Giá thép tăng sẽ ảnh hưởng tức thời và ảnh hưởng gián tiếp tới toàn bộ nền kinh tế. Kết quả là mặt bằng giá bị đẩy lên.
Ảnh: N.K
|
Giá thép xây dựng hiện vào khoảng 18.700-18.800 đồng/ki lô gam. Mức giá này cao hơn khoảng 40% so với bình quân năm 2020. Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), ngay từ sau Tết Tân Sửu, giá bán thép thành phẩm trong nước đã tăng mạnh, bình quân tăng 20% so với giá đầu tháng 12-2020 và là vùng giá cao nhất trong năm năm qua.
Nguyên nhân do giá các nguyên vật liệu sản xuất thép tăng đột biến trên thị trường toàn cầu. Cụ thể, giá quặng sắt tính đến đầu tháng 3 ghi nhận ở mức trên 170 đô la Mỹ/tấn, tăng 55% so với cuối năm 2020 và gấp đôi cùng kỳ năm trước; giá thép cuộn cán nóng (HRC) 660 đô la/tấn, giảm 6% so với cuối năm và tăng 44% so cùng kỳ năm trước.
Theo VSA, việc thiếu hụt nguồn cung thép và thời gian giao hàng kéo dài ở châu Âu, Mỹ cũng là lý do khiến giá thép tăng mạnh. Nhu cầu thép tại Trung Quốc tăng cao sau dịch bệnh trước đà phục hồi kinh tế và các biện pháp kích thích kinh tế như đầu tư cơ sở hạ tầng. Năm 2020, nước này đã nhập 38,56 triệu tấn thép, tăng 150% so với năm trước.
Theo bảng cân đối liên ngành công bố bởi Tổng cục Thống kê, trong giá trị sản xuất toàn ngành xây dựng (bao gồm đường sá, cầu cống, công trình công cộng, xây nhà các loại...), thép chiếm khoảng 4%; riêng đối với xây nhà, các loại thép chiếm trong giá trị sản xuất khoảng 5%.
Giá thép tăng đến 40% sẽ có tác động lên giá bán nhà không nhỏ. Ảnh hưởng này có thể mất khoảng hơn hai năm để tạo thành mặt bằng giá mới của nền kinh tế.
|
Nhưng không chỉ ngành xây dựng mới cần thép, mà nhiều ngành trong nền kinh tế cũng cần thép cho chi phí đầu vào. Thép chiếm trong chi phí trung gian của toàn nền kinh tế khoảng 6,2% và chiếm trong giá trị sản xuất của toàn nền kinh tế khoảng 1,4%. Như vậy, khi giá thành của thép tăng sẽ ảnh hưởng trực tiếp (ảnh hưởng tức thời) và gián tiếp (ảnh hưởng đến những chu kỳ sản xuất sau) đến nền kinh tế.
Ảnh hưởng trực tiếp khi thép tăng giá 40% làm tăng tổng chi phí trung gian lên 0,82%, giả định ảnh hưởng này có thể dẫn đến các kịch bản sau:
Một là, ảnh hưởng trực tiếp đến thặng dư của nền kinh tế, qua đó ảnh hưởng đến giá trị tăng thêm và GDP. Tính toán qua bảng cân đối liên ngành của Việt Nam cho thấy, trong trường hợp này có thể kéo GDP giảm xấp xỉ 2%, trong đó giá trị tăng thêm toàn ngành xây dựng giảm khoảng 7,4% và giá trị tăng thêm ngành xây dựng nhà giảm khoảng 7,7%.
Hai là, các doanh nghiệp không giảm lợi nhuận và giá trị tăng thêm mà việc tăng giá thép được tính vào giá sản xuất, khi đó chỉ số giá sản xuất (PPI) của nền kinh tế tăng 0,57%, giá sản xuất của toàn ngành xây dựng tăng khoảng 2% và giá thành xây nhà tăng 8%. Tính toán trên là ảnh hưởng trực tiếp của việc tăng giá thép.
Trong trường hợp đầu vào của cả nền kinh tế đã bị tăng giá do ảnh hưởng trực tiếp của giá thép tăng, sẽ khiến chi phí trung gian của nền kinh tế tăng lên, qua đó ảnh hưởng đến giá sản xuất của nền kinh tế ở chu kỳ sản xuất sau, ảnh hưởng này khiến PPI của toàn nền kinh tế tăng khoảng 1,2% và giá thành xây nhà tăng trên 10%. Như vậy, giá thép tăng đến 40% sẽ có tác động lên giá bán nhà không nhỏ. Ảnh hưởng này có thể mất khoảng hơn hai năm để tạo thành mặt bằng giá mới của nền kinh tế.
Ba là, một phần là doanh nghiệp giảm lợi nhuận và một phần tăng giá, như vậy cần tiến hành một cuộc điều tra để xác định bao nhiêu phần trăm chấp nhận giảm lợi nhuận và bao nhiêu phần trăm tăng vào giá thành, để từ đó các cơ quan nghiên cứu của Nhà nước có những tính toán ở những kịch bản cụ thể để các nhà hoạch định chính sách đưa ra những quyết sách đúng đắn nhất cho nền kinh tế
Đầu vào của nền kinh tế như thép, xăng dầu, phí dịch vụ vận tải biển, hàng không, thức ăn chăn nuôi... tăng cộng với lượng cung tiền chiếm rất lớn so với GDP (mặc dù lượng tiền này có thể đi vào bất động sản hoặc chứng khoán không nằm trong rổ hàng hóa tính CPI của Tổng cục Thống kê). Cả chi phí đẩy và cung tiền lớn khiến nguy cơ lạm phát là khá lớn. Trong hoàn cảnh này, các cơ quan công quyền không nên đưa ra thêm những chính sách tận thu doanh nghiệp khiến giá cả bị ảnh hưởng nặng nề thêm.
Như vậy, phải chăng để bình ổn giá thép Việt Nam cần giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thép, nhưng cũng cần nghiên cứu xem có nguyên nhân là việc tạm nhập tái xuất sang nước thứ ba hay không?