Thứ Sáu, 28/05/2021 08:11

Đầu tư điện mặt trời áp mái 'khó ăn' hơn

Một số nhà đầu tư điện mặt trời áp mái băn khoăn về việc bỏ tiền đầu tư điện mặt trời khi giá bán dự kiến giảm đến 30%.

Theo nhà đầu tư, cần sớm xây dựng cơ chế đấu nối điện mặt trời áp mái vào lưới điện quốc gia. Ảnh: Gia Hân

Theo dự thảo cơ chế giá điện mặt trời (ĐMT) áp mái mà Bộ Công thương đang hoàn thiện và trình Chính phủ thay thế cho Quyết định 13 của Thủ tướng Chính phủ đã hết hiệu lực từ ngày 31.12.2020, giá mua ĐMT áp mái từ mức 8,38 cent/kWh hiện tại sẽ giảm còn khoảng 5,3 - 5,8 cent/kWh (tùy công suất từng dự án), tức là từ mức giá hơn 1.900 đồng/kWh xuống hơn 1.300 đồng/kWh, giảm khoảng 30% so mức giá hiện tại.

Giá mua vào giảm mạnh

Ngày 27.5, trao đổi với Thanh Niên, ông Bùi Quốc Hùng, Phó cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, thông tin mức giá ĐMT áp mái theo dự thảo đưa ra là dựa trên tính toán giá thế giới và tình hình đầu tư thực tế tại Việt Nam. Thứ hai là thiết bị lắp đặt cho ĐMT áp mái đã giảm khá nhanh trong thời gian qua. Thế nên, mức giá đưa ra cuối cùng là phải bảo đảm cho nhà đầu tư có lợi nhuận, vừa đúng tình hình thực tế về công nghệ, giá đầu vào… Ngoài ra, chính sách này nhằm khuyến khích nhà đầu tư làm điện để sử dụng với nguồn năng lượng sạch, phù hợp chính sách phát triển năng lượng tái tạo của quốc gia, mặt khác giảm áp lực truyền tải lưới điện…

Không nên giảm giá quá sâu

TS Nguyễn Duy Khiêm phân tích: “ĐMT áp mái của các hộ gia đình không phải phục vụ kinh doanh mà giải quyết bài toán năng lượng cho ngành điện, cho môi trường và xã hội. Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị cũng xác định rõ ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo. Do đó, cần tính toán thật kỹ chính sách về giá ĐMT, không nên giảm giá quá sâu để “siết” ĐMT áp mái tại các hộ gia đình”.

Ông Đặng Trọng Ngôn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Khải Toàn (KTG), nhà đầu tư vào ĐMT áp mái lớn tại Việt Nam, cũng cho rằng việc giảm giá mua ĐMT áp mái là “xu hướng tất yếu” khi chi phí vốn đầu tư vào lĩnh vực này trong năm qua có giảm vì giá sản phẩm quang điện giảm. Tình thế của Việt Nam chọn giải pháp giảm giá FIT (giá nhằm khuyến khích) với năng lượng tái tạo cũng khá hợp lý do nguồn này dự báo sẽ dư. Đặc biệt, tháng 10 tới đây, nguồn điện gió giá FIT đóng vào lượng lớn, nghĩa là không cần khuyến khích đầu tư.

Đưa ra chính sách giảm giá, đồng nghĩa giảm khuyến khích đầu tư, như vậy, các dự án ĐMT áp mái trong tương lai sẽ giảm không? TS Nguyễn Duy Khiêm (Trường ĐH Quy Nhơn), người tham gia lắp đặt nhiều dự án ĐMT lớn, đánh giá với mức giảm sâu tới 30% giá mua vào, ĐMT áp mái chắc chắn sẽ chững lại, đặc biệt là khu vực các hộ dân. Nguyên nhân là sau thời gian giảm, chi phí đầu tư hệ thống thiết bị đầu vào của ĐMT đang có xu hướng tăng.

Ông Khiêm phân tích: Giai đoạn tháng 8, tháng 9 năm ngoái, giá các tấm pin mặt trời chỉ khoảng hơn 5.000 đồng/W, lúc đó các hộ gia đình đầu tư sẽ rất lời. Tuy nhiên, đến tháng 10, tháng 11, giá sản phẩm này tăng lên hơn 6.000 đồng/W sau đó tiếp tục đà “nhảy” lên tới gần 7.500 đồng/W, kéo dài đến cuối tháng 12.2020. Hiện nay, tuy giá các tấm pin đã giảm xuống nhưng vẫn ở ngưỡng 6.300 - 6.500 đồng/W. Một số nhà phân phối cũng thông báo các thiết bị như inverter, tấm pin mặt trời… chuẩn bị tăng giá. Chưa kể, các loại vật liệu xây dựng như sắt, thép đang biến động rất mạnh, chi phí đầu vào cao, đầu tư ĐMT không còn “ngon ăn” như giai đoạn trước.

“Nếu giá mua vào khoảng 8 cent/ kWh trở lên, nhà đầu tư sẽ có lãi, thời gian thu hồi vốn khoảng 5 - 6 năm. Trong trường hợp nhà nước muốn giảm giá mua xuống chỉ còn khoảng 5,3 - 5,8 cent/W thì giá đầu vào các thiết bị cũng phải giảm tương ứng, trong ngưỡng 5.000 - 5.300 đồng/W thì mới trong khả năng nhà đầu tư chấp nhận được. Nếu không, thời gian thu hồi vốn lâu, các nhà đầu tư sẽ tính toán, chắc chắn phát triển ĐMT áp mái sẽ chậm lại. Đó là quy luật thôi”, ông Khiêm khẳng định.

Không nên siết hộ gia đình

Báo cáo thực tế về đầu tư ĐMT áp mái trong năm qua có phần ngược lại với các nhận định rằng ĐMT áp mái sẽ chững lại vì giá giảm. Cụ thể, năm 2020, giá FIT ĐMT từ 9,35 cent/kWh đã giảm xuống 8,38 cent/kWh thì các dự án ĐMT áp mái vẫn tăng ồ ạt. Đến cuối năm 2020, cả nước có hơn 101.000 dự án ĐMT áp mái với công suất gần 9.300 MWp. Đây có lẽ cũng là một trong những cơ sở để cơ quan quản lý đưa ra dự thảo giảm tiếp giá mua ĐMT áp mái mà không lo ngại số nhà đầu tư không giảm.

Ông Đặng Trọng Ngôn phân tích thêm: “Chính sách giảm giá mua ĐMT áp mái đến 30% so với mức giá mua hiện tại có mục đích rất rõ ràng, không khuyến khích đầu tư nữa, chỉ khuyến khích đầu tư để sử dụng. Quyết sách này nếu được thông qua là thiệt thòi cho doanh nghiệp song cũng phải thừa nhận, chiến lược này khá hợp lý. Có chăng ta nên áp dụng giảm vào thời điểm nào. Bởi nếu cho rằng giá đầu vào làm ĐMT áp mái giảm trong năm nay để áp dụng giảm giá mua vào ngay lập tức là không đúng. Năm 2020, giá đầu vào làm ĐMT áp mái có giảm 10 - 20% so với năm trước, nhưng từ đầu năm 2021 đến nay, giá vật liệu tăng quá cao, sắt thép tăng vọt gần 50%. Hiện mức đầu tư làm ĐMT áp mái tăng cao hơn so với năm ngoái rất nhiều. Như vậy, nếu áp giá mua giảm ngay trong năm nay thì khó khăn cho nhà đầu tư. Bộ Công thương nên cân nhắc vấn đề này”.

Cũng theo vị này, vấn đề của ĐMT áp mái là cần sớm có cơ chế cho đấu nối lên lưới điện quốc gia càng sớm càng tốt nhằm khuyến khích việc tự lắp, tự dùng. Khi dư có thể chuyển lên lưới điện quốc gia để bán. Hệ thống ĐMT áp mái cần điện nguồn để nuôi, không đấu nối được rất khó cho nhà đầu tư. “Mục đích của chính sách là khuyến khích doanh nghiệp, hộ gia đình tự sản xuất sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, đủ xài rồi thì bán lại nguồn thừa cho Tập đoàn điện lực Việt Nam (EViệt Nam) giá rẻ cũng không sao. Nhưng nếu không có cơ chế đấu nối nguồn năng lượng tái tạo từ các mái nhà xưởng, trang trại… để đưa nguồn điện vào lưới điện quốc gia, có đâu để mà bán giá rẻ? Thế nên vấn đề cấp bách của ĐMT áp mái là cơ chế đấu nối thế nào. Hiện tại rất nhiều dự án không thể đấu nối và câu trả lời của nhân viên ngành điện là chưa có hướng dẫn…”, ông Ngôn nói.

Ông Khiêm cũng cho rằng các dự án ĐMT đang quá tải, tập trung tại một vài khu vực, có phát điện cũng không thể truyền tải được nên cần hạ giá mua xuống để tạm ngưng làn sóng bùng nổ. Đồng thời, giá ưu đãi ĐMT áp mái không thể duy trì quá lâu vì EViệt Nam cũng là doanh nghiệp, họ không thể kéo dài việc bù lỗ khi mua giá điện cao, bán ra giá thấp như vậy. Tuy nhiên, đối với những dự án ĐMT áp mái tại các hộ gia đình thì nên khuyến khích vì không chiếm đất mà còn giảm tải đường dây vì họ sử dụng tại chỗ là chủ yếu, số điện dư bán lại rất ít.

Hà Mai

Thanh niên

Các tin tức khác

>   Dân Philippines kiếm tiền ảo bằng cách... chơi game (18/05/2021)

>   Bão giá nguyên vật liệu: "5 năm nữa sợ không còn công ty xây dựng Việt Nam" (30/04/2021)

>   Redsun làm ăn thua lỗ trước khi bị tố ‘quỵt’ nợ hàng tỷ đồng (20/04/2021)

>   Hành trình khởi nghiệp chỉ với 600 USD của hai doanh nhân trẻ (18/04/2021)

>   Tiệm nail Việt ở Đức vừa chống dịch, vừa vun vén đam mê (17/04/2021)

>   Tan ‘giấc mơ’ cây xoan thoát nghèo Mường Lát (17/04/2021)

>   Truy thuế cá nhân bán hàng qua mạng (12/04/2021)

>   Triệt phá thêm một vụ làm giả hàng ngàn đôi giày dép các thương hiệu Dior, Chanel, Gucci (30/03/2021)

>   Khởi động cuộc thi Sinh viên với Tài chính - Financial Student Contest 9 (27/03/2021)

>   Bắt kho hàng chứa hàng vạn sản phẩm giả các nhãn hiệu LV, Gucci, Nike (26/03/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật