Chủ tịch Toshiba bị phế truất, chiến thắng bất ngờ cho nhóm cổ đông tư nhân
Các cổ đông Toshiba đã bỏ phiếu phế truất Chủ tịch Osamu Nagayama. Đây là một chiến thắng hiếm hoi dành cho các nhà đầu tư chủ động (activist investors) muốn cải cách Toshiba sau nhiều năm bê bối và cáo buộc quản lý sai lệch.
Quyết định phế truất đối với ông Nagayama – Giám đốc 74 tuổi – được đưa ra sau cuộc họp với cổ đông kéo dài 3 tiếng đồng hồ. Sự ra đi của ông Nagayama đánh dấu một cột mốc trong chiến dịch kéo dài nhiều tháng của cổ đông lớn nhất Effissimo Capital Management. Trước đó, Quỹ đầu tư Singapore này đã khởi động điều tra về cáo buộc Nagayama thông đồng với các quan chức Chính phủ hàng đầu để tác động đến việc lựa chọn hội đồng quản trị trong năm 2020.
Hội đồng quản trị của Toshiba sẽ họp mặt sau đó trong ngày 25/06 để bổ nhiệm Chủ tịch mới.
Chủ tịch Toshiba Osamu Nagayama
|
Cổ phiếu Toshiba có lúc tăng 1.7% sau thông tin trên. Dù sự ra đi của ông Nagayama hứa hẹn mở ra một trang mới cho Toshiba, nhưng việc tái cấu gã khổng lồ 145 tuổi này không phải câu chuyện dễ dàng. Trước khi tìm cách khôi phục tăng trưởng doanh thu, ban lãnh đạo mới sẽ buộc phải vun đắp niềm tin từ phía cổ đông.
Từng là một cái tên mang tính biểu tượng tại Nhật Bản, Toshiba dần dần lụi tàn sau nhiều năm đưa ra bước đi sai lầm trong quản lý. Gã khổng lồ này đã phải trả mức phạt kỷ lục trong một vụ bê bối kế toán và sau đó mất hàng tỷ USD khi chuyển hướng sang năng lượng hạt nhân.
Tập đoàn này đã phát minh ra chip bộ nhớ flash cách đây ba thập kỷ, nhưng sau đó buộc phải bán phần lớn mảng kinh doanh chip được đánh giá cao vào năm 2018 vì thua lỗ trong mảng năng lượng hạt nhân. Thỏa thuận đó giúp Toshiba nhận được lượng tiền mặt khổng lồ nhưng lại va phải sự phản đối của các cổ đông.
Việc phế truất ông Nagayama thật sự bất thường với văn hóa doanh nghiệp nghiêm khắc và bảo thủ của xứ sở mặt trời mọc. Trong nhiều thập kỷ qua, các doanh nghiệp như Toshiba được vận hành mà không quan tâm tới lợi ích của các cổ đông tư nhân. Và rồi từ một bên không hề có tiếng nói, nhà đầu tư chủ động dần dần gia tăng sức ảnh hưởng tại thị trường Nhật Bản chỉ sau 1 vài năm và cuộc đại hội đồng cổ đông của Toshiba đã đánh dấu một cột mốc mới. Ban quản lý không còn dễ dàng ngó lơ áp lực từ bên ngoài.
"Chúng tôi hy vọng rằng đại hội cổ đông hôm nay đánh dấu sự khởi đầu của một kỷ nguyên mới tại Toshiba – một kỷ nguyên tập trung vào việc tạo ra giá trị, tính minh bạch cho tất cả các bên liên quan và cam kết mới trong việc xây dựng niềm tin với các cổ đông", 3D Investment Partners, một trong những cổ đông lớn của Toshiba, cho biết trong một tuyên bố. 3D hoan nghênh thay đổi HĐQT và lạc quan về tiềm năng tương lai của công ty.
Trước cuộc bỏ phiếu ngày 25/06, CEO Toshiba Satoshi Tsunakawa – người vừa được bổ nhiệm thay thế cho cựu CEO Nobuaki Kurumatani trong thời gian gần đây – ủng hộ cách xử lý khủng hoảng hiện tại của ông Nagayama và đặt niềm tin vào vị Chủ tịch này. Tuy vậy, nhà đầu tư vẫn không cảm thấy thuyết phục và cho rằng Công ty chưa làm đủ tốt để giải quyết các cáo buộc nghiêm trọng của công ty.
“Với tầm vóc của Toshiba và kinh nghiệm của các quan chức chính phủ và ban lãnh đạo liên quan, quyết định trên là một thông điệp từ các nhà đầu tư trong nước: Sự bất bình và đàn áp cổ đông đã là quá khứ và sẽ không còn được dung thứ”, Justin Tang, Trưởng bộ phận nghiên cứu Châu Á của United First Partners ở Singapore, cho hay. “Kết quả này là dấu hiệu của một sự thay đổi mô hình ở Nhật Bản và sẽ chỉ củng cố sức ảnh hưởng của các nhà đầu tư chủ động trong và ngoài nước”.
“Việc phế truất ông Nagayama là không thể tránh khỏi vì ông ấy không cho thấy ông có thể làm gì để cải thiện tình hình quản trị đang xuống dốc của doanh nghiệp”, Hideki Yasuda, Chuyên viên phân tích tại Viện Nghiên cứu Ace, cho hay. “Về phần CEO Tsunakawa, giai đoạn khó khăn thực sự đang ở phía trước vì việc tìm người thay vào các vị trí bỏ trống sẽ cực kỳ khó khăn”.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FILI
|