Ngân sách tăng thu vẫn lo ngay ngáy
Thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2021 ước khoảng 745.000 tỷ đồng, tăng gần 11% so với cùng kỳ năm 2020, nhưng Bộ Tài chính khá lo lắng vì số thu ngân sách đang giảm dần.
Bộ Tài chính dự kiến, thu ngân sách 6 tháng đầu năm đạt 745.000 tỷ đồng, bằng 55,5% dự toán, tăng gần 11% so với cùng kỳ năm 2020
|
Tăng thu từ nguồn đột biến
Bộ Tài chính dự kiến, trong tháng 6/2021, thu ngân sách đạt khoảng 77.000 tỷ đồng, nhờ đó, trong 6 tháng ước thu 745.000 tỷ đồng, đạt 55,5% dự toán, xấp xỉ so với số thu đạt được trong 6 tháng đầu năm 2019 - năm thu ngân sách đạt tốt nhất trong nhiều năm trở lại đây. Đặc biệt là mặc dù hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn gặp nhiều khó khăn nhưng thu nội địa 6 tháng ước đạt 53,5% dự toán, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2020.
Tuy nhiên, số tăng thu ngân sách đạt được trong 6 tháng đầu năm lại không phải từ hoạt động sản xuất, kinh doanh mà chủ yếu ở những nguồn thu bấp bênh khác.
Theo số liệu của Tổng cục Thuế, trong 5 tháng đầu năm, thu nội địa đạt 575.677 tỷ đồng, bằng 51,6% so với dự toán và tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, nếu loại trừ những khoản tăng thu bất thường, đột biến trong 5 tháng đầu năm thì tổng thu ngân sách do cơ quan thuế quản lý chỉ còn tăng 5,3%.
Ông Cao Anh Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, số thu nội địa trong 5 tháng đầu năm tăng khá chủ yếu do một số nguồn thu được hưởng lợi từ các chính sách tài khoá, tiền tệ trong năm 2020 và một số ngành tăng trưởng nóng như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản; sản xuất, lắp ráp ô tô...
Cụ thể, tăng trưởng tín dụng và huy động vốn năm 2020 đã góp phần tăng lợi nhuận của các nhà băng dẫn đến số thuế thu nhập doanh nghiệp quý IV/2020 (nộp vào quý I/2021) của các ngân hàng tăng khoảng 4.500 tỷ đồng so với cùng kỳ. Nhiều dự án bất động sản được chuyển nhượng vào cuối năm 2020, thực hiện nghĩa vụ tài chính với ngân sách nhà nước vào đầu năm 2021 đã làm tăng thu đột biến thuế thu nhập doanh nghiệp từ chuyển nhượng bất động sản khoảng 6.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, trong những tháng đầu năm 2021, sau đợt ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 năm 2020, hoạt động sáp nhập, hợp nhất, đánh giá lại tài sản khi góp vốn, chuyển nhượng vốn tăng làm tăng thu đột biến thuế thu nhập doanh nghiệp 5.000-6.000 tỷ đồng.
Năm 2020, thực hiện chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước dẫn đến lượng ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước tiêu thụ mạnh vào cuối năm, trong đó, riêng trong tháng 12/2020, số lượng ô tô tiêu thụ tăng gấp 2 lần giúp ngân sách nhà nước tăng thu khoảng 4.000 tỷ đồng trong quý I/2021.
Ngoài ra, thị trường chứng khoán và bất động sản tăng trưởng nóng trong những tháng đầu năm cũng góp phần tăng thu từ lệ phí trước bạ nhà đất, thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng chứng khoán và chuyển nhượng bất động sản.
Số thu đang giảm dần
Ngay cả việc ngân sách đạt được 55,5% dự toán trong 6 tháng đầu năm (mức khá cao so với cùng kỳ các năm gần đây), theo ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cũng chưa phản ánh được thực tế. Nguyên nhân là do công tác đánh giá, dự báo kết quả thu ngân sách nhà nước năm 2021 chưa tích cực, làm cho việc lập dự toán thu không sát với thực tế.
Ông Hải cho biết, việc lập dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2021 dựa trên cơ sở số thu 9 tháng đầu năm 2020 và dự báo số thu của cả năm 2020. Khi đó, Bộ Tài chính dự báo ngân sách nhà nước năm 2020 bị hụt thu rất lớn (gần 180.000 tỷ đồng) do ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, thiên tai, bão lũ nên lập dự toán thu năm 2021 rất khiêm tốn vì vậy kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm so với dự toán khá cao.
Nhiều khả năng trong 6 tháng đầu năm số thu ngân sách sẽ đạt 55,5% dự toán nhưng vẫn khiến Bộ Tài chính lo lắng, bởi tất cả các nguồn thu đột biến trong 5 tháng đầu năm đang giảm mạnh, thậm chí sẽ không còn (như thu từ hoạt động sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước do chấm dứt chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ) khiến số thu ngân sách giảm dần qua từng tháng.
Theo tính toán của Bộ Tài chính, nếu trong tháng 6 này, ngân sách thu được 77.000 tỷ đồng, thì giảm 21.600 tỷ đồng (giảm 22%) so với tháng 5/2021. Trong khi đó, tháng 5/2021, tổng thu ngân sách đạt 98.600 tỷ đồng đã giảm 40.000 tỷ đồng so với tháng 4/2021. Điều đáng nói là toàn bộ số tiền ngân sách giảm thu đều giảm từ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước, còn số thu từ hoạt động xuất-nhập khẩu vẫn tiếp tục đà tăng trưởng nhờ kim ngạch nhập khẩu một số nhóm hàng có số thu ngân sách lớn tăng mạnh, như ô tô nguyên chiếc; sắt thép các loại; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng...
Nguyên nhân, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, ông Hồ Đức Phớc là do ảnh hưởng của đợt dịch Covid-19 tái bùng phát từ cuối tháng 4; hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, địa phương bắt đầu khó khăn, cộng thêm việc triển khai gia hạn một số khoản thuế, tiền thuê đất theo Nghị định 52/2021/NĐ-CP đã ảnh hưởng đến kết quả thu ngân sách.
Chưa kể, cũng do khó khăn khiến số nợ thuế của doanh nghiệp có xu hướng tăng (tổng số nợ thuế nội địa đến 31/5/2021 ước khoảng 120.460 tỷ đồng); tình trạng gian lận, trốn lậu thuế, nhất là quản lý thu thuế đối với các hoạt động kinh doanh trên môi trường mạng.
Ngoài ra khoản thu trị giá 40.000 tỷ đồng đã được đưa vào dự toán năm 2021 là thu từ hoạt động xắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước (cổ phần hoá, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp) trong 5 tháng đầu năm mới thu được 228 tỷ đồng và cũng chưa có tín hiệu khởi sắc trong những cuối năm. Vì theo ông Phớc, tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước vẫn bị vướng mắc về sắp xếp lại, xử lý nhà, đất, định giá tài sản, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và sự thiếu quyết liệt trong triển khai ở một số bộ, ngành, địa phương.
Mạnh Bôn
Báo Đầu Tư
|