vẫn giảm không rõ vì sao.

Tình hình trên sàn UPCoM có vẻ không tích cực bằng 2 sàn niêm yết, chỉ số chính sàn này có lúc giảm về dưới tham chiếu, và mới chỉ hồi lại 1 đoạn. Đa số Large Cap sàn này vẫn tăng, nhưng lại pha vài chấm đỏ ở MCH, TVN hay OIL.

Khối ngoại đang bán ròng. Trên HOSE họ bán mạnh ở VRE, HPG hay MBB. Ở chiều mua ròng, xét về giá trị không có mã nào mua đáng kể, nhưng xét về khối lượng thì có… FLC.

Mở cửa: Khởi đầu tăng ngay trên diện rộng

VN-Index mở cửa tăng ngay gần 10 điểm, với sự hỗ trợ từ nhóm ngân hàng và một số Large Cap khác như GAS, NVL, VIC… Tâm lý tích cực vẫn lan đều trên hầu hết các nhóm ngành, thậm chí nhóm Mid Cap sáng nay còn chạy nhanh hơn Large Cap.

Thị trường bắt đầu bước vào tháng 6, cũng là tháng cuối của quý 2, như vậy tức là sắp đến mùa công bố BCTC quý 2 và bán niên. Với mặt bằng cùng kỳ năm trước thấp, và kinh tế khởi sắc trong nửa đầu năm nay, dự báo sớm là sẽ có rất nhiều doanh nghiệp hay nhóm ngành công bố mức tăng trưởng lợi nhuận cao trong mùa báo cáo tới. Đây cũng chính là nền tảng hỗ trợ quan trọng nhất cho thị trường lúc này, bên cạnh dòng tiền ồ ạt của NĐT nội địa.

Nhóm chứng khoán tiếp tục tăng mạnh, dù nhiều mã đi vào vùng quá mua kỹ thuật (có lẽ nhiều người mua không biết hay không để ý điều này). Những mã nhỏ như TVB, PSI thừa cơ tăng hơn 9%, những mã tầm trung khác cũng tăng 3-4% như CTS, FTS, VDS… Tuy nhiên điều NĐT cần lưu ý là có không ít công ty thông báo ngưng chức năng sửa hay hủy lệnh, do đó cần cân nhắc kỹ lưỡng mức giá khi đặt lệnh.

Chỉ số các sàn HNX và UPCoM cũng sớm tăng trước thời điểm ATO, và đến khi VN-Index xác lập giá trị, thì các chỉ số 2 sàn này cũng tăng tương đương, với sự giúp đỡ của đa số Large Cap. Trên HNX, chỉ có IDC tự dưng đi ngược, giảm nhẹ gần 1%. Trên UPCoM, đi ngược cũng có TVN, SIP hay VGT.

Nhóm dầu khí tiếp tục tăng neo theo giá dầu. Thông tin OPEC+ giữ nguyên kế hoạch nới lỏng kiểm nguồn cung, nhưng vẫn thấp hơn dự báo nhu cầu đã khiến giá dầu thế giới tiếp tục tăng, và chạm đỉnh 1 năm. Dù kinh doanh có độ trễ, nhưng đa số cổ phiếu nhóm dầu khí nhà PVN cũng tăng giá, vì dù sao mức giá dầu thế giới đã cao hơn điểm hòa vốn của doanh nghiệp 25-30%.

Hoàng Nam

FILI

Các tin tức khác

>   Vietstock Daily 03/06: Khối lượng giao dịch tăng cao bất chấp HOSE nghẽn lệnh (02/06/2021)

>   Chứng khoán phái sinh Ngày 03/06/2021: Vùng 1,530-1,550 điểm vẫn là mục tiêu của VN30-Index (02/06/2021)

>   Thị trường chứng quyền 03/06/2021: CVPB2015 đang được định giá hấp dẫn (02/06/2021)

>   Nhịp đập Thị trường 02/06: Kết phiên trong sắc xanh (02/06/2021)

>   Vietstock Daily 02/06: Hệ thống giao dịch tiếp tục gây lo ngại cho nhà đầu tư (01/06/2021)

>   Chứng khoán phái sinh Ngày 02/06/2021: Đà tăng tiếp tục được củng cố (01/06/2021)

>   Thị trường chứng quyền 02/06/2021: Tốt xấu đan xen (01/06/2021)

>   Nhịp đập Thị trường 01/06: Dòng tiền dịch chuyển sang hai sàn HNX và UpCoM (01/06/2021)

>   Vietstock Daily 01/06: Ngành chứng khoán và khai khoáng sẽ tiếp tục dẫn sóng (31/05/2021)

>   Chứng khoán phái sinh Ngày 01/06/2021: Phe Long nối dài chuỗi thắng (31/05/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật