EIB trần 2 phiên liên tiếp trước thềm ĐHĐCĐ thường niên lần 2
Dù đang vướng phải những thông tin không mấy lạc quan, nhưng cổ phiếu EIB của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, HOSE: EIB) vẫn một mình “bay cao” giữa lúc nhóm ngân hàng “đỏ lửa”.
Phiên giao dịch 27/05/2021, thông tin dịch bệnh đang diễn biến phức tạp ở TPHCM nhiều khả năng đã khiến nhà đầu tư hoang mang và đồng loạt bán tháo. VN-Index đóng cửa với mức giảm hơn 13 điểm và tạm dừng ngay trên ngưỡng 1,300 điểm. Trạng thái "nghẽn mạng" lại xuất hiện khiến chỉ số đại diện sàn HOSE đi ngang trong khoảng thời gian của lại của phiên.
Các mã ở nhóm ngân hàng trong phiên hôm nay phân hóa, nhưng không ít mã nhỏ, vốn tăng từ đầu phiên, vẫn giữ được sắc xanh như BAB, BVB, MSB, NVB. Đáng chú ý nhất là chỉ có EIB mang sắc tím khi tăng trần lên mức 30,650 đồng/cp, đây đã là phiên tăng trần thứ 2 liên tiếp của EIB sau chuỗi tăng dài.
Tổng quan ngành ngân hàng phiên 27/05
|
Nói về EIB, thị giá cổ phiếu này từ đầu năm chỉ dao động quanh mức 19,000 đồng/cp và lình xình theo đà chung của thị trường. Tiếp sau đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh trở thành trụ chính kéo đỡ thị trường, thì giá cổ phiếu EIB bắt đầu leo thang từ đầu tháng 4, vọt lên 23,100 đồng/cp (07/04) và sao đó là mức trần 28,650 đồng/cp (26/05) và 30,650 đồng/cp (27/05). Khối lượng giao dịch trong 3 phiên gần đây cũng đột biến hơn hẳn so với thời gian trước, vào khoảng 2 triệu đơn vị/ngày. Nếu so với đầu năm, giá cổ phiếu EIB đã tăng đến 60%.
Đâu là động lực kéo giá cổ phiếu EIB tăng trần liên tiếp 2 phiên gần đây?
Nguồn: VietstockFinance
|
Diễn biến giá cổ phiếu EIB từ đầu năm đến nay
Nguồn: VietstockFinance
|
Giá cổ phiếu EIB bay cao dường như tỷ lệ nghịch với các thông tin không mấy lạc quan bủa vây quanh Eximbank.
Được xem là ngân hàng không có duyên với ĐHĐCĐ khi nhiều năm nay, hết lần này đến lần khác, vì ký do khách quan hay chủ quan, Eximbank vẫn chưa thể tổ chức được các kỳ Đại hội.
Mới đây, Eximbank thông báo triệu tập ĐHĐCĐ bất thường vào ngày 30/07/2021 theo yêu cầu của nhóm cổ đông ngày 12/03/2021. Danh sách cổ đông có quyền tham dự được chốt vào ngày 14/05/2021.
Đồng thời, Ngân hàng cũng thông báo tổ chức ĐHĐCĐ năm 2021 lần 2, dự kiến tổ chức vào ngày 29/07/2021. Danh sách cổ đông được chốt vào ngày 22/03/2021.
Trước đó, ĐHĐCĐ thường niên lần 3/2020 và ĐHĐCĐ năm 2021 lần 1 của Eximbank được tổ chức trong 2 ngày 26-27/04 đều bất thành.
Vấn đề tranh chấp giữa các nhóm cổ đông, dẫn đến không thống nhất được các vấn đề để tổ chức Đại hội. Còn nhớ, cuộc họp ĐHĐCĐ lần 3/2020 vừa rồi tiến hành với số cổ đông tham dự đạt hơn 94%, nhưng hơn một nửa lại không thông qua quy chế cuộc họp. Sau đó, cuộc họp ĐHĐCĐ lần 1/2021 không thể tiến hành do tỷ lệ tham dự chỉ đạt 41.65%, chưa đủ yêu cầu 65% để thông qua quy chế.
Trước thềm ĐHĐCĐ được tổ chức hồi cuối tháng 4 vừa qua, 2 nhóm cổ đông lớn (nắm tổng cộng 21.5% vốn điều lệ) cũng đã đề nghị miễn nhiệm 8/9 thành viên HĐQT ngân hàng.
Nhóm cổ đông đại diện sở hữu 10.3% vốn do bà Kiều Vũ Thụy Uyên, đại diện theo ủy quyền của Công ty CP Rồng Ngọc; Công ty CP đầu tư và dịch vụ Helios; Công ty CP Thắng Phương; cổ đông cá nhân Thái Thị Mỹ Sang và bà Lưu Như Trân đề nghị miễn nhiệm 5 thành viên HĐQT nhiệm kỳ VI (2015-2020) gồm ông Yasuhiro Saitoh, ông Lê Minh Quốc, ông Cao Xuân Ninh, ông Lê Văn Quyết, ông Ngô Thanh Tùng.
Nhóm cổ đông còn lại đại diện sở hữu 11.2% vốn gồm ông Nguyễn Tiến Dũng; ông Trần Công Cận; Lafelle Limited; Education Management Holdings Limited đề nghị miễn nhiệm 3 thành viên HĐQT là ông Hoàng Tuấn Khải, ông Đặng Anh Mai và bà Lương Thị Cẩm Tú.
Thành viên duy nhất trong HĐQT Eximbank không bị đề nghị miễn nhiệm là ông Nguyễn Quang Thông, Phó chủ tịch.
Nguồn: VietstockFinance. Đvt: Tỷ đồng
|
Chưa dừng lại ở tranh chấp nhân sự, kết quả kinh doanh trong những tháng đầu năm của Eximbank cũng không mấy khả quan. Trong quý đầu năm 2021, hoạt động chính của Eximbank sụt giảm 4% so với cùng kỳ năm trước, chỉ còn gần 818 tỷ đồng thu nhập lãi thuần. Các nguồn thu ngoài lãi lại tăng mạnh: Lãi từ hoạt động dịch vụ (+75%), lãi từ kinh doanh ngoại hối (+78%)…
Kỳ này, Eximbank trích lập gần 319 tỷ đồng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, trong khi cùng kỳ được hoàn nhập hơn 35 tỷ đồng. Eximbank cho biết do kỳ này Ngân hàng trích lập dự phòng trái phiếu đặc biệt VAMC số tiền hơn 328 tỷ đồng để tất toán hết trái phiếu này trong quý 1/2021.
Kết quả, Eximbank báo lãi trước và sau thuế giảm 53% so với cùng kỳ năm trước, chỉ còn hơn 214 tỷ đồng và hơn 172 tỷ đồng.
Tính đến cuối quý 1, tổng tài sản Ngân hàng xấp xỉ đầu năm, ghi nhận hơn 160,953 tỷ đồng. Cho vay khách hàng tăng 4% so với đầu năm (105,032 tỷ đồng), tiền gửi khách hàng tăng nhẹ 2% (136,146 tỷ đồng)…
* Eximbank triệu tập ĐHĐCĐ thường niên 2021 lần 2
* Eximbank: ĐHĐCĐ thường niên 2021 lần 1 bất thành
* ĐHĐCĐ 2020 Eximbank lần 3: Không thông qua Quy chế, Đại hội không thể tiến hành
* Chủ tịch HĐQT Eximbank bị miễn nhiệm và bầu lại trong cùng một ngày
* Nhóm cổ đông Eximbank tiếp tục yêu cầu triệu tập ĐHĐCĐ bất thường
Hàn Đông
FILI
|