Dow Jones giảm thêm 500 điểm, khép lại tuần tồi tệ nhất từ tháng 10/2020
Chứng khoán Mỹ chìm trong sắc đỏ vào ngày thứ Sáu (18/6), với chỉ số Dow Jones ghi nhận tuần giảm mạnh nhất kể từ tháng 10/2020, khi nhà đầu tư lo ngại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể bắt đầu nâng lãi suất sớm hơn dự kiến.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu, chỉ số Dow Jones rớt 533.37 điểm (tương đương 1.6%) xuống 33,290.08 điểm. Chỉ số S&P 500 lùi 1.3% xuống 4,166.45 điểm. Cả Dow Jones và S&P 500 đều chạm mức đáy trong phiên ở những phút giao dịch cuối cùng và đóng cửa quanh mức này. Chỉ số Nasdaq Composite mất 0.9% còn 14,030.38 điểm. Các cổ phiếu liên quan đến việc tái mở cửa kinh tế dẫn đầu đà sụt giảm của thị trường.
Tuần qua, Dow Jones sụt 3.5%. S&P 500 và Nasdaq Composite lần lượt giảm 1.9% và 0.2% từ đầu tuần đến nay.
Chủ tịch Fed khu vực St. Louis, Jim Bullard, nói với hãng tin CNBC vào ngày thứ Sáu rằng việc Fed nghiêng một chút sang hướng “diều hâu” trong tuần này là bình thường và rằng đợt nâng lãi suất đầu tiên từ Fed có thể diễn ra vào năm 2022. Những nhận định của ông đưa ra sau khi Fed vào ngày 16/6 đã dự báo sẽ nâng lãi suất 2 lần vào năm 2023 và nâng kỳ vọng lạm phát trong năm nay, qua đó gây sức ép lên giá chứng khoán.
“Một số nhà đầu tư lo ngại rằng nếu Fed thắt chặt chính sách sớm hơn dự kiến để giúp hạ nhiệt áp lực lạm phát, thì điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế tương lai”, Giám đốc chiến lược thị trường Keith Lerner của Truist Advisory Services cho biết trong một lưu ý. Ông Lerner cũng nói rằng còn quá sớm để từ bỏ giao dịch giá trị ngay bây giờ.
Những cổ phiếu nhạy cảm nhất với sự phục hồi kinh tế đã dẫn đầu làn sóng bán tháo trong tuần này. Lĩnh vực năng lượng và công nghiệp thuộc S&P 500 lần lượt giảm 5.2% và 3.8% trong tuần qua. Trong khi, lĩnh vực tài chính và nguyên vật liệu đều sụt hơn 6%. Những nhóm ngành này đã dẫn đầu đà tăng của thị trường từ đầu năm đến nay nhờ kinh tế phục hồi trở lại.
Chứng khoán Mỹ giảm điểm khi những động thái của Fed gây bằng phẳng hóa đường cong lợi suất trái phiếu. Điều này có nghĩa là lợi suất trái phiếu kỳ hạn ngắn – như kỳ hạn 2 năm – tăng trong khi lợi suất trái phiếu kỳ hạn dài hơn như kỳ hạn 10 năm lại giảm. Đà giảm của lợi suất trái phiếu kỳ hạn dài cho thấy sự kém lạc quan về tăng trưởng kinh tế, trong khi đà tăng của lợi suất trái phiếu kỳ hạn ngắn thể hiện kỳ vọng Fed nâng lãi suất.
Hiện tượng này đặc biệt làm ảnh hưởng tiêu cực đến nhóm cổ phiếu ngân hàng vì lợi nhuận có thể chịu tổn thất khi chênh lệch giữa lãi suất ngắn hạn và dài hạn bị thu hẹp. Cổ phiếu Bank of America và JPMorgan Chase đều giảm hơn 2% vào ngày thứ Sáu. Cổ phiếu Citigroup mất 1.8%, lao dốc 12 phiên liên tiếp.
Chủ tịch Fed, Jerome Powell, vào ngày 16/6 cho biết các quan chức đã thảo luận về việc thu hẹp chương trình mua trái phiếu và một lúc nào đó sẽ bắt đầu làm chậm chương trình mua tài sản.
Trong khi đó, giá hàng hóa đã chịu sức ép trong tuần này khi Trung Quốc cố gắng hạ nhiệt đà tăng giá và khi đồng USD mạnh hơn. Giá đồng, vàng và bạch kim tiếp tục giảm vào ngày thứ Sáu.
Ngày thứ Sáu cũng trùng với sự kiện ngày “Quadruple witching”, ngày mà các hợp đồng tương lai chỉ số chứng khoán, quyền chọn chỉ số chứng khoán, các quyền chọn cổ phiếu và hợp đồng tương lai đơn lẻ cùng đáo hạn. Sự kiện này có thể góp phần làm giao dịch biến động hơn trong phiên.
An Trần (Theo CNBC)
FILI
|