Thứ Ba, 25/05/2021 08:33

Hàng Việt bị mượn xuất xứ ngày càng nhiều

Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam mới đề nghị các bộ thanh kiểm tra đột xuất những công ty nhập khẩu sản phẩm tủ bếp, tủ nhà tắm... từ Trung Quốc tăng đột biến nhằm ngăn chặn nguy cơ mượn xuất xứ Việt để xuất khẩu.

Nguy cơ sản phẩm gỗ của Việt Nam bị áp các biện pháp phòng vệ thương mại ngày càng cao. ẢNH: NGUYÊN NGA

Nhập khẩu từ Trung Quốc tăng vọt

Cụ thể, theo Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (Viforest), từ năm 2019, Mỹ đã áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu của Trung Quốc. Theo đó, mức thuế chống bán phá giá, trợ cấp của Mỹ áp cho những mặt hàng gỗ dán, tủ bếp, tủ nhà tắm, sofa gỗ... của Trung Quốc từ 55% đến gần 200%. Thế nên, các doanh nghiệp Trung Quốc đã chuyển hướng xuất khẩu, né thuế bằng cách thông qua quốc gia khác, trong đó có Việt Nam, để đưa hàng vào Mỹ.

Đáng nói, từ cuối năm 2020 đến nay, ngày càng xuất hiện nhiều công ty tại Việt Nam thành lập mới, nhập khẩu các mặt hàng bộ phận tủ bếp, tủ nhà tắm, gỗ dán... mua bán lòng vòng qua các công ty; sau đó gia công, lắp ráp thành sản phẩm hoàn chỉnh dưới danh nghĩa sản phẩm của mình sản xuất để xuất khẩu sang Mỹ.

Viforest cho rằng, mặc dù việc này mới chỉ là nghi vấn, các thành viên của hiệp hội chưa có điều kiện kiểm chứng chính xác, song hiện tượng doanh nghiệp nhập khẩu các mặt hàng có yếu tố rủi ro cao mà có giá trị tăng trưởng nhanh từ Trung Quốc đều đáng nghi ngại.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 3 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ sang thị trường Mỹ đạt trên 2,29 tỷ USD, tăng tới 77% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 61% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành gỗ (tỷ lệ này của cùng kỳ năm 2020 đạt 50%). Các mặt hàng xuất khẩu sang Mỹ tăng mạnh gồm gỗ dán đạt 89,64 triệu USD, tăng 34%; ghế gỗ nhồi đệm (khung bên trong bằng gỗ dán) đạt 512,95 triệu USD, tăng 146%; đồ gỗ trong phòng bếp đạt 145,85 triệu USD, tăng 101%.

Ở chiều ngược lại, trong 3 tháng đầu năm, Việt Nam nhập từ thị trường Trung Quốc đạt 225 triệu USD, tăng trên 50%, chiếm 31% tổng trị giá nhập khẩu. Các mặt hàng nhập nhiều gồm: gỗ dán 49,27 triệu USD, tăng 71%; khung ghế gỗ sofa 36,70 triệu USD, tăng 46%; bộ phận tủ bếp, tủ nhà tắm 30,17 triệu USD, tăng 41%. Lưu ý, đây là các mặt hàng đang bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá và trợ cấp khi xuất khẩu từ Trung Quốc.

Như vậy, đề nghị thanh kiểm tra gấp của Viforest đối với các doanh nghiệp có nghi vấn là hoàn toàn có cơ sở khi những sản phẩm gỗ mà Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc tăng đột biến cũng chính là nguyên liệu làm thành phẩm xuất đi Mỹ và trị giá xuất khẩu nhóm hàng này sang thị trường Mỹ cũng tăng mạnh trong thời gian qua.

Đây không phải là lần đầu tiên ngành gỗ kêu cứu vì bị lợi dụng xuất xứ để xuất khẩu. Từ 2 năm trước, Bộ Công thương đã có cảnh báo nguy cơ gian lận xuất xứ đối với các mặt hàng gỗ dán do có sự tăng trưởng đột biến tại một số doanh nghiệp mới thành lập. Tháng 3 vừa qua, Bộ Công thương cũng có thông báo danh sách 11 mặt hàng xuất khẩu có nguy cơ bị điều tra áp dụng biện pháp thương mại, gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp. Bao gồm mặt hàng gỗ dán từ nguyên liệu gỗ cứng, tủ gỗ, ghế sofa có khung gỗ, đệm mút, đá nhân tạo, gạch men, ống đồng, vỏ bình gas, ghim đóng thùng xuất khẩu sang thị trường Mỹ và các mặt hàng lốp xe, xe đạp điện xuất khẩu sang cả Mỹ và EU.

Những “con sâu” đội lốt hàng Việt

Số liệu của Bộ KH-ĐT cho thấy, trong quý 1/2021, ngành gỗ có 10 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) mới với tổng vốn 112,51 triệu USD. Trong đó, nhà đầu tư từ Trung Quốc đầu tư làm giường, tủ, bàn ghế chiếm một nửa (5 dự án) với tổng vốn chỉ 13,86 triệu USD (1 dự án có vốn 10 triệu USD, 4 dự án còn lại có vốn đầu tư nhỏ dưới 1,5 triệu USD, cá biệt có dự án chỉ có vốn 500.000 USD).

Về tăng vốn đầu tư trong ngành gỗ, nhà đầu tư từ Trung Quốc cũng chiếm phần lớn với 2 lượt tăng vốn với tổng vốn tăng 13 triệu USD: 7 triệu USD vào nhà máy sản xuất sàn composite gỗ nhựa, 6 triệu USD vào nhà máy sản xuất gia công lắp ráp tủ bếp, tủ nhà tắm. Tương tự, quý 1 có 17 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn mua cổ phần ngành gỗ, trong đó có 5 lượt mua đến từ Trung Quốc với tổng số tiền chỉ 72.000 USD trên tổng số 33,37 triệu USD; Đài Loan có 4 lượt với số vốn góp 21,59 triệu USD.

Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM, nhận xét ngành sản xuất xuất khẩu nội thất Việt đang có những thành quả tốt đáng ghi nhận, song rất dễ bị “hoen ố” bởi những “con sâu” đội lốt hàng Việt, nhập từ Trung Quốc, gian lận xuất xứ để xuất khẩu sang Mỹ.

“FDI từ Trung Quốc trong 2 năm trở lại đây tăng mạnh về số lượng nhưng vốn đầu tư từ nhỏ đến nhỏ li ti. Doanh nghiệp mới thành lập, lại có kim ngạch xuất nhập khẩu tăng đột biến, nhà xưởng không bao nhiêu, lại xuất khẩu tăng mạnh... Thiết nghĩ những điều này các cơ quan chức năng rất dễ nhận thấy và có thể tiến hành theo dõi điều tra được. Hiện các doanh nghiệp làm ăn chân chính trong ngành rất lo ngại vấn đề này vì nếu bị phía Mỹ điều tra, ảnh hưởng đến cả ngành gỗ và xuất khẩu đồ gỗ mà các doanh nghiệp Việt mất nhiều công sức gầy dựng bao năm qua”, ông Nguyễn Chánh Phương nói thẳng.

“Mọi hoạt động gây ảnh hưởng, phương hại đến nền kinh tế đều được quan tâm đặt lên hàng đầu và càng sớm càng tốt. Các cơ quan chức năng mới dừng mức cảnh báo, hành động cụ thể vẫn chưa quyết liệt như mong đợi”.

Chuyên gia Phạm Chi Lan

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan bức xúc: Việt Nam để mình bị lợi dụng xuất xứ lâu quá rồi, không phải chỉ với mặt hàng gỗ mà nhiều mặt hàng khác, kể từ khi có cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung xảy ra. Dữ liệu và bối cảnh thương mại quốc tế cho thấy, nguy cơ hàng xuất khẩu từ Việt Nam bị phía Mỹ trừng phạt là hoàn toàn có thể xảy ra. “Trung Quốc có động lực rất rõ ràng ngay từ đầu là muốn tìm các thị trường khác để né cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ, trong đó Việt Nam là một trong những lựa chọn vì họ cho là có lợi thế về địa lý, thị trường... Chúng ta biết rất rõ điều đó ngay từ đầu, cảnh báo hết, tại sao vẫn để những doanh nghiệp mới thành lập của Trung Quốc tung hoành dễ dàng vậy? Vai trò hậu kiểm đối với các doanh nghiệp mới thành lập trong ngành, từng bị đưa vào tầm ngắm này đến nay ra sao cần phải công khai và quyết liệt hơn”, bà Lan nói.

Nguyên Nga

Thanh niên

Các tin tức khác

>   Cắt giảm gần 1,050 dự án đầu tư công sau vài ngày rà soát (25/05/2021)

>   Đường sắt chính thức được ‘giải cứu’ với hơn 2.800 tỉ đồng vốn bảo trì (24/05/2021)

>   Doanh nghiệp Nhà nước phải lập báo cáo hiện trạng quản lý, sử dụng đất khi cổ phần hóa (24/05/2021)

>   Đến giữa tháng 5/2021, cán cân thương mại hàng hóa đang thâm hụt 353 triệu USD (24/05/2021)

>   Gần 10 triệu khách hàng bỏ sử dụng điện thoại bàn (24/05/2021)

>   Đấu thầu các tuyến xe buýt trợ giá (24/05/2021)

>   Bình Dương có thu nhập cao nhất nước, vượt cả TPHCM và Hà Nội (23/05/2021)

>   Liên minh kinh tế Á - Âu đưa Việt Nam ra khỏi danh sách GSP (22/05/2021)

>   Giá thép ảnh hưởng thế nào tới nền kinh tế? (22/05/2021)

>   Việt Nam được nâng triển vọng tín nhiệm từ ổn định lên tích cực (21/05/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật