Dịch vẫn lan nhanh, TP.HCM cần thêm 'thuốc mới'?
Số ca nhiễm tại TP.HCM vẫn tăng lên, ở mức 3 con số mỗi ngày, dù đa số ở trong khu cách ly, khu phong tỏa nhưng đó là dữ liệu quan trọng đánh giá mức độ kiểm soát dịch bệnh sau thời gian thực thi nhiều biện pháp quyết liệt.
Chiến dịch lấy mẫu xét nghiệm tầm soát Covid-19 trên diện rộng ở TP.HCM kéo dài đến hết ngày 5.7 Ảnh: Độc Lập
|
Ca mắc, chuỗi lây nhiễm liên tục tăng
Tối 30.5, UBND TP.HCM ra thông báo từ ngày 31.5 - 15.6 sẽ áp dụng giãn cách xã hội toàn thành phố theo Chỉ thị 15; riêng Q.Gò Vấp và P.Thạnh Lộc (Q.12) áp dụng Chỉ thị 16 sau những diễn biến căng thẳng, khó lường từ chuỗi lây nhiễm Điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng (hẻm 415 Nguyễn Văn Công, P.3, Q.Gò Vấp). Hàng loạt dịch vụ không thiết yếu buộc phải dừng hoạt động để kìm hãm sự lây lan của dịch bệnh ra các quận, huyện khác. Các biện pháp mạnh được lãnh đạo Thành ủy và UBND TP.HCM đưa ra với mục tiêu đuổi kịp và chặn đứng dịch bệnh, sớm đưa cuộc sống người dân trở về trạng thái bình thường.
Sau 2 tuần giãn cách, ổ dịch ở Q.Gò Vấp và P.Thạnh Lộc được kiểm soát nhưng lại xuất hiện thêm nhiều chuỗi lây nhiễm mới ở Q.Bình Thạnh, Q.Bình Tân, Q.Tân Phú… và càng đáng lo ngại hơn khi dịch bệnh xâm nhập vào các bệnh viện, khu công nghiệp, cơ sở sản xuất.
Có thể đưa ra 2 con số mà Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) thống kê để so sánh, tính từ khi có dịch (tháng 1.2020) đến ngày 30.5.2021, TP.HCM có 427 ca nhiễm, không ai tử vong; trong khi từ 31.5 đến hết ngày 19.6 (thời điểm thông báo ban hành Chỉ thị 10), TP.HCM có thêm 1.270 ca (bao gồm 2 ca tử vong), bình quân 63,5 ca/ngày. Còn nếu tính từ đầu đợt dịch thứ 4 (27.4) đến 19.6 số mắc là 1.569 ca, bình quân mỗi ngày 65,375 ca.
Trong tuần đầu giãn cách, số ca phát hiện có xu hướng giảm, chủ yếu là các ca từ chuỗi Điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng thì trong tuần thứ 2 ghi nhận thêm 310 ca thuộc các chuỗi lây nhiễm mới trong cộng đồng. Có thể kể đến các chuỗi lây nhiễm lớn như: khu dân cư EHome 3 (Q.Bình Tân), xưởng cơ khí H.Hóc Môn, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, chuỗi lây nhiễm tại xã Tân Hiệp (H.Hóc Môn)...
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 trưa 14.6, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong quyết định gia hạn thời gian thực hiện Chỉ thị 15 thêm 2 tuần kể từ ngày 15.6; đồng thời cho biết sau tuần đầu sẽ đánh giá lại tình hình và áp dụng linh hoạt cả 3 chỉ thị: 15, 16 và 19 theo thực tế từng địa phương. Đây là bước thay đổi chiến thuật của TP.HCM khi thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch vừa duy trì sản xuất.
Trong buổi họp báo chiều cùng ngày (14.6), trả lời câu hỏi TP.HCM có kiểm soát được dịch bệnh Covid-19 sau 2 tuần hay không, Giám đốc HCDC Nguyễn Trí Dũng nói rằng không có nhà chuyên môn nào dám khẳng định giãn cách 2 tuần sẽ thành công; đồng thời dẫn chứng ở nước ngoài, việc giãn cách có khi kéo dài tới vài tháng. Việc kiểm soát dịch phụ thuộc vào ít nhất 2 yếu tố, gồm sự phát tán của mầm bệnh trong cộng đồng và việc tuân thủ các biện pháp giãn cách của người dân.
Đến nay, theo đánh giá của các chuyên gia, sở dĩ sau cả tháng thực hiện giãn cách mà số ca tăng lên là do giãn cách không có tác dụng, dịch bệnh vẫn lây trong nhà, hàng xóm. Bên cạnh đó là công tác truy vết còn chậm, xét nghiệm lâu. Cũng trong thời gian giãn cách xã hội, TP.HCM phải đối mặt với chủng vi rút Delta được đánh giá có khả năng lây lan nhanh, đa số bệnh nhân không có triệu chứng. Sự lây nhiễm từ gia đình vào nơi làm việc và từ nơi làm việc về nhà đã làm cho dịch lan tỏa rất nhanh và rộng, các ổ dịch lớn chủ yếu tại khu nhà trọ, cụm dân cư ở quận huyện vùng ven và khu vực nông thôn đô thị hóa. Ngành y tế ghi nhận hàng trăm ca nhiễm là người lao động làm việc trong các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất, nhân viên y tế, nhân viên văn phòng...
Với tính chất đô thị đặc biệt, TP.HCM không áp dụng cứng nhắc Chỉ thị 15 hoặc Chỉ thị 16 mà vận dụng linh hoạt, điển hình là Chỉ thị 10 được UBND TP.HCM ban hành vào tối 19.6 với một số biện pháp còn siết chặt hơn cả 2 chỉ thị của Thủ tướng. Tuy nhiên, sau hơn 1 tuần thực hiện Chỉ thị 10, theo đánh giá của Chủ tịch Nguyễn Thành Phong nhìn nhận số ca nhiễm hằng ngày vẫn còn cao và chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
Theo thống kê, từ ngày 20 - 29.6, trong vòng 10 ngày ghi nhận thêm 2.085 ca mắc, bình quân mỗi ngày có 208,5 ca mắc, trong đó ngày 25.6 ghi nhận kỷ lục 703 ca nhiễm. Hiện toàn bộ quận, huyện và TP.Thủ Đức đều đã có ca nhiễm vi rút SARS-CoV-2, hơn 40.700 người đang trong thời gian cách ly, bao gồm gần 13.500 người cách ly tập trung và 27.200 người đang cách ly tại nhà, nơi lưu trú. TP.HCM cũng có gần 570 điểm phong tỏa...
Một khu vực trên đường Ung Văn Khiêm, P.25, Q.Bình Thạnh, TP.HCM bị phong tỏa sau khi ghi nhận 20 ca nghi nhiễm ngày 29.6 Ảnh: Vy Anh
|
Cần thêm gì nữa để dập dịch?
Trước tình hình dịch bệnh phức tạp ở TP.HCM nói riêng và các tỉnh Nam bộ nói chung, ngày 26 và 27.6, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác của Chính phủ đã kiểm tra công tác phòng chống dịch ở TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và đưa ra những chỉ đạo mang tính định hướng. Thủ tướng nhấn mạnh việc thực hiện mục tiêu kép là rất khó khăn nhưng không thể không làm, không có lựa chọn nào tốt hơn. Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu TP.HCM phân tích kỹ hơn, xác định rõ nguồn lây nhiễm trong khu cách ly, trong cộng đồng để đưa ra giải pháp phù hợp; đẩy nhanh xét nghiệm vùng có dịch, khu cách ly, khu phong tỏa. Bên cạnh đó, TP.HCM thực hiện các chỉ đạo về giãn cách, phong tỏa, cách ly linh hoạt, không theo địa giới hành chính mà theo tình hình dịch tễ, phối hợp liên vùng trong cung cấp thông tin, truy vết…
Sau hơn 1 tuần thực hiện Chỉ thị 10 của UBND TP.HCM, tại buổi họp báo chiều 28.6, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết sắp tới thành phố sẽ tiếp tục thực hiện chỉ thị này, yêu cầu các địa phương phải thực hiện nghiêm, kiểm tra và chấn chỉnh kịp thời. Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình dịch vẫn đang diễn biến phức tạp, có nhiều ý kiến cho rằng thành phố cần có thêm giải pháp mới để ứng phó. Trước đó, trong cuộc họp sáng 28.6, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cho rằng cần phân tích toàn diện, khoa học, đánh giá lại các biện pháp đang thực hiện.
Hiện nay, một trong những giải pháp trọng tâm của TP.HCM bên cạnh chiến lược tiêm chủng vắc xin là mở đợt cao điểm lấy 5 triệu mẫu xét nghiệm tầm soát trên diện rộng để truy tìm F0 trong vòng 10 ngày (từ ngày 26.6 - 5.7); trong đó lấy mẫu toàn dân 5 quận, huyện có số ca nhiễm nhiều gồm: Q.Bình Tân, Q.8, Q.Tân Phú, H.Hóc Môn và H.Bình Chánh.
Bên cạnh đó là tăng cường điều tra truy vết, khoanh vùng, dập dịch triệt để, xét nghiệm mở rộng các khu vực có nguy cơ cao để tìm nguồn lây. Hàng loạt biện pháp siết chặt đối với các khu công nghiệp cũng được đưa ra như: quản lý chặt người lao động ra vào công ty, đề nghị người lao động sau giờ làm việc nên ở nhà, hạn chế tối đa tiếp xúc với người ngoài gia đình, không tụ tập, không đi đến nơi công cộng; đồng thời kiểm soát các khu lưu trú, ký túc xá dành cho công nhân…
TP.HCM cũng chuẩn bị kế hoạch điều trị 10.000 ca bệnh, phân tuyến 3 cấp điều trị theo mô hình tháp 3 tầng của Bộ Y tế gồm cấp không triệu chứng (bệnh viện dã chiến), cấp có triệu chứng nhẹ, trung bình (bệnh viện điều trị Covid-19 ở 4 cửa ngõ thành phố) và cấp điều trị bệnh nhân nặng (bệnh viện tuyến trung tâm thành phố).
Đồ họa: Đông Xuân Du
|
Duy Tính
Thanh niên
|