Financial Times: Đây chưa phải là siêu chu kỳ hàng hóa
Giá hàng hóa đã leo lên mức rất cao trong năm nay. Giá quặng sắt và đồng chạm mức kỷ lục trước khi quay đầu giảm sau khi Trung Quốc đưa ra những biện pháp hạ nhiệt giá hàng hóa. Giá nhôm cũng tăng mạnh trong khi giá dầu dao động quanh 75 USD/thùng. Vậy chúng ta có phải đang bước vào một siêu chu kỳ hàng hóa mới hay không?
Theo quan điểm của Jumana Saleheen và Lavan Mahadeva trên trang Financial Times, đây chỉ là chu kỳ kinh doanh bình thường chứ không phải siêu chu kỳ.
Theo định nghĩa của các chuyên gia này về siêu chu kỳ dựa trên định nghĩa của nhà kinh tế học người Nga Nikolai Kondratieff. Đối với thị trường hàng hóa, một siêu chu kỳ có nghĩa là giá sẽ giữ ở xu hướng tăng trong 10 – 35 năm.
Siêu chu kỳ là sự kiện khá đặc biệt. Trong 150 năm qua, thế giới mới chỉ trải qua 4 siêu chu kỳ nhưng lại có rất nhiều chu kỳ kinh doanh bình thường.
Jumana Saleheen và Lavan Mahadeva tin rằng giá hàng hóa sẽ rời khỏi đỉnh hiện tại nhưng vẫn dao động ở mức tương đối cao trong vài năm tới. Tuy nhiên, họ dự báo giá hàng hóa sẽ không thể liên tục tăng trong một thập kỷ, vốn là điều cần thiết để xảy ra một siêu chu kỳ.
Mỗi hàng hóa diễn biến khác nhau, nhưng mẫu hình chung hiện tại là giá tăng cao hơn do nhu cầu mạnh và thiếu nguồn cung.
Về phía nhu cầu, hai chuyên gia này cho rằng nhu cầu hàng hóa đang hưởng lợi một cách không đồng đều từ đà hồi phục của kinh tế từ đại dịch Covid-19. Các lệnh phong tỏa và giãn cách xã hội kìm chân người dân ở nhà nhiều hơn và chi tiêu mạnh tay hơn mức bình thường cho các mặt hàng như máy giặt, thiết bị tập thể dục, đồ điện tử và nhà ở.
Điều này khiến tổng mức chi tiêu cho hàng hóa lâu bền tăng nhanh hơn so với xu hướng đại dịch. Chính nhu cầu này đã đẩy giá thép, đồng, quặng sắt và nhôm tăng lên.
Tuy nhiên, đà tăng của nhu cầu hàng hóa công nghiệp sẽ không tồn tại lâu. Khi các lệnh phong tỏa được nới lỏng, người tiêu dùng sẽ chuyển từ hàng hóa sang dịch vụ. Cụ thể hơn, họ sẽ bắt đầu đi đến quán bar, nhà hàng, đi xem phim và đi du lịch. Khoản chi tiêu cho hàng lâu bền sẽ giảm, và kéo theo đà giảm của nhu cầu nguyên liệu thô.
Vậy còn nhu cầu đến từ các kế hoạch kích thích kinh tế thông qua đầu tư vào cơ sở hạ tầng của Chính phủ các nước thì sao? Nhu cầu hàng hóa của Trung Quốc đặc biệt mạnh mẽ. Tuy nhiên, Jumana Saleheen và Lavan Mahadeva nhận thấy nhu cầu đang bắt đầu giảm, khi mà Bắc Kinh phát tín hiệu siết chặt chính sách tiền tệ và tài khóa.
Thỏa thuận Xanh của Liên minh châu Âu (EU) và gói đầu tư hạ tầng của Tổng thống Joe Biden không phải là những yếu tố làm thay đổi cuộc chơi. Theo nhận định của hai chuyên gia, các kế hoạch này sẽ chỉ thúc đẩy nhu cầu kim loại công nghiệp tăng nhẹ.
Về phía cung, tính bền vững của môi trường và mục tiêu giảm phát thải ngày càng được chú trọng ở nhiều nước. Gần đây, Trung Quốc đang thể hiện mong muốn hạn chế nhiệt điện than.
Điều này đã khiến các chuyên gia hạ bớt dự báo về nguồn cung hàng hóa tương lai, nhất là nhôm và thép. Giá hàng hóa sẽ tụt khỏi các mức đỉnh hiện nay, nhưng vẫn sẽ cao hơn mức dự báo 1 năm trước đó.
Chẳng hạn như đồng. Sản lượng đồng đang cao hơn dự báo, nhưng đại dịch Covid-19 và các mối lo ngại về đầu tư và môi trường vẫn là mối đe dọa đối với nguồn cung kim loại này.
Trong khi đó, một loạt nhà máy mới được cho là sẽ đi vào hoạt động trong giai đoạn 2021 – 2023 nên giá kim loại này có thể giảm trong vài năm tới, dù vẫn cao hơn nhiều so với chi phí biên của ngành.
Từ giữa thập niên này, doanh nghiệp đã bắt đầu hạn chế đầu tư mới vào khai thác kim loại đồng. Nguồn cung có thể không bắt kịp nhu cầu và thúc đẩy giá đồng lên cao hơn. Có một số dự án có thể đáp ứng được nhu cầu đồng ngày càng tăng trong lĩnh vực điện khí hóa và năng lượng tái tạo. Nhưng với những lo ngại về môi trường, sự phức tạp của các mỏ khai thác và bất ổn chính trị, nguồn cung cần thiết sẽ chỉ có khi người mua chịu trả giá cao hơn so với mức giá trong quá khứ.
Cuối cùng, xét về các yếu tố không cơ bản, nỗi sợ lạm phát đã kích thích làn sóng đầu cơ ồ ạt vào hàng hóa và các cổ phiếu liên quan.
Jumana Saleheen và Lavan Mahadeva cho rằng lạm phát gia tăng chỉ là tạm thời và thế giới sẽ không trở lại tình trạng giống như những năm 1970. Vì vậy, làn sóng đầu cơ này có thể dẫn tới một đợt điều chỉnh.
Tình trạng mất cân bằng giữa cung và cầu do thế giới dần phục hồi từ đại dịch Covid-19 có thể sẽ giảm bớt phần nào khi các nền kinh tế mở cửa và người tiêu dùng thay đổi xu hướng chi tiêu. Tuy nhiên, các kế hoạch của kinh phủ liên quan tới biến đổi khí hậu vẫn còn nhiều sự không chắc chắn và thế giới có thể xuất hiện thêm nhiều tin tức mới làm thay đổi đánh giá của giới chuyên gia. Hai chuyên gia này đánh giá, cho tới lúc đó, đây vẫn chỉ là một chu kỳ giá hàng hóa bình thường, chứ không phải là một siêu chu kỳ.
Vũ Hạo (Financial Times)
FILI
|