Kiến nghị cho thuê nhà từ 200 triệu/năm mới phải chịu thuế
Đó là kiến nghị của HoRea liên quan đến quy định trong Thông tư 40 việc hướng dẫn thuế giá trị gia tăng (VAT), thuế thu nhập cá nhân (TNCN) của Bộ Tài chính, dang gây nhiều tranh cãi hiện nay.
Nhà cho thuê bị tác động nặng nền bởi dịch Covid - 19. Ảnh: Đình Sơn
|
Gần 25 năm mới thu hồi vốn
Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), Thông tư 40 quy định cá nhân cho thuê nhà có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm phải nộp thuế thu nhập cá nhân (TNCN) 5%, thuế giá trị gia tăng (VAT) 5% (tổng thuế suất hai loại thuế này là 10% trên doanh thu) quá cao nên trước mắt có thể nâng hạn mức doanh thu cho thuê nhà trên 200 triệu đồng/năm mới phải chịu thuế sẽ hợp lý hơn và tạo điều kiện để khuyến khích phát triển thị trường nhà cho thuê.
Cụ thể, theo tính toán của HoREA, đối với thuế VAT quy định trong Thông tư 40 có một số điểm bất hợp lý, chưa công bằng giữa các đối tượng cho thuê nhà nên rất cần được xem xét sửa đổi cho phù hợp với các luật Thuế và tình hình thực tiễn.
Bởi như tại các quận ven trung tâm TP.HCM, một căn hộ trung cấp 2 phòng ngủ 75 m2 có giá bán khoảng 3,5 - 4 tỉ đồng. Nếu chỉ cho thuê với giá khoảng 12-15 triệu đồng/tháng, doanh thu cho thuê nhà 1 năm chỉ khoảng 144-180 triệu đồng. Như vậy, thời gian thu hồi vốn gốc khoảng từ 19-24 năm, trong lúc chủ nhà vừa phải bỏ ra nguồn vốn đầu tư có giá trị lớn, vừa phải trả lãi vay, vừa phải chịu trách nhiệm bảo trì nhà... Mặc dù người cho thuê vẫn có sở hữu căn nhà, nhưng mức hấp dẫn của thị trường nhà cho thuê bị sụt giảm.
Không những vậy, hiện nay các tính thuế TNCN của nhà nước còn miễn trừ gia cảnh đối với người đóng thuế và người phụ thuộc. Nên đối với thu nhập từ cho thuê nhà cũng cần quy định các điều khoản miễn trừ gia cảnh.
Chủ nhà điêu đứng
Mấy tháng trước đây, tại quận 11 (TP.HCM) thực hiện thí điểm đánh thuế cho thuê nhà đã tác động đến thị trường nhà cho thuê, nhất là trong điều kiện đại dịch CoViD-19 đang bùng phát lần thứ 4, làm cho nhiều chủ nhà cho thuê bị điêu đứng do bị trả lại mặt bằng, trả lại nhà cho thuê.
Kiến nghị nâng mức thu nhập chịu thuế lên 200 triệu đồng/năm thay vì 100 triệu đồng/năm như quy định. Ảnh: Đình Sơn
|
HoREA còn đưa ra dẫn chứng, ở các nước công nghiệp phát triển như châu Âu và Bắc Mỹ có khoảng trên dưới 70% dân số lựa chọn phương thức thuê nhà để ở là chủ đạo. Trong lúc ở nước ta vẫn còn nặng tâm lý thích mua và sở hữu nhà. Nhưng trong những năm gần đây, trong giới trẻ đang dần xuất hiện khuynh hướng thuê nhà. Đây là xu thế cần được khuyến khích, vì phù hợp với chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế, tái phân bổ lực lượng lao động, tạo nên dòng chảy sức lao động linh hoạt, hướng đến các địa phương, các địa chỉ cần lao động, kể cả xu hướng “nhảy việc” của người lao động trẻ để tích luỹ nhiều kỹ năng, nhiều kinh nghiệm, không còn bị “định kiến” xấu như trước đây.
Trong khi đó, luật Nhà ở 2014 “khuyến khích các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tham gia phát triển nhà ở để cho thuê, cho thuê mua, bán theo cơ chế thị trường, nhưng trên thực tế thì phân khúc thị trường nhà cho thuê vẫn còn chiếm tỷ lệ rất thấp, mới chỉ đáp ứng một phần nhu cầu thuê nhà của người nước ngoài, công nhân lao động, người nhập cư hoặc cho thuê nhà, một phần nhà làm văn phòng, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ.
“Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính xem xét, trước mắt có thể nâng hạn mức doanh thu cho thuê nhà trên 200 triệu đồng/năm mới phải chịu thuế GTGT, thuế TNCN thì hợp lý hơn và tạo điều kiện để khuyến khích phát triển thị trường nhà cho thuê, để hỗ trợ cho người có nhà cho thuê và cũng là hỗ trợ gián tiếp cho người thuê nhà vượt qua khó khăn do đại dịch CoViD-19”, HoREA kiến nghị.
Đình Sơn
Thanh niên
|