Thứ Ba, 18/05/2021 08:23

Hạ tầng TP.HCM trước cơ hội bứt tốc

Không chỉ để lại thêm 5% số thu ngân sách, theo các chuyên gia, Trung ương cần hỗ trợ TP.HCM xử lý các dự án của Trung ương để tạo sự đồng bộ trong hạ tầng, tạo cơ hội cho TP phát huy hết tiềm năng, nội lực.

Đầu tư cho hạ tầng là ưu tiên hàng đầu của TP.HCM. Ảnh: Ngọc Dương

Thực tế, thiếu vốn là một trong những nguyên nhân lớn nhất khiến nhiều năm qua, TP.HCM trầy trật mãi không giải xong bài toán hạ tầng,ùn tắc giao thông.

Không có tiền thì bó tay

Theo tính toán, tắc nghẽn giao thông có thể gây thiệt hại 1 - 2% GDP của TP.HCM, tương đương từ 600 triệu - 1 tỷ USD, chưa tính đến những tác động gián tiếp như khói bụi, ô nhiễm tiếng ồn, ảnh hưởng đến công việc kinh doanh của các hộ trên cung đường.

Tập trung nguồn lực cho TP.HCM là phát triển cho cả trung tâm kinh tế, đầu tàu kinh tế của cả nước, lan tỏa đột phá kinh tế cho toàn vùng. Chính phủ đã nhìn ra bỏ một đồng ngân sách cho TP sẽ mang lại hiệu quả rất lớn. Đây sẽ là tiền đề để có thêm những sự ưu tiên, không phải tăng thêm 5% mà còn nhiều hơn nữa tỷ lệ điều tiết trong tương lai, vì sự phát triển chung của đất nước.

PGS-TS Trần Đình Thiên

Vì vậy, kiến nghị điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TP giai đoạn 2022 - 2025 từ 18% lên 23% của TP.HCM nhận được sự ủng hộ của cả Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch nước sẽ giúp TP.HCM có thêm nguồn lực để bứt phá kinh tế.

Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết những năm qua, TP đã tập trung, ưu tiên nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, do nguồn vốn ngân sách TP đầu tư còn thấp so với nhu cầu thực tế, dẫn đến tiến độ đầu tư, nâng cấp mở rộng hạ tầng giao thông vận tải chưa đáp ứng theo quy hoạch, kế hoạch đề ra. Từ năm 2017, tỷ lệ phân chia nguồn thu cho ngân sách TP giảm từ 23% xuống còn 18% trong khi nhu cầu vốn để chi đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và nhu cầu kinh phí để đảm bảo các chính sách, chế độ ngày càng tăng.

“Việc giữ lại thêm 5% ngân sách điều tiết về địa phương sẽ là điều kiện thuận lợi để TP tập trung đầu tư hoàn thành các công trình trọng điểm nhằm tháo gỡ điểm nghẽn phát triển kinh tế của TP.HCM và lan tỏa sức bật cho Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam”, ông Lâm khẳng định.

PGS-TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế VN, đánh giá lâu nay TP.HCM bị thiếu nguồn lực để giải quyết những vấn đề phát triển của chính TP. Đây là 1 trong những nguyên nhân dẫn đến tắc nghẽn giao thông, ngập lụt, các vấn đề về môi trường... Để lại cho TP thêm 5% ngân sách sẽ giúp TP.HCM có thêm và chủ động nguồn lực để giải tỏa những tắc nghẽn của mình, trước tiên là giao thông và ngập nước. “Không có tiền thì “bó tay”. Giao thông mang tính hệ thống mà chỉ làm một vài điểm lẻ tẻ, đầu tư cầm chừng thì không giải quyết được. Hạ tầng là bài toán cần giải quyết trước nhất. Bên cạnh đó, Trung ương cần hỗ trợ xử lý những vấn đề của Trung ương tại TP - cũng chính là những rào cản gây tắc nghẽn - điển hình như câu chuyện đầu tư mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất và hệ thống các đường vành đai. Có tiếp cận đồng bộ thì mới thực sự hiệu quả”, ông Thiên lưu ý.

Bỏ một đồng vốn, thu về gấp nhiều lần

Theo ông Trần Quang Lâm, năm 2020, Sở GTVT đã nghiên cứu xây dựng Đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn TP giai đoạn 2020 - 2030 cùng các kịch bản tương ứng với các mức tỷ lệ điều tiết ngân sách. Cụ thể, với tỷ lệ điều tiết ngân sách là 18%, vốn ngân sách TP dự kiến dành cho đầu tư phát triển hạ tầng giao thông giai đoạn 2021 - 2025 là 96.200 tỉ đồng, đáp ứng tỷ lệ 44,08% so với nhu cầu; giai đoạn 2026 - 2030 là 152.128 tỉ đồng, đáp ứng tỷ lệ 50,11% so với nhu cầu. Nếu được giữ lại 23%, giai đoạn 2021 - 2025, vốn ngân sách TP dự kiến dành cho đầu tư phát triển hạ tầng giao thông là 122.922 tỉ đồng, đáp ứng tỷ lệ 56,32% so với nhu cầu; trong giai đoạn 2026 - 2030 là 194.386 tỉ đồng, đáp ứng tỷ lệ 70,22% so với nhu cầu. Trong đó, TP sẽ tập trung vào các dự án liên kết vùng, mở rộng các tuyến quốc lộ, các đường trục chính đô thị, các tuyến đường kết nối cảng biển, cảng hàng không Tân Sơn Nhất…

TS Dương Như Hùng (Trường ĐH Bách khoa TP.HCM) đánh giá TP.HCM là trung tâm kinh tế lớn nhất, trung tâm đổi mới khoa học công nghệ, thế mạnh là thu hút đầu tư. Để thu hút đầu tư, yếu tố quan trọng nhất là cơ sở hạ tầng. Mặt khác, cơ sở hạ tầng khu vực phía nam nói chung và TP.HCM nói riêng hiện rất yếu kém, đầu tư vào một đồng cũng có ảnh hưởng rất nhiều, làm thay đổi bộ mặt đô thị, lan tỏa tác động kinh tế cực mạnh. Một đồng đầu tư vào cơ sở hạ tầng, giá trị nhận về nhân lên rất nhiều lần, tạo ra hiệu ứng dây chuyền, tạo công ăn việc làm cho những người xây dựng cơ sở hạ tầng, những người sử dụng hạ tầng cắt giảm chi phí, từ đó tạo lợi thế cạnh tranh, kinh tế phát triển, lại tiếp tục tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người dân địa phương… Chỉ cần tăng 10% chất lượng hạ tầng tại khu vực kinh tế trọng điểm phía nam thì sức hút đầu tư sẽ tăng lên tới 24%, đời sống người dân tăng.

“Không chỉ cho riêng TP.HCM, tăng tỷ lệ giữ lại của TP sẽ giúp tăng thu ngân sách quốc gia. Đầu tư cho TP.HCM mang lại lợi ích lớn hơn về lâu dài so với những tỉnh, thành nhỏ khác. Đồng thời, giúp tăng hiệu quả sử dụng ngân sách Trung ương của TP và của các địa phương khác. Các địa phương sẽ phát huy thế mạnh của mình và hạn chế điểm yếu của họ, cạnh tranh trong việc quản lý ngân sách để không bị cắt nguồn thu. Đối với TP.HCM cũng sẽ có thêm quyền tự chủ để phân bổ ngân sách phù hợp với nhu cầu”, ông Hùng nói.

Hà Mai

Thanh niên

Các tin tức khác

>   Siết tiến độ loạt dự án trọng điểm 'rùa bò' tại TP.HCM (17/05/2021)

>   Đến năm 2025, TP.HCM phải xong Vành đai 3! (14/05/2021)

>   Gần 10.000 tỉ đồng mở rộng quốc lộ 13 sau 2 thập kỷ mòn mỏi 'trên giấy' (13/05/2021)

>   TP.HCM triển khai những công trình giao thông chiến lược nào trong năm 2021? (12/05/2021)

>   Xây thêm 762 km cao tốc Bắc - Nam phía đông trong 5 năm tới (12/05/2021)

>   Tháo ùn tắc cho nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (10/05/2021)

>   Hai đoàn tàu tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên cập bến TPHCM (10/05/2021)

>   Đường sắt Sài Gòn mòn mỏi chờ nhà ga (07/05/2021)

>   'Siêu đô thị' TPHCM bị trói bởi chiếc áo quá chật (06/05/2021)

>   Lập Hội đồng thẩm định liên ngành điều chỉnh Dự án Cảng hàng không Phan Thiết (05/05/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật