Làm sao cắt cơn sốt đất?
Để hạn chế việc đầu cơ đất, người sở hữu nhà đất dùng để ở thì chịu mức thuế thấp nhất. Người sở hữu nhiều nhà đất mà không dùng để ở, để sản xuất kinh doanh thì chịu mức thuế suất lũy tiến tùy theo số lượng nhà đất sở hữu.
Mạnh tay đánh thuế
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA), kể từ năm 2017, thị trường bất động sản lặp đi lặp lại nhiều đợt sốt đất, nhất là cơn sốt đất xảy ra trên diện rộng hiện nay. Sốt đất làm mất cơ hội tạo lập nhà ở của người có thu nhập thấp đô thị, công nhân lao động và người nhập cư, ảnh hưởng đến an sinh và trật tự xã hội.
Sốt đã đẩy giá đất ở một số địa phương lên quá cao so với giá trị thực, thiết lập mặt bằng giá mới, còn tác động tiêu cực đến môi trường đầu tư, gây khó khăn trong việc thu hút đầu tư, nhất là các nhà đầu tư lớn.
Song song với sốt đất, giá nhà tại TPHCM từ năm 2020 đến nay cũng tăng vọt. Nguyên nhân khiến giá nhà tăng là do sụt giảm mạnh nguồn cung dự án nhà ở, nhất là rất thiếu căn hộ tầm giá trên dưới 35 triệu đồng/m2.
Riêng nhà ở thương mại giá thấp tầm 20-25 triệu đồng/m2 gần như không còn.
Để “trị” sốt đất và “bình ổn giá nhà”, HoREA đề xuất ban hành thuế chống đầu cơ nhà, đất bằng việc đánh thuế thu nhập với thuế suất cao đối với hành vi bán, chuyển nhượng lại nhà, đất ngay sau khi tạo lập. Việc đánh thuế cao sẽ triệt tiêu ý chí “đầu cơ” của nhà đầu tư “lướt sóng”.
Cùng với đó là xem xét, giữ mức thuế suất cao trong năm thứ hai, thứ ba. Các trường hợp bán, chuyển nhượng nhà, đất sau khi tạo lập được 3 năm, hoặc chứng minh được nhu cầu bán, chuyển nhượng nhà, đất là chính đáng, thì áp dụng thuế suất bình thường.
Đánh thuế người sở hữu nhiều nhà đất cũng được HoREA đề xuất, theo nguyên tắc. Người sở hữu nhiều nhà đất mà không dùng để ở, để sản xuất kinh doanh, thì chịu mức thuế suất lũy tiến tùy theo số lượng nhà đất sở hữu.
Sự tăng giá này chủ yếu là đầu cơ thay vì dựa trên nhu cầu có thực.
|
Cũng theo HoREA, cần có sắc thuế đánh trên hành vi của người sử dụng đất chậm đưa đất vào sử dụng, với thuế suất cao, sẽ triệt tiêu ý chí “găm giữ” đất, chậm đưa đất vào sử dụng và để chống đầu cơ đất đai.
Ngoài thuế, HoREA còn kiến nghị cắt cơn sốt “bong bóng” bất động sản bằng siết tín dụng, can thiệp bằng biện pháp hành chính. Hiệp hội này đề xuất sử dụng cả biện pháp giảm tỷ lệ cho vay tín dụng mua bất động sản, để ‘kiểm soát đầu tư “lướt sóng”.
Phải công khai quy hoạch
Bà Đỗ Thị Thu Hằng, Giám đốc Cấp cao Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn Savills Hà Nội cho biết, các khu vực có quy hoạch hoặc cơ sở hạ tầng đang trong quá trình hoàn thiện, thường là cơ sở để giá đất tăng.
Sự tăng giá này chủ yếu là đầu cơ thay vì dựa trên nhu cầu có thực. Hoạt động mua đi bán lại diễn ra giữa cơn sốt như vậy không phản ánh được nhu cầu thực chất của thị trường.
Kể từ năm 2017, thị trường bất động sản lặp đi lặp lại nhiều đợt sốt đất.
|
Cũng theo bà Hằng, trong nỗ lực kiểm soát sốt đất, Nhà nước có thể cân nhắc tới hai yếu tố quan trọng. Thứ nhất, là công bố đầy đủ chi tiết quy hoạch và phát triển cơ sở hạ tầng, cập nhật cụ thể tới người dân, để họ nắm được chính xác những khu vực nào chịu ảnh hưởng từ những quyết định của Nhà nước.
Thứ hai, là đưa ra các chế tài chặt chẽ để kiểm soát thị trường và đảm bảo sự công khai minh bạch trong ngành bất động sản. Cụ thể, Nhà nước cần kiểm soát chặt chẽ điều kiện pháp lý khi các chủ đầu tư tung bán sản phẩm ra thị trường, đồng thời phía chủ đầu tư cần hoàn thành các điều kiện pháp lý, đảm bảo người mua nhận nhà cùng các thiết bị và thông tin như cam kết.
Đặc biệt, thị trường Việt Nam đang tồn tại vấn đề liên quan đến các cá nhân môi giới bất động sản với việc họ tự ý đẩy giá lên, làm ảnh hưởng đến giá đất thật sự của thị trường. Hơn nữa, Việt Nam vẫn chưa có cơ quan xác định để lưu trữ các thông tin thiết thực về các giao dịch trên thị trường. Hiện, giá mua bán tuy vẫn được ghi nhận nhưng những con số này không thực sự phản ánh giá giao dịch thực giữa người mua và người bán.
Lê Bình
TBKTSG
|