Thứ Năm, 20/05/2021 09:31

Quy định bất cập đang "khuyến khích" doanh nghiệp dệt may trở lại "phận" gia công 

Nghị định 18/2021/NĐ-CP vô hình chung dẫn tới việc không khuyến khích doanh nghiệp dệt may chủ động làm hàng sản xuất xuất khẩu, mà khuyến khích doanh nghiệp quay trở lại làm hàng gia công...

Quy định bất cập đang
Doanh nghiệp dệt may đang gặp khó khăn với quy định tại Nghị định 18/2021/NĐ-CP.

Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) vừa có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan kiến nghị của các doanh nghiệp dệt may trên cả nước về các vướng mắc về chính sách thuế và thủ tục hải quan khi thực hiện Nghị định 18/2021/NĐ-CP ngày 11/03/2021 (Nghị định thay thế cho Nghị định 134/2016/NĐ-CP ngày 01/09/2016).

HAI DOANH NGHIỆP "CÕNG" MỘT ĐỐI TƯỢNG HÀNG HÓA

Cụ thể, Nghị định 18/2021/NĐ-CP quy định: “sản phẩm xuất khẩu tại chỗ không được miễn thuế xuất khẩu. Người xuất khẩu tại chỗ đăng ký tờ khai hải quan xuất khẩu tại chỗ và kê khai nộp thuế xuất khẩu theo mức thuế suất và trị giá của sản phẩm xuất khẩu tại chỗ theo quy định tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan xuất khẩu tại chỗ… Sản phẩm nhập khẩu tại chỗ đăng ký tờ khai hải quan theo loại hình khác thì người nhập khẩu tại chỗ kê khai, nộp thuế theo mức thuế suất và trị giá tính thuế của sản phẩm nhập khẩu tại thời điểm đăng ký tờ khai…”.

Nghĩa là, doanh nghiệp nội địa xuất khẩu tại chỗ sản phẩm cho doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu phải nộp thuế xuất khẩu cho sản phẩm xuất ra. Đồng thời, doanh nghiệp nhập khẩu sản phẩm tại chỗ cũng phải nộp thuế nhập khẩu cho sản phẩm nhập tại chỗ. “Như vậy, một đối tượng hàng hóa cả 2 doanh nghiệp đều phải nộp thuế. Quy định này tạo nhiều bất cập cho doanh nghiệp”, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Vitas phân tích.

Thực tế hàng nhập khẩu tại chỗ sử dụng để sản xuất xuất khẩu sau cùng cũng xuất ra nước ngoài, không tiêu thụ trong thị trường Việt Nam thì theo quy định tại Luật thuế xuất nhập khẩu phải được miễn thuế. 

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam

 

Vấn đề nộp thuế ngay sau đó được hoàn lại khi chứng minh là thực sự xuất khẩu, gây khó khăn rất lớn cho doanh nghiệp. Vì doanh nghiệp phải huy động một số tiền lớn để đóng thuế và mất rất nhiều thời gian để hoàn thành các thủ tục nộp và hoàn thuế sau đó.

Mặt khác, không khuyến khích hàng sản xuất xuất khẩu, gây ra sự bất bình đẳng giữa hàng gia công xuất khẩu và hàng sản xuất xuất khẩu. Hàng nhập khẩu tại chỗ để gia công xuất khẩu được miễn thuế mà hàng nhập tại chỗ để sản xuất xuất khẩu lại không được miễn thuế.

“Điều này tương tự như quy định tại Nghị định 134/2016/NĐ-CP đã được bãi bỏ tại Nghị định này là nguyên phụ liệu nhập khẩu để gia công xuất khẩu nhưng đưa đi gia công lại thì được miễn thuế còn nguyên phụ liệu nhập để sản xuất xuất khẩu đưa đi gia công lại lại không được miến thuế”, ông Giang cho biết.

Một nghịch lý, quy định chỉ ưu tiên hàng nhập khẩu để gia công xuất khẩu mà không ưu tiên các doanh nghiệp nhập để sản xuất xuất khẩu (một hình thức mang lại giá trị gia tăng và hiệu quả cao hơn) và không ưu tiên doanh nghiệp sử dụng vải trong nước để sản xuất xuất khẩu. Như vậy, doanh nghiệp sẽ lựa chọn hình thức gia công thay vì tìm cách nâng cao vị trí của dệt may Việt Nam trong chuỗi cung ứng,… đi ngược lại chiến lược phát triển của ngành.

Đại diện Công ty cổ phần May Phương Đông cũng đồng tình cho rằng, theo hướng dẫn của Tổng cục Hải quan thì doanh nghiệp phải thực hiện nộp thuế ngay nếu nhập khẩu tại chỗ để phục vụ cho các loại hình khác ngoài loại hình gia công xuất khẩu.

Điều này vô hình chung dẫn tới việc không khuyến khích doanh nghiệp chủ động làm hàng sản xuất xuất khẩu (hàng FOB), mà khuyến khích doanh nghiệp quay trở lại làm hàng gia công. Đồng thời, không có sự công bằng trong hai loại hình này.

LÃNG PHÍ LỚN VỀ TÀI CHÍNH CỦA DOANH NGHIỆP

Mặt khác, tiêu chí chung của Nghị định 18/2021 là miễn giảm thuế nói chung, cũng như tiêu chí riêng của điều khoản 12 nêu rõ: Miễn thuế đối với hàng hoá nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu.

Song trên thực tế, triển khai của Nghị định 18/2021 thì doanh nghiệp sẽ phải đóng ngay một khoản tiền thuế khá lớn và treo tại đó cho đến thời điểm doanh nghiệp hoàn thành bộ hồ sơ xuất khẩu và hoàn tất hồ sơ hoàn thuế với thời hạn trung bình một năm tính từ khi nhập khẩu.

Vitas kiến nghị sửa đổi quy định cho phép miễn thuế nhập khẩu với hàng nhập tại chỗ để sản xuất hàng xuất khẩu, tạo sự bình đẳng giữa hình thức gia công xuất khẩu và sản xuất xuất khẩu.

“Đây là sự lãng phí rất lớn về tài chính của doanh nghiệp. So với Nghị định 134 thì doanh nghiệp hoàn toàn không nhận được sự hỗ trợ nào của Chính phủ về việc cải tiến thủ tục mà lại làm công việc thêm khó khăn và tốn kém hơn”, đại diện May Phương Đông cho biết.

Do đó, doanh nghiệp này đề nghị bãi bỏ việc thu thuế ngay lập tức hàng nhập khẩu phục vụ cho hàng sản xuất xuất khẩu và giữ nguyên chính sách thuế xuất nhập đối với loại hình sản xuất xuất khẩu như quy định tại Nghị định 134/2016/NĐ-CP.

Vitas kiến nghị sửa đổi quy định cho phép miễn thuế nhập khẩu với hàng nhập tại chỗ để sản xuất hàng xuất khẩu, tạo sự bình đẳng giữa hình thức gia công xuất khẩu và sản xuất xuất khẩu, khuyến khích các doanh nghiệp chuyển sang phương thức xuất khẩu mua đứt bán đoạn (FOB) thay vì khuyến khích gia công.

Nghị định cần làm rõ, sản phẩm nhập khẩu tại chỗ để sản xuất hàng xuất khẩu cần nộp thuế nhập khẩu có bao gồm sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài nhưng được chỉ định hàng hóa giao từ các doanh nghiệp chế xuất, khu phi thuế quan không?

Và trường hợp người nhập khẩu tại chỗ đưa sản phẩm nhập khẩu tại chỗ vào sản xuất hàng xuất khẩu và thực tế đã xuất khẩu sản phẩm cho thương nhân nước ngoài nhưng được chỉ định giao hàng hóa cho doanh nghiệp không phải doanh nghiệp chế xuất hoặc thuộc phi thuế quan thì có được hoàn thuế nhập khẩu không?

Hương Loan

VnEconomy

Các tin tức khác

>   Thủ tướng phê duyệt kế hoạch thực hiện Hiệp định UKVFTA (20/05/2021)

>   Cựu lãnh đạo BV Mắt TPHCM “làm xiếc đấu thầu”, gây thiệt hại 14 tỷ đồng (19/05/2021)

>   Vì sao Alibaba tham gia vào nhóm rót vốn đầu tư 400 triệu USD tại Masan? (19/05/2021)

>   Đường dây 200 triệu lít xăng giả: Bắt khẩn cấp chủ cây xăng 233 Bùi Ngọc Toàn (19/05/2021)

>   Pin mặt trời Việt Nam bị Ấn Độ điều tra chống bán phá giá (19/05/2021)

>   E-mart sẽ bán lại mảng bán lẻ ở Việt Nam cho Tập đoàn Thaco? (19/05/2021)

>   Mỹ chuyển hướng tìm kiếm sản phẩm nội thất của Việt Nam (19/05/2021)

>   Thủ tướng chỉ ra 8 yếu kém và hạn chế cần khắc phục của ngành xây dựng (19/05/2021)

>   Chênh lệch hàng trăm tỷ đồng, nhiều dự án đầu tư công đứng trước nguy cơ “đình trệ” (18/05/2021)

>   Thu phí các tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư: Hại bất cập lợi? (18/05/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật