Thứ Năm, 29/04/2021 14:21

Bài cập nhật

ĐHĐCĐ VPBank: Bán FE Credit không phải là bán "con gà đẻ trứng vàng"

Chiều ngày 29/04/2021, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, HOSE: VPB) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 nhằm thông qua kế hoạch kinh doanh, phát hành cổ phiếu ESOP, chuyển nhượng vốn góp tại FE Credit.

Kết thúc Đại hội, tất cả tờ trình đều được thông qua.

*Tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2021

Chia sẻ đầu Đại hội, ông Nguyễn Đức Vinh – Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc VPBank cho biết chiến lược số hóa từ những năm 2016-2018 đã bắt đầu có hiệu quả. Trong 10 năm qua, tổng tài sản của VPBank đã tăng 7 lần, dư nợ tăng 13 lần, vốn chủ sở hữu tăng 10 lần và tổng thu nhập hoạt động tăng 30 lần.

Tuy nhiên, chi phí vốn trong năm qua đã cao hơn một số ngân hàng. Trong quý 1 vừa qua, VPBank đã giảm 1% chi phí vốn so với mức trung bình cả năm 2020.

Mục tiêu quan trọng năm nay là cải tạo nguồn huy động vốn thấp. Hiện, VPBank có hơn 10 đối tác nước ngoài cung cấp nguồn vốn, còn FE Credit có 6-7 đối tác, bổ sung cả nguồn vốn chung và dài hạn. Mục tiêu năm nay là giảm 1-2% chi phí vốn bình quân.

Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Vinh chia sẻ thêm, mục tiêu tăng trưởng của FE Credit sẽ diễn ra vào 6 tháng cuối năm, tăng trưởng tín dụng từ 16-20%, tùy vào hạn mức phê duyệt của NHNN.

Thảo luận:

Kế hoạch tăng trưởng tín dụng?

Tổng Giám đốc chia sẻ trong kế hoạch là tăng 16.6% dư nợ tín dụng, với nguồn vốn bổ sung, VPBank đang trình NHNN tăng lên 18-20%. Năm nay, tập trung 80% vào mảng tín dụng khách hàng cá nhân. 

Tỷ lệ CASA?

Tỷ lệ CASA hiện đang ở mức trung bình thị trường, 17% trong quý 1. Hy vọng tỷ lệ này sẽ tăng trưởng dần. Dự kiến tăng thêm 1-2 triệu khách hàng, thông qua nâng cấp các nền tảng digital. VPBank xác định số lượng thực sự khách hàng có giao dịch mới là quan trọng chứ không phải là khách hàng mở tài khoản.

FE Credit có lợi gì khi bán vốn cho đối tác ngoại?

Ban đầu đã dự định IPO vào năm 2017, phương án 2 là bán vốn cho đối tác chiến lược.

Phương án 1, IPO có thể bán được giá cao hơn. Một số nhà đầu tư có thể đạt đến gần 4 tỷ USD. Sau khi cân nhắc quá trình tiếp xúc, VPBank đã đi theo phương án hợp tác với SMBC. Đây là 1 trong 3 ngân hàng lớn nhất Nhật Bản. Với kinh nghiệm của đối tác Nhật, có nguồn vốn rẻ và cam kết mạnh với VPBank.

Với mong muốn và quá trình làm việc, cả 2 bên đã đạt được thống nhất, đi theo phương án 2. Đó là những kỳ vọng VPBank khi chọn SMBC là đối tác.

Kế hoạch tìm kiếm đối tác chiến lược khi VPBank còn room ngoại?

Hiện room ngoại VPBank khoảng 20%, hiện các quỹ đang bán bớt khi đến thời hạn.

VPBank vẫn đang có mục tiêu, làm việc để sử dụng room ngoại với mức tối đa, đàm phán với nhà đầu tư nước ngoài, nếu kịp thì cuối năm nay tiếp tục phát hành ra để huy động vốn cho Ngân hàng.

Dự kiến VPBank đạt  90,000 tỷ vốn chủ sở hữu vào cuối năm

Kế hoạch chia cổ phiếu thưởng hoặc cổ tức bằng cổ phiếu?

Vốn chủ sở hữu VPBank là 52,700 tỷ đồng, dự kiến năm nay có các nguồn thu như từ bảo hiểm, thứ hai là nguồn thu từ FE Credit, thứ ba là lợi nhuận giữ lại, dự kiến là 16,600 tỷ đồng. Dự kiến, cuối năm nay, VPBank đạt đâu đó 90,000 tỷ vốn chủ sở hữu.

Trong giai đoạn gần đây, các ngân hàng đẩy mạnh phát triển bảo hiểm, nhưng VPBank không có triển khai kế hoạch mảng này, VPBank có dự định triển khai năm nay không?

Ông Nguyễn Đức Vinh: VPBank đã tham gia mảng bảo hiểm nhiều năm nay, năm 2018 đã ký với AIA. VPBank nằm trong nhóm doanh số bán bảo hiểm lớn nhất thị trường và hợp tác với nhiều công ty bảo hiểm liên quan đến phi nhân thọ. VPBank có doanh số chi tiêu thẻ tín dụng lớn nhất trên thị trường.

Hợp tác của VPBankAIA đã 3 năm, đem lại kết quả nhất định, và tiếp tục trao đổi tìm cơ hội mới mở rộng. Hy vọng tương lai lĩnh vực phi nhân thọ sẽ là nguồn thu quan trọng trong thu nhập VPBank các năm tới.

Chiến lược số hóa thế nào?

Bắt đầu từ năm 2016, và 2 năm nay tập trung đẩy mạnh vào các chương trình đem lại hiệu quả. Số hóa hoạt động ngân hàng, đem lại kết quả gián tiếp thông qua tự động hóa, robot hóa các hoạt động, giảm chi phí vận hành, giảm chi phí bán hàng. Tính trên 1 đơn vị hoạt động, giảm 30-40%.

Do đó, có lúc VPBank giảm nhân sự nhiều, thực ra không có nghĩa sa thải, mà do quá trình chọn lọc, sự giảm tự nhiên các bộ phận không còn hợp lý, nhờ digital ở cả Ngân hàng mẹ và FE Credit.

Bán FE Credit không phải là bán con gà đẻ trứng vàng

Giai đoạn tiếp theo, cơ cấu doanh thu thế nào?

Thời điểm này, với 39,000 tỷ doanh thu, VPBank chỉ thấp hơn 1 vài ngân hàng quốc doanh, nhưng so với ngân hàng có doanh thu kế tiếp thì thua VPBank 40%.

KHCN đem lại nguồn thu lớn nhất 21,000 tỷ đồng, nguồn thu đa dạng từ thị trường tiền tệ, khối SME

Trong hoạt động KHCN, cơ cấu doanh thu từ huy động, dịch vụ chiếm 40%, tín dụng chiếm 60%, trong tín dụng từ sản phẩm trụ cột, nhà, ô tô, cho vay kinh doanh chiếm 20%. Và nguồn thu lớn từ cho vay tiêu dùng.

Chiến lược 2021-2025 cụ thể thế nào về tăng trưởng tín dụng và lợi nhuận bình quân hàng năm?

Đây là năm thứ 4 VPBank thực hiện chiến lược 2018-2022. Từ năm 2010, VPBank bắt đầu cải cách. Tập trung phát triển ngân hàng bán lẻ, đưa VPBank thành Ngân hàng bán lẻ có giá trị trong top 3 thị trường.

Hàng năm, VPBank luôn cập nhật tình hình hoạt động với từng chiến lược. Năm 2018-2019 có một số chỉ tiêu chậm lại nhưng được phục hồi trong chỉ tiêu 2021. Dự kiến năm nay và sau sẽ có tổng kết đánh giá đề trình chiến lược 5 năm tiếp theo.

Kế hoạch bán vốn FE Credit cho đối tác Nhật có ảnh hưởng gì đến hoạt động VPBank không? Nguồn thu được dự định làm gì?

VPBank đã bán 49% cổ phần FE Credit, sau khi bán vẫn là công ty con của VPBank. Do đó, tiếp tục hạch toán trong bảng cân đối hợp nhất. Tiếp tục hỗ trợ SMBC phát triển FE Credit. Việc bán này không phải VPBank bỏ đi "con gà đẻ trứng vàng", mà tìm kiếm đối tác. Thực tế, VPBank đang mong muốn miếng bánh cho vay tiêu dùng phát triển hơn nhiều.

Trong năm 2021 hoặc 1-2 năm đầu, lợi nhuận thu được từ FE Credit có thể không tăng, nhưng dài hạn sẽ tiếp tục tăng trưởng. FE Credit vẫn là một trong những bộ phận quan trọng của ngân hàng.

ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 của VPBank được tổ chức chiều ngày 29/04/2021 tại Hà Nội

Mục tiêu lãi trước thuế tăng 28%

Theo đánh giá của VPBank, ngành ngân hàng được kỳ vọng có nhiều cơ hội để tăng trưởng trong năm 2021 dưới sự phục hồi của nền kinh tế. Các chuyên gia kinh tế dự báo môi trường lãi suất thấp sẽ tiếp tục được duy trì trong năm 2021, thúc đẩy nhu cầu tín dụng từ phía doanh nghiệp.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng là 12% trong năm 2021. Trên cơ sở đó, VPBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 2021 đạt 16,654 tỷ đồng, tăng 28% so với năm 2020.

Tổng tài sản được dự kiến ở mức 491,886 tỷ đồng, tăng 17% so với đầu năm 2021. Trong đó, dư nợ cấp tín dụng mục tiêu 376,340 tỷ đồng, tăng 17%.

Nguồn vốn từ tiền gửi khách hàng và giấy tờ có giá dự kiến đạt 327,280 tỷ đồng, tăng 11%. Tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng riêng lẻ dưới 3%.

Nguồn: VietstockFinance. Đvt: Tỷ đồng

Kết quả kinh doanh trong những năm gần đây của VPBank đều trong xu hướng tăng trưởng. Năm 2020, VPBank đạt 13,019 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 26% so với năm 2019 và vượt 27% mục tiêu đề ra. Song, Ngân hàng dự kiến không chia cổ tức năm 2020, sau khi trích lập các quỹ, HĐQT trình ĐHĐCĐ giữ lại khoản lợi nhuận gần 8,852 tỷ đồng nhằm giữ lại nguồn vốn phục vụ hoạt động kinh doanh của Ngân hàng. Kế hoạch chia cổ tức trong năm 2021 của Ngân hàng vẫn chưa được công bố.

Tính đến cuối quý 1, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng 20%, lên mức hơn 4,453 tỷ đồng. Kết quả, lợi nhuận trước và sau thuế quý 1 tăng 38%, đạt hơn 4,006 tỷ đồng và gần 3,202 tỷ đồng. Nếu so với kế hoạch lợi nhuận trước thuế 16,654 tỷ đồng HĐQT dự kiến trình ĐHĐCĐ, VPBank đã thực hiện được 24%.

Chào bán cổ phiếu quỹ cho cán bộ nhân viên

Ông Bùi Hải Quân - Phó Chủ tịch HĐQT VPBank cho biết sau 3 năm thực hiện chương trình bán cổ phiếu với giá ưu đãi dành cho cán bộ nhân viên (ESOP), đến năm 2021, HĐQT VPBank dự kiến đề xuất ĐHĐCĐ tiếp tục triển khai chương trình này. Tuy nhiên, sẽ điều chỉnh lại các tiêu chí, chính sách cán bộ nhân viên được hưởng theo chủ trương tinh gọn lại. Chính sách này chỉ dành cho các cá nhân có vai trò đặc biệt, có ảnh hưởng với Ngân hàng và vì thế Ngân hàng có các chế độ ưu đãi đặc biệt này.

Hiện nay, VPBank đang có gần 75.22 triệu cp quỹ, theo đó, HĐQT đề xuất tiếp tục sử dụng nguồn này để bán cho cán bộ nhân viên theo chương trình này để chuyển đổi số cổ phiếu này thành cổ phiếu lưu hành.

Cụ thể, HĐQT VPBank muốn bán 15 triệu cp quỹ với giá dự kiến 10,000 đồng/cp cho cán bộ nhân viên.

Cán bộ nhân viên được mua cổ phiếu quỹ với giá ưu đãi trong điều kiện số cổ phiếu được mua sẽ bị phong tỏa (hạn chế chuyển nhượng) tối đa 3 năm kể từ ngày kết thúc đợt bán. Tuy nhiên, HĐQT cũng sẽ có quyết định nới lỏng thời gian hạn chế chuyển nhượng tùy thuộc vào chính sách nhân sự trong mỗi kỳ, nhưng tối đa không vượt các tỷ lệ sau: 30% cp được giải tỏa sau 01 năm; 35% cp tiếp theo sẽ được giải tỏa sau 02 năm và 35% cp còn lại sẽ được giải tỏa sau 03 năm kế từ ngày kết thúc đợt bán.

Trong trường hợp cán bộ nhân viên chấm dứt hợp đồng lao động với Ngân hàng, sẽ buộc phải bán lại cho Ngân hàng số cổ phần đang bị hạn chế chuyển nhượng tương ứng với mức giá bán lại bằng giá mua ưu đãi ban đầu. Đặc biệt, cán bộ nhân viên có nhu cầu bán lại số cổ phiếu với mức giá bằng mức giá mua ban đầu có thể đề xuất Ngân hàng xem xét mua lại.

Bổ sung tờ trình chuyển nhượng vốn FE Credit cho đối tác Nhật Bản

HĐQT VPBank đã bổ sung tờ trình thông qua phương án chuyển nhượng phần vốn góp của VPBank tại Công ty con là Công ty tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (FE Credit).

Ông Bùi Hải Quân chia sẻ cụ thể VPBank sẽ chuyển nhượng tối đa 50% vốn góp của VPBank tại FE Credit (tương đương 50% vốn điều lệ của FE Credit) cho các nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm các giao dịch chuyển nhượng: (1) giao dịch chuyển nhượng phần vốn góp tương đương 49% vốn điều lệ của VPBank trong VPB FC cho SMBC Consumer Finance Co., (SMBC CF - nhà đầu tư Nhật Bản) và (2) giao dịch chuyển nhượng phần vốn góp tương đương 1% vốn điều lệ của VPBank trong Fe Credit cho CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC).

Sau khi hoàn tất giao dịch, FE Credit vẫn là công ty con của VPBank theo quy định pháp luật.

Ngày 28/04/2021 mới đây, VPBank đã tiến hành ký kết thỏa thuận bán 49% vốn tại Công ty tài chính TNHH MTV Việt Nam Thịnh Vượng (FE Credit) cho đối tác Tập đoàn Tài chính Sumitomo Mitsui (SMBC) của Nhật Bản.

Mặc dù trước đó, Nikkei đưa tin SMBC đã bỏ ra khoảng 100 tỷ Yên, tương đương 920 triệu USD đều đầu tư vào FE Credit, tuy nhiên VPBank cho biết FE Credit được định giá 2.8 tỷ USD trong thương vụ này. Như vậy, mức đầu tư mà SMBC đã phải ra để sở hữu 49% vốn tại FE Credit là gần 1.4 tỷ USD.

Công ty Tài chính tiêu dùng SMBC (SMBCCF) là một công ty con do SMFG sở hữu 100% vốn, là pháp nhận đứng ra mua phần vốn góp này.

Cát Lam

FILI

Các tin tức khác

>   BTW: điề chỉnh thông tin ngày đăng ký cuối cùng thực hiện quyền trả cổ tức bằng tiền mặt năm 2020 (27/04/2021)

>   Dịch vụ quản trị sức khỏe và danh tiếng thương hiệu được tín nhiệm bởi 200 doanh nghiệp (28/04/2021)

>   C32: BCTC Công ty mẹ quý 1 năm 2021 (27/04/2021)

>   BMP: BCTC quý 4 năm 2020 (27/04/2021)

>   BMP: BCTC Hợp nhất quý 4 năm 2020 (27/04/2021)

>   BMP: BCTC Hợp nhất quý 1 năm 2021 (27/04/2021)

>   BMP: BCTC quý 1 năm 2021 (27/04/2021)

>   DNM: Thông báo thay thế thông báo 85/TB-DNM về việc ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền tham dự ĐHĐCĐ thường niên 2021 (27/04/2021)

>   DNP: Ngày chốt danh sách cổ đông tham dự họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 (27/04/2021)

>   CAG: Tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông (27/04/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật