Bất định trong dự báo lạm phát sau đại dịch
Lạm phát hiện đang là đề tài được các chuyên gia kinh tế rất quan tâm và lo ngại khi bàn về tình hình, chính sách vĩ mô các nước sau khi dịch Covid-19 được đẩy lùi. Không ít ý kiến bày tỏ lo ngại về nguy cơ lạm phát phi mã kéo dài, nhất là trong bối cảnh nhiều quốc gia đã chịu thiệt hại đáng kể về kinh tế do nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh bị đình trệ.
Liệu nguy cơ lạm phát cao trên toàn cầu có trở thành hiện thực? Nhìn lại Việt Nam, một quốc gia vẫn giữ được dịch bệnh trong tầm kiểm soát, thậm chí giữ được mức tăng trưởng dương và xuất siêu trong năm 2020, thì lạm phát có phải là mối đe dọa hiện hữu?
Nhìn từ bùng nổ của bên cầu
Mức độ bùng nổ tiềm năng của bên cầu phụ thuộc vào quy mô và mức độ của các chính sách kiềm chế dịch bệnh của chính phủ các nước, làm ảnh hưởng đến công ăn việc làm của người dân, và từ đó quyết định khả năng chi tiêu của người dân sau đại dịch.
Đây là một trong những yếu tố được đề cập nhiều nhất ở các nước phát triển. Cụ thể hơn, một trong những biện pháp hạn chế thiệt hại về mặt kinh tế do Covid-19 gây ra là các gói kích thích khổng lồ, chưa có tiền lệ được chính phủ các nước đưa ra.
Mục tiêu của các gói này là hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ gia đình trong tình cảnh hoạt động sản xuất, kinh doanh và đi lại hàng ngày của dân chúng bị hạn chế hoặc đình trệ do các quy định giới nghiêm và giãn cách xã hội.
Các biện pháp trên có thể ngăn các doanh nghiệp khỏi phá sản, hỗ trợ cho các hộ gia đình đang gặp khó khăn do không thể đi làm hoặc mất việc làm. Vào đầu tháng 3 - 2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã phê chuẩn gói cứu trợ Covid-19 mới trị giá 1.900 tỷ USD, trong đó mỗi người dân được chính phủ trợ cấp 1.400 USD.
Khác với các gói cứu trợ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, tiền cứu trợ được chuyển trực tiếp đến tay người dân và doanh nghiệp, làm gia tăng khả năng chi tiêu của người dân.
Do đó, một sự bùng nổ chi tiêu sau đại dịch là hoàn toàn có thể xảy ra, nhất là khi người dân muốn bỏ tiền vào các loại hàng hóa, dịch vụ mà họ không thể có được do các quy định phòng chống dịch ngặt nghèo, như ăn uống ở nhà hàng hoặc du lịch nước ngoài.
Tuy nhiên, hành vi chi tiêu của người dân ra sao thời hậu Covid-19 là một câu hỏi không dễ trả lời. Đơn cử như tình hình kinh tế vẫn còn khó khăn và bất ổn, có thể dẫn đến việc các hộ gia đình phải ưu tiên sử dụng tiền mình đang có cho việc thanh toán các khoản nợ của mình trước, từ đó hạn chế tiềm năng chi tiêu.
Hay như đại dịch còn có thể gây ra giảm cầu một số loại hàng hóa hay dịch vụ về lâu về dài, điển hình là nhu cầu đi lại bằng đường hàng không. Trong đại dịch ngành này đã chịu thiệt hại đáng kể do các biện pháp đóng cửa biên giới, hạn chế đi lại giữa các nước.
Nay khi Covid-19 được đẩy lùi, sẽ tốn không ít thời gian để các chuyến bay có thể lấp đầy khách trở lại, phần do các biện pháp an toàn, phần vì người dân lo ngại lây lan virus.
Do vậy các công ty du lịch lữ hành cũng sẽ gặp không ít khó khăn để phục hồi, do người dân có xu hướng muốn du lịch theo gia đình và nhóm nhỏ hơn để đảm bảo an toàn cho chính mình và người thân.
Đến từ gián đoạn bên cung
Hoạt động sản xuất, kinh doanh đã bị đình trệ do đại dịch, dẫn đến nhiều doanh nghiệp bị đóng cửa hoặc tạm ngưng hoạt động. Điều này dẫn đến tình trạng khan hiếm hàng hóa, chi phí vận chuyển và giá năng lượng tăng. Sau đại dịch, nếu cung không thể phục hồi đủ nhanh để bù đắp bùng nổ bên cầu, lạm phát có nguy cơ tăng phi mã.
Một sự bùng nổ chi tiêu sau đại dịch là hoàn toàn có thể xảy ra, nhất là khi người dân muốn bỏ tiền vào các loại hàng hóa, dịch vụ mà họ không thể có được do các quy định phòng chống dịch ngặt nghèo. Tuy nhiên, hành vi chi tiêu của người dân ra sao thời hậu Covid-19 là một câu hỏi không dễ trả lời.
|
Ngoài ra, chính sách cách ly để chống dịch cũng khiến cho nhiều người gặp khó khăn hơn trong việc hoàn thành các chương trình giáo dục, việc tiếp thu các kiến thức, kỹ năng cần thiết để phục vụ xã hội (nhất là trong kỷ nguyên kỹ thuật số thống trị) bị gián đoạn, từ đó làm suy giảm vốn con người.
Nhưng mặt khác, cung suy giảm lại khiến nhiều lao động mất việc làm, giảm thu nhập, làm hạn chế khả năng bùng nổ chi tiêu và áp lực tăng lương, từ đó khiến lạm phát khó xảy ra hơn.
Theo lý thuyết đường cong Phillips, khi nền kinh tế ở xa mức toàn dụng lao động, khả năng gia tăng lạm phát khi kinh tế phục hồi sẽ giảm đi. Điều này làm giảm khả năng xảy ra bùng nổ chi tiêu đã đề cập ở trên, do không phải ai cũng có đủ khả năng tài chính để “bạo chi”, bù đắp cho những tháng ngày giãn cách xã hội.
Theo góc nhìn lạc quan hơn, không như những thảm họa khác như chiến tranh hay thiên tai, hoạt động sản xuất, kinh doanh có khả năng phục hồi nhanh chóng sau đại dịch. Nguyên nhân là do các cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, vận chuyển vẫn an toàn và nguyên vẹn.
Do đó, khi dịch bệnh được đẩy lùi và doanh nghiệp có thể hoạt động bình thường trở lại, các công cụ phục vụ sản xuất sẽ thoát khỏi tình trạng “đắp chiếu”. Điều này có thể giúp nguồn cung bù đắp cho sự gia tăng cầu đột biến có thể xảy ra, từ đó làm giảm nguy cơ cầu vượt cung.
Tuy nhiên, khả năng phục hồi sản xuất này vẫn có thể bị kìm hãm nếu không có đủ lao động cần thiết. Số liệu việc làm tháng 4 của Mỹ cho thấy các doanh nghiệp Mỹ đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc tuyển dụng lao động trong nước, và ngay cả các chuyên gia lạc quan nhất cũng cho rằng vẫn phải mất nhiều năm nữa, nước này mới có thể đạt được số lao động có việc làm tương tự như năm 2019.
Ảnh minh họa.
|
Và kích thích từ khung chính sách tiền tệ và tài khóa
Ở một quốc gia có chính sách tiền tệ đủ uy tín để tạo ra kỳ vọng lạm phát rõ ràng, nhưng khi chính sách kiềm chế lạm phát được thực hiện càng mạnh tay, kỳ vọng lạm phát và lạm phát thực sẽ càng thấp.
Song nếu chính sách tiền tệ ưu tiên điều hòa tăng trưởng, có thể khiến lạm phát gia tăng khi có cú sốc giảm cung. Do đó, việc đánh đổi giữa giảm lạm phát và ổn định tăng trưởng có thể trở nên ngặt nghèo hơn bởi áp lực đến từ nguồn cung bị gián đoạn.
Ngoài chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa cũng có tác động đến nguy cơ bùng nổ lạm phát, điển hình là việc tung ra hàng loạt gói cứu trợ với quy mô lớn ở nhiều nước. Điều này làm gia tăng đáng kể cung tiền trong nền kinh tế.
Cung tiền là một trong những tác nhân quan trọng gây ra lạm phát, và đây là lý do chính khiến không ít chuyên gia quan ngại về khả năng xảy ra lạm phát khi nền kinh tế phục hồi sau đại dịch.
Hơn nữa, việc Ngân hàng Trung ương Mỹ (Fed) sẵn sàng để lạm phát vượt mục tiêu 2%, miễn là trung bình vẫn ở mức đó, đồng thời khẳng định không tăng lãi suất trong ngắn hạn, càng cho thấy họ sẵn sàng chấp nhận lạm phát cao hơn để ưu tiên phục hồi kinh tế.
Mặc dù vậy, do những hệ quả phát sinh từ đại dịch, cung tiền lớn và dân có tiền để tiêu chưa đảm bảo sẽ làm bùng lên lạm phát.
Theo Bloomberg, vận tốc luân chuyển tiền ở Mỹ liên tục giảm kể từ khủng hoảng tài chính 2008, và đến năm 2020 (năm bùng phát đại dịch), chỉ còn một nửa so với thập niên trước. Ngoài ra, tỷ lệ tiền để dành trên thu nhập nhàn rỗi của người dân Mỹ trong năm 2020 lên đến 15%. Sự bất an về tương lai có thể là tác nhân hạn chế chi tiêu của người dân.
Tóm lại, từ những phân tích trên, chúng ta có thể thấy các yếu tố tác động đến lạm phát toàn cầu vẫn còn nhiều bất định. Lạm phát có thể xảy ra (và dấu hiệu lạm phát đã rõ trong số liệu lạm phát tháng 4 Mỹ là 4,2% so với cùng kỳ năm trước), nhưng có khả năng đó chỉ là tạm thời.
Các yếu tố ảnh hưởng đến lạm phát ở Việt Nam
Việt Nam là quốc gia có độ mở thương mại rất lớn. Số liệu của World Bank cho thấy kim ngạch thương mại của Việt Nam trong năm 2019 tương đương 210,4% GDP, đứng thứ 8 trong các quốc gia và vùng lãnh thổ được thống kê.
Bản chất của dịch bệnh là do một loại virus mới được phát hiện, tốc độ lây lan quá nhanh và sinh ra nhiều biến thể, thế giới vẫn chưa thể hiểu rõ tường tận về nó. Do vậy sẽ không có kết thúc rõ ràng, từ đó ảnh hưởng đến độ tin cậy của các dự báo kinh tế “sau đại dịch” nói chung và lạm phát nói riêng.
|
Do vậy những tác động của lạm phát toàn cầu chắc chắn sẽ tác động mạnh đến lạm phát và kỳ vọng lạm phát trong nước. Câu hỏi đặt ra, vậy Việt Nam phải làm gì?
Trước tiên, Việt Nam khó có khả năng bùng nổ chi tiêu, tức người dân chi tiền tăng đột biến sau khi Covid-19 được đẩy lùi và các biện pháp hạn chế, giới nghiêm được dỡ bỏ.
Nguyên nhân là vì Việt Nam về cơ bản đang giữ dịch bệnh trong tầm kiểm soát. Khi có phát hiện ca nhiễm mới trong cộng đồng, các biện pháp giới nghiêm, giãn cách chỉ cần áp dụng trong một số khu vực nhỏ, giảm thiểu ảnh hưởng lên nhu cầu đi lại, sinh hoạt và làm việc của người dân.
Khi cuộc sống của người dân không bị gián đoạn bởi đại dịch, khả năng người dân bắt đầu chi tiêu mạnh khi kết thúc đại dịch khó xảy ra hơn.
Tuy nhiên, điều cần lưu ý là việc mở cửa lại các hoạt động xuyên biên giới sau đại dịch vẫn có thể tạo ra gia tăng chi tiêu đột biến ở các loại hình dịch vụ liên quan, điển hình là du lịch. Khả năng điều này xảy ra càng có cơ sở, khi ở Mỹ, ngành du lịch và hàng không tăng giá mạnh sau một thời gian dài ế ẩm và giá rẻ như cho, góp phần không nhỏ vào chỉ số lạm phát trong tháng 4 cao hơn dự kiến.
Nhưng trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp và tỷ lệ tiêm vaccine ở Việt Nam còn quá thấp, ngay cả khi Việt Nam tuyên bố “hết dịch”, mối đe dọa từ bên ngoài vẫn luôn thường trực và không có gì bảo đảm rằng dịch Covid-19 sẽ không tái bùng phát trở lại. Điều này sẽ ngăn các dịch vụ nói trên khởi sắc, nhất là ở các quốc gia phụ thuộc nhiều vào nguồn khách nước ngoài như Việt Nam.
Tiếp theo, tuy chính phủ Việt Nam đã đưa ra gói cứu trợ để hỗ trợ các doanh nghiệp, người lao động và thu được một số kết quả khả quan, nhưng vẫn bộc lộ một số hạn chế.
Theo báo cáo “Đánh giá các chính sách ứng phó với Covid-19 và các khuyến nghị” do trường Đại học Kinh tế quốc dân và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam (JICA) thực hiện, gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng có nhiều bất cập. Trong đó, tính đến giữa tháng 8- 2020, chỉ có 16 triệu người được nhận hỗ trợ.
Những người thuộc nhóm lao động tự do hoặc phi chính thức, được xem là dễ bị tổn thương do đại dịch nhất, lại không thể tiếp cận được gói cứu trợ này. Điều này càng cho thấy gói cứu trợ của chính phủ chưa thể tạo ra sức bật về cầu đủ lớn để tạo áp lực gia tăng lạm phát.
Những phân tích trên cho thấy khả năng lạm phát vượt mục tiêu 4% là không quá lớn, nhưng vẫn có một số yếu tố khác cần phải cân nhắc.
Chẳng hạn mối liên hệ giữa giá dầu thế giới và lạm phát ở Việt Nam là không thể xem thường. Giá dầu từng đạt mức cao kỷ lục 144,31 USD/thùng vào tháng 7-2008, và giá trung bình năm là 99,67 USD. Đây cũng là năm Việt Nam trải qua lạm phát hai chữ số, hơn 23%. Tình trạng này tái diễn một lần nữa vào năm 2011, lần này hơn 18%.
Mức đỉnh của giá dầu năm đó cũng trên 100 USD (cụ thể là 113,39 USD, với giá trung bình năm là 94,88 USD). Việt Nam tuy có xuất khẩu dầu thô nhưng vẫn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu nhiên liệu chế biến từ dầu.
Từ đó diễn biến của giá dầu hoàn toàn có thể tác động mạnh lên giá cả và lạm phát ở Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh thế giới vẫn đang vật lộn với đại dịch Covid-19, cùng với các bất ổn, xung đột kinh tế và địa chính trị như cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.
Tuy nhiên, ảnh hưởng của giá dầu có thể được bù đắp bằng việc gia tăng chậm của giá lương thực, vốn có tỷ trọng trong chỉ số giá tiêu dùng cao hơn chi phí vận tải (34% so với 10%). Ngoài ra, mặc dù chi phí dịch vụ y tế, giáo dục có thể gia tăng, chúng có thể được kiểm soát tốt bằng chính sách giá của nhà nước.
Thách thức mục tiêu kiểm soát
Việt Nam chúng ta bàn về khả năng xảy ra lạm phát sau khi dịch Covid-19 được đẩy lùi. Tuy nhiên hiện tại vẫn khó có thể xác định được cột mốc cho mục tiêu này. Vấn đề đầu tiên là thời điểm.
Quan điểm chung là dịch Covid-19 chỉ có thể được khống chế hoàn toàn khi người dân được tiêm chủng rộng khắp, từ đó hình thành mạng lưới miễn dịch cộng đồng, ngăn chặn sự lây lan của virus. Tuy nhiên, mục tiêu này không thể đạt được chỉ trong một sớm một chiều. Tốc độ thực hiện tiêm chủng phụ thuộc nhiều vào nguồn cung ứng vaccine.
Mặc dù Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng trong việc bào chế vaccine, nhưng ít nhất phải đến quý III vaccine nội địa mới được đưa vào sử dụng, trong khi việc mua vaccine từ nước ngoài vẫn còn gặp nhiều trở ngại. Điều này có thể phát ra những tín hiệu bi quan về tiến trình đẩy lùi Covid-19 và mở cửa ra thế giới của Việt Nam.
Hơn nữa, bản chất của dịch bệnh là do một loại virus mới được phát hiện, tốc độ lây lan quá nhanh và sinh ra nhiều biến thể, thế giới vẫn chưa thể hiểu rõ tường tận về nó. Vì lý do đó vẫn chưa tìm ra được các biện pháp phòng tránh hiệu quả hơn để hạn chế đà lây lan của virus, đồng thời giảm thiểu sự bất tiện cho người dân.
Nói cách khác, dịch Covid-19 sẽ không có kết thúc rõ ràng, từ đó ảnh hưởng đến độ tin cậy của các dự báo kinh tế “sau đại dịch” nói chung và lạm phát nói riêng.
Về chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam không nên dựa dẫm quá nhiều vào việc giảm lãi suất. Cho dù lãi suất có xuống thấp đến đâu, cũng chỉ giúp các doanh nghiệp ở khoản vay vốn và trả nợ. Điều này không thể bù đắp cho nhu cầu thay đổi có hệ thống do ảnh hưởng từ đại dịch.
Doanh nghiệp không thể thu về lợi nhuận nếu không có khách hàng. Hơn nữa, việc cắt giảm lãi suất cũng có thể làm tăng khả năng bùng nổ chi tiêu sau đại dịch, gây áp lực gia tăng lạm phát.
Lạm phát sắp tới có thể gia tăng tạm thời do kinh tế phục hồi, nhưng không có dấu hiệu cho thấy lạm phát trở nên dai dẳng. Do vậy chính phủ cần có chính sách nhất quán, lấy mục tiêu lợi ích của nhân dân, người lao động lên hàng đầu để cân bằng các mục tiêu, từ đó đưa kinh tế nước nhà phát triển bền vững.
NGUYỄN TRÍ MINH, Đại học Kinh tế TPHCM
Sài Gòn Đầu Tư Tài Chính
|