Trước những đề xuất mang tính nhượng bộ mới của Mỹ trong cuộc... cải cách thuế doanh nghiệp toàn cầu và phản ứng đồng thuận của một số nước trong nhóm G20, Việt Nam nên lựa chọn chính sách như thế nào?
Báo chí đưa tin ngày 26-2-2021 Mỹ đã nhượng bộ một bước lớn đối với gần 140 nước tham gia đàm phán dưới sự chủ trì của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) về một chế độ thuế doanh nghiệp toàn cầu. Theo đó, Mỹ tuyên bố từ bỏ đòi hỏi điều khoản “safe harbor” - điều khoản cho phép các công ty công nghệ lớn của Mỹ được lựa chọn không phải trả thuế ở nước ngoài.
Và mới đây, Mỹ lại có một đề xuất mới, có thể nói là một sự nhượng bộ hơn nữa, về vấn đề đánh thuế các doanh nghiệp đa quốc gia lớn trên thế giới. Đề xuất này của Mỹ đưa ra hai mục tiêu: (i) đặt ra mức thuế toàn cầu tối thiểu 21% và đảm bảo rằng khoảng 100 doanh nghiệp lớn nhất thế giới phải trả thuế cho nơi mà chúng có hoạt động kinh doanh; và (ii) xem xét đến lợi nhuận của doanh nghiệp trong việc quyết định sẽ có bao nhiêu phần trăm doanh thu của nó bị đánh thuế bởi nước bản địa nơi mà doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh.
Việc Mỹ đồng ý để các nước khác đánh thuế các công ty đa quốc gia tại nơi chúng có khách hàng và kiếm được tiền nhưng không có sự hiện diện vật lý như văn phòng đại diện hoặc chi nhánh là một nhượng bộ, bởi trước đây những nước này không thu được hay chỉ thu được một ít thuế từ các công ty này, còn phần lớn thuế được trả cho nơi đặt đại bản doanh - tức Mỹ.
Trước đó, như dưới thời Tổng thống Donald Trump, các nỗ lực đơn phương đánh thuế các công ty này bởi nước sở tại như Anh, Pháp, Ý và Tây Ban Nha đã bị Mỹ đe dọa trừng phạt, trả đũa (với cáo buộc là sự đánh thuế như vậy là bất công bằng, chỉ nhằm vào công ty Mỹ) bằng việc áp thuế cao lên các sản phẩm xuất khẩu chủ chốt của những nước này vào Mỹ. Nói cách khác, bằng đề xuất mới này, Mỹ đã đồng ý chia sẻ miếng bánh thuế nhiều hơn cho các nước khác và, quan trọng hơn, thừa nhận và khai thông quyền đánh thuế của các nước khác lên các công ty đa quốc gia Mỹ.
Nhượng bộ thứ hai của Mỹ là đề xuất đánh thuế vào doanh thu của các công ty đa quốc gia tại nước sở tại, miễn là các công ty này thỏa mãn quy định về ngưỡng doanh thu và biên độ lợi nhuận để tính thuế. Như vậy thì hiển nhiên là các công ty công nghệ lớn của Mỹ sẽ phải nộp thuế nhiều hơn cho các nước ngoài Mỹ mà chúng có hoạt động, có khách hàng.
Vì sao Mỹ “nhượng bộ”?
Nhóm G20 hy vọng sẽ kết thúc đàm phán về cải cách thuế doanh nghiệp toàn cầu giữa 140 nước thông qua OECD trong cuộc họp thượng đỉnh bộ trưởng tài chính G20 vào tháng 7 này.
|
Nhưng Mỹ không vô cớ tự nhiên nhượng bộ như vậy. Mỹ đang lên kế hoạch tăng thuế suất thuế doanh nghiệp với các công ty Mỹ lên 28% (từ mức hiện tại 21%), và mức tối thiểu 21% với các công ty đa quốc gia, nhằm thu thêm được 2.500 tỉ đô la trong vòng 15 năm tới để trang trải cho khoản đầu tư hơn 2.000 tỉ đô la vào cơ sở hạ tầng, năng lượng sạch và ngành chế tạo.
Nhưng nếu Mỹ tăng thuế doanh nghiệp thì sẽ đối mặt với rủi ro là các công ty này tìm cách lách thuế bằng cách chuyển hạch toán lợi nhuận ra nước ngoài, nơi có thuế suất thấp hơn Mỹ.
Tổng thống mới của Mỹ, Joe Biden, từng bày tỏ nỗi bực bội với các công ty đa quốc gia, như Amazon, về việc chúng chuyển hoạt động sang các thiên đường thuế hoặc sử dụng các lỗ hổng pháp lý để trả ít hoặc không trả một đồng thuế nào, ít hơn nhiều mức thuế mà các một số cá nhân phải nộp.
Ông nói thêm rằng sẽ ngăn chặn hành vi này. Như vậy, bằng đề xuất đánh thuế tối thiểu toàn cầu, ở mức 21%, và nếu được đồng thuận bởi gần 140 nước khác vốn trước đó đang bàn thảo về một mức thuế tối thiểu toàn cầu chỉ khoảng 12,5%, Mỹ sẽ không phải bận tâm nhiều đến rủi ro này, mà theo Bộ trưởng Tài chính Mỹ Yellen thì đó (sự cạnh tranh giữa các nước để thu hút các công ty đa quốc gia bằng cách hạ thuế doanh nghiệp) là “cuộc đua 30 năm trường xuống đáy”.
Ngoài ra, nếu như trước đây các nước chỉ tập trung vào đánh thuế các công ty công nghệ, mà như thế tức chủ yếu là công ty Mỹ, thì nay với đề xuất mới, tất cả các nước sẽ phải đánh thuế các công ty đa quốc gia lớn nhất về doanh thu và lợi nhuận trong bất cứ lĩnh vực và ngành nào ở cùng mức thuế (thường như trước đây chúng trả ít hơn) trong phạm vi tài phán của họ, tạo ra một cuộc chơi công bằng hơn cho các doanh nghiệp Mỹ.
Về lý do tại sao Mỹ lại đề xuất giới hạn việc đánh thuế chỉ với khoảng 100 công ty đa quốc gia lớn nhất, và có lợi nhuận cao nhất, đó là bởi mong muốn làm giảm sự phức tạp trong khi không làm giảm đáng kể tổng lợi nhuận có thể bị đánh thuế mới này. Còn về lý do phải xem xét biên độ lợi nhuận khi đánh thuế lên doanh thu thì điều này là để bảo đảm các công ty đa quốc gia có đủ khả năng trả được số thuế bị tính hay không, bởi không phải công ty nào lúc nào cũng làm ra đủ lợi nhuận để trả thuế tính trên doanh thu.
Đề xuất trên của Mỹ đã nhận được phản hồi tích cực của nhiều nước trong nhóm G20, nhóm 20 nước có nền kinh tế lớn nhất thế giới, và họ hy vọng sẽ kết thúc đàm phán về cải cách thuế doanh nghiệp toàn cầu giữa 140 nước thông qua OECD trong cuộc họp thượng đỉnh bộ trưởng tài chính G20 vào tháng 7 này. Điều này có một số hàm ý lớn cho Việt Nam.
Việt Nam trong cuộc... cải cách thuế doanh nghiệp toàn cầu
Do chưa có tin tức gì về việc Việt Nam tham gia với các nước khác trên thế giới trong cuộc đàm phán thuế toàn cầu trên nên có thể suy ra rằng Việt Nam vẫn đứng ngoài một thỏa thuận toàn cầu về thuế doanh nghiệp lớn. Trong khi đó, Việt Nam đang xem xét, đã hoặc chuẩn bị thực thi một số biện pháp để bắt các công ty đa quốc gia như Google hay Facebook phải trả thuế phát sinh do có người sử dụng dịch vụ của chúng ở Việt Nam, gồm buộc thanh toán dịch vụ qua Napas, mở văn phòng đại diện tại Việt Nam, khai báo nộp thuế nhà thầu, và có trách nhiệm khấu trừ thuế tại nguồn với các cá nhân liên quan...
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đang dự thảo thông tư hướng dẫn thi hành một số điểm của Nghị định 126, theo đó đẩy trách nhiệm đánh thuế các công ty công nghệ Mỹ sang cho các ngân hàng thương mại bằng cách quy định các ngân hàng có trách nhiệm khấu trừ và nộp thay tiền thuế nếu các công ty này không kê khai và nộp thuế bán hàng cho các cá nhân tại Việt Nam.
Dù biện pháp nào trong số những biện pháp trên sẽ được thi hành thì nó/chúng chắc chắn sẽ khác biệt hoàn toàn, theo kiểu “một mình một chợ” với thỏa thuận thuế doanh nghiệp toàn cầu có khả năng sẽ được thông qua như đề cập bên trên. Tất nhiên là Việt Nam không nên gây ra những bất đồng, xung đột thương mại mới với Mỹ và các nước khác về vấn đề đánh thuế các công ty đa quốc gia lớn, nên các biện pháp trên nếu đang được xem xét nghiêm túc hoặc đã được thông qua và thực hiện thì tốt nhất là nên được hủy bỏ, thu hồi.
Đó là chưa nói đến tính hiệu quả thấp của các biện pháp này nếu có được áp dụng, bởi nó phụ thuộc nhiều vào sự tự giác hợp tác kê khai của các đối tượng chịu thuế. Ngoài ra, số thuế thu được từ các biện pháp này, dù được thực thi hiệu quả, cũng có nhiều khả năng vẫn sẽ thấp hơn mức thu theo doanh thu và thuế suất tối thiểu toàn cầu như nêu trên.
Thay vào đó, các nỗ lực cần tập trung vào theo dõi tiến độ (nếu Việt Nam chưa tham gia) và kết quả của cuộc thương lượng quốc tế đang diễn ra, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng để ban hành và/hoặc sửa đổi các điều khoản pháp luật có liên quan để việc đánh thuế các công ty đa quốc gia lớn tại Việt Nam là tuân thủ với luật pháp và các thỏa thuận quốc tế mới sẽ được đưa ra trong thời gian tới.