Thứ Sáu, 21/05/2021 08:11

Nghịch lý pin năng lượng mặt trời

Hầu hết pin mặt trời trong nước là nhập khẩu, thế nên thông tin Ấn Độ khởi xướng điều tra chống bán phá giá sản phẩm pin năng lượng mặt trời có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Việt Nam khiến nhiều người ngã ngửa.

* Pin mặt trời Việt Nam bị Ấn Độ điều tra chống bán phá giá

* Doanh nghiệp ngoại chiếm hết thị phần tỉ USD pin mặt trời

Thị trường tấm pin năng lượng mặt trời tại VN gần 100% là nhập khẩu. Ảnh: Vũ Hân

Thông tin từ Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương), Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ đã gửi thông báo khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với một số sản phẩm pin năng lượng mặt trời có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam (VN). Theo Cục Phòng vệ thương mại, phía Ấn Độ chưa cung cấp biên độ bán phá giá cho sản phẩm pin năng lượng mặt trời nói trên. Tuy nhiên, phía Ấn Độ cho rằng sản phẩm pin năng lượng mặt trời có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Trung Quốc, Thái Lan và VN có biên độ bán phá giá cao, vượt ngưỡng tối thiểu (tức trên 2%).

Hơn 99% pin năng lượng mặt trời là nhập khẩu

Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy năm 2019, doanh nghiệp tại VN nhập khẩu 36,2 triệu tấm pin mặt trời với giá trị 844,8 triệu USD (tăng hơn 224%) so với năm 2018. Sang năm 2020, lượng nhập khẩu tăng gấp 3 lần lên 114,6 triệu tấm pin với giá trị lên tới 2,4 tỷ USD (tăng hơn 185%) so với năm 2019. Với tốc độ phát triển điện mặt trời như vũ bão tại VN trong 2 năm qua, thông tin từ các nhà cung cấp tấm pin năng lượng và nhà lắp đặt, ngay cả nhập khẩu về cũng không kịp để bán.

Chuyên gia năng lượng tái tạo Trần Văn Bình cho hay 99% pin năng lượng mặt trời lắp ráp các công trình tại VN là nhập khẩu và chủ yếu mua từ Trung Quốc. Một số nhà đầu tư và lắp đặt điện mặt trời tại phía nam trên diễn đàn pin năng lượng cũng khẳng định, tại VN chỉ có một công ty 100% vốn trong nước có sản xuất mặt hàng này là Solar BK nhưng chiếm thị phần rất thấp. Nguồn hàng chính vẫn dựa vào nhập khẩu từ Trung Quốc.

Nhập khẩu hoàn toàn, vậy lấy đâu để VN xuất khẩu bán phá giá mặt hàng này tại Ấn Độ? Trả lời câu hỏi này, theo ông Bình: “Có thể từ các công ty Trung Quốc nhập khẩu thương mại vào VN hoặc nhập lắp ráp, gia công để xuất đi. Theo tôi được biết, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đặt nhà máy tại một số tỉnh phía bắc nhập về và xuất đi các nước, trong đó có Ấn Độ. Chẳng hạn, Tập đoàn Trina Solar (Trung Quốc) hiện có 7 nhà máy đặt tại Bắc Giang chuyên sản xuất nhiều loại pin đơn tinh thể và đa tinh thể, xuất khẩu đến khắp các châu lục trên thế giới. Ngoài ra, thời gian qua, cũng có nhiều công ty nhỏ của Trung Quốc mới được thành lập và nhập khẩu hàng pin năng lượng số lượng lớn...”.

Số liệu thống kê từ Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ (USITC) cho thấy năm 2019, xuất khẩu tấm pin năng lượng mặt trời từ VN sang Ấn Độ với mã HS 854140 đạt trị giá xấp xỉ 171,7 triệu USD; năm 2020 chỉ đạt khoảng 25,5 triệu USD. “Hàng xuất khẩu đó chỉ từ các công ty Trung Quốc từng xuất khẩu sang Ấn Độ, đang bị áp thuế chống bán phá giá sản phẩm này của Ấn Độ từ năm 2018”, ông Bình nói thêm.

Hàng Việt bị vạ lây

Một bài báo trên trang Climat Home News hồi tháng 8.2020 cho biết kể từ năm 2018, Ấn Độ đã áp dụng áp thuế tự vệ để bảo vệ các nhà sản xuất năng lượng mặt trời địa phương khỏi hàng nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc với mức 25% đối với các mô đun năng lượng mặt trời và 15% đối với pin trong năm đầu tiên, tăng lần lượt lên 40% và 30% từ năm thứ 2 (dự tính từ tháng 4.2022 - PV). “Ý tưởng trên là để Ấn Độ thoát khỏi sự phụ thuộc vào hàng hóa Trung Quốc và mở đường cho các nhà sản xuất Ấn Độ”, bài báo viết. Trong 3 tháng cuối năm 2019, ngay cả khi Ấn Độ đã áp thuế tự vệ với hàng từ Trung Quốc, thì 85% tổng số mô đun và pin mặt trời tại thị trường này được nhập khẩu từ Trung Quốc, 5,5% đến từ VN và 4% từ Thái Lan.

Bà Nguyễn Thùy Ngân, Giám đốc truyền thông Công ty Năng lượng mặt trời Bách khoa (Solar BK), cho biết Solar BK là doanh nghiệp nội địa duy nhất sản xuất pin năng lượng mặt trời và chiếm chưa tới 1% thị phần tại VN. “Khi VN chưa có chính sách khuyến khích năng lượng tái tạo, công ty chủ yếu sản xuất và gia công tấm pin xuất khẩu sang châu Âu và một ít sang Ấn Độ. Đến nay, hàng làm trong nước gặp cạnh tranh lớn từ hàng giá rẻ Trung Quốc. Chúng ta có chính sách khuyến khích làm năng lượng tái tạo, nhưng không có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời. Thế nên ngay tại thị trường nội địa có trị giá hàng tỷ USD từ lâu đã nằm trong tay doanh nghiệp Trung Quốc”, bà Ngân nói.

Chuyên gia năng lượng tái tạo Trần Văn Bình bổ sung, sau khi VN có chính sách khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo, tại một số tỉnh phía bắc, mọc lên vài nhà máy của nhà đầu tư đến từ Trung Quốc, chủ yếu làm công đoạn nhập khẩu và đóng gói bán cho thị trường VN và xuất khẩu. Nếu nói áp thuế để phòng vệ là đòn đánh vào hàng pin năng lượng mặt trời của Trung Quốc tại VN thì VN cũng bị vạ lây. Chính những công ty này cũng có nhà máy sản xuất xuất khẩu lớn tại Trung Quốc, 2 năm qua, mặt hàng này từ Trung Quốc vào Ấn Độ bị áp thuế tự vệ lên đến 15 - 25% nên họ phải tìm thị trường khác để lấy xuất xứ xuất khẩu sang Ấn Độ và VN là một trong những chọn lựa. Trường hợp này giống như những mặt hàng thép, gỗ... xuất khẩu mà chúng ta có cảnh báo thời gian qua.

Nguyên Nga

Thanh niên

Các tin tức khác

>   Không để đứt gẫy chuỗi sản xuất; nghiên cứu thí điểm cách ly F1 tại nhà (20/05/2021)

>   Thống nhất giao kinh phí bảo trì đường sắt cho Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (20/05/2021)

>   Truy nã nữ giám đốc chiếm đoạt hơn 48 tỉ đồng (20/05/2021)

>   Mô hình mới của Thế giới Di động: Tiểu thương vùng sâu, vùng xa không nên bỏ qua (20/05/2021)

>   Quy định bất cập đang "khuyến khích" doanh nghiệp dệt may trở lại "phận" gia công  (20/05/2021)

>   Thủ tướng phê duyệt kế hoạch thực hiện Hiệp định UKVFTA (20/05/2021)

>   Cựu lãnh đạo BV Mắt TPHCM “làm xiếc đấu thầu”, gây thiệt hại 14 tỷ đồng (19/05/2021)

>   Vì sao Alibaba tham gia vào nhóm rót vốn đầu tư 400 triệu USD tại Masan? (19/05/2021)

>   Đường dây 200 triệu lít xăng giả: Bắt khẩn cấp chủ cây xăng 233 Bùi Ngọc Toàn (19/05/2021)

>   Pin mặt trời Việt Nam bị Ấn Độ điều tra chống bán phá giá (19/05/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật