Covid-19 bùng phát ở TP.HCM: Gánh hàng rong gồng mình kiệt sức, nay ế thảm thương
Đã cố gắng trụ được qua các ‘làn sóng’ dịch Covid-19, nhưng tới lần TP.HCM áp dụng giãn cách xã hội này, những người bán hàng rong than ‘ế thảm thương’ vì đường phố Sài Gòn vắng tanh khiến họ vừa sợ dịch, vừa sợ đói.
Bà P. (48 tuổi) với xe hàng rong trên đường Nguyễn Đình Chiểu (Q.3) vắng khách, bà nói dù sợ dịch Covid-19 bà vẫn ráng trụ vì kế sinh nhai. Ảnh: Cao An Biên
|
Những người bán hàng rong dù đã vượt qua được “làn sóng” dịch Covid-19 trước đó nhưng càng về sau, khó khăn càng thêm chất chồng, manh áo mưu sinh càng thêm bạc đi vì dịch. Lần này khi TP.HCM giãn cách xã hội toàn thành phố từ ngày 31.5, họ chơi vơi, không biết bản thân mình trụ được bao lâu với nghề... giữa Sài Gòn.
“Chưa đợt dịch nào như đợt dịch này”
Nép mình bên chiếc xe đẩy chất đầy đồ ăn vặt, bà P. (48 tuổi) ngồi nhìn về phía đường Nguyễn Đình Chiểu (Q.3) lác đác xe qua lại, thở dài. Từ sau kỳ nghỉ lễ 30.4 và 1.5, TP.HCM có ca nhiễm Covid-19 mới, quầy ăn vặt của bà “ế thảm thương”.
Bà Lan (58 tuổi, quê Thanh Hóa) cùng 2 người bạn đồng hương khép chiếc xe chất đầy nón, ví, khẩu trang y tế, tăm bông… ven đường Nguyễn Thông (Q.3) rồi chia nhau mấy trái ổi mang theo ở nhà ăn trưa. Ảnh: Cao An Biên
|
“Tôi chưa thấy cái đợt dịch nào như đợt dịch này, ế kinh khủng. Hồi mấy đợt trước, kiểu gì cũng có khách lai rai, cũng sống được chứ đợt này là vắng tanh luôn. Dọn hàng ra từ sớm, mà bán đâu có được nhiều đâu nên giờ ngồi nghe nhạc cho đỡ buồn”, bà P. ngao ngán nói.
Theo lời bà P., chiếc xe đồ ăn vặt này là thu nhập của cả gia đình, giúp bà nuôi 3 người con ăn học, lo cả cho chồng bị bệnh nặng không thể lao động. Khi chưa có dịch, ngày nào nhiều bà có thể bán được tới 600.000 đồng, nhưng nay thì ngồi cả ngày chỉ được 100.000 đồng khiến bà suy nghĩ nhiều, không biết sẽ cầm cự thế nào.
Khi chưa có dịch, mỗi sáng tranh thủ lúc đẩy xe đồ ăn vặt ra sớm chưa có người mua, bà phụ một quán cơm để kiếm thêm thu nhập luôn. Giờ đây, quán cơm cũng đóng cửa, bà cũng mất thêm một khoản thu nhập.
Người bán vé số cũng gặp khó vì dịch Covid-19. Ảnh: Cao An Biên
|
Xếp lại những hộp trái cây còn đầy ắp, bà P. cười gượng: “30 năm qua, ngày nắng cũng như ngày mưa, lễ tết gì tôi cũng bán, hiếm có khi gặp phải cảnh “ế” đến mức như vậy. Giờ nhà tôi đang phải dành dụm từng đồng mong trụ được qua đợt dịch Covid-19 lần này”.
Cùng nỗi lo với bà P., bà L. (59 tuổi, bán bánh mì ở Q.1) nuôi con học đại học cũng mất ngủ mấy ngày liền vì cảnh ế ẩm. Cả tuần qua, đường phố vắng hơn thường lệ, số người ghé hỏi mua bánh mì cũng vì vậy mà thưa thớt hơn càng khiến bà L. thêm sốt ruột.
“Nhà tôi mới vét hết tiền được 15 triệu đóng học phí cho con, giờ có ế vầy cũng phải ráng để gom từng đồng chuẩn bị cho học kỳ tới. Mấy đợt dịch Covid-19 trước, xe bánh mì vẫn còn có khách, đợt này vắng lắm, bán chưa được một nửa như trước nữa. Bạn hàng bán gần gần đây của tôi nghỉ hết trơn rồi”, bà L. chia sẻ.
Bà Từ Lệ Phân (bán bánh mì) "ngóng" khách trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ảnh: Cao An Biên
|
Từ Nam Định vào TP.HCM khởi nghiệp với xe bán trái cây ở Q.Phú Nhuận để nuôi vợ và 2 con nhỏ, anh Vinh (30 tuổi) cho biết, 1 tuần qua là tuần ế ẩm nhất trong suốt 3 năm anh bán hàng.
Anh kể: “Bình thường mỗi ngày bán được từ 500.000 đồng - 700.000 đồng tính cả vốn lẫn lãi, mấy ngày nay dịch trở lại bán được 300.000 - 400.000 đồng. Có hôm trời mưa lại càng thê thảm hơn, phải chở đống trái cây về nhà. Chở đi chở lại vậy, nó dập nhiều lắm”.
Đủ thứ cần đến tiền và... tiền
Trên đường Nguyễn Thông (Q.3), bà Lan (58 tuổi, quê Thanh Hóa) ngồi nhìn về dòng người mặc áo mưa đi vụt qua. Lấy mấy trái ổi mang theo trong túi chia cho người bạn hàng gần đó, bà Lan nói: “Ế quá phải ăn ổi thay cơm, ổi hàng xổ rẻ rề”.
Từ 10 năm trước, bà Lan đã chọn gắn bó với mớ tăm bông, khẩu trang y tế để buôn bán. Vậy nhưng chưa bao giờ bà gặp cảnh ế đến vắng tanh như thế này. “Tôi đi bán chủ yếu là nuôi mình để các con đỡ phải lo, mà không hiểu sao đợt dịch Covid-19 lần này lại ế dữ vậy, hôm qua ngồi cả ngày được có 30.000 đồng”, bà chia sẻ.
Để “cải thiện” thu nhập, gần đây, bà nhập thêm vé số để bán kèm, được tờ nào hay tờ đó, dù sao cũng còn hơn là ngồi chỉ trông chờ khách đến mua tăm bông. Suốt “bữa trưa” của bà Lan và bạn hàng chỉ xoay quanh chuyện tiền nong, chuyện dịch bệnh và những nỗi lo ngày sắp tới.
Ông Hoàn (51 tuổi) bán các loại bánh chiên ở giao lộ Phan Xích Long và Hoa Sứ (Q.Phú Nhuận) cũng không thoát khỏi cảnh ế ẩm. Ảnh: Cao An Biên
|
Trời đổ mưa nhưng bà Liễu vẫn ráng trụ lại để mong kiếm thêm vài đồng. Ảnh: Cao An Biên
|
Chung cảnh ngộ, ông Hoàn (51 tuổi, bán bánh ở giao lộ Phan Xích Long - Hoa Sứ, Q.Phú Nhuận) cũng không thoát khỏi cảnh ế ẩm vì dịch Covid-19. Theo lời ông Hoàn, chiếc xe chiên bánh này là nguồn thu nhập chính của gia đình, gặp dịch, ngày nào thu nhập cũng bị giảm một nửa.
Ông thừa nhận, nghề nào cũng có một nỗi khổ riêng, nhưng với những người bán hàng rong như ông, mỗi ngày tiếp xúc không biết với bao nhiêu người và cũng không thể nhớ được mình tiếp xúc với những ai nên “Covid luôn chực chờ”. Vì vậy, dù có dịch ông vẫn đẩy xe ra góc đường quen thuộc, bịt khẩu trang kín mít rồi đứng chiên bánh.
“Bán hàng rong, ngày nào tiêu ngày đó, giờ mà nghỉ thì ai nuôi con, ai nuôi gia đình. Dịch thì sợ thiệt, mà đói cũng sợ luôn nên cứ phải trang bị phòng dịch và tiếp tục bán hàng”, ông Hoàn bộc bạch.
Đồng quan điểm với ông, nhiều người bán hàng rong cho rằng dịch Covid-19 thì ai cũng sợ, nhưng trên mỗi “gánh” hàng rong là cả một gia đình, nên dù có “ế thảm thương” thì họ vẫn phải bám trụ với đường phố TP.HCM.
Cao An Biên
Thanh niên
|