Thứ Năm, 10/06/2021 13:00

Lạm phát sẽ là tâm điểm?

Đối với các nhà đầu tư, lãi suất có lẽ là chỉ tiêu kinh tế được quan tâm nhiều nhất trong năm nay. Tuy nhiên, yếu tố có thể tác động kéo lãi suất đi lên lại là lạm phát, mà có thể đang trở thành tâm điểm lo ngại hiện nay, trong bối cảnh nhiều quốc gia cũng đang đau đầu với xu hướng tăng vọt của giá hàng hóa toàn cầu.

Những tác động chính

Sau 2 tháng đi xuống liên tiếp, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 tại Việt Nam đã tăng trở lại 0.16% so với tháng trước, do ảnh hưởng từ giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào tăng đã ảnh hưởng đến chi phí sản xuất làm cho giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng, cộng thêm giá xăng dầu tăng theo giá thế giới và giá điện, nước sinh hoạt cũng tăng theo nhu cầu tiêu dùng trong nắng nóng mùa hè.

So với cùng kỳ, CPI tháng 5 tăng 2.9%, mức cao nhất trong 8 tháng qua và cũng đánh dấu tháng 5 có mức tăng cao nhất so với cùng kỳ trong 3 năm qua. Nhóm hàng tác động mạnh lên CPI những tháng gần đây là nhóm giao thông, do ảnh hưởng từ việc giá dầu thế giới tăng mạnh. Nếu như hồi tháng 1 đầu năm nay, nhóm giao thông so với cùng kỳ vẫn còn đang giảm 10.27%, đến tháng 2 thu hẹp mức giảm xuống 6.55%, tháng 3 ghi nhận tăng trở lại 0.48%, thì đến tháng 4 tăng đột biến lên 17.67% và tháng 5 tăng 21.24% so cùng kỳ.

Thống kê cho thấy giá dầu thế giới đã tăng gần 50% so với cuối năm 2020, hiện giá dầu WTI của Mỹ cũng đã leo lên mốc trên 70 USD/ thùng, mức cao nhất kể từ tháng 10/2018. Mà không chỉ giá dầu, hàng loạt hàng hóa khác cũng tiếp tục xu hướng tăng vọt trong những tháng qua, từ kim loại, nguyên vật liệu cho đến các loại nông sản, ngũ cốc. Chỉ số giá hàng hóa của Bloomberg (BCOMSP) đã tăng gần 23% so đầu năm, trong khi chỉ số giá hàng hóa của Reuters (CRB) cũng tăng gần 26% so với đầu năm và tăng gấp đôi từ mức đáy 112 hồi tháng 4 năm ngoái.

Trước tình hình này, nhiều mặt hàng trong nước cũng ghi nhận đà tăng mạnh thời gian qua. Thực tế sau nhóm hàng giao thông, nhóm hàng lương thực có mức tăng cao thứ 2 trong 5 tháng đầu năm nay, khi tăng 4.28% so với cùng kỳ. Ngoài ảnh hưởng từ diễn biến giá thế giới, việc dịch bệnh trong nước bùng phát trở lại từ cuối tháng 4 cho đến nay cũng góp phần đẩy giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm leo thang.

Lan rộng

Dịch bệnh không chỉ tác động lên nền kinh tế Việt Nam mà còn lan sang nhiều quốc gia khác, khi Việt Nam những năm qua đã trở thành nguồn cung ứng nhiều mặt hàng hóa quan trọng. Mới đây hãng tin CNBC đánh giá làn sóng dịch bệnh Covid-19 mới tại các trung tâm sản xuất chủ chốt ở châu Á như Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) do ảnh hưởng đáng kể đến chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều này sẽ khiến lạm phát tăng nhanh hơn tại Hoa Kỳ.

Lý do là hầu hết các sản phẩm và linh kiện được sản xuất tại các nền kinh tế này đều được vận chuyển trên toàn thế giới, trong đó có cả Hoa Kỳ. Hơn nữa, Việt Nam gần đây đã phải tạm thời đóng cửa 4 khu công nghiệp ở tỉnh Bắc Giang - nơi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, và 3 trong số đó có các cơ sở sản xuất của Foxconn - tập đoàn chuyên lắp ráp các sản phẩm Apple.

Trước đó hồi tháng 4, Hoa Kỳ chứng kiến CPI tăng vọt lên 4.2% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 9/2008 trong bối cảnh nền kinh tế nước này đang phục hồi mạnh mẽ trở lại, nhờ chính sách tiêm chủng rộng rãi với nguồn cung vaccine dồi dào đang giúp nước này gỡ bỏ giãn cách xã hội, khôi phục các hoạt động sản xuất kinh doanh và thương mại, thúc đẩy sức cầu tiêu dùng tăng vọt trở lại.

Số liệu kinh tế Mỹ cũng cho thấy số lượng người lao động có được việc làm (không tính trong nhà nước ngành nông nghiệp) là 978 nghìn người, cao hơn nhiều so với mức dự báo là 645 nghìn người và của tháng trước là 654 nghìn người. Theo đó, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ đã giảm từ mức 6.1% tháng trước về chỉ còn 5.8%, thấp hơn cả dự báo đưa ra là 5.9%. Thu nhập theo giờ của người lao động Mỹ cũng tiếp tục tăng 0.5% so với tháng trước, yếu tố này sẽ càng giúp nhu cầu về tiêu dùng nước này phục hồi mạnh mẽ.

Cùng với Hoa Kỳ, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là Trung Quốc cũng đang chứng kiến đà phục hồi tăng trưởng. Thống kê mới đây cho thấy nhập khẩu của Trung Quốc tháng 5 tăng với tốc độ nhanh nhất thập kỷ qua, nhờ nhu cầu sử dụng nguyên liệu thô dồi dào trong khi giá các mặt hàng này cũng tăng vọt thời gian qua. Cụ thể, kim ngạch nhập khẩu tháng qua đã tăng 51.1% so với cùng kỳ 2020, mức cao nhất kể từ tháng 1/2011.

CPI tháng 5 của Trung Quốc cũng tiếp tục đi lên với mức tăng 1.3% so với cùng kỳ, cao hơn mức 0.9% của tháng trước. Đây cũng là mức tăng cao nhất trong vòng 7 tháng qua. Đáng lưu ý là chỉ số giá sản xuất (PPI) của Trung Quốc cũng ghi nhận mức tăng đến 9%, cao hơn dự báo là 8.5% và của tháng trước là 6.8%, đánh dấu tốc độ tăng nhanh nhất kể từ năm 2008 – thời điểm khủng hoảng kinh tế. Với mức tăng vọt của PPI chủ yếu do chi phí nguyên vật liệt đầu vào tăng, các nhà sản xuất sẽ buộc phải tăng giá bán hàng hóa cho người tiêu dùng nếu không muốn lợi nhuận bị thu hẹp.

Lo ngại sức ép

Xu hướng giá hàng hóa thế giới tăng mạnh thời gian qua ngoài việc nền kinh tế toàn cầu đang phục hồi trở lại khi dịch bệnh dần được kiểm soát và vaccine được cung ứng rộng rãi, chính sách nới lỏng tiền tệ và các gói kích thích lên tới hàng tỷ USD tại nhiều quốc gia phát triển, thì sự suy yếu của đồng USD cũng góp phần đẩy giá hàng hóa tăng khi nhiều loại hàng hóa quốc tế hiện nay được định giá theo đồng tiền này. Giới phân tích cũng cho rằng xu hướng giảm giá của đồng đô la Mỹ có thể sẽ chưa sớm dừng lại.

Ở chiều ngược lại, đồng Nhân dân tệ tăng giá mạnh gần đây không chỉ ảnh hưởng lên Trung Quốc mà còn có thể tác động đến các đối tác thương mại của nước này. Đơn cử như Việt Nam vốn nhập khẩu rất nhiều mặt hàng từ Trung Quốc, việc đồng nhân dân tệ tăng giá khiến hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam cũng có giá cao hơn, từ đó làm tăng chỉ số giá nhập khẩu và kế tiếp là gây lên áp lực lạm phát trong nước.

Tỷ giá đồng Nhân dân tệ đã tăng lên mức cao nhất 3 năm qua so với USD tại mức 1 đô la Mỹ chỉ còn ăn 6.36 Nhân dân tệ vào cuối tháng 5 rồi. Trong năm vừa qua, đồng tiền này cũng đã tăng hơn 10% so với USD. Để chặn đà tăng, NHTƯ nước này đã quyết định từ ngày 15/6, các định chế tài chính phải tăng tỷ lệ dự trữ ngoại tệ thêm 2% lên 7%, nhưng dường như vẫn chưa đủ để chặn đà tăng.

Ngoài ra, với chính sách thường đẩy mạnh để gom nguyên vật liệu của mình, nhất là trong giai đoạn hiện nay cần tận dụng đồng nhân dân tệ đang mạnh lên, Trung Quốc có thể tiếp tục tác động nhằm đẩy giá hàng hóa thế giới đi lên làm ảnh hưởng xấu lên đà phục hồi còn khá mong manh của các nền kinh tế khác. Rõ ràng lạm phát tại Việt Nam đang chịu nhiều sức ép từ môi trường bên ngoài lẫn áp lực từ tình hình trong nước.

Đồng Nhân dân tệ tăng giá mạnh gần đây không chỉ ảnh hưởng lên Trung Quốc mà còn có thể tác động đến các đối tác thương mại của nước này. Đơn cử như Việt Nam vốn nhập khẩu rất nhiều mặt hàng từ Trung Quốc, việc đồng Nhân dân tệ tăng giá khiến hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam cũng có giá cao hơn, từ đó làm tăng chỉ số giá nhập khẩu và kế tiếp là gây lên áp lực lạm phát trong nước.

Chỉ số giá hàng hóa CRB trong 1 năm qua

Phan Thụy

FILI

Các tin tức khác

>   Bố vợ Phó Tổng VIB thoái sạch vốn (10/06/2021)

>   Tăng cường bảo mật trong thanh toán điện tử (09/06/2021)

>   Định chế tài chính hàng đầu Châu Âu và HDBank mở Dịch vụ German Desk tại Việt Nam (09/06/2021)

>   ACB sẽ góp thêm 1,500 tỷ đồng để tăng vốn cho ACBS (09/06/2021)

>   VietinBank chuẩn bị bán khoản nợ của QBS, TSĐB bằng Cảng cạn Đình Vũ (09/06/2021)

>   NHNN lần đầu giảm mạnh giá USD mua vào (08/06/2021)

>   VIB cùng ngành ngân hàng đóng góp vào Quỹ vắc-xin phòng Covid-19 (08/06/2021)

>   Nguồn nhân lực chất lượng cao – bí kíp giúp NCB phát triển (08/06/2021)

>   TPBank dự kiến tăng vốn điều lệ lên gần 11,717 tỷ đồng (08/06/2021)

>   Lãi suất tiền gửi đầu tháng 6: Manh nha tăng nhẹ (08/06/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật