Ngày càng nhiều sản phẩm nông nghiệp được cấp chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Bên cạnh những sản phẩm tận dụng được các ưu thế từ chứng nhận này để phát triển thị trường, tăng giá trị kinh tế thì cũng có nhiều nông sản, vì chưa quản lý hiệu quả chỉ dẫn địa lý khiến sản phẩm mai một, thất thế trên thị trường.
Tổng kết công tác năm 2020, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết lần đầu tiên số lượng chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý được cấp ở mức kỷ lục: 21 đơn. Như vậy, tính đến cuối năm 2020, Việt Nam đã bảo hộ 94 chỉ dẫn địa lý trong đó có 88 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam và 6 chỉ dẫn địa lý của nước ngoài.
Nông sản được bảo hộ vẫn bị mạo danh
Tại Đồng Nai, bưởi đường lá cam là một đặc sản gắn liền với cù lao Tân Triều. Năm 2012, bưởi Tân Triều được cấp chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý.
Ông Bùi Văn Đáng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Triều (huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai), cho biết cả xã hiện có gần 395 ha trồng bưởi, trong đó 70% là trồng bưởi đường lá cam (sản phẩm được cấp bảo hộ chỉ dẫn địa lý).
So với các giống bưởi khác, bưởi đường lá cam trồng ở Tân Triều có vị ngọt thanh, vỏ mỏng, tép bưởi mọng nước dù trọng lượng trái nhỏ hơn. Nhờ đó, dù năm 2020, khi rất nhiều vườn bưởi phải bán giá thấp, kêu gọi giải cứu… thì bưởi Tân Triều vẫn luôn được giá, ở mức từ 700.000-800.000 đồng/chục (bưởi Tân Triều vẫn giữ cách đếm một chục là 12 quả) nhưng vẫn không đủ bán.
Dẫu vậy, điều khiến cả nông dân và cơ quan quản lý ở địa phương này lo lắng là tình trạng nhiều người mang bưởi đường lá cam trồng ở vùng khác về cù lao Tân Triều để bán, dưới danh nghĩa bưởi Tân Triều. Thậm chí, mạo danh “bưởi Tân Triều” để dễ dàng đưa đi các địa phương khác tiêu thụ như TPHCM, Hà Nội…
“Đã là đặc sản thì phải trồng ngay tại địa phương đó. Với bưởi Tân Triều, phải trồng ngay tại cù lao này thì mới cho trái bưởi thơm ngon, mọng nước và có vị ngon đặc trưng nhất”, ông Đáng nói.
Thu hoạch bưởi Tân Triều tại một nhà vườn ở xã Tân Bình (huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai).
|
Cũng theo ông Đáng, dù biết việc này nhưng cơ quan chức năng vẫn chưa có biện pháp nào ngăn chặn hữu hiệu. Nhiều khách hàng lo ngại mua nhầm hàng nên đến mùa tết, thường phải vào tận vườn trồng, tự tay chọn bưởi.
Hay như gà đồi Yên Thế, cũng một thời là hình mẫu cho chăn nuôi hàng hóa quy mô lớn từ những năm 2006 với 7.000 hộ, trong đó có 2.000 hộ nuôi quy mô từ 1.000 con/lứa.
Từ năm 2001, nhãn hiệu “Gà đồi Yên Thế” được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, sản phẩm có mặt tại hầu hết các siêu thị lớn của Hà Nội như Hapro, Metro, CO.OP Mart, Hiway… đối với gà giết mổ và gà lông tại các chợ đầu mối ở Hà Nội.
Thời điểm đó, tỉnh Bắc Giang cũng đã hình thành được chương trình hợp tác tiêu thụ sản phẩm với Hà Nội, giúp thu nhập của nông dân đạt từ 50-350 triệu đồng/năm.
Thế nhưng, do việc quản lý chất lượng sản phẩm và quy trình sản xuất không hiệu quả đã khiến mô hình này thất bại nặng nề. Giá bán sản phẩm này hiện giảm mạnh, có lúc giảm chỉ còn 35.000-40.000 đồng/kg, thị trường cũng bị thu hẹp, chủ yếu tiêu thụ ở các tỉnh vùng núi phía Bắc. Gà đồi Yên Thế vắng bóng ở hầu hết các siêu thị trên địa bàn Hà Nội.
Theo TS. Trịnh Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hệ thống nông nghiệp (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam), nguyên nhân khiến mô hình gà đồi Yên Thế không phát triển được là do người chăn nuôi sử dụng giống gà mía lai có chất lượng trung bình, khối lượng cơ thể lớn (2,5-3 kg/con), tích mỡ và giống gà ri lai tạp, không phù hợp với thị hiếu tiêu dùng của thị trường đô thị Việt Nam.
Bên cạnh đó, phương thức nuôi sử dụng chủ yếu thức ăn công nghiệp khiến giá thành cao dù thời gian chăn nuôi ngắn trong khi nhu cầu thị trường tiêu thụ Hà Nội chỉ ưa chuộng gà ri có khối lượng nhỏ hơn 1,5 kg/con.
Cách nào bảo vệ chỉ dẫn địa lý?
Theo TS. Trịnh Văn Tuấn, với sự đa dạng về điều kiện sinh thái, địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng, truyền thống và kinh nghiệm sản xuất của các dân tộc khác nhau nên khu vực nông thôn Việt Nam có lợi thế trong sản xuất và cung cấp nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc sản địa phương.
Trong thời gian qua, Việt Nam cũng đã nỗ lực để sử dụng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể như một công cụ quan trọng trong cuộc chiến chống lạm dụng và gian lận thương mại, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng. Nhờ đó, ngày càng có nhiều sản phẩm nông nghiệp và nông thôn của Việt Nam được xây dựng thương hiệu.
Tuy nhiên, sau bảo hộ, vẫn có nhiều sản phẩm gặp khó khăn trong khai thác và phát triển thị trường, nhiều sản phẩm còn bị mạo danh không chỉ trên thị trường trong nước, ngoài nước mà ngay tại quê hương của sản phẩm đó.
Chăm sóc gà đồi Yên Thế ở Bắc Giang. Ảnh: Mekong.
|
Một trong những nguyên nhân khiến nhiều nông sản dần thất thế dù đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý là do việc lựa chọn sản phẩm bảo hộ chưa phù hợp, trong quá trình tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị còn tồn tại nhiều hạn chế, điểm yếu như sản xuất nhỏ lẻ, chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường tiêu thụ, chủ thể sản xuất có năng lực quản lý và tổ chức sản xuất yếu, sự liên kết giữa các bên tham gia chuỗi còn lỏng lẻo…
Theo ông Tuấn, để các sản phẩm quy mô nhỏ ở địa phương này có thể phát triển thành sản phẩm nổi tiếng, tiếp cận được thị trường tiêu thụ lớn và hướng đến xuất khẩu, chất lượng chính là yếu tố sống còn.
Việc mở rộng sản xuất một cách ồ ạt, không dựa trên các yếu tố quyết định đến chất lượng đặc thù của sản phẩm và các nguyên tắc về giống cây trồng/vật nuôi, quy trình sản xuất, các điều kiện địa lý… sẽ phá vỡ vùng sản xuất, tạo ra những sản phẩm không đúng chất lượng như đã cam kết.
“Có thể thấy qua ví dụ bưởi Đoan Hùng (tỉnh Phú Thọ). Sau khi được bảo hộ chỉ dẫn địa lý đã phát triển ồ ạt vùng sản xuất bằng việc đưa các giống bưởi lạ, ngoài quy định vào sản xuất. Hậu quả, chất lượng và uy tín của cả vùng sản phẩm suy giảm, người tiêu dùng quay lưng với “bưởi Đoan Hùng”, ông Tuấn nêu ví dụ.
Còn theo bà Phạm Thị Nhâm, Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lâm Đồng, trong điều kiện hội nhập kinh tế sâu rộng như hiện nay, nông sản rất cần được bảo vệ, bảo hộ, trong đó, bảo hộ chỉ dẫn địa lý là một trong những công cụ bảo vệ hữu ích.
Thế nhưng, ngay tại Lâm Đồng, ngày càng có nhiều đơn khiếu nại, khiếu kiện của các doanh nghiệp, tổ chức liên quan tới việc xâm phạm, xâm hại quyền sở hữu trí tuệ cũng như bảo hộ chỉ dẫn địa lý.
Do đó, để phát huy giá trị của các chỉ dẫn địa lý tại địa phương này, Lâm Đồng đặc biệt chú trọng công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng sản phẩm đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh những sản phẩm đã được cấp chỉ dẫn địa lý. Qua đó, bảo vệ danh tiếng và thương hiệu các nhãn hiệu mang yếu tố địa danh đã được bảo hộ.