Thứ Tư, 26/05/2021 14:51

Đề án tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TP.HCM phải khoa học, công bằng

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu đề án điều chỉnh tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TP.HCM theo hướng khoa học, hợp lý, hài hòa và công bằng trong tổng thể, ưu tiên nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng.

* ‘Để lại cho TP.HCM 1 đồng, TP.HCM có thể tăng 2-3 đồng cho ngân sách Trung ương’

* Thủ tướng Phạm Minh Chính ủng hộ tăng tỷ lệ ngân sách để lại cho TP HCM

Đề án tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TP.HCM phải khoa học, công bằng
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo tại buổi làm việc với lãnh đạo TP.HCM. Ảnh: Nguyên Vũ

TP.HCM đề xuất điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách từ 18% lên 23%

Văn phòng Chính phủ vừa thông báo kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với lãnh đạo TP.HCM vào ngày 13.5, trong đó định hướng giải quyết nhiều đề xuất cụ thể trên các lĩnh vực ngân sách, phân quyền, dự án giao thông, cải tạo chung cư cũ…

Thủ tướng cơ bản đồng ý với đề xuất của TP.HCM về chủ trương báo cáo các cấp có thẩm quyền tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TP.HCM giai đoạn 2022 - 2025 để tạo điều kiện cho thành phố có nguồn lực phát triển nhanh, bền vững.

Đồng thời, giao Bộ Tài chính khẩn trương chủ trì, phối hợp với TP.HCM và các cơ quan liên quan đề xuất điều chỉnh tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách theo hướng khoa học, hợp lý, hài hòa và công bằng trong tổng thể.

TP.HCM cần tăng cường tự chủ kinh phí thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội trên địa bàn, có trách nhiệm sử dụng nguồn thu được để lại tăng thêm tập trung cho đầu tư phát triển hạ tầng, nhất là các dự án trọng điểm, có tính lan tỏa, kết nối liên vùng. Đầu việc này được Thủ tướng yêu cầu báo cáo Chính phủ sớm để trình Quốc hội xem xét, quyết định cùng với dự toán ngân sách nhà nước năm 2022.

Thủ tướng đề nghị TP.HCM sử dụng nguồn thu để lại tăng thêm đầu tư cho các dự án hạ tầng, có tính lan tỏa và kết nối vùng. Ảnh: Nguyên Vũ

Theo Đề án tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TP.HCM giai đoạn 2022 - 2025, TP.HCM đề xuất điều chỉnh tỷ lệ điều tiết từ 18% (hiện đang áp dụng cho chu kỳ ổn định ngân sách 2017 - 2021) lên 23% cho giai đoạn tiếp theo. Nếu được Trung ương thông qua, mỗi năm TP.HCM có thêm khoảng 10.000 tỉ đồng.

Thủ tướng cũng đề nghị TP.HCM đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội, làm rõ kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân; trên cơ sở đó tích cực thực hiện các giải pháp, cơ chế, chính sách đặc thù để tăng nguồn thu cho ngân sách thành phố. Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường tích cực phối hợp để thành phố triển khai hiện thực hóa các nguồn thu đã được quy định tại Nghị quyết số 54.

Về phân cấp, phân quyền cho TP.HCM, Thủ tướng đồng ý giao Bộ Nội vụ chủ trì phối hợp với UBND TP.HCM và các bộ, ngành liên quan khẩn trương xây dựng dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 93/2001 theo trình tự, thủ tục rút gọn, trình Chính phủ trong quý 2/2021.

Báo cáo cơ chế chính sách đặc thù cho TP.Thủ Đức trong quý 2/2021

Về đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, đối với các dự án sử dụng vốn ODA cho vay lại theo các hiệp định vay đã ký kết và đang hoàn tất các thủ tục ký kết, Thủ tướng giao Bộ KH-ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và TP.HCM căn cứ vào số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp và mức bội chi hằng năm để báo cáo Quốc hội xem xét, bổ sung theo quy định.

Đối với TP.Thủ Đức, Thủ tướng thống nhất chủ trương giao UBND TP.HCM phối hợp các bộ ngành liên quan nghiên cứu, xác định cụ thể các cơ chế, chính sách đặc thù để xây dựng đề án cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.Thủ Đức theo hướng tăng thẩm quyền phân cấp, phân quyền, thẩm quyền giám sát, kiểm tra, tổ chức lại bộ máy tinh gọn, linh hoạt, báo cáo Chính phủ trong quý 2/2021.

Thủ tướng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù cho TP.Thủ Đức. Ảnh: Ngọc Dương

Về đề xuất chuyển đổi nhà tái định cư, Thủ tướng giao Bộ Xây dựng làm việc với UBND TP.HCM xem xét, hướng dẫn giải quyết từng trường hợp cụ thể, trên nguyên tắc: phải đảm bảo đủ nhà ở tái định cư cho các hộ dân khi thực hiện dự án, trường hợp thực sự không có nhu cầu thì xem xét chuyển sang nhà ở xã hội và phải thực hiện đấu giá khi điều chỉnh mục tiêu dự án, quỹ nhà phục vụ tái định cư (không vi phạm) sang nhà ở thương mại.

Liên quan đến đề xuất của UBND TP.HCM về phương án xử lý 4 khách sạn có giá trị lịch sử, kiến trúc, vị trí đảm bảo quốc phòng - an ninh do Tổng công ty TNHH MTV Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) liên doanh với công ty nước ngoài, Thủ tướng đồng ý chủ trương chưa thực hiện cổ phần hóa Saigontourist; TP.HCM căn cứ tình hình thực tế, các quy định của pháp luật quyết định, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định.

Sỹ Đông

Thanh niên

Các tin tức khác

>   Xuất khẩu tôm tiếp tục vượt khó, dự báo quý II tăng hơn 20% (26/05/2021)

>   Dự án BOT giao thông nào có doanh thu cao nhất? (25/05/2021)

>   Hà Nội: Chưa cách ly toàn Thành phố mà chỉ phong toả và cách ly theo từng điểm (25/05/2021)

>   Ban Bí thư cách hết chức vụ trong Đảng của Phó tư lệnh Quân khu 9 (25/05/2021)

>   Ưu tiên giải ngân nhanh kinh phí phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19 (25/05/2021)

>   Hiệp hội taxi gửi kiến nghị Thủ tướng xin hỗ trợ DN vận tải khó khăn nguy cơ phá sản (25/05/2021)

>   Mỹ kết luận lốp ô tô Việt Nam được trợ cấp, bán phá giá (25/05/2021)

>   Hàng Việt bị mượn xuất xứ ngày càng nhiều (25/05/2021)

>   Cắt giảm gần 1,050 dự án đầu tư công sau vài ngày rà soát (25/05/2021)

>   Đường sắt chính thức được ‘giải cứu’ với hơn 2.800 tỉ đồng vốn bảo trì (24/05/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật