Đầu tư vào doanh nghiệp tái cấu trúc - cơ hội hay rủi ro?
Đầu tư vào những doanh nghiệp tái cấu trúc (turnaround) luôn là thương vụ hấp dẫn nhưng không dành cho số đông nhà đầu tư, vì đòi hỏi sự kiên nhẫn cũng như khả năng phân tích và đánh giá. Nếu thành công, khoản đầu tư có thể tăng bằng lần, nhưng rủi ro kèm theo cũng không nhỏ khi doanh nghiệp tái cấu trúc thất bại.
TTF trong giai đoạn tái cấu trúc và được kỳ vọng sẽ thành công.
|
Cơ hội ở những doanh nghiệp tái cấu trúc
Cổ phiếu Công ty cổ phần (CTCP) tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành (TTF) chỉ trong vòng ba phiên ngày 27, 28 và 29-4 đã có lúc đạt mức tăng 20%, sau khi doanh nghiệp này đưa ra phương án phát hành 59,47 triệu cổ phiếu ưu đãi cổ tức 12% cho cổ đông với giá 10.000 đồng/cổ phiếu và cam kết mua lại trong năm năm tới. TTF cũng sẽ phát hành hơn 40,5 triệu cổ phiếu để hoán đổi 405,3 tỉ đồng nợ vay của chủ nợ Bùi Hồng Minh - liên quan đến Vingroup, với tỷ lệ hoán đổi 10.000 đồng nợ vay được hoán đổi thành 1 cổ phiếu ưu đãi với cổ tức cố định 6,5%/năm.
Đây là một doanh nghiệp đang trong giai đoạn tái cấu trúc và nhiều nhà đầu tư kỳ vọng sẽ thành công. Giá cổ phiếu TTF cũng đã tăng khá mạnh trong một năm qua, với mức tăng gần 4 lần. Với thông tin mới nhất, không ít nhà đầu tư kỳ vọng giá cổ phiếu TTF sẽ sớm về lại mệnh giá 10.000 đồng trong thời gian tới. Dù vậy, sau khi đạt mức tăng cao nhất, lên hơn 8.000 đồng/cổ phiếu vào ngày 29-4, giá cổ phiếu TTF đã điều chỉnh giảm trở lại và tích lũy quanh vùng 7.000 đồng tính đến đầu tuần này.
Để đánh giá khả năng doanh nghiệp có tái cấu trúc thành công hay không, chúng ta có thể theo dõi xem doanh nghiệp có tái cơ cấu nguồn vốn, giảm bớt được nợ vay hay không, đặc biệt là với những doanh nghiệp có tỷ lệ nợ/vốn quá cao mà có thể dẫn đến những rủi ro thanh khoản khi nguồn vốn thiếu bền vững. |
CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAG), doanh nghiệp cũng đang trong giai đoạn tái cấu trúc, đã bị Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM chuyển từ diện cảnh báo sang diện kiểm soát và bị hạn chế về thời gian giao dịch chỉ vào phiên chiều trong hai ngày 28 và 29-4. Thông tin này đã khiến cổ phiếu HAG giảm sàn hai phiên liên tiếp ngay sau đó.
Trước đó trong báo cáo tài chính năm 2020, kiểm toán có ý kiến nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục của doanh nghiệp này. Mới đây nhất, sau khi bán đi mảng nông nghiệp, HAG báo doanh thu quí đầu năm nay chỉ còn bằng 30% so với cùng kỳ, dẫn đến lỗ ròng hơn 58 tỉ đồng, nâng tổng lỗ lũy kế chạm mốc hơn 7.474 tỉ đồng.
Có thể nói đầu tư vào những doanh nghiệp tái cấu trúc luôn là thương vụ hấp dẫn nhưng không dành cho số đông nhà đầu tư, vì đòi hỏi sự kiên nhẫn cũng như khả năng phân tích và đánh giá doanh nghiệp. Nếu thành công, khoản đầu tư có thể tăng bằng lần, nhưng rủi ro kèm theo cũng không nhỏ khi doanh nghiệp tái cấu trúc thất bại.
Thực tế cho thấy đã không ít doanh nghiệp tái cấu trúc thành công và đẩy giá cổ phiếu tăng vọt, mang lại lợi nhuận cho những nhà đầu tư quyết đồng hành với doanh nghiệp trong suốt giai đoạn khó khăn. Đơn cử như CTCP tập đoàn Hoa Sen (HSG), CTCP Thép Nam Kim (NKG), CTCP GTNFoods (GTN), CTCP tập đoàn PAN (PAN), CTCP Vicostone (VCS), CTCP Đầu tư và Xây dựng Xuân Mai (XMC),...
Nhưng thị trường cũng chứng kiến nhiều doanh nghiệp đã thất bại hoặc chưa cho thấy kết quả thật sự khả quan nào trong quá trình tái cấu trúc này, dù một số doanh nghiệp cũng đã nhận được sự hỗ trợ, hợp tác từ những nhà đầu tư chiến lược mới, khiến không ít cổ đông phải thiệt hại khi lỡ lao theo doanh nghiệp. Trong số này ngoài HAG còn có thể kể đến CTCP Hùng Vương (HVG), CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (ITA), CTCP Tasco (HUT), CTCP Tập đoàn Đại Dương (OGC),...
Bình mới rượu cũ?
Về cơ bản, tái cấu trúc doanh nghiệp là việc thay đổi toàn diện từ bộ máy nhân sự, chiến lược kinh doanh, thậm chí là văn hóa doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả hoạt động, triệt để cắt bỏ những mảng yếu kém, thiếu hiệu quả và không phải là thế mạnh doanh nghiệp. Tuy nhiên, quá trình này không hề dễ dàng khi đòi hỏi sự dũng cảm, quyết tâm từ lãnh đạo cao nhất cũng như sự đồng lòng, hợp tác từ các thành viên khác của tổ chức.
Đơn cử như HSG, sau giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ trước đó, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này bắt đầu suy giảm mạnh từ năm 2018. Trước tình thế này, Ban lãnh đạo công ty đã chủ động sắp xếp lại mạng lưới phân phối để tiết giảm chi phí vận hành và tối ưu hóa chuỗi cung ứng, quản lý hiệu quả hàng tồn kho, các khoản phải thu ngắn hạn và các tài sản ngắn hạn khác..., đã tạo điều kiện để giảm dư nợ vay ngân hàng, từ đó tiết giảm chi phí tài chính, đặc biệt là chi phí lãi vay.
Kết quả là lợi nhuận của doanh nghiệp đã phục hồi mạnh trong năm 2020 bất chấp những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, giá cổ phiếu HSG theo đó cũng đã tăng gấp 9 lần trong vòng một năm qua.
Hay như một doanh nghiệp thép khác là NKG cũng đang đạt được những kết quả tái cấu trúc khá thành công. Sau khi đạt đỉnh cao lợi nhuận vào năm 2017, NKG cũng rơi vào khó khăn trong năm 2018 và 2019, buộc doanh nghiệp phải sắp xếp lại các cấp khách hàng, thay đổi chính sách tồn kho, hệ thống sản xuất và tăng cường quản lý chi phí. Ban lãnh đạo công ty cũng chủ động chuyển nhượng hàng loạt dự án, bán tài sản để giảm bớt nợ vay, đảm bảo dòng tiền lành mạnh. Theo đó, lợi nhuận của NKG năm 2020 đã tăng trở lại gấp hơn 6 lần so với năm 2019, giá cổ phiếu cũng đã tăng hơn 7 lần kể từ đầu tháng 4 năm ngoái đến nay.
Về cơ bản, để đánh giá khả năng doanh nghiệp có tái cấu trúc thành công hay không, chúng ta có thể theo dõi xem doanh nghiệp có tái cơ cấu nguồn vốn, giảm bớt được nợ vay hay không, đặc biệt là với những doanh nghiệp có tỷ lệ nợ/vốn quá cao mà có thể dẫn đến những rủi ro thanh khoản khi nguồn vốn thiếu bền vững.
Như trường hợp của TTF ở trên, việc có các khoản nợ xấu và không thể xử lý được trong những năm qua đã khiến doanh nghiệp vừa phải chịu lãi suất phạt cao, lại mất đi cơ hội tiếp cận những khoản vay mới với chi phí hợp lý hơn, do đó giải pháp phát hành cổ phiếu ưu đãi cổ tức và cam kết mua lại sau 5 năm, để có nguồn tiền trả nợ gần như là một cách để tái cấu trúc khoản vay, tức vay của cổ đông để trả nợ xấu cho ngân hàng.
Trong quá trình tái cơ cấu này, nhiều doanh nghiệp cũng chấp nhận bán bớt các tài sản, thoái vốn các khoản đầu tư để trả bớt nợ, đồng thời thu hẹp hoặc chặt đứt hoàn toàn các mảng, lĩnh vực kinh doanh thiếu hiệu quả, vừa tiết giảm được chi phí vừa nhằm xây dựng chiến lược phát triển tập trung hơn và có mũi nhọn hơn.
Nhưng một thực tế không thể phủ nhận là nhiều trường hợp doanh nghiệp tuyên bố tái cấu trúc, nhưng sự thay đổi diễn ra rất chậm hoặc thiếu triệt để, khi bộ máy quản lý vẫn là những con người đó, lãnh đạo đó với tư duy cũ và hạn hẹp, do đó khó chấp nhận sự đổi mới quá sốc, cũng như nuối tiếc khi phải rút lui và chấp nhận thu hẹp hoạt động dù có thể chỉ là tạm thời. Những trường hợp này có thể xem là “bình mới rượu cũ”, tức bên ngoài nhìn có vẻ thay đổi nhưng thực chất bên trong vẫn giữ nguyên như trước.
Điều này có thể khiến các cổ đông, nhà đầu tư nhìn nhận và đánh giá sai lầm, nhưng đó cũng có thể là mục đích chính của các ông chủ doanh nghiệp này, tức chỉ thay đổi bộ y phục bên ngoài cho doanh nghiệp nhằm thu hút tiền của nhà đầu tư, còn thực chất động lực tăng trưởng bên trong của doanh nghiệp vẫn trì trệ và thiếu bền vững.
Tuệ Nhiên
TBKTSG
|