Nguyên ĐBQH Lê Thanh Vân hiến kế 5 giải pháp liên hoàn thực hiện mục tiêu kép
Trong buổi tọa đàm '' Những chiến lược mới trong chống dịch và phát triển kinh tế'' được tổ chức ngày 26/5, Các chuyên gia đã phân tích và đưa ra nhiều giải pháp cho công tác phòng chống dịch Covid-19 cũng như các giải pháp cho phát triển kinh tế trong tình hình mới.
Ông Lê Thanh Vân. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
|
Chia sẻ về những biện pháp cũng như tinh thần chỉ đạo của Chính phủ trong thời gian qua các chuyên gia đều đánh giá rất cao, đặc biệt là tinh thần và các biện pháp phòng chống dịch của Chính phủ mới. Khi được hỏi về quan điểm, tinh thần chỉ đạo mới của Thủ tướng Phạm Minh Chính: “Chuyển trạng thái phòng chống dịch từ phòng ngự sang chủ động tấn công” để kiên định thực hiện mục tiêu kép, Ông Lê Thanh Vân, đại biểu Quốc hội khóa XIII, XIV đã bày tỏ niềm tin mạnh mẽ với chỉ đạo điều hành của Chính phủ mới. Bên cạnh đó ông Lê Thanh Vân cũng chia sẻ nhiều ý kiến quan trọng cho công cuộc thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ.
Theo ông Lê Thanh Vân, chỉ tiêu 6.7% tăng trưởng mà Ngân hàng Thế giới dự báo đối với Việt Nam dựa trên tính toán ở trạng thái tĩnh, còn chúng ta lại đang bàn ở trạng thái động. Nói đến động lực, yếu tố cấu thành tăng trưởng, cần tính tới 5 yếu tố: Một là vốn (tài lực, vật lực), hai là thể chế, ba là công nghệ, bốn là nhân lực, năm là văn hóa. Yếu tố tăng trưởng tác động đến biểu đồ lên xuống của nền kinh tế tùy thuộc vào cách sử dụng các công cụ, yếu tố này.
Theo tôi, thế giới ngày nay không coi trọng yếu tố vốn là quyết định mà nhấn mạnh yếu tố công nghệ, ở đâu có công nghệ đi đầu thì ở đó có sự bứt phá ngoạn mục về kinh tế. Ai là người sử dụng công nghệ? Đó vẫn là con người. Theo tôi, tác động đến tăng trưởng là phải kích hoạt đồng bộ cả 5 yếu tố, nhưng hai yếu tố quan trọng nhất là con người và công nghệ.
Câu chuyện liên quan đến tăng trưởng của Việt Nam đang đặt ở thế động. Đó là có sự tác động của COVID-19, không chỉ tác động đến nền kinh tế toàn cầu mà còn đến kinh tế Việt Nam. Chúng ta dự báo thế nào?
Theo tôi, phải xem xét khả năng kiểm soát dịch bệnh của chúng ta. Kết quả đạt được trong phòng chống dịch năm 2020 là rất đáng ghi nhận. Vừa rồi tại kỳ họp Quốc hội, tổng kết nhiệm kỳ, tôi đã đưa ra 3 bài học: Chủ động, chủ công, tự chủ. Thủ tướng Phạm Minh Chính đang đi theo cách chủ động, chủ công và cả chủ lực nữa.
Về bối cảnh COVID-19, nếu chúng ta kiểm soát được COVID-19, mục tiêu tăng trưởng 6.7% tất nhiên là xa nhưng không có nghĩa là chúng ta không với tới. Hiện nay có vẻ các nước bên ngoài đã kiểm soát được như Nga (kỷ niệm chiến thắng Phát xít hầu như không thấy đeo khẩu trang), Pháp, Mỹ nới lỏng rồi nhưng ở Việt Nam lại là câu chuyện khác.
Tình huống chống COVID-19 thay đổi bởi 3 yếu tố: Một là biến chủng của COVID-19 khác với trước, hai là độc lực khác trước, ba là tâm thế, kinh nghiệm chúng ta tích lũy nên phương thức phải khác. Trước đây chúng ta bao vây, truy vết, xử lý khi chưa có bài học phòng chống COVID, thế giới chưa có vaccine, lúc đó là phù hợp. Còn bây giờ, bối cảnh là biến chủng lan nhanh, độc lực mạnh hơn, chúng ta không thể duy trì mãi bao vây, cô lập như thế nữa nên tinh thần của Thủ tướng là chủ động tấn công, nhưng không phải lúc nào cũng là tấn công mà phải hài hòa giữa phòng thủ và tấn công. Phải thay đổi phương thức, từ chỗ bao vây, truy vết, xử lý sang lấy miễn dịch cộng đồng để đối phó với lây lan cộng đồng.
Theo tôi, có 5 giải pháp liên hoàn. Thứ nhất là thay đổi biện pháp cách ly, lấy cách ly cá nhân tại chỗ làm trọng. Hai là tiêm vaccine cho tối thiểu 60-70% dân số để tạo ra kháng nguyên trong mỗi cơ thể con người, sinh ra kháng thể để chống lại COVID. Ba là duy trì liên tục 5K. Bốn là tăng cường tính kỷ luật của mỗi công dân cùng với cộng đồng, cùng với cả nước; tình trạng vô kỷ luật, không chấp hành nghiêm pháp luật có thể phá vỡ thế trận. Cuối cùng là kết hợp y học dân tộc và y học hiện đại. Xung quanh chúng ta có rất nhiều cây thuốc nam có thể hỗ trợ quá trình tạo ra những kháng chất chống lại COVID-19. Cái này là nhiệm vụ của ngành y. Chống đại dịch COVID chúng ta làm tốt mới bàn đến thúc đẩy tăng trưởng bởi 5 yếu tố mà tôi vừa nêu ra.
Vấn đề nữa là sự đồng hành của Quốc hội và Chính phủ. Chúng ta thấy Chính phủ mới kiện toàn do Thủ tướng Phạm Minh Chính đứng đầu đã đưa ra mấy thông điệp rất quan trọng. Thứ nhất là phương thức hoạt động của Chính phủ đã thay đổi, chuyển từ Chính phủ dựa trên nền tảng trách nhiệm tập thể sang Chính phủ dựa trên nền tảng không chỉ trách nhiệm tập thể mà cá thể hóa trách nhiệm cá nhân. Thứ hai là lựa chọn các đột phá thể chế, bằng việc rà soát lại thể chế, chính sách. Thứ ba là lựa chọn trật tự ưu tiên để tạo ra các đột phá về công trình trọng điểm. Người đứng đầu Quốc hội là Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đồng thời cũng là Bí thư Đảng đoàn Quốc hội thường xuyên có cuộc trao đổi với Thủ tướng. Phía Quốc hội cũng đã có thông báo của Đảng đoàn Quốc hội, lãnh đạo Quốc hội chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội có nhiệm vụ chủ trì, rà soát các khâu nghẽn trong thể chế, chính sách về kinh tế. Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội được giao nhiệm vụ chủ trì, rà soát các giải pháp về phòng chống dịch. Các ủy ban khác của Quốc hội cũng đồng hành với tinh thần đó. Rất mừng và tin tưởng đó là sự đồng hành giữa hành pháp và lập pháp, giữa Chính phủ và Quốc hội.
Vấn đề là chúng ta chọn khâu đột phá nào? Tôi thấy rằng chuẩn bị vào nhiệm kỳ mới, cả phía Quốc hội và Chính phủ cần rà soát lại 5 nhóm giải pháp, vấn đề. Thứ nhất, rà soát các vấn đề đang trở ngại trong cải cách bộ máy, phân công nhiệm vụ chức năng giữa các tổ chức nhà nước ở Trung ương và địa phương, làm sao đột phá được khâu bộ máy, liên thông, xuyên suốt, hệ thống cấu trúc phải chặt chẽ, chứ không phải phát động chỗ này, chỗ kia tắc nghẽn, trên bảo dưới không nghe, trên nóng dưới lạnh. Phải rà soát lại thể chế về tổ chức, chỉnh đốn lại, khi động ở trên thì dưới phải chuyển động.
Thứ hai là rà soát lại các quy định về đầu tư công. Đâu là điểm nghẽn trong các đạo luật, các nghị định, các văn bản hướng dẫn để gỡ bỏ giúp cho các cấp, ngành, địa phương, doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn, giải phóng mặt bằng cho nhanh, chuyển biến mạnh mẽ trong thực hiện đầu tư công trung hạn.
Thứ ba là rà soát lại các điểm nghẽn trong chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ để khơi thông các dòng vốn, huy động tối đa nguồn lực cho xây dựng và phát triển đất nước.
Thứ tư là rà soát lại các quy định về trách nhiệm của người đứng đầu, nhất là trong việc trọng dụng hiền tài, bảo vệ người dám nghĩ dám làm. Đột phá về nhân sự chính là đột phá vào chủ thể của tất cả các hoạt động sáng tạo và làm chủ nền kinh tế.
Thứ năm là phải rà soát lại các công trình xếp theo thứ tự ưu tiên. Cái này Thủ tướng đang làm rất quyết liệt, chúng ta có thể thu hẹp phạm vi các công trình trọng điểm nhưng tập trung về nguồn lực, làm theo lộ trình và trong nhiệm kỳ này, quyết tâm làm được hàng nghìn km cao tốc, kết nối, tạo ra xung lực mới làm nền tảng cho đổi mới căn bản về hạ tầng. Như thế mới là quyết tâm của Chính phủ và Quốc hội.
Nhật Quang
FILI
|