Thứ Bảy, 15/05/2021 10:50

Giám đốc ADB: Chính phủ đã phản ứng nhanh chóng, điều hành linh hoạt

Chính phủ Việt Nam đã phản ứng nhanh chóng với các tác động kinh tế của COVID-19, có công cụ mạnh để bảo đảm khả năng phục hồi của nền kinh tế. Chính sách tiền tệ phù hợp thông qua việc cắt giảm lãi suất chính cùng với việc thực hiện các gói tín dụng và các biện pháp hỗ trợ tài khóa đã tạo không gian “hồi sức” cho các DN bị ảnh hưởng, bao gồm cả các DN vừa và nhỏ.

Giám đốc ADB Việt Nam Andrew Jeffries: Phản ứng của Chính phủ là khá nhanh chóng, nhưng cũng cần thừa nhận rằng, quy mô hỗ trợ vẫn còn khiêm tốn

Đây là ý kiến của ông Andrew Jeffries, Giám đốc ADB Việt Nam khi trao đổi vớichúng tôi về triển vọng vĩ mô của của Việt Nam, trong bối cảnh kinh tế đang chịu tác động mạnh bởi dịch COVID-19.

ADB đã đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ phục hồi lên 6,7% vào năm 2021 và 7% vào năm 2022. ADB cũng nhận định rằng không có nhiều dư địa cho chính sách tài khóa và tiền tệ. Vậy theo ông, động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới là gì?

Như chúng tôi đã dự báo, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam dự kiến ​​sẽ tăng 6,7% vào năm 2021 và 7,0% vào năm 2022. Sự tăng trưởng mạnh mẽ và ổn định có được nhờ thành công của Việt Nam trong việc ngăn chặn đại dịch COVID-19.

Lạm phát sẽ được kiểm soát, mặc dù dự kiến ​​sẽ tăng lên 3,8% trong năm nay và 4,0% vào năm 2022 do giá dầu quốc tế tăng do kinh tế toàn cầu phục hồi và tiêu dùng trong nước tăng.

Theo tôi, các chính sách tài khóa và tiền tệ của Chính phủ là rất đáng ghi nhận, những chính sách này đã được áp dụng một cách linh hoạt và hiệu quả giúp cho nền kinh tế được vận hành ổn định và giữ được đà tăng trưởng trong tình hình kinh tế thế giới bị suy thoái.

Trong thời gian tới, động lực chủ yếu cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam, trước hết phải kể đến ngành công nghiệp với sản xuất định hướng xuất khẩu.

Thứ hai, là sự gia tăng đầu tư, cả đầu tư công và đầu tư từ khu vực tư nhân.

Thứ ba, là động lực từ việc sự gia tăng thương mại quốc tế. Hai nền kinh tế lớn nhất và cũng là đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam là Mỹ và Trung Quốc cũng đang phục hồi nhanh chóng và sẽ tăng trưởng cao trong năm nay.

Mặc dù đại dịch còn gây ra những khó khăn, sự phục hồi của hai đối tác làm ăn quan trọng cũng như 15 hiệp định thương mại tự do và Việt Nam với nhiều bạn hàng lớn sẽ là động lực chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng thương mại và đầu tư.

Ông bình luận thế nào về các chương trình hỗ trợ của Chính phủ dành cho doanh nghiệp (DN) và người dân bị ảnh hưởng bởi COVID-19?

Theo tôi, Chính phủ đã điều hành linh hoạt cả chính sách tiền tệ và tài khóa trong năm ngoái như cắt giảm lãi suất cơ bản nhiều lần cũng như tăng cường giải ngân vốn đầu tư công để bù lấp khoảng thiếu hụt do đầu tư tư nhân giảm đi.

Chính phủ Việt Nam cũng đã phản ứng nhanh chóng với các tác động kinh tế của COVID-19, có công cụ mạnh để bảo đảm khả năng phục hồi của nền kinh tế. Chính sách tiền tệ phù hợp thông qua việc cắt giảm lãi suất chính cùng với việc thực hiện các gói tín dụng và các biện pháp hỗ trợ tài khóa đã tạo không gian “hồi sức” cho các DN bị ảnh hưởng, bao gồm cả các DN vừa và nhỏ.

Việc hỗ trợ tín dụng thì chủ yếu do các ngân hàng thương mại thu xếp và sử dụng nguồn lực của chính mình. Phần lớn các khoản nợ qúa hạn đã được các ngân hàng thương mại phải “gánh”. Các ngân hàng vẫn phải áp dụng đầy đủ các tiêu chuẩn cho vay, đặc biệt khi tình hình tài chính các DN bị ảnh hưởng bị xấu đi.

Khi triển khai Nghị quyết 42 năm 2020 (về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19), Việt Nam đã gặp phải vấn đề nan giải là chưa phân loại để hỗ trợ đủ nhanh với các nhóm đối tượng bị ảnh hưởng, đặc biệt là khu vực kinh tế phi chính thức.

Việt Nam đang đối mặt với làn sóng COVID-19 lần thứ tư, có không ít DN và người dân gặp khó hy vọng sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa. Ông có thể gợi ý giải pháp nào để nâng cao hiệu quả của các chương trình hỗ trợ tiếp theo là gì?

Thời gian qua, thực hiện chủ trương của Chính phủ, NHNN đã nhanh chóng chỉ đạo các ngân hàng gia hạn thực hiện các biện pháp hỗ trợ tín dụng đến hết năm 2021.

Tôi đồng tình với việc Chính phủ triển khai Nghị định 52 (về gia hạn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021). Việc gia hạn này sẽ hỗ trợ được DN, giảm bớt tác động của cú sốc và hỗ trợ phục hồi kinh tế. Bộ Tài chính cũng đang tích cực triển khai các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ với các hình thức hỗ trợ chủ yếu là gia hạn tiền thuế và cho thuê đất.

Phản ứng là khá nhanh chóng, nhưng cũng cần thừa nhận rằng, quy mô hỗ trợ vẫn còn khiêm tốn so với các quốc gia khác (với hỗ trợ tài chính lên tới 15% -20% GDP, như ở Pháp, Anh hoặc Singapore).

Trong thực tế, đối với một số DN bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19 với doanh thu giảm sút và lợi nhuận rất nhỏ, thì việc hoãn thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập DN (TNDN) có ít tác động hơn so với việc cắt giảm thuế.

Dù vậy, chúng tôi nhận định, trong bối cảnh nguồn lực còn hạn chế lại bị tác động bởi COVID-19, khó có thể kỳ vọng vào việc Chính phủ đổ ngân sách nhiều vào việc hỗ trợ.

Về trợ lực từ phía ngân hàng, các DN vừa và nhỏ nơi sử dụng 50% lực lượng lao động của Việt Nam là đối tượng cần được hỗ trợ nhất. Tuy nhiên, chúng tôi băn khăn việc các DN này vốn bình thường đã hạn chế nguồn lực, đến khi bị “ốm yếu” do tác động của COVID-19, liệu có gặp khó để đáp ứng được các tiêu chuẩn tài chính khiến các ngân hàng sẵn sàng bơm vốn hỗ trợ. Có lẽ nên có một chương trình chia sẻ rủi ro giữa các ngân hàng và chính phủ để mở rộng chương trình hỗ trợ này.

ADB cũng hết sức quan tâm tới quan điểm tăng trưởng bao trùm để không ai bị bỏ lại phía sau của Chính phủ giúp người nghèo và người dễ bị tổn thương đa dạng hóa sinh kế, bảo đảm phát triển bền vững.

Một nghiên cứu của ADB cho thấy, COVID-19 có tác động rất lớn đến thu nhập và tình trạng nghèo đói của các hộ gia đình Việt Nam. Ví dụ, tác động của đại dịch sẽ làm giảm thu nhập bình quân đầu người của hộ gia đình trung bình 9,8% và nhóm thu nhập nghèo nhất sẽ bị giảm thu nhập 10,2%, trong khi tỷ lệ hộ nghèo của các hộ gia đình trong nhóm thu nhập nghèo nhất sẽ tăng 40%.

Sẽ có thêm 1,7 triệu người nghèo do đại dịch và những người sống ở nông thôn, vùng sâu vùng xa và người dân tộc thiểu số sẽ bị ảnh hưởng nặng nề hơn.

Theo tôi, Nghị quyết 42 là một giải pháp ngắn hạn để vượt qua cú sốc thu nhập. ADB kỳ vọng Chính phủ tiếp tục triển khai chiến lược dài hạn bền vững để giúp người nghèo và người dễ bị tổn thương đa dạng hóa sinh kế. Ví dụ như đào tạo nghề cấp tốc và cải thiện khả năng tiếp cận tài chính vi mô để thành lập phát triển công việc kinh doanh mới.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp cả trong nước và quốc tế, ADB có khuyến nghị gì cho Việt Nam trong ngắn hạn và dài hạn để đạt được mục tiêu kép, đó là vừa chống dịch COVID-19 vừa bảo đảm tăng trưởng kinh tế?

Trong ngắn hạn, những rủi ro lớn là đại dịch bùng phát trở lại từ các biến thể coronavirus mới và sự chậm trễ trong kế hoạch tiêm chủng. Việc triển khai vaccine COVID-19 trên toàn cầu đang bị chậm lại có thể có tác động ngay lập tức đến việc Việt Nam.

Việt Nam đã ít nhiều lấy lại được nhịp tăng trưởng mạnh mẽ trước đại dịch. Tuy nhiên, chính trong sự hồi sinh nhanh chóng của đầu tư tư nhân trong nước, ADB cũng cảnh báo nguy cơ bong bóng tài sản tín dụng đang cho xu hướng tăng. Một trong những giải pháp là điều phối tín dụng mạnh hơn sang các lĩnh vực ưu tiên như sản xuất.

Trong trung và dài hạn, những thách thức chính mà Việt Nam phải đối mặt bao gồm tác động của biến đổi khí hậu, đẩy nhanh tiến độ cải cách các lĩnh vực còn chậm và điểm yếu về năng suất lao động thấp.

Theo tôi, trước tiên, Việt Nam cần thiết lập lại động lực tăng trưởng để đạt được sự phục hồi xanh trong trung hạn và tăng trưởng xanh trong dài hạn, đặc biệt, trong bối cảnh sẽ chịu tác động nặng của biến đổi khí hậu.

Thứ hai, Việt Nam cần tăng cường hiệu quả thể chế là chìa khóa để mở ra tiềm năng của khu vực tư nhân để hỗ trợ tăng trưởng.

Đồng thời, cần hoàn thiện cải cách kinh doanh chưa hoàn thành (ví dụ như cải cách DN Nhà nước), nâng cao chất lượng, tính minh bạch, nâng cao hiệu quả thực thi luật và quy định.

Việt Nam cần tiếp tục đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh. Đây là hướng đi đúng để nâng cao hiệu quả thể chế cho sự phát triển của khu vực tư nhân.

Thứ ba, Việt Nam cần tập trung thúc đẩy chuyển đổi kỹ thuật số là quan trọng để cải thiện năng suất bằng cách đầu tư vào giáo dục, công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Các cú sốc từ bên ngoài đã trở nên thường xuyên hơn trong những thập kỷ gần đây, do đó, nền kinh tế buộc có sự cải cách theo hướng bền vững, đẩy mạnh chuyển đổi số, gia tăng sức cạnh tranh cũng như khả năng chống chịu.

Bên cạnh các biện pháp ưu tiên khôi phục kinh tế trong ngắn hạn đang phải chịu tác động do COVID-19, ADB kỳ vọng Chính phủ tiếp tục kế hoạch tái cơ cấu, xây dựng một nền kinh tế có khả năng chống chịu với các cú sốc bên trong và bên ngoài.

Cảm ơn ông!

Báo Chính Phủ

Các tin tức khác

>   ‘Để lại cho TP.HCM 1 đồng, TP.HCM có thể tăng 2-3 đồng cho ngân sách Trung ương’ (14/05/2021)

>   Thủ tướng Phạm Minh Chính ủng hộ tăng tỷ lệ ngân sách để lại cho TP HCM (13/05/2021)

>   Thủ tướng họp với TPHCM để giải quyết những vướng mắc giúp thành phố phát triển mạnh mẽ (13/05/2021)

>   Áp lực lạm phát và bong bóng tài sản năm 2021 (11/05/2021)

>   Nghịch lý khi nhiều mặt hàng tăng giá nhưng CPI lại giảm: Tổng cục Thống kê nói gì? (10/05/2021)

>   ADB dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ và vững chắc (06/05/2021)

>   Thủ tướng: Cần đổi mới thể chế, điều hành chính sách tiền tệ, tài khóa linh hoạt hơn (06/05/2021)

>   Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4/2021: Kiên định thực hiện 'mục tiêu kép' chống dịch và phát triển kinh tế (05/05/2021)

>   Những chính sách kinh tế mới có hiệu lực từ tháng 5/2021 (04/05/2021)

>   Thủ tướng ra công điện yêu cầu chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19 (03/05/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật