Thứ Ba, 11/05/2021 10:22

Bất động sản vùng ven bớt chộn rộn

Nhu cầu mua đất vùng ven TP HCM để đầu tư, làm nơi nghỉ dưỡng, làm vườn vẫn còn cao nhưng người mua đã thận trọng hơn trước.

Khảo sát các khu vực sốt đất gần TP HCM như Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Lâm Đồng... trong vài tuần trở lại đây, phóng viên nhận thấy các giao dịch, mua bán không còn nhộn nhịp như trước.

Chững lại...

Trinh, một người môi giới bất động sản khu vực huyện Tân Phú và Định Quán (tỉnh Đồng Nai), cho biết vài tuần trở lại đây, khách hỏi về đất vườn, đất nông nghiệp nhiều nhưng chốt mua thì rất ít, thị trường không sôi động như trước và sau Tết nguyên đán. Theo lời Trinh, có nhiều mảnh đất đẹp, giá tốt nhưng khách cứ lưỡng lự, cân nhắc. "Có một mảnh vườn khá đẹp, diện tích hơn 1,4 ha ở huyện Tân Phú, ban đầu chủ kêu giá 5,5 tỉ đồng. Sau khi khách đi xem, chủ đất đồng ý giảm còn 4,5 tỉ đồng nhưng người mua vẫn chưa chịu đặt cọc vì lo dịch Covid-19 đang bùng phát nên muốn đợi thêm" - Trinh kể.

Một số người môi giới đất ở khu vực hồ Trị An thuộc huyện Vĩnh Cửu và Thống Nhất (tỉnh Đồng Nai), cho hay vài tháng trước, 1 mảnh đất vườn có 5-6 người môi giới cùng rao bán, khách ra vô nườm nượp để xem. "Sợ mất hàng nên khách và chủ đất đều mua bán nhanh. Khoảng 2 tuần nay, khi dịch Covid-19 tái bùng phát thì nhiều khách cũng hủy kèo đi xem đất" - một người môi giới khu vực này nói.

Là một trong những người đổi đời nhờ làm cò đất ở khu vực huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai và huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, ông Quân cho biết thực tế vẫn có khách hỏi mua đất vườn, đất nông nghiệp và cũng có khách ký gửi bán nhưng giá đưa ra không hề rẻ, cao gấp 3-4 lần năm ngoái trong khi người mua chỉ kiếm đất giá rẻ nên cung - cầu không gặp được nhau, vì thế mà giao dịch chậm lại. Hiện tại giá đất các khu vực này đã được đẩy lên mức 800 triệu đồng đến khoảng 1 tỉ đồng/sào (1.000 m2) dành cho đất mặt hồ; còn đất vườn, vườn cây trái bình thường cũng nhảy lên 500-600 triệu đồng/sào.

Tương tự, thị trường đất rừng, đất nông nghiệp ở các huyện thuộc tỉnh Lâm Đồng cũng chững lại sau khi chạm đỉnh hồi sau Tết nguyên đán.

Trao đổi với chúng tôi, một chuyên gia bất động sản cho rằng sau khi các cơ quan nhà nước, hiệp hội, báo chí lên tiếng về thực trạng thổi giá, làm sốt đất ảo vì các thông tin quy hoạch thì thị trường bất động sản vùng ven có dấu hiệu chững lại. Nhất là từ sau khi các địa phương có biện pháp mạnh để chấn chỉnh về quy hoạch, xử lý các dự án chui, như ở tỉnh Đồng Nai, lãnh đạo các doanh nghiệp làm dự án ma liên tục bị bắt, khởi tố khiến nhiều người chùn tay, không dám mua bán đất ảo hay lợi dụng thông tin quy hoạch để tung tin đồn, thổi giá, tạo cung cầu ảo nữa.

Bất động sản vùng ven bớt chộn rộn - Ảnh 1.
Khu vực gần hồ Trị An hiện nay không còn nhiều người tới săn lùng mua đất để nghỉ dưỡng và đầu tư như trước

Nhu cầu vẫn còn

Tuy vậy, theo ông Đoàn Quốc Duyệt, Giám đốc Công ty Bất động sản Tín Thành, nhu cầu của người mua đất vườn, đất nghỉ dưỡng ở các tỉnh không giảm mà chỉ chững lại để nghe ngóng sau những cảnh báo về sốt đất của Chính phủ. Người mua hiện nay không còn tranh giành và mua bất chấp như trước nữa vì giá đã tăng khá cao. Những người mới mua, chưa có lời nhiều thì giữ đất và không chấp nhận hạ giá. Thực tế, chỉ những mảnh đất có vị trí đẹp, giá tốt mới phát sinh giao dịch.

Lý giải vì sao nhiều người vẫn có xu hướng tìm mua đất vườn, đất nông nghiệp ở các tỉnh, ông Trần Khánh Quang, Tổng Giám đốc Công ty Việt An Hòa, cho rằng với 2-3 tỉ đồng thì tại TP HCM hiếm có sản phẩm bất động sản phù hợp để đầu tư, do căn hộ giá trung bình khan hiếm, còn căn hộ giá cao thì không thể đầu tư, mua để ở thì cũng quá tầm nên dòng tiền sẽ chủ động phân tán đến những nơi phù hợp, chỉ còn đất vườn vùng ven là có giá cả phù hợp để đầu tư, vừa làm nơi nghỉ dưỡng cuối tuần hoặc vào những dịp lễ.

Theo một chuyên gia bất động sản, nhà đầu tư, người dân muốn mua đất vùng ven cần cân nhắc, xem xét kỹ các yếu tố "thiên thời, địa lợi, nhân hòa" cũng như khả năng tăng giá, giao dịch thuận lợi về sau. Đừng vì giá rẻ hoặc muốn có một mảnh đất mà bất chấp, nhất là những người phải vay vốn từ ngân hàng, sẽ gặp rủi ro lớn.

Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, sau Tết nguyên đán vừa qua, nhiều địa phương đã xuất hiện các cơn sốt đất rất khó tin. Một số nơi tăng 2-3 lần chỉ trong 1-2 tháng khiến cho người dân bỏ việc kinh doanh, đem tiền đi đầu tư đất. Nhiều người lợi dụng thông tin quy hoạch, bán luôn cả đất không phù hợp pháp luật, khiến ai cũng đi mua đất. Đối tượng tung tin thất thiệt đa phần là môi giới không chuyên nghiệp, dân địa phương... Tuy nhiên, từ cuối quý I/2021 đến nay, chính quyền một số địa phương đã vào cuộc mạnh mẽ, kiểm soát các hoạt động mua bán trái pháp luật, đồng thời cảnh báo cho người dân phải tỉnh táo đến tin đồn thất thiệt đã giúp thị trường bớt nhiễu loạn hơn.

Bài và ảnh: Sơn Nhung

Người lao động

Các tin tức khác

>   Tín dụng bất động sản, chứng khoán vẫn cao, NHNN yêu cầu TCTD quản lý chặt (10/05/2021)

>   Lấp kín “kẽ hở” trong Luật Đất đai (10/05/2021)

>   Giá nhà ở tăng 5-10% trong quý đầu năm (08/05/2021)

>   Thị trường bất động sản vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro (07/05/2021)

>   Bộ Xây dựng: Có chỗ giá đất tăng đến 50%, nhưng giao dịch rất ít (07/05/2021)

>   Kiểm soát giao dịch ảo, thổi giá bất động sản (06/05/2021)

>   “Ách tắc” thị trường nhà ở: Lỗi ở Nghị định 30? (05/05/2021)

>   Cơn sốt đi qua, cò đất tháo chạy: Kẻ 'ôm bom' cuối cùng lãnh đủ (04/05/2021)

>   Tiền đầu tư bất động sản đến từ đâu? (04/05/2021)

>   Nghị định 30 lại làm tắc thị trường bất động sản? (30/04/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật