Trung Quốc điều tra thị trường quặng sắt, giá lập tức lao dốc 9%
Bắc Kinh vừa khởi động cuộc điều tra về hoạt động giao dịch của quặng sắt như một phần của một chiến lược kìm hãm đà tăng của giá hàng hóa.
Trong tuyên bố đưa ra vào ngày 21/06, Ủy ban Phát triển và Cải cách Quốc gia (NDRC) – cơ quan hoạch định kinh tế hàng đầu của Trung Quốc – cho biết sẽ điều tra “nạn đầu cơ” trên thị trường quặng sắt và “trừng phạt thẳng tay” với các hành vi sai trái.
Đây là động thái mới nhất của các nhà quyết sách Trung Quốc trong chiến dịch kìm hãm đà tăng của thị trường hàng hóa. Đà tăng của các nguyên vật liệu thô trong thời gian qua đã đẩy chỉ số giá sản xuất (PPI) của Trung Quốc lên cao nhất kể từ năm 2008 và đe dọa bóp nghẹt biên lợi nhuận của các ngành công nghiệp.
Tuần trước, các cơ quan chức trách Trung Quốc cam kết giải phóng dự trữ kim loại quốc gia để giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn cung và kìm hãm đà tăng giá. Trung Quốc hiện đang là quốc gia tiêu thụ quặng sắt lớn nhất thế giới, tiêu hụt hơn 70% sản lượng quặng sắt toàn cầu.
“Sự can thiệp này cho thấy họ đang rất bực tức, họ đang cố giảm rủi ro lạm phát từ đà tăng của giá hàng hóa”, Tom Price, Trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa tại Liberum, cho hay.
Hợp đồng tương lai quặng sắt lao dốc sau thông tin trên, trong đó hợp đồng giao dịch sôi động nhất trên sàn Đại Liên giảm 9% xuống 173 USD/tấn. Trên thị trường vật chất – nơi các công ty khai thác và nhà máy sản xuất thép mua và bán, giá quặng sắt giảm 5% xuống 206.55 USD, theo dữ liệu từ S&P Global Platts.
Giá quặng sắt tăng lên mức kỷ lục hơn 230 USD/tấn trong tháng 5/2021, nhờ nhu cầu mạnh từ Trung Quốc và sự gián đoạn nguồn cung tại Australia và Brazil. Đà tăng của giá quặng sắt giúp các nhà sản xuất quặng sắt lớn – như Rio Tinto, BHP Group và Vale – “ăn nên làm ra”.
Trong tuyên bố, NDRC cho biết sẽ “theo dõi chặt chẽ sự thay đổi trong giá quặng sắt giao ngay, nhanh chóng điều tra các giao dịch bất thường và nạn đầu cơ, đồng thời sẽ trừng phạt thẳng tay và phơi bày các hành vi như độc quyền, lan truyền thông tin để đẩy giá và đầu cơ tích trữ”.
Giá kim loại cao và nhu cầu suy giảm đã bóp nghẹt hoạt động làm ăn của các ngành công nghiệp nặng tại Trung Quốc. Giá sản xuất (PPI) tăng 9% trong tháng 5/2021, trong khi giá tiêu dùng (CPI) dường như không đổi. Điều này cho thấy các nhà sản xuất đang hứng chịu phần tăng chi phí và chưa chuyển lại chi phí cho người tiêu dùng.
Tuy nhiên, giá hàng hóa vừa giảm mạnh trong tuần trước vì sự thay đổi trong giọng điệu của Fed và các đợt can thiệp của Trung Quốc. Giá đồng chạm mức kỷ lục 10,500 USD/tấn trên sàn giao dịch kim loại London trong tháng trước, nhưng đã giảm về 9,000 USD/tấn sau đó.
Chỉ số hàng hóa của Bloomberg đạt đỉnh trước đó trong tháng 6/2021, nhưng giờ đã quay đầu giảm 5%, trong đó có bao gồm cả đà giảm của giá vàng.
Myles Allsop, Chuyên viên phân tích UBS, cho biết giá quặng sắt đang tiến gần một “điểm uốn” vì các đợt thắt chặt tín dụng và nguồn cung của Trung Quốc. “Nhu cầu thép cũng hạ nhiệt trong 6 tháng cuối năm 2021, khi mà Trung Quốc siết tín dụng”, ông nói.
Vũ Hạo (Theo Financial Times)
FILI
|