Thứ Ba, 04/05/2021 13:43

Những chính sách kinh tế mới có hiệu lực từ tháng 5/2021

Hướng dẫn về giao dịch ngoại tệ; quy định về phát hành giấy tờ có giá; cơ cấu lại thời hạn trả nợ hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng COVID-19... là những chính sách kinh tế mới có hiệu lực từ tháng Năm.

Ảnh minh họa.

Hướng dẫn mới về giao dịch ngoại tệ, quy định về phát hành giấy tờ có giá, cơ cấu lại thời hạn trả nợ hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, giảm 50% mức thu phí trong chăn nuôi... là những chính sách kinh tế mới có hiệu lực từ tháng Năm này.

Hướng dẫn mới về giao dịch ngoại tệ

Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 02/2021/TT-NHNN hướng dẫn giao dịch ngoại tệ trên thị trường ngoại tệ của các tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối.

Thông tư quy định, tổ chức tín dụng được phép được thực hiện giao dịch giao ngay, giao dịch kỳ hạn, giao dịch hoán đổi, giao dịch quyền chọn với tổ chức tín dụng được phép khác.

Tổ chức tín dụng được phép được thực hiện giao dịch giao ngay, giao dịch kỳ hạn, giao dịch hoán đổi, giao dịch bán quyền chọn với tổ chức kinh tế. Tổ chức tín dụng được phép được thực hiện giao dịch giao ngay, giao dịch kỳ hạn với người cư trú là tổ chức khác và cá nhân.

Tổ chức tín dụng được phép được thực hiện giao dịch giao ngay với người không cư trú là tổ chức, cá nhân và giao dịch bán ngoại tệ kỳ hạn với người không cư trú quy định. Tổ chức tín dụng được phép được thực hiện giao dịch bán ngoại tệ kỳ hạn với người không cư trú là nhà đầu tư nước ngoài sở hữu trái phiếu Chính phủ phát hành bằng Đồng Việt Nam tại thị trường trong nước để phòng ngừa rủi ro tỷ giá cho trái phiếu đầu tư của nhà đầu tư.

Về phương thức giao dịch: Giao dịch ngoại tệ được thực hiện thông qua giao dịch trực tiếp hoặc giao dịch qua các phương tiện giao dịch, bao gồm điện thoại và phương tiện điện tử.

Giao dịch ngoại tệ thực hiện qua phương tiện điện tử, điện thoại do các bên tự thỏa thuận và tự chịu trách nhiệm, đảm bảo an ninh, an toàn, bảo vệ thông điệp dữ liệu và bảo mật thông tin phù hợp với quy định của pháp luật. Thông điệp dữ liệu có giá trị như văn bản nếu đáp ứng quy định tại Điều 12 Luật giao dịch điện tử. Giao dịch ngoại tệ thực hiện thông qua phương tiện điện tử phải tuân thủ quy định của Luật giao dịch điện tử và các văn bản hướng dẫn có liên quan

Trường hợp giao dịch qua điện thoại, tổ chức tín dụng được phép phải quy định và thông báo với đối tác các số điện thoại được phép sử dụng để giao dịch. Điện thoại phải có chức năng ghi âm và đảm bảo truy xuất được nội dung thỏa thuận giao dịch với đối tác để sử dụng cho mục đích lập xác nhận giao dịch, kiểm soát nội bộ của tổ chức tín dụng và xử lý tranh chấp (nếu có).

Tổ chức tín dụng được phép không được thu phí giao dịch đối với giao dịch ngoại tệ.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 17/5 tới.

Quy định về phát hành giấy tờ có giá

Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 01/2021/TT-NHNN quy định về phát hành kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu trong nước của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Theo đó, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phát hành giấy tờ có giá theo Giấy phép thành lập, hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, bao gồm: Ngân hàng thương mại; ngân hàng hợp tác xã; chi nhánh ngân hàng nước ngoài; công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính.

Đối tượng mua giấy tờ có giá là các tổ chức (bao gồm cả tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài), cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài, trừ trường hợp quy định. Đối tượng mua giấy tờ có giá do công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính phát hành là tổ chức Việt Nam và tổ chức nước ngoài.

Đối tượng mua trái phiếu phải phù hợp với Luật Chứng khoán, các văn bản hướng dẫn Luật Chứng khoán và các quy định của pháp luật có liên quan.

Hình thức phát hành: Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phát hành giấy tờ có giá theo hình thức chứng chỉ, bút toán ghi sổ và các hình thức khác phù hợp với quy định tại Luật Chứng khoán, các văn bản hướng dẫn Luật Chứng khoán và các quy định của pháp luật có liên quan.

Trường hợp phát hành giấy tờ có giá theo hình thức chứng chỉ, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải thiết kế và in ấn để đảm bảo khả năng chống giả cao.

Trường hợp phát hành giấy tờ có giá không theo hình thức chứng chỉ, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cấp cho người mua chứng nhận quyền sở hữu giấy tờ có giá. Giấy tờ có giá được phát hành và thanh toán bằng đồng Việt Nam.

Mệnh giá của giấy tờ có giá: Thông tư quy định, mệnh giá của giấy tờ có giá là 100.000 đồng Việt Nam hoặc bội số của 100.000 đồng Việt Nam.

Mệnh giá của giấy tờ có giá (trừ trái phiếu) phát hành theo hình thức chứng chỉ được in sẵn hoặc theo thỏa thuận của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phát hành với người mua. Mệnh giá của trái phiếu phát hành theo hình thức chứng chỉ được in sẵn trên trái phiếu.

Ngoài ra, mệnh giá của giấy tờ có giá phát hành không theo hình thức chứng chỉ do tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phát hành thỏa thuận với người mua.

Lãi suất giấy tờ có giá do tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phát hành quyết định phù hợp với quy định hiện hành về lãi suất của Ngân hàng Nhà nước trong từng thời kỳ. Phương pháp tính lãi giấy tờ có giá thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 17/5 tới.

Cơ cấu lại thời hạn trả nợ hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19

Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 03/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ, trích lập dự phòng rủi ro nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 thực hiện theo quy định tại Thông tư này; các nội dung liên quan đến cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro không quy định tại Thông tư này thực hiện theo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

Cơ cấu lại thời hạn trả nợ: Thông tư sửa đổi, bổ sung quy định về cơ cấu lại thời hạn trả nợ như tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với số dư nợ của khoản nợ (bao gồm cả các khoản nợ thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn (đã được sửa đổi, bổ sung) khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:

1- Phát sinh trước ngày 10/6/2020 từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính.

2- Phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến ngày 31/12/2021.

3- Số dư nợ của khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Số dư nợ còn trong hạn hoặc quá hạn đến 10 ngày kể từ ngày đến hạn thanh toán, thời hạn trả nợ theo hợp đồng, thỏa thuận, trừ trường hợp quy định tại điểm b, điểm c khoản này;

- Số dư nợ của khoản nợ phát sinh trước ngày 23/01/2020 và quá hạn trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến ngày 29/03/2020;

- Số dư nợ của khoản nợ phát sinh từ ngày 23/01/2020 và quá hạn trước ngày 17/5/2021.

4- Được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đánh giá khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng, thỏa thuận do doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi ảnh hưởng của dịch COVID-19.

5- Khách hàng có đề nghị được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đánh giá khách hàng có khả năng trả nợ đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại.

6- Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khoản nợ vi phạm quy định pháp luật.

7- Thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ (kể cả trường hợp gia hạn nợ) phù hợp với mức độ ảnh hưởng của dịch COVID-19 đối với khách hàng và không vượt quá 12 tháng kể từ ngày tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ.

8- Việc thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng thực hiện đến ngày 31/12/2021.

Miễn, giảm lãi, phí: Thông tư sửa đổi, bổ sung quy định về miễn, giảm lãi, phí như sau: Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài quyết định việc miễn, giảm lãi, phí theo quy định nội bộ đối với số dư nợ của khoản nợ phát sinh trước ngày 10/6/2020 từ hoạt động cấp tín dụng (trừ hoạt động mua, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp) mà nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi đến hạn thanh toán trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến ngày 31/12/2021 và khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng, thỏa thuận do doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Việc thực hiện miễn, giảm lãi, phí cho khách hàng theo quy định tại Thông tư này thực hiện đến ngày 31/12 tới.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 17/5 tới.

Giảm 50% mức thu phí trong chăn nuôi

Kể từ ngày 17/5 đến hết ngày 31/12 tới, áp dụng mức thu bằng 50% mức thu phí tại biểu thu phí trong chăn nuôi kèm theo Thông tư số 24/2021/TT-BTC do Bộ Tài chính mới ban hành.

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 24/2021/TT-BTC về việc quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí trong chăn nuôi.

Theo quy định tại Thông tư, áp dụng mức thu bằng 50% mức thu phí tại Biểu mức thu phí kể từ ngày 17/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021. Theo đó, giảm 50% mức phí: Thẩm định cấp giấy phép, giấy chứng nhận vật tư nông nghiệp; thẩm định kinh doanh có điều kiện thuộc lĩnh vực nông nghiệp; thẩm định công nhận hoặc chỉ định, giám sát phòng kiểm nghiệm, phòng thử nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Cụ thể, đối với thẩm định cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi (trường hợp phải đánh giá điều kiện thực tế), mức phí 5.700.000 đồng/01 cơ sở/lần được giảm 50% chỉ còn 2.850.000 đồng.

Thẩm định chỉ định, thừa nhận phòng thử nghiệm lĩnh vực chăn nuôi, mức phí 5.900.000 đồng/01 phòng/lần sẽ được giảm xuống chỉ còn 2.950.000 đồng…

Thông tư quy định miễn thu phí đối với các đối tượng là: Cá nhân thuộc hộ nghèo, người cao tuổi, người khuyết tật, người có công với cách mạng; tổ chức, cá nhân ở các xã có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn khi đề nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện các nội dung thu phí quy định tại Biểu mức thu phí trong chăn nuôi ban hành kèm theo Thông tư 24.

Từ ngày 1/1/2022 trở đi, áp dụng mức thu phí tại Biểu mức thu phí ban hành tại Thông tư số 24/2021/TT-BTC.

Thông tư 24 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 17/5 tới.

Lệ phí cấp hộ chiếu cao nhất là 1,2 triệu đồng/lần cấp

Theo quy định của Bộ Tài chính, lệ phí cấp hộ chiếu, giấy thông hành, giấy phép xuất cảnh, tem AB có mức từ 5.000 đồng đến 1,2 triệu đồng/lần cấp.

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 25/2021/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí trong lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam.

Tổ chức thu phí là Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an); công an, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Cục Lãnh sự, Sở Ngoại vụ Thành phố Hồ Chí Minh (Bộ Ngoại giao); công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; công an xã, phường, thị trấn (có thẩm quyền cấp giấy tờ xuất nhập cảnh).

Thông tư quy định lệ phí cấp hộ chiếu, giấy thông hành, giấy phép xuất cảnh, tem AB có mức từ 5.000 đồng đến 1,2 triệu đồng/lần cấp.

Phí cấp thị thực và các giấy tờ khác có giá trị xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú cho người nước ngoài có mức từ 5-155 USD/chiếc, thẻ, người.

Thông tư cũng quy định các trường hợp được miễn phí và trường hợp miễn lệ phí cấp hộ chiếu gồm: khách mời (kể cả vợ hoặc chồng, con) của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội hoặc của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội mời với tư cách cá nhân; viên chức, nhân viên của các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự nước ngoài và cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam và thành viên của gia đình họ (vợ hoặc chồng và con dưới 18 tuổi), không phân biệt loại hộ chiếu, không phải là công dân Việt Nam và không thường trú tại Việt Nam không phải nộp phí trên cơ sở có đi có lại; trường hợp miễn phí theo điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia hoặc theo nguyên tắc có đi có lại…

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 11/5 tới.

Thuốc lá và rượu nhập khẩu phải dán tem điện tử

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 23/2021/TT-BTC hướng dẫn việc in, phát hành, quản lý và sử dụng tem điện tử rượu và tem điện tử thuốc lá, có hiệu lực thi hành từ 15/5 tới. Mỗi bao thuốc lá, chai rượu đều phải dán một con tem điện tử.

Theo thông tư số 23/2021/TT-BTC (Thông tư 23), tem điện tử là tem có dấu hiệu nhận biết bằng mắt thường và có chứa đựng các thông tin, dữ liệu điện tử được kích hoạt, tra cứu trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan để phục vụ công tác quản lý của doanh nghiệp, người tiêu dùng và cơ quan quản lý Nhà nước.

Sản phẩm thuốc lá nhập khẩu và sản xuất tiêu thụ trong nước phải được dán tem theo quy định tại Nghị định số 67/2013/NĐ-CP của Chính phủ. Mỗi bao thuốc lá được dán 1 con tem điện tử. Trường hợp bao thuốc lá có sử dụng màng kính bọc bên ngoài thì tem điện tử phải được dán vào bao thuốc lá trước khi bọc màng bóng kính bên ngoài. Tem được dán tại vị trí đảm bảo nguyên tắc khi mở bao thuốc lá tem sẽ rách.

Rượu nhập khẩu và rượu sản xuất trong nước phải dán tem theo quy định tại Nghị định số 105/2017/NĐ-CP của Chính phủ. Mỗi chai rượu được dán một con tem điện tử. Tem rượu được dán vắt qua nơi rượu có thể được lấy ra trên bao bì chứa sản phẩm rượu (nắp chai, nắp hũ, nắp bình, vòi rượu hoặc vị trí tương tự) đảm bảo khi mở nắp thì tem sẽ rách và không thể sử dụng lại.

Đơn vị thực hiện dán tem điện tử: Đối với thuốc lá nhập khẩu: Doanh nghiệp, tổ chức nhập khẩu sản phẩm thuốc lá đảm bảo việc dán tem đúng quy định cho sản phẩm thuốc lá tại cơ sở sản xuất ở nước ngoài trước khi nhập khẩu vào thị trường Việt Nam để tiêu thụ.

Đối với rượu nhập khẩu: Việc dán tem đối với rượu đóng chai và rượu thành phẩm dạng thùng, téc nhập khẩu về sang, chiết ra chai được thực hiện như doanh nghiệp, tổ chức thực hiện dán tem và tự chịu trách nhiệm việc dán tem rượu nhập khẩu trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ.

Trường hợp doanh nghiệp, tổ chức nhập khẩu sản phẩm rượu đóng chai có nhu cầu dán tem tại cơ sở sản xuất ở nước ngoài thì phải đảm bảo việc dán tem nhập khẩu cho sản phẩm rượu nhập khẩu đúng quy định trước khi nhập khẩu vào thị trường Việt Nam để tiêu thụ.

Đối với thuốc lá sản xuất trong nước: doanh nghiệp có giấy phép sản xuất thuốc lá phải thực hiện dán tem điện tử đúng quy định cho sản phẩm thuốc lá sản xuất tại địa điểm sản xuất sau khi sản phẩm thuốc lá được đóng thành bao thuốc lá và trước khi đưa sản phẩm đi tiêu thụ trong nước.

Đối với rượu sản xuất trong nước: tổ chức, cá nhân có giấy phép sản xuất rượu (bao gồm giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh, giấy phép sản xuất rượu công nghiệp) để tiêu thụ trong nước, phải thực hiện dán tem điện tử đúng quy định cho sản phẩm rượu sản xuất tại địa điểm sản xuất sau khi rượu được đóng chai và trước khi đưa sản phẩm rượu đi tiêu thụ trong nước.

Tổng cục Hải quan thực hiện in, phát hành tem thuốc lá nhập khẩu, rượu nhập khẩu và bán tem điện tử. Tổng cục Thuế thực hiện in, phát hành tem điện tử thuốc lá sản xuất trong nước, rượu sản xuất trong nước.

Doanh nghiệp, tổ chức nhập khẩu sản phẩm thuốc lá, sản phẩm rượu có trách nhiệm lập, đăng ký kế hoạch sử dụng tem điện tử trên Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan trước ngày 30/4 của năm liền trước năm kế hoạch phù hợp với nhu cầu sử dụng tem điện tử.

Tổng cục Hải quan chịu trách nhiệm in, cấp tem điện tử cho cục hải quan các tỉnh, thành phố. Cục hải quan các tỉnh, thành phố cấp tem điện tử cho chi cục hải quan trực thuộc có liên quan. Chi cục hải quan thực hiện bán tem cho doanh nghiệp, tổ chức đã đăng ký nhu cầu mua tem.

Thông tư số 23 nêu rõ việc tra cứu thông tin về tem là khi người sử dụng sản phẩm thuốc lá, sản phẩm rượu hoặc các cơ quan có liên quan có nhu cầu tra cứu các thông tin của tem điện tử thuốc lá, tem điện tử rượu đã dán lên sản phẩm thuốc lá, sản phẩm rượu như tên tem, mẫu/ký hiệu tem, số seri, mã số thuế, tên đơn vị sản xuất, đơn vị nhập khẩu, ngày nhập khẩu, loại sản phẩm thực hiện truy cập và tra cứu trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Hải quan.

Thông tư 23 có hiệu lực kể từ ngày 15/5 tới.

Quy định mới về giao dịch điện tử lĩnh vực thuế

Từ ngày 3/5, các giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế được thực hiện theo quy định tại Thông tư 19/2021/TT-BTC do Bộ Tài chính mới ban hành. Để tạo thuận lợi cho người nộp thuế, Tổng cục Thuế cũng vừa có công văn hướng dẫn những điểm mới được bổ sung về thuế điện tử tại Thông tư này.

Thông tư 19 bổ sung quy định người nộp thuế có thể lựa chọn thêm các phương thức sau đây để thực hiện giao dịch thuế điện tử thông qua: (i) Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính đã được kết nối với Cổng Thông tin điện tử của Tổng cục Thuế; (ii) cổng thông tin điện tử của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khác (trừ điểm (i)) đã được kết nối với Cổng Thông tin điện tử của Tổng cục Thuế; (iii) Dịch vụ thanh toán điện tử của tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán đã kết nối với Cổng Thông tin điện tử của Tổng cục Thuế để thực hiện nộp thuế điện tử.

Người nộp thuế (NNT) giao dịch thuế điện tử theo hình thức nào thì phải thực hiện đăng ký giao dịch thuế điện tử theo quy định và theo hướng dẫn của từng cơ quan, tổ chức mà mình lựa chọn. Với phương thức thông qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia, Cổng Thông tin điện tử của Bộ Tài chính, khi NNT đăng ký sẽ được Tổng cục Thuế cấp thêm 01 tài khoản để thực hiện giao dịch tại Cổng Thông tin điện tử của Tổng cục Thuế trên cơ sở các thông tin mà NNT đã cung cấp khi đăng ký qua các cổng này mà không cần phải đăng ký thay đổi, bổ sung.

Bộ Tài chính cho biết lý do của việc bổ sung này là để phù hợp với quy định tại Nghị định số 61/2018/NĐ-CP của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính; Nghị định số 11/2020/NĐ-CP quy định về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Kho bạc Nhà nước; Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021.

Giao dịch điện tử trong nộp, hoàn thuế, miễn thuế

Về giao dịch điện tử trong nộp thuế điện tử, quy định mới bỏ điều kiện về thực hiện nộp thuế điện tử của các ngân hàng tham gia thủ tục nộp thuế bằng phương thức điện tử, thay vào đó các ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật theo công khai của Tổng cục Thuế sẽ gửi đề nghị kết nối đến Tổng cục Thuế theo quy định tại Điều 38 Thông tư số 19/2021/TT-BTC.

Về giao dịch điện tử trong hoàn thuế điện tử, Thông tư 19 sửa đổi về thời gian cơ quan thuế gửi Thông báo tiếp nhận hồ sơ hoàn thuế điện tử là sau khi cơ quan thuế gửi Thông báo chấp nhận hồ sơ khai thuế điện tử đối với trường hợp người nộp thuế đề nghị hoàn thuế trên hồ sơ khai thuế.

Về giao dịch điện tử trong miễn giảm thuế điện tử, Thông tư 19 bổ sung quy định mới về miễn giảm thuế điện tử, theo đó, người nộp thuế có thể gửi hồ sơ đề nghị miễn giảm thuế đến cơ quan thuế bằng phương thức điện tử (bao gồm trường hợp gửi trực tiếp đến cơ quan thuế và trường hợp người nộp thuế gửi hồ sơ đề nghị miễn giảm thuế điện tử đồng thời với hồ sơ hành chính về quản lý và sử dụng đất đai theo cơ chế một cửa liên thông). Thông tư quy định cụ thể về quy trình tiếp nhận, xử lý và trả kết quả bằng phương thức điện tử đối với hồ sơ đề nghị miễn, giảm thuế.

Thông tư 19 có hiệu lực thi hành từ 3/5./.

Thùy Linh

Vietnam+

Các tin tức khác

>   Thủ tướng ra công điện yêu cầu chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19 (03/05/2021)

>   Hàng loạt doanh nghiệp 'cầu cứu' vì giá vật liệu xây dựng tăng (02/05/2021)

>   Toàn cảnh kinh tế Việt Nam tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2021 (30/04/2021)

>   CPI 4 tháng đầu năm 2021 tăng 0.89% so với cùng kỳ năm trước (29/04/2021)

>   Giá hàng hóa tăng vọt, nguy cơ lạm phát lên cao (29/04/2021)

>   Vốn đầu tư ra nước ngoài tăng gần 8 lần so với cùng kỳ (28/04/2021)

>   ADB: Chậm trễ triển khai vaccine Covid-19 có thể cản trở tăng trưởng kinh tế Việt Nam (28/04/2021)

>   Quốc hội bầu chủ tịch nước, thủ tướng, chủ tịch Quốc hội khóa mới vào tháng 7 (27/04/2021)

>   Bloomberg: Việt Nam lọt top 15 nền kinh tế có khả năng phục hồi tốt nhất hậu Covid (27/04/2021)

>   PMI tháng 5 đạt 53.1 điểm, tăng trưởng sản lượng thấp nhất trong 3 tháng (01/06/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật