Thứ Ba, 27/04/2021 09:04

Thuế - linh hoạt nhưng cần đối xử bình đẳng!

Bất kỳ hoạt động kinh doanh nào cũng làm phát sinh nghĩa vụ nộp thuế đối với chủ thể tiến hành hoạt động kinh doanh. Nếu cho rằng, vì một lý do nào đó về mặt chính sách, việc thu thuế đối với một hay một vài hoạt động kinh doanh nào đó chưa cần phải thực hiện, thì quy định ngoại lệ có thể được xây dựng dưới dạng một hoặc các hình thức: khoanh vùng đối tượng không chịu thuế hay áp dụng chế độ miễn hoặc giảm thuế. Có vẻ như, lối tiếp cận này chưa được phản ánh rõ, thể hiện qua những loay hoay của Bộ Tài chính trong dự thảo phương án mới về quản lý thuế đối với hộ kinh doanh.

Sản xuất tại hộ gia đình. Ảnh: HOÀNG TÂN

Hộ kinh doanh không phải... hộ gia đình

Dự thảo thông tư về hướng dẫn thuế và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh đang được Bộ Tài chính đưa ra là nhằm để thay thế cho quy định hiện thời của cơ quan này tại Thông tư 92/2015/TT-BTC. Một trong những điểm khác biệt đầu tiên là bản dự thảo đã thay thế đối tượng áp dụng và chịu thuế, là hộ kinh doanh thay vì hộ gia đình. Kết quả, quy định mới khi được ban hành sẽ áp dụng đối với cá nhân kinh doanh, nhóm kinh doanh và hộ kinh doanh.

Điều đáng nói là, cùng với thao tác đó, dự thảo thông tư cũng đã viện dẫn quy định mới của Chính phủ về hộ kinh doanh tại Nghị định 01/2021/NĐ-CP. Theo đó, hộ kinh doanh chỉ bao gồm cá nhân kinh doanh và các thành viên của hộ gia đình (có thể được xem là hộ gia đình). Điều đó có nghĩa là mô hình nhóm cá nhân kinh doanh được hình thành theo sự liên kết giữa các cá nhân không phải là thành viên của hộ gia đình sẽ không tiếp tục xuất hiện.

Điều lạ hơn là, khi xác định doanh thu dưới 100 triệu đồng để không tính thuế giá trị gia tăng và thu nhập cá nhân đối với nhóm kinh doanh, quy chế dự kiến tiếp tục chọn một cá nhân đại diện của nhóm để tính doanh thu trong năm của cá nhân (đại diện) đó như cách tính áp dụng với một cá nhân kinh doanh.

Điều quan trọng là, một khi tên gọi “hộ kinh doanh” đã được cất lên thì đồng nghĩa với việc nó đã bao gồm cả cá nhân kinh doanh và nhóm kinh doanh (cũ - vẫn đang hoạt động). Cho nên, nếu Bộ Tài chính muốn tách cá nhân kinh doanh thành một nhóm đối tượng kinh doanh riêng thì “hộ kinh doanh” cần phải được định danh lại.

Trở lại với nhóm kinh doanh, quy định chuyển tiếp của Nghị định 01 không yêu cầu các chủ thể kinh doanh theo mô hình này phải thay đổi mô hình. Tuy nhiên, việc đăng ký thay đổi thành viên sẽ diễn ra nếu có thành viên trong nhóm kinh doanh không tiếp tục tham gia. Điều này cho thấy, trong tương lai, số lượng nhóm kinh doanh chỉ có giảm chứ không tăng. Điều này phần nào phản ánh chủ trương và cuộc vận động chuyển đổi mô hình kinh doanh sang các loại hình doanh nghiệp lâu nay.

Để không tạo ra khoảng trống pháp lý, Nghị định 01 đang tạm thời áp dụng quy chế về hộ kinh doanh đối với các thành viên của hộ gia đình cho nhóm kinh doanh đang tồn tại và hoạt động trên thực tế. Đây là cách tiếp cận phù hợp, ít nhất là về mặt kỹ thuật lập quy, mà Bộ Tài chính cần tham khảo.

Thay vì phải gọi tên cả cá nhân, nhóm và hộ kinh doanh (hàm ý là hộ kinh doanh giữa các thành viên của hộ gia đình) như hiện nay, Bộ Tài chính có thể chỉ cần xây dựng quy chế quản lý thuế cho hộ kinh doanh nói chung (mà thực chất là chỉ có cá nhân kinh doanh và hộ kinh doanh giữa các thành viên của hộ gia đình) rồi sau đó bổ sung quy định riêng đối với nhóm kinh doanh. Bằng kỹ thuật lập quy, nội dung quy định chỉ cần cho phép áp dụng quy chế quản lý thuế tương tự với cá nhân kinh doanh hoặc hộ (gia đình) kinh doanh đồng thời với những lưu ý về điều kiện đặc thù nếu cần thiết.

Kỳ vọng về một chính sách thuế bình đẳng

Thực ra, cách làm nói trên còn phản ánh chính sách thuế bình đẳng giữa các đối tượng kinh doanh. Sẽ khó có thể chấp nhận việc áp dụng các mức thuế khác nhau cho các hoạt động kinh doanh cùng loại giữa các nhóm chủ khác nhau nhưng cùng chung mô hình hộ kinh doanh.

Trên thực tế, dự thảo thông tư của Bộ Tài chính cũng đang lấy cá nhân kinh doanh và “hộ kinh doanh” là điểm tựa để xây dựng quy chế. Trong đó, cá nhân kinh doanh là trụ cột chính. Đối với nhóm kinh doanh, quy chế quản lý thuế dự kiến không có quy định riêng, mà chỉ được đề cập bằng các quy định bổ sung khi xác định quy chế tính thuế với... cá nhân kinh doanh chứ không phải là hộ kinh doanh - cũng là chủ thể kinh doanh được hình thành bởi một "nhóm” cá nhân.

Điều lạ hơn là, khi xác định doanh thu dưới 100 triệu đồng để không tính thuế giá trị gia tăng và thu nhập cá nhân đối với nhóm kinh doanh, quy chế dự kiến tiếp tục chọn một cá nhân đại diện của nhóm để tính doanh thu trong năm của cá nhân (đại diện) đó như cách tính đối với cách thức áp dụng với một cá nhân kinh doanh. Ví dụ, đối với trường hợp nhóm cá nhân cho thuê tài sản, người đại diện kê khai thuế là người được nhóm chọn đại diện để đứng tên trên hợp đồng. Vì vậy, có thể hiểu vị trí, vai trò và doanh thu của các cá nhân còn lại trong nhóm được loại trừ nghĩa vụ thuế?!.

Nhiều vấn đề khác cũng nảy sinh khi nhìn nhận sự bình đẳng trong chính sách thuế trên bình diện rộng hơn. Nếu cho rằng việc áp dụng các mức thuế khác biệt cho các hoạt động kinh doanh cùng loại giữa các loại hình doanh nghiệp (công ty trách nhiệm hữu hạn hay công ty cổ phần...) là phân biệt đối xử, thì liệu rằng sự khác biệt đó xảy ra giữa hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và hộ kinh doanh cũng trở nên... sai sai.

Một cách khái quát, thuế thu nhập của doanh nghiệp là 20% còn thuế thu nhập (cá nhân) của hộ kinh doanh có mức áp dụng cao nhất hiện nay là 5%, áp dụng cho hoạt động cho thuê tài sản. Mức thuế thấp nhất cho hộ kinh doanh là 0,5%, áp dụng đối với hoạt động cung cấp, phân phối hàng hóa.

Sự chênh lệch này thực ra xuất phát từ sự khác biệt trong “giá” tính thuế. Đối với thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế suất 20% được tính trên thu nhập của doanh nhiệp - là doanh thu đã được trừ chi phí sản xuất, kinh doanh. Ngược lại, thuế suất thấp dành cho hộ kinh doanh là vì “giá” tính thuế của nó là tổng doanh thu của doanh nghiệp.

Nhưng điều đó không có nghĩa, sự chênh lệch giữa các cách tính thuế này không xảy ra trên thực tế. Thậm chí, sự khác biệt quá lớn đó cũng là một trong những lý do để hộ kinh doanh “lười” chọn mô hình doanh nghiệp.

Những lùm xùm theo kiểu tương tự cũng đang được bàn tán nhiều về sự cách biệt trong các cách tính thuế thu nhập cá nhân. Một cá nhân có thu nhập từ việc cung cấp “sản phẩm, dịch vụ nội dung thông tin số” có thu nhập rất cao nếu sử dụng cách tính thuế của... cá nhân kinh doanh thì số thuế phải nộp sẽ thấp hơn rất nhiều. Rõ ràng, mức thuế 1% chẳng đáng gì so với mức thuế thu nhập cá nhân được tính theo phương pháp lũy tiến sau khi trừ đi phần thu nhập không tính thuế chỉ 11 triệu đồng.

Tóm lại, linh hoạt nhưng sẽ chẳng thể chấp nhận nếu chính sách thuế duy trì sự thiếu bình đẳng trong một khoảng thời gian dài mà chưa có sự điều chỉnh hợp lý.

Dương Anh Sơn - Trương Trọng Hiểu

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Quỹ phát triển nhà ở TP.HCM có nguy cơ vỡ (27/04/2021)

>   TP HCM dự kiến thí điểm thu thuế cho thuê căn hộ, nhà ở tại quận 11 (24/04/2021)

>   Tổng số tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn là 115,000 tỷ đồng (21/04/2021)

>   Các DN cần lưu ý quy định hoàn thuế giá trị gia tăng để không bị phạt chậm nộp (20/04/2021)

>   Tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất trong năm 2021 (20/04/2021)

>   Thanh tra Chính phủ phát hiện sai phạm hơn 95,000 tỷ, 772 ha đất trong quý 1/2021 (16/04/2021)

>   Doanh nghiệp Mỹ “sốt xình xịch” vì kế hoạch tăng thuế của ông Biden (16/04/2021)

>   Nhượng bộ mới của Mỹ về thuế doanh nghiệp toàn cầu, Việt Nam cần làm gì? (15/04/2021)

>   TP.HCM thu ngân sách hơn 104.000 tỉ đồng trong quý 1/2021 (14/04/2021)

>   Nợ của Doanh nghiệp Nhà nước được Chính phủ bảo lãnh chiếm 12% nợ công (13/04/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật