Tiểu thương, bán hàng rong lo lắng Chỉ thị 10 bị áp dụng... không thời hạn
Việc UBND TP.HCM tiếp tục áp dụng Chỉ thị 10 không có thời hạn khiến các tiểu thương kinh doanh mặt hàng không thiết yếu, chợ tự phát lo lắng vì “không biết tổ chức sản xuất, mua bán hàng hóa thế nào”.
Nhiều người bán hàng tại chợ tự phát, chuyển qua bán hàng rong trong mùa dịch Covid-19. Ảnh: Ng.Ng
|
Nên có thời hạn để tiểu thương chủ động hơn
Bà Nguyễn Thái Trang, tiểu thương chợ An Đông nói, sau khi UBND TP.HCM cho biết thành phố sẽ tiếp tục áp dụng Chỉ thị 10 nhưng không nói rõ thời hạn đến bao lâu, rồi Ban quản lý chợ cũng thông báo về tiểu thương biết vậy, mọi người thấy lo. Bà nói: “Thực tế, việc áp dụng Chỉ thị 10, yêu cầu dừng các hoạt động kinh doanh không thiết yếu khi dịch bùng phát mạnh là điều cần thiết. Tuy nhiên, việc tiếp tục áp dụng một quy định liên quan việc kinh doanh mua bán mà không kỳ hạn thì gây khó khăn cho thương nhân. Chúng tôi hoàn toàn không chủ động được nguồn hàng thế nào, sản xuất ra làm sao, nếu cho mở trở lại, sẽ không thể nào trở tay kịp. Theo tôi, TP.HCM cứ mạnh dạn áp Chỉ thị 10 thêm 2 tuần, 3 tuần, thậm chí hết tháng 7 đi, như vậy, tiểu thương sẽ bớt tâm lý hoang mang, đổi lại, họ chủ động trong việc xoay sở mua bán, nguồn hàng khi dịch tạm lắng hơn”.
Tiểu thương chấp hành Chỉ thị 10 nghiêm chỉnh. Ảnh: Ng.Ng
|
Chỉ thị 15 được UBND TP.HCM áp dụng từ ngày 31.5 đến ngày 15.6; sau đó gia hạn thêm 14 ngày, từ ngày 15.6 đến ngày 29.6. Đến tối 19.6, TP.HCM ban hành thêm Chỉ thị 10 với nhiều giải pháp trọng tâm, tuy nhiên, chỉ thị này không nêu thời gian áp dụng. Trong đó, yêu cầu dừng tất cả các loại hình kinh doanh dịch vụ không thiết yếu (như áo quần giày dép…), dừng hoạt động các chợ tự phát; không tụ tập trên 3 người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học; thực hiện khoảng cách tối thiểu 1,5 mét giữa người với người tại các địa điểm công cộng; các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu để phục vụ người dân nhưng phải đảm bảo khoảng cách an toàn giữa người lao động tối thiểu 1,5 mét, mang khẩu trang tại nơi làm việc, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn, đảm bảo không gian thông thoáng…
Chấp nhận đồng hành chống dịch nhưng mong bớt bị phạt
Thế nên, không chỉ ảnh hưởng đến tiểu thương kinh doanh cố định, bán hàng không thiết yếu, với người bán hàng thiết yếu nhưng chỉ bán lề đường, Chỉ thị 10 không thời hạn cũng khiến họ lo lắng.
Dán thông báo số điện thoại cho khách biết công khai tại các chợ cũng là cách nhiều tiểu thương áp dụng trong mùa dịch. Ảnh: Ng.Ng
|
10 giờ sáng 29.6, đẩy xe qua đường nhỏ trong hẻm Q.7, bà Hoa dừng bán rau cho khách, với ý thức phòng bệnh khá cao, bà Hoa luôn miệng nhắc nhở người mua chịu khó đứng xa ra một tí. Thậm chí, bà còn đưa số điện thoại của mình cho một số khách quen để họ dặn trước những món cần mua và sau đó chỉ ra lấy thật nhanh, không cần đứng lựa chọn như trước.
Tương tự, chị Hà, quê ở Thái Bình, bán trái cây lề đường khu vực gần chợ Nghĩa Phát (Q.Tân Bình, TP.HCM). Sau khi có Chỉ thị 10 cấm bán hàng lề đường, chị cũng chở trái cây bán dạo dọc các tuyến đường quanh khu vực chợ Nghĩa Phát, nhà thờ Vinh Sơn, chợ Tân Bình (Q.Tân Bình). Chị cho biết, sáng nay chỉ lấy 10 kg vải chở bán dạo trong tâm lý khá lo lắng, nếu khách dừng hỏi mua nhiều hơn 1 người, phải “đuổi” khách ra xa chút không trật tự lề đường “hốt” ngay. “Dịch mà, ai chẳng sợ. Cô đứng xa một chút cho em nhờ”, Hà nói. Nghe chuyện thành phố tiếp tục thực hiện giãn cách và chưa biết khi nào kết thúc kể từ hôm nay (29.6), những người bán hàng rong này chỉ biết gật đầu đồng ý với ánh mắt đầy cam chịu. Chị Hoa nói: “Vẫn phải tiếp tục bán theo kiểu như mấy ngày rồi vì nếu không bán làm sao có tiền để trả tiền trọ, ăn uống và gửi tiền về phụ ở quê cho con cái”. Còn chị Hà nói: “Đóng cửa bao lâu cũng được, chỉ mong an toàn, bớt dịch, đặc biệt đừng bị phạt mất hàng, mất luôn vốn chỉ vì cố gắng bán hàng rong, lề đường thôi”.
An Yến
Thanh niên
|