Eximbank đã có 'ánh sáng cuối đường hầm'
Vào thời điểm tưởng chừng như cơn bĩ cực đã lên đến đỉnh điểm, lợi nhuận eo hẹp, tổng tài sản rơi về mức thấp của nhiều năm, tín dụng nhúc nhích từng chút từng chút, còn bộ máy nhân sự vẫn chưa đâu vào đâu, Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu (Eximbank) dường như đang nhìn thấy le lói “ánh sáng cuối đường hầm”.
* Eximbank đặt kế hoạch lợi nhuận 2021 tăng 63%
Cổ đông Eximbank đang chờ đợi những nhóm nhà đầu tư mới cả về lượng và chất. Ảnh: THÀNH HOA
|
Ngày 28-4-2021 khi Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPB) ký thỏa thuận bán 49% cổ phần của Công ty Tài chính FE Credit cho Công ty Tài chính tiêu dùng SMBC (một công ty con của tập đoàn SMBC - Sumitomo Mitsui Banking Corporation Nhật Bản) với giá trị 1,37 tỉ đô la Mỹ, thì những người “vui lây” trong sự kiện này là cổ đông của Eximbank. Nguồn tin đáng tin cậy trong giới tài chính cho biết SMBC chưa dừng lại với khoản đầu tư vào FE Credit. Họ có ý định đầu tư vào chính VPB. Trong đại hội đồng cổ đông thường niên vừa qua, ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị VPB, thừa nhận room ngoại mới ở mức 20% và VPB tiếp tục đàm phán với các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài để huy động thêm vốn, có thể thực hiện vào cuối năm nay.
Theo luật định trong ngành ngân hàng Việt Nam, một tập đoàn tài chính nước ngoài không thể là cổ đông chiến lược lâu dài và quy mô (nắm giữ 15% vốn) cùng lúc tại hai tổ chức tín dụng. Điều đó có nghĩa nếu tham gia đầu tư vào VPB, SMBC phải thoái vốn khỏi Eximbank. Mà công ty con của SMBC đã ký thỏa thuận đầu tư vào FE Credit.
Ba năm nay Eximbank không thể tổ chức họp đại hội đồng cổ đông thường niên thành công. Cũng ba năm nay nội bộ Eximbank “lục đục” và SMBC từ chỗ tha thiết gắn bó với Eximbank dài hạn, đã tỏ rõ sự “hờ hững ra mặt”. Thể hiện rõ nhất là SMBC không cử đại diện tham gia hội đồng quản trị Eximbank nữa. Ông Yasuhiro Saitoh, đang ngồi ghế Chủ tịch hội đồng quản trị Eximbank, không còn là người đại diện cho SMBC. Theo thông tin hành lang, với tư cách cá nhân, ông đại diện cho một nhóm nhà đầu tư tập hợp xung quanh một doanh nhân phía Bắc.
Tháng 10-2008, khi tham dự Lễ ký kết thỏa thuận đầu tư và hợp tác chiến lược SMBC - Eximbank ở Tokyo, người viết bài này đã chứng kiến một niềm tin gần như tuyệt đối từ phía đối tác Nhật dành cho Eximbank. Họ bỏ ra 225 triệu đô la Mỹ, khoản đầu tư lớn nhất nhì vào một ngân hàng Việt Nam lúc bấy giờ để sở hữu 15% cổ phần Eximbank. Trước đấy, sáu tháng đầu năm 2008, Eximbank công bố lợi nhuận trước thuế 723 tỉ đồng, đứng thứ 2 trong khối tổ chức tín dụng cổ phần. Sau thương vụ với SMBC, vốn chủ sở hữu và giá trị sổ sách cổ phiếu EIB của Eximbank cao nhất trong các ngân hàng cổ phần.
Nhắc lại chuyện cũ để thấy SMBC thật sự không dễ dàng khi tới đây có thể sẽ phải nói lời chia tay Eximbank. Đây không phải chỉ là chuyện lời lỗ của một khoản đầu tư trong 13 năm, mà còn là một trải nghiệm không “êm thấm” với một cái kết ít nhiều không mang lại niềm vui.
Vấn đề của Eximbank tới đây, trong trường hợp SMBC ra đi, nhóm nhà đầu tư nào sẽ nhận chuyển nhượng 15% cổ phần ngân hàng?
Trong cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2020 ngày 26-4-2021, lần đầu tiên sau nhiều năm số cổ đông Eximbank có mặt đại diện cho hơn 94,6% cổ phần, con số kỷ lục. Tuy nhiên 55% số người tham dự không thông qua quy chế đại hội và đại hội bất thành. Ngày hôm sau, trong cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên tổ chức lại, hầu hết cổ đông không thông qua quy chế đại hội hôm trước, đã không đến dự. Đại hội không thể diễn ra.
Đại diện của SMBC, theo ghi nhận của những người có mặt, đã không xuất hiện trong ngày đại hội hôm sau. Những nhóm nhà đầu tư nhận chuyển nhượng cổ phiếu EIB từ nhóm nhà đầu tư có liên quan đến Ngân hàng Nam Á trước đó đa số cũng không tham dự.
Nhóm nhà đầu tư cá nhân, tổ chức có liên quan đến nhóm cổ đông của Ngân hàng Nam Á, hiện đang sở hữu chừng 37-38% cổ phần Eximbank. Nếu nhận được sự ủng hộ của SMBC họ có thể có tỷ lệ cổ phần 52-53%, đạt tỷ lệ cổ phần chi phối.
Trong khi đó, tỷ lệ cổ phần Eximbank của nhóm nhà đầu tư có liên quan đến một doanh nhân phía Bắc, của nhóm nhà đầu tư liên quan đến bà Ngô Thu Thúy và quỹ VOF do VinaCapital quản lý cùng với một số pháp nhân và thể nhân nước ngoài khác khoảng trên 40%.
Ngân hàng Vietcombank còn nắm giữ 4,82% cổ phần Eximbank và đứng ở vị trí trung lập.
Các cuộc thương lượng chuyển nhượng cổ phần Eximbank giữa các nhóm nhà đầu tư tiếp tục sôi động. Một nhóm nhà đầu tư mới có tiềm lực tài chính, kinh nghiệm kinh doanh ngân hàng và khá có tiếng tăm trong giới tài chính đã chào mua cổ phần EIB với giá cao hơn 30% thị giá EIB trên sàn (giá đóng cửa ngày 10-5-2021) từ một nhóm nhà đầu tư sở hữu tầm 14-15% cổ phần. Cuộc thương lượng chưa ngã ngũ.
Giờ đây nhóm nhà đầu tư hiện hữu nào nhận chuyển nhượng cổ phiếu EIB của SMBC sẽ là những cổ đông chi phối Eximbank.
Tính theo thị giá trên sàn, 15% cổ phần Eximbank mà SMBC sở hữu hiện có giá trị khoảng 4.640 tỉ đồng, tương đương 200 triệu đô la Mỹ. Khi mua một tỷ lệ lớn cổ phiếu và có ý nghĩa chi phối ngân hàng như vậy, các giao dịch thỏa thuận thường diễn ra ngoài sàn, tức ngoài biên độ giao dịch quy định. Một cổ đông tổ chức của Eximbank nhận định giá chuyển nhượng có thể được SMBC chấp thuận sẽ cao hơn thị giá trên sàn.
Điều đáng quan tâm hơn cả là khi SMBC có thể rời khỏi Eximbank, room nước ngoài tại ngân hàng sẽ là một khoảng trống lớn, tạo sức hấp dẫn đáng kể cho cổ phiếu EIB.
Eximbank đã tất toán toàn bộ nợ xấu tại Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), đủ điều kiện để được Ngân hàng Nhà nước cho phép chia cổ tức bằng cổ phiếu, dự kiến 18% như tài liệu đại hội đồng cổ đông đề xuất. Cổ đông Eximbank đang chờ đợi những nhóm nhà đầu tư mới cả về lượng và chất. Cục diện ngân hàng sắp thay đổi sau bao thăng trầm.
Hải Lý
TBKTSG
|