Tiền kỹ thuật số do ngân hàng trung ương phát hành sẽ làm "thay đổi cuộc chơi"?
Phố Wall đang háo hức ý tưởng về các đồng tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương, dù rằng có thể còn vài năm nữa Fed mới triển triển khai đồng tiền kỹ thuật số của riêng mình.
Trụ sở Fed ở Washington DC - Ảnh: Getty/CNBC.
|
Tiền kỹ thuật số đang thu hút nhiều sự quan tâm của nhiều quốc gia trên thế giới, từ nước lớn như Trung Quốc cho tới các nước nhỏ như Bahamas, với mục tiêu hướng đến tương lai một xã hội không tiền mặt.
Về một số phương diện nhất định nào đó, đồng USD kỹ thuật số có thể giống với Bitcoin hay Ethereum. Tuy vậy, ở những khía cạnh quan trọng, chúng hoàn toàn khác nhau.
Thay vì là một loại tài sản có thể sử dụng để giao dịch với sự biến động mạnh về giá và khả năng sử dụng hạn chế, các đồng tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương có chức năng giống đồng USD hơn và được chấp nhận rộng rãi. Tiền kỹ thuật số ngân hàng trung ương cũng sẽ được áp quy định đầy đủ và chịu sự kiểm soát của cơ quan trung ương.
Vẫn còn đó những hoài nghi về các đồng tiền kỹ thuật số này. Tuy vậy, xu hướng tiền kỹ thuật số của NHTW đang dần dần nở rộ trên khắp thế giới.
“Động thái tung ra đồng tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC) có thể thật sự phá vỡ hệ thống tài chính. Gần 86% ngân hàng trung ương trên thế giới đang tìm hiểu về tiền tệ kỹ thuật số”, Chetan Ahya, Kinh tế trưởng tại Ngân hàng Morgan Stanley, cho biết trong một báo cáo gần đây.
Trên thực tế, một khảo sát được thực hiện trong năm 2020 của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) cho thấy rằng, gần như mỗi ngân hàng trung ương trên thế giới chí ít đều có hành động nào đó liên quan đến những đồng tiền kỹ thuật số này. Khoảng 60% ngân hàng trung ương đang tiến hành thử nghiệm ý tưởng tiền kỹ thuật số và chỉ 14% thực tế đã triển khai hoặc đang trong quá trình triển khai chương trình thí điểm.
Một số khía cạnh đáng lo ngại
Song song với sự hào hứng về một chân trời mới cho hệ thống tài chính là mối lo về cách thức thực hiện hợp lý và đúng đắn. Nhiều người ủng hộ tiền kỹ thuật số chỉ ra hàng loạt những lợi thế của nó. Một lợi thế hàng đầu đó là tiền kỹ thuật số cho phép những người không có tài khoản ngân hàng tiếp cận hệ thống tài chính.
Những ưu thế về tốc độ cũng được đề cập đến trong những lợi thế của tiền tệ kỹ thuật số. Chẳng hạn, việc Chính phủ chuyển tiền hỗ trợ cho người dân trong suốt giai đoạn đại dịch Covid-19 có lẽ đã được thực hiện nhanh chóng hơn và dễ dàng hơn nếu như tiền được nộp trực tiếp vào ví kỹ thuật số.
"Những dạng tiền kỹ thuật số mới có thể tạo ra một cú huých quan trọng không kém đối với vai trò 'phao cứu sinh' của kiều hối đối với người nghèo và các quốc gia đang phát triển. Lợi ích lớn nhất sẽ thuộc về những người dễ tổn thương muốn gửi và nhận những khoản kiều hối nhỏ. Họ là những người đối mặt nhiều khó khăn nhất do đại dịch Covid-19", Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva phát biểu tại một cuộc họp chung với Ngân hàng Thế giới (WB) mới đây.
Những bên có nguy cơ bị tác động tiêu cực từ việc triển khai tiền tệ kỹ thuật số có thể là các tổ chức tài chính thuộc lĩnh vực ngân hàng truyền thống lẫn công nghệ tài chính. Họ có thể mất đi những khoản tiền gửi do người ta chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng trung ương.
Bên cạnh đó, cũng có những lo ngại về quyền riêng tư và vấn đề tích hợp.
Phố Wall hào hứng với ý tưởng tiền số
Trong khi Fed cũng như các ngân hàng trung ương khác đang thực hiện các công tác hậu cần thì Phố Wall đang cởi mở với tiền kỹ thuật số của NHTW.
Trong một báo cáo gần đây, Citigroup nêu: “Cuộc đua về Tiền kỹ thuật số 2.0 đang diễn ra. Một số người coi nó như một cuộc đua trong lĩnh vực mới hoặc chiến tranh lạnh tiền kỹ thuật số. Riêng theo quan điểm của chúng tôi, đây không phải là trò chơi có tổng bằng 0. Có rất nhiều dư địa để các đồng tiền kỹ thuật số trên thế giới phát triển”.
“Nhưng dù sao, chí ít thì đây cũng giống như một cuộc đua và Trung Quốc được cho là đang ở vị trí dẫn đầu”, Citigroup nêu thêm.
Với việc triển khai đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số hồi năm trước, một số người trong cuộc lo ngại rằng vị thế của đồng USD như 1 đồng tiền dự trữ có thể bị đe dọa. Tuy nhiên, một báo cáo của ngân hàng Bank of America nói rằng nếu Mỹ phát hành USD kỹ thuật số, thì đồng tiền của Mỹ "vẫn sẽ giữ được sức cạnh tranh cao tương đối so với các đồng tiền khác".
Chuyên gia kinh tế Anna Zhou của Bank of America cho răng: “Tiền số do ngân hàng trung ương phát hành hữu ích trong việc cải thiện các giao dịch tiền tệ mà không có bất cứ ‘tác dụng phụ’ nào như các đồng tiền ảo khác”.
Nhiều nước khác cũng đã bắt tay vào dự án đồng tiền kỹ thuật của riêng họ. Bahamas tung ra đồng tiền kỹ thuật số Sand Dollar.
Fed hiện đang cùng với Viện công nghệ Massachusetts triển khai một dự án chung để đánh giá hiệu quả của đồng đô la kỹ thuật số. Dù vậy, hiện chưa có lịch trình cụ thể về thời điểm Ngân hàng Trung ương Mỹ sẽ tung ra đồng tiền kỹ thuật số.
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell, cho biết: “Có rất nhiều lựa chọn khó khăn về chính sách. Chúng tôi đang làm tất cả các công việc đó. Chúng tôi chưa đưa ra quyết định này bởi vì đang cân nhắc liệu điều này có mang lại lợi ích gì cho người dân chúng tôi hay không”.
Trong một báo cáo về chủ đề tiền số, ông Greg Baer - CEO của Bank Policy Institute, một tổ chức vận động hành lang của ngành ngân hàng Mỹ - cảnh báo về nguy cơ làm suy yếu hệ thống ngân hàng truyền thống mà tiền số do ngân hàng trung ương phát hành có thể gây ra. Ông cho rằng "ảnh hưởng đối với tăng trưởng kinh tế có thể sẽ lớn, trừ phi ngân hàng trung ương cũng tiếp quản trách nhiệm cho vay hoặc trở thành một nguồn cấp vốn thường xuyên cho các ngân hàng".
Ông Baer viết thêm: “Hướng đi sắp tới vẫn chưa chắc chắn và những lựa chọn về thiết kế có thể sẽ đưa đến những kết quả khác nhau”. Ông Baer lưu ý về sự thận trọng của Fed đồng thời cũng nhận ra điều này đang trái ngược với hành động có phần hơi vội vã của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).
ECB đang triển khai dự án có tên gọi "Britcoin" dù họ từng cho biết điều này đơn giản chỉ là cầu nối cho các ngân hàng. Điều này có nghĩa rằng các ngân hàng sẽ đóng vài trò là những đơn vị trung gian cho các tài khoản tiền kỹ thuật số.
"Sáng kiến tiền số của các ngân hàng trung ương không nhằm mục đích gây đảo lộn hệ thống ngân hàng, nhưng nhiều khả năng các đồng tiền số đó sẽ tạo ra những thay đổi không lường trước được", chuyên gia Ahya của Morgan Stanley nói. "Tiền số càng được chấp nhận rộng rãi, thì cơ hội cho sáng tạo và mức độ thay đổi trong hệ thống tài chính sẽ càng lớn".
Khai Tâm
FILI
|