Quy mô thị trường tài chính Việt Nam (cả ba khu vực gồm các tổ chức tín dụng, chứng khoán và bảo hiểm) chiếm khoảng 324% GDP trong năm ngoái, trong đó nhóm các tổ chức tín dụng đã chiếm trên 62,6% tổng tài sản quốc gia, chưa tính đến những hoạt động kinh tế “ngầm”.
Các diễn giả chia sẻ tại hội thảo khoa học “Định hình lại hệ thống tài chính toàn cầu và chiến lược của Việt Nam”. Ảnh: BTC
|
Đây là thông tin được chia sẻ tại buổi hội thảo khoa học “Định hình lại hệ thống tài chính toàn cầu và chiến lược của Việt Nam” do Trường Đại học Kinh tế TPHCM (UEH) và Báo Sài Gòn Giải Phóng phối hợp tổ chức tại TPHCM mới đây.
Theo TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia, sau hơn 34 năm đổi mới và phát triển, hệ thống tài chính Việt Nam đã phát triển vượt bậc về cả chất và lượng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và tái cấu trúc nền kinh tế. Theo đó, các định chế tài chính, hàng hóa, lượng doanh nghiệp niêm yết… của Việt Nam phát triển khá nhanh, nhưng hệ thống tổ chức tín dụng vẫn chi phối thị trường.
Cụ thể, tính toán của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cho thấy hệ thống ngân hàng và tổ chức tín dụng phi ngân hàng chiếm 62,6% quy mô tổng tài sản của hệ thống, bao gồm cả Ngân hàng Phát triển Việt Nam.
Xếp thứ hai về tỷ trọng là thị trường chứng khoán (tổng giá trị vốn hóa) với con số 24,1%, trái phiếu chiếm 12,4%, bảo hiểm (doanh thu phí bảo hiểm) chiếm 0,9%. Ước lượng này chưa tính đến thị trường tài chính không chính thức như các mô hình fintech kiểu mới.
Trao đổi trong phiên thảo luận, TS. Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế, đánh giá “các ngân hàng đang gồng gánh nền kinh tế”, nguyên nhân do thị trường vốn, nơi cung cấp dòng vốn trung và dại hạn, đến nay vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu, còn quá non trẻ và sản phẩm nghèo nàn. Tương tự, TS. Trương Văn Phước, thành viên Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc nhiệm kỳ 2016-2021, cũng có đánh giá: “Tín dụng vẫn là vô cùng quan trọng đối với chúng ta”.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng cần phải có con số cụ thể và nhìn nhận thực tế hơn về dòng chảy vốn từ hệ thống các tổ chức tín dụng hiện nay, vì tiền từ ngân hàng có thể dễ dàng chảy vào kênh chứng khoán và ngược lại vì liên thông với nhau.
Sự “đan xen” dòng vốn này trên thực tế đã được nhắc đến nhiều trong thời gian qua, đồng thời cũng mang đến những hệ lụy rất lớn, khi dòng tiền tín dụng ngân hàng thay vì đi vào lĩnh vực đầu tư sản xuất thì lại chảy vào lĩnh vực dễ hình thành bong bóng tài sản.
Các đại biểu thảo luận tại hội thảo. Ảnh: BTC
|
Gánh nặng nợ cũng tạo sức ép đáng kể lên các ngân hàng. Tại buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ mới đây để khơi thông những khó khăn của ngành, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết tỷ lệ dư nợ tín dụng/GDP của Việt Nam đã trên 140%, nằm trong nhóm nước có tỷ lệ cao nhất theo đánh giá của quốc tế.
Đại diện cơ quan quản lý các tổ chức tín dụng cũng đánh giá rằng, nếu để tỷ lệ này tiếp tục tăng cao và vốn vay trung dài hạn cũng dựa nhiều vào ngân hàng thì sẽ tạo áp lực lớn đối với việc cân đối vốn của hệ thống ngân hàng và cân đối vĩ mô. Do đó, việc phát triển thị trường tài chính nên đi theo hướng hài hoà giữa thị trường tiền tệ và thị trường vốn.
Đây là điểm nghẽn thực tế trong nhiều năm qua, dù thị trường vốn (gồm trái phiếu và cổ phiếu) đã có nhiều sự thay đổi tích cực trong thời gian qua.
Về mặt quy mô, thị trường vốn được hưởng lợi nhờ mặt bằng lãi suất thấp kỷ lục, cả hai kênh chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp trong những năm gần đây đã thu hút đáng kể lượng vốn nhàn rỗi của các tổ chức và cá nhân. Còn về mặt pháp lý, các bộ luật mới trên cả hai thị trường này bắt đầu được cập nhật liên tục hơn.
Nhưng trong khi chờ đợi thị trường vốn lớn hơn, áp lực vốn ở các ngân hàng vẫn còn rất lớn, đặc biệt là trong thời kỳ đại dịch. Trong năm ngoái, NHNN đã lùi lộ trình áp dụng tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung, dài hạn thêm một năm, vì lo ngại nếu áp dụng ngay sẽ dẫn đến phương án cơ cấu nguồn vốn của các ngân hàng gặp khó khăn.
“Khu vực ngân hàng Việt Nam luôn chịu áp lực tăng vốn, do nền vốn còn mỏng trong khi tín dụng, đầu tư tăng khá cao, và nguy cơ nợ xấu có thể tăng là hiện hữu”, TS. Cấn Văn Lực nói về bối cảnh nợ xấu có thể tăng lên mức 2,5-3% vào cuối năm nay, cùng với trách nhiệm trích lập dự phòng rủi ro tăng thêm trong 3 năm (2021-2023) theo Thông tư 03 ban hành đầu tư tháng 4.