Đã đến lúc NHNN khống chế cung tiền
Trao đổi với chúng tôi, ông NGUYỄN ĐỨC ĐỘ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, cho rằng GDP quý I tăng 4,48% cho thấy nền kinh tế đang phục hồi nhưng vẫn thấp so với khả năng. Trong bối cảnh đó, việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục duy trì lãi suất ở mức thấp, ưu tiên mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng là hợp lý, nhất là khi dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp.
Ảnh minh họa
|
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, có ý kiến cho rằng chính sách tiền tệ đang không phát huy nhiều tác dụng?
Ông NGUYỄN ĐỨC ĐỘ: - Tăng trưởng kinh tế thời gian qua không cao chủ yếu liên quan đến đầu ra sản phẩm của các doanh nghiệp (DN). Trong bối cảnh dịch bệnh lan rộng, người dân thắt chặt chi tiêu nên cầu tiêu dùng rất yếu.
Các DN vì vậy cũng không có nhu cầu đầu tư nhiều cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Đây là vấn đề chính sách tiền tệ không giải quyết được.
Điều thiết thực nhất NHNN có thể làm là hạ lãi suất, ban hành các chính sách giãn nợ để giảm gánh nặng về tài chính cho DN, chờ đến lúc dịch bệnh được khống chế chính sách lãi suất thấp sẽ trở nên hiệu quả hơn.
- Vậy phải chăng cơn sốt đất và sự bùng nổ thanh khoản trên thị trường chứng khoán (TTCK) gần đây do nguồn vốn rẻ không đi vào sản xuất?
- Thời gian qua, dòng tiền chảy mạnh vào các thị trường tài sản một phần do lãi suất thấp, phần khác do triển vọng đầu tư các lĩnh vực sản xuất kinh doanh không được lạc quan.
Nhưng thời gian tới, khi triển vọng kinh tế sáng sủa hơn, dòng tiền sẽ hướng vào khu vực sản xuất nhiều hơn. Nên nhớ, quá trình tự điều tiết của thị trường có thể chỉ diễn ra sau khi các thị trường tài sản đã tăng trưởng nóng.
Do đó, cần có sự giám sát, quản lý từ các cơ quan chức năng. Vừa qua, NHNN đã nâng hệ số rủi ro đối với tín dụng thuộc các lĩnh vực như chứng khoán, bất động sản (BĐS). Việc ban hành các giới hạn về tỷ trọng cho vay đối với chứng khoán, BĐS cũng có thể sẽ được cân nhắc, nếu NHNN thấy cần thiết phải hạn chế vốn chảy vào các lĩnh vực này.
Tuy nhiên, cần khẳng định rằng không phải tất cả tiền chảy vào TTCK hay BĐS đều mang tính đầu cơ. Trên thực tế, sự phát triển của thị trường BĐS có thể thúc đẩy các ngành nghề như sản xuất thép, xi măng, đồ nội thất…
Hiện nay, nguồn cung BĐS còn hạn chế, nhưng các NHTM lại tập trung đáp ứng nhu cầu tín dụng cho người mua BĐS. Vì vậy, các DN BĐS phải hướng đến nguồn vốn huy động thông qua phát hành trái phiếu và cổ phiếu.
Nếu TTCK đáp ứng được nhu cầu này, các DN sẽ huy động vốn trực tiếp từ người dân thuận lợi hơn, từ đó thúc đẩy nguồn cung BĐS gia tăng, giảm áp lực tăng giá. Huy động vốn qua TTCK cũng giúp giảm gánh nặng cung cấp vốn cho nền kinh tế thông qua hệ thống NH.
- Năm nay, NHNN hướng tới kịch bản tăng trưởng tín dụng khoảng 12%, tức cao hơn nhiều so với tăng trưởng GDP. Quan điểm của ông thế nào?
- Nếu chỉ nhìn vào các chỉ số kinh tế vĩ mô tại thời điểm hiện nay như tăng trưởng, lạm phát, cán cân thương mại, tỷ giá… có thể nói NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ tương đối hiệu quả.
Đây là lúc NHNN cần khống chế cung tiền và tăng trưởng tín dụng trong trung, dài hạn không vượt quá xa so với mức tăng trưởng GDP danh nghĩa, tức không cao hơn nhiều mức tăng trưởng GDP thực cộng với tốc độ lạm phát.
|
Tuy nhiên, chính sách tiền tệ tác động tới nền kinh tế không chỉ trong 1-2 năm, mà có thể trong nhiều năm. Song với tầm nhìn trung, dài hạn, tôi có chút lo ngại về tốc độ tăng trưởng cung tiền và tín dụng thời gian qua.
Dù so với giai đoạn từ năm 2011 trở về trước, tăng trưởng cung tiền và tín dụng gần đây đã thấp hơn nhiều, nhưng vẫn cao hơn đáng kể so với tốc độ tăng trưởng GDP danh nghĩa. Tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam liên tục tăng.
Tỷ lệ này càng cao hàm ý nền kinh tế càng có nhiều vốn để hoạt động, nhưng mặt khác cũng cho thấy khả năng trả nợ của DN ngày càng suy giảm, nhất là khi tốc độ tăng trưởng GDP giảm. Tỷ lệ này không thể tăng mãi, bởi đến lúc nào đó sẽ gây lạm phát, nợ xấu.
Với việc tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam vượt mức 140% - tỷ lệ cao trên thế giới - đã đến lúc NHNN cần quan tâm đến việc khống chế cung tiền và tăng trưởng tín dụng trong trung, dài hạn không vượt quá xa so với mức tăng trưởng GDP danh nghĩa, tức không cao hơn nhiều mức tăng trưởng GDP thực cộng với tốc độ lạm phát.
- Ông đánh giá thế nào về sự phối hợp giữa chính sách tiền tệ và tài khóa thời gian qua?
- Trong khoảng 5 năm trở lại đây, chính sách tiền tệ đã tích cực hỗ trợ cho Chính phủ trong việc huy động trái phiếu chính phủ với lãi suất thấp. Nhờ đó, chính sách tài khóa đã có nhiều dư địa để hỗ trợ nền kinh tế trong năm 2020, khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát và lan rộng.
Tuy nhiên, cần thấy rằng chính sách tài khóa và tiền tệ chỉ có thể hỗ trợ, không giải quyết được hết các vấn đề về tăng trưởng kinh tế. Chính sách quan trọng nhất để phục hồi kinh tế hiện nay vẫn là kiểm soát được dịch bệnh, bởi đây là nguyên nhân gốc rễ khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế suy giảm.
Về lâu dài, cải cách thể chế, cắt giảm thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh để thu hút vốn đầu tư và công nghệ mới, là chính sách cốt lõi để thúc đẩy tăng trưởng.
Cần lưu ý, mặc dù giá hàng hóa trên thế giới đang tăng mạnh, nhưng lạm phát hiện nay ở Việt Nam vẫn tương đối thấp do dịch Covid-19 khiến cầu tiêu dùng yếu. Trong năm nay, lạm phát trung bình chỉ xoay quanh mức 2%, dù lạm phát so với cùng kỳ có thể đạt mức trên 3%. Sang năm 2022, khả năng lạm phát vẫn sẽ nằm trong tầm kiểm soát.
Tuy nhiên, áp lực lạm phát sẽ cao hơn trong giai đoạn năm 2023-2024, khi nền kinh tế phục hồi hoàn toàn. Bởi vậy, trong thời gian tới, chính sách tiền tệ không nên nới lỏng thêm nữa. Nhiệm vụ hỗ trợ nền kinh tế nên để chính sách tài khóa đảm nhận.
- Xin cảm ơn ông.
Hà My
Sài Gòn Đầu Tư Tài Chính
|