Thứ Ba, 29/06/2021 20:33

Bom nợ của Trung Quốc tiếp tục phình to

Bom nợ của Trung Quốc phình to sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và tiếp tục bị đẩy lên mức kỷ lục do dịch Covid-19. Đây là thách thức hàng đầu mà Bắc Kinh phải đối mặt.

Theo CNBC, nợ của Trung Quốc đã tăng đáng kể trong thập kỷ qua và là một trong những thách thức lớn nhất mà chính quyền Bắc Kinh phải đối mặt.

Chính quyền Trung Quốc xác định bom nợ đang phình to là mối đe dọa tiềm tàng đối với sự ổn định kinh tế. Trong những năm qua, nước này cố gắng giảm bớt sự phụ thuộc vào nợ để tăng trưởng. Tuy nhiên, các tác động kinh tế do đại dịch khiến nỗ lực đó bị gián đoạn.

Đại dịch năm 2020 đã ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, buộc các nhà chức trách phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn dễ dàng hơn. Do đó, nợ của Trung Quốc - tính theo quy mô nền kinh tế - đã tăng lên mức kỷ lục vào năm 2020.

Nợ Trung Quốc ảnh 1
Tỷ lệ nợ trên GDP của Trung Quốc tăng mạnh sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Đại dịch Covid-19 đã làm gián đoạn kế hoạch kiểm soát bom nợ của chính quyền Bắc Kinh.

Gánh nặng nợ

Trung Quốc tích lũy nợ nhanh chóng sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007 và 2008. Đó là giai đoạn các nhà chức trách đưa ra gói kích thích khổng lồ, được tài trợ phần lớn thông qua những khoản vay ngân hàng.

Để đối phó với dịch Covid-19, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc một lần nữa nới lỏng chính sách tiền tệ, khiến gánh nặng nợ quốc gia này đạt mức kỷ lục.

Theo dữ liệu của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), nợ của quốc gia này đã ổn định trong một vài năm, trước khi bật tăng trở lại mức cao kỷ lục gần 290% GDP trong quý III/2020.

Báo cáo của chính phủ Trung Quốc cho biết xóa nợ là một trong "5 nhiệm vụ chính của chính phủ" trong năm 2021. Mục tiêu là giữ đòn bẩy tổng thể - tỷ lệ nợ trên GDP - "nhìn chung ổn định".

Nợ Trung Quốc ảnh 2
Tổng nợ của các khu vực phi tài chính, bao gồm tập đoàn, hộ gia đình và chính phủ Trung Quốc tăng lên mức kỷ lục trong năm 2020. Đáng nói, khu vực vay nợ cao nhất ở Trung Quốc là doanh nghiệp.

Ông Guo Shuqing - Chủ tịch Ủy ban Điều tiết Ngân hàng Trung Quốc - đã cảnh báo về áp lực từ đòn bẩy tài chính cao trong hệ thống tài chính. Một số lượng đáng kể công ty Trung Quốc có khả năng phá sản sau đại dịch.

Khi các hoạt động bị gián đoạn, nhiều doanh nghiệp không thể trả nợ. Điều đó sẽ dẫn đến sự gia tăng nợ ngân hàng. Tuy nhiên, Trung Quốc không phải quốc gia duy nhất chứng kiến nợ tăng vọt trong năm 2020.

Nợ doanh nghiệp chiếm tỷ trọng lớn

Dữ liệu của BIS cho thấy những nền kinh tế lớn khác như Mỹ, Nhật Bản và các nước châu Âu cũng chứng kiến tỷ lệ nợ trên GDP gia tăng. Nguyên nhân là hàng loạt chính phủ trên khắp thế giới tăng chi tiêu để giúp doanh nghiệp và hộ gia đình đối phó với ảnh hưởng của đại dịch.

​​Tuy nhiên, thành phần nợ của Trung Quốc không giống Mỹ và Nhật Bản. Theo dữ liệu của BIS, khu vực doanh nghiệp của Trung Quốc chiếm tỷ trọng lớn trong tổng nợ, lên tới hơn 160% GDP. Trong khi đó, nợ chính phủ chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng nợ ở cả Mỹ và Nhật Bản.

Khi nền kinh tế phục hồi sau đại dịch, Bắc Kinh bắt đầu nối lại nỗ lực kiểm soát nợ trong những tháng qua. Nỗ lực đó đã mang đến một số kết quả.

Nợ Trung Quốc ảnh 3
Khác với Trung Quốc, nợ chính phủ chiếm tỷ trọng lớn trong tổng nợ của Mỹ.

Vào cuối tháng 5, tổng tài trợ vốn trong toàn xã hội (total social financing, TSF) quá hạn - thước đo về tín dụng và thanh khoản trong nền kinh tế - đã tăng 11% so với một năm trước đó, giảm tốc so với mức tăng 11,7% hồi tháng 4.

Các nhà kinh tế tại ngân hàng Anh Barclays dự báo tăng trưởng tín dụng ở Trung Quốc sẽ từ 10% đến 10,5% vào cuối năm nay, so với 13,3% cuối năm 2020.

Sự bùng nổ kinh tế - được thúc đẩy bằng vay nợ - sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã giúp Trung Quốc vượt Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới (tính theo danh nghĩa) vào năm 2010. Trung Quốc hiện vẫn giữ vị trí này, chỉ đứng sau Mỹ.

Nợ Trung Quốc ảnh 4
Nợ của Nhật Bản cũng tăng vọt trong năm 2020. Tuy nhiên, thành phần nợ của Nhật Bản và Trung Quốc không giống nhau.

Hiện nay, đất nước 1,4 tỷ dân đặt mục tiêu trở thành một quốc gia phát triển. Vào tháng 11, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố có thể tăng gấp đôi quy mô nền kinh tế và thu nhập bình quân đầu người của Trung Quốc vào năm 2035, theo hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa xã.

Tuy nhiên, một số nhà quan sát cho rằng Bắc Kinh có thể không đạt được các mục tiêu kinh tế. Bởi chiến dịch giảm nợ sẽ làm giảm triển vọng kinh tế của nước này trong những năm tới. Chiến dịch chuyển đổi biến tiêu dùng thành động lực tăng trưởng chính cũng không cho thấy nhiều kết quả.

Tuy nhiên, một số khác cho rằng những trở ngại trên chỉ làm chậm chứ không thay đổi quỹ đạo tổng thể của Trung Quốc. Theo họ, việc đất nước 1,4 tỷ dân vượt Mỹ để trở thành nền kinh tế hàng đầu chỉ là vấn đề thời gian.

Thảo Cao

ZING

Các tin tức khác

>   Vàng thế giới gần như đi ngang (29/06/2021)

>   Dầu đảo chiều sau khi lên cao nhất kể từ năm 2018 (29/06/2021)

>   Financial Times: Đây chưa phải là siêu chu kỳ hàng hóa (27/06/2021)

>   BoK có thể đi đầu trong chu kỳ tăng lãi suất ở châu Á (26/06/2021)

>   Các ngân hàng lớn nhất Mỹ vẫn đủ vốn trong kịch bản suy thoái kinh tế (26/06/2021)

>   Vàng thế giới có tuần tăng đầu tiên trong 4 tuần (26/06/2021)

>   Dầu tăng 5 tuần liên tiếp (26/06/2021)

>   Các ngân hàng Trung Quốc đang giữ hơn 1,000 tỷ USD ngoại tệ (25/06/2021)

>   ADB: Lãi suất trái phiếu Đông Á mới nổi phân hoá do Covid-19 (25/06/2021)

>   Vàng thế giới giảm nhẹ trước tín hiệu trái chiều từ Fed (25/06/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật