Thứ Sáu, 11/06/2021 13:00

Cơ hội nào giảm thêm lãi suất cho vay?

Tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm nay dự báo chỉ đạt 5.8%, do những ảnh hưởng của đợt dịch bùng phát lần 4 đang diễn ra. Trong tình hình này, mục tiêu giảm lãi suất cho vay trong nền kinh tế để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp vẫn là nhiệm vụ trọng tâm.

* Lạm phát sẽ là tâm điểm?

San sẻ lợi nhuận

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện cắt giảm tối đa các loại chi phí nhằm tạo nguồn lực tài chính hỗ trợ khách hàng, người dân, doanh nghiệp, căn cứ năng lực, khả năng tài chính của mình để tính toán thực hiện giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ và các biện pháp hỗ trợ khác, đồng thời công bố rõ ràng mức lãi suất hỗ trợ, các biện pháp, chính sách hỗ trợ.

Có thể thấy trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang hoành hành và có diễn biến khó lường, ảnh hưởng nặng nề lên các hoạt động kinh tế, các doanh nghiệp đối mặt thêm nhiều khó khăn, người lao động bị giảm sút thu nhập, nhà điều hành đang “sốt ruột” hơn bao giờ hết khi e ngại đà phục hồi đạt được trong thời gian qua có thể kéo lui trở lại.

Mục tiêu giảm lãi suất cho vay trong nền kinh tế luôn được đặt ra, đặc biệt càng trở nên cấp thiết trong bối cảnh kinh tế suy giảm suốt hơn một năm qua vì ảnh hưởng của dịch bệnh. NHNN đã có nhiều giải pháp nhằm kéo lãi suất cho vay xuống, có đến 3 lần giảm trần lãi suất tiền gửi, giảm các loại lãi suất điều hành, hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống,…nhưng mặt bằng lãi suất cho vay có lẽ vẫn chưa giảm được về mức như kỳ vọng. Do đó, mà nhà điều hành mới đây lại phải lên tiếng yêu cầu.

Thực tế dù không ít đối tượng cũng bị tác động tiêu cực bởi dịch bệnh, nhưng để chứng minh những tổn thất nhằm đủ điều kiện được miễn, giảm lãi hay tái cơ cấu nợ không phải là điều dễ dàng. Do đó, việc giảm lãi suất cho vay đối với cả những khách hàng hiện hữu đang vay vốn, không chỉ dừng lại ở các chương trình cho vay mới ưu đãi lãi suất hay các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, vẫn là một chính sách cần thiết.

Trong năm 2020, một số ngân hàng đã miễn, giảm tiền lãi cho một số khách hàng bị thiệt hại nặng nề bởi dịch bệnh, đồng thời tái cơ cấu nợ cho khách hàng, khiến lợi nhuận bị ảnh hưởng nhưng so với mặt bằng chung trong nền kinh tế, các ngân hàng vẫn đang kiếm lãi đậm. Trong quý 1 đầu năm nay, các nhà băng tiếp tục chứng kiến lợi nhuận tăng trưởng mạnh mẽ và đạt mức kỷ lục so với các quý 1 những năm trước đây, cho thấy lợi nhuận năm 2021 có thể tiếp tục vượt trội, nhất là một số ngân hàng sẽ có các khoản thu nhập bất thường lớn từ việc bán tài sản, thoái vốn, ký kết bancassuarance độc quyền.

Với tăng trưởng lợi nhuận cao, cũng như nguồn lợi nhuận chưa phân phối tích lũy trong nhiều năm qua, các TCTD có đủ nội lực tài chính và cơ sở để giảm thêm lãi suất cho vay nếu muốn, cũng như để hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn trong bối cảnh đầy thách thức hiện nay. Vì cứu khách hàng cũng chính là cách ngân hàng tự cứu mình trước triển vọng không mấy lạc quan của nền kinh tế hiện nay.

Ngoài ra, nếu như trước đây nợ xấu quá khứ để lại là một vấn đề lớn khiến các TCTD khó lòng giảm lãi suất, vì buộc phải treo lãi suất cho vay cao để bù đắp thiệt hại từ các khoản nợ xấu này, thì với thị trường bất động sản thời gian qua tăng trưởng mạnh mẽ, cộng thêm dòng vốn đầu tư nước ngoài rót vào, có thể giúp các nhà băng xử lý các khoản nợ xấu trước đây liên quan đến tài sản bảo đảm là bất động sản nhanh hơn, tạo cơ hội gỡ bớt cục máu đông nợ xấu và từ đó có thêm điều kiện giảm lãi suất cho vay.

Cạnh tranh cho vay khi chi phí vốn giảm

Ở góc độ chính sách, NHNN mới đây cũng đã cho phép các TCTD không chỉ được tiếp tục tái cơ cấu nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, mà còn được giãn lộ trình trích lập dự phòng đối với nợ tái cơ cấu trong vòng 3 năm, qua thông tư 03/2021/TT-NHNN thay thế thông tư 01/2020/TT-NHNN. Điều này sẽ giúp các ngân hàng không đối mặt với áp lực trích lập chi phí dự phòng quá cao mà có thể ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận trong năm nay.

Với tăng trưởng lợi nhuận cao, cũng như nguồn lợi nhuận chưa phân phối tích lũy trong nhiều năm qua, các TCTD có đủ nội lực tài chính và cơ sở để giảm thêm lãi suất cho vay nếu muốn, cũng như để hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn trong bối cảnh đầy thách thức hiện nay. Vì cứu khách hàng cũng chính là cách ngân hàng tự cứu mình trước triển vọng không mấy lạc quan của nền kinh tế hiện nay.

Chi phí vốn đầu vào của các TCTD hiện nay cũng đã giảm đáng kể so với giai đoạn trước, sau khi liên tục giảm lãi suất huy động vốn trong hơn một năm qua, cả ở kỳ hạn ngắn lẫn kỳ hạn dài. Thống kê cho thấy mặt bằng lãi suất huy động bình quân ngắn hạn hiện nay tiếp tục giảm 0.15% so với đầu năm, dài hạn giảm 0.2%, còn nếu so với cùng kỳ năm trước giảm tương ứng là 0.9% đến 1.1%. Điều này cho thấy sau khi lãi suất ngắn hạn giảm nhanh theo trần lãi suất tiền gửi của NHNN, thì đến lượt lãi suất các kỳ hạn dài thời gian gần đây có xu hướng giảm mạnh hơn.

Đáng lưu ý là đại dịch cũng khiến khách hàng thời gian qua thay đổi hình thức giao dịch theo hướng tăng nhu cầu giao dịch và thanh toán trực tuyến, do đó, cũng làm tăng lượng tiền gửi thanh toán không kỳ hạn (CASA) tại các TCTD. Những năm qua các ngân hàng cũng bước vào cuộc đua tăng tiền gửi CASA do đây là các khoản tiền gửi có lãi suất rất thấp chỉ từ 0.1 – 0.2%, thậm chí có ngân hàng không trả lãi suất đối với tiền gửi không kỳ hạn. Do đó, lượng tiền gửi CASA tăng mạnh cũng đã giúp làm giảm chi phí vốn tại nhiều nhà băng.

Cuối cùng, với tình trạng thanh khoản hệ thống vẫn đang dồi dào, nhiều ngân hàng  trong tình trạng thừa vốn liên tục, do đã tăng được vốn điều lệ khá lớn cũng như phát hành trái phiếu kỳ hạn dài trong những năm gần đây, việc giảm lãi suất cho vay có thể kích thích đẩy vốn ra nhanh hơn, nhất là khi hoạt động cho vay của các TCTD cũng đang bị cạnh tranh từ nhiều phía.

Thứ nhất, với thị trường chứng khoán diễn biến thuận lợi, trong năm nay hàng loạt doanh nghiệp lên kế hoạch phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn tự tài trợ cho hoạt động kinh doanh. Thứ hai, với những doanh nghiệp lớn đủ điều kiện tìm đường huy động qua thị trường trái phiếu, trong khi những doanh nghiệp nhỏ, hộ kinh doanh hay cá nhân cũng có xu hướng tìm vốn qua các kênh cho vay ngang hàng.

Phan Thụy

FILI

Các tin tức khác

>   Lạm phát sẽ là tâm điểm? (10/06/2021)

>   Bố vợ Phó Tổng VIB thoái sạch vốn (10/06/2021)

>   Tăng cường bảo mật trong thanh toán điện tử (09/06/2021)

>   Định chế tài chính hàng đầu Châu Âu và HDBank mở Dịch vụ German Desk tại Việt Nam (09/06/2021)

>   ACB sẽ góp thêm 1,500 tỷ đồng để tăng vốn cho ACBS (09/06/2021)

>   VietinBank chuẩn bị bán khoản nợ của QBS, TSĐB bằng Cảng cạn Đình Vũ (09/06/2021)

>   NHNN lần đầu giảm mạnh giá USD mua vào (08/06/2021)

>   VIB cùng ngành ngân hàng đóng góp vào Quỹ vắc-xin phòng Covid-19 (08/06/2021)

>   Nguồn nhân lực chất lượng cao – bí kíp giúp NCB phát triển (08/06/2021)

>   TPBank dự kiến tăng vốn điều lệ lên gần 11,717 tỷ đồng (08/06/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật