Hậu quả đầy đủ từ các đòn giáng nhanh chóng của Bắc Kinh nhằm vào đế chế internet của tỉ phú Jack Ma trong những ngày gần đây sẽ chưa thấy rõ trong nhiều tuần tới. Nhưng có một điều mà mọi người đã chắc chắn: Thời kỳ huy hoàng của các “ông lớn” công nghệ Trung Quốc đã qua.
Lối vào trụ sở của Ant Group ở TP. Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Ảnh: Getty
|
Thông điệp răn đe qua “tấm gương Alibaba”
Bắc Kinh đã khắc sâu dấu ấn quyền lực lên ngành công nghệ Trung Quốc chỉ trong vài ngày. Trong một thông báo mang tính lịch sử hôm 10-4, Cơ quan quản lý thị trường nhà nước Trung Quốc (SAMR) ra quyết định xử phạt Tập đoàn Alibaba của tỉ phú Jack Ma với số tiền kỷ lục 2,8 tỉ đô la Mỹ.
SAMR kết luận Alibaba lạm dụng vị thế chiếm lĩnh thị trường để ép buộc những bên bán hàng thứ ba trên các nền tảng thương mại điện tử của tập đoàn này ký kết các thỏa thuận độc quyền, tức không được bán hàng ở các nền tảng khác.
Hôm 13-4, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) yêu cầu Tập đoàn tài chính Ant Group, với 1/3 cổ phần do Alibaba nắm giữ, phải tái cấu trúc toàn diện. Theo lệnh của PBoC, Ant Group phải tách dịch vụ thanh toán số Alipay ra khỏi mảng cho vay tiêu dùng đang tăng trưởng nhanh đồng thời phải thu hẹp quy mô quỹ tiền tệ thị trường Yu’ebao đang quản lý 183 tỉ đô la tính đến cuối năm 2020. Quỹ này là nơi cung cấp các sản phẩm đầu tư tài chính cho hàng trăm triệu người dùng với mức lãi suất cao hơn các ngân hàng.
Ant Group cũng bị yêu cầu gộp hai đơn vị cho vay Huabei và Jiebei vào một công ty mới và công ty này có thể phải tăng thêm vốn để hỗ trợ các hoạt động của chúng. Tính đến tháng 6-2020, Huabei và Jiebei đang có tổng dư nợ cho vay 1.700 tỉ nhân dân tệ (260 tỉ đô la).
Thông điệp ngầm mà các cơ quan quản lý gửi đến Jack Ma và những tỉ phú công nghệ khác của Trung Quốc là thập kỷ phát triển không bị giới hạn giúp tạo ra những tập đoàn công nghệ hùng mạnh, thách thức Facebook và Google đã kết thúc.
Sẽ không còn những ngày khi các ‘ông lớn’ công nghệ như Alibaba, Ant Group và Tencent có thể đè bẹp các đối thủ bằng sức mạnh tài chính và khối lượng dữ liệu tích trữ khổng lồ
|
Cùng ngày, SAMR triệu tập các lãnh đạo của 34 công ty doanh nghiệp công nghệ lớn nhất nước từ Tencent cho đến ByteDance (công ty mẹ của TikTok) đến dự một cuộc họp để cảnh báo họ không được vượt qua ‘các giới hạn đỏ’ của pháp luật.
Cơ quan này ra tối hậu thư, trong vòng một tháng tới, họ phải tự chấn chỉnh các thực hành độc quyền và các vi phạm liên quan đến thuế, nếu không sẽ đối mặt với các biện pháp xử phạt. SAMR kêu gọi họ phải nhìn vào “tấm gương Alibaba” để tự chấn chỉnh mình.
“Với yêu cầu cải tổ Ant Group và khoản tiền phạt 2,8 tỉ đô la áp vào Alibaba, những ngày vàng son của các công ty công nghệ khổng lồ Trung Quốc đã chấm dứt. Ngay cả những công ty công nghệ khác của Trung Quốc, vốn không bị đòn trừng phạt có cùng mức khắc nghiệt như vậy, cũng sẽ phải giảm chiến lược bành trướng kinh doanh của họ và điều chỉnh nhiều yếu tố ở doanh nghiệp của họ để thích ứng với môi trường quản lý mới”, Mark Tanner, nhà sáng lập hãng nghiên cứu thị trường China Skinny ở Thượng Hải, nhận định.
Trong tương lai, các công ty công nghệ Trung Quốc có thể phải thận trọng hơn trong hoạt động thâu tóm doanh nghiệp và phải chấn chỉnh quyết liệt hoạt động kinh doanh để làm hài lòng các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh. Họ cũng sẽ phải giảm phí sử dụng các nền tảng internet đang thống lĩnh thị trường của họ. Ngay cả các doanh nghiệp công nghệ ít bị giám sát hơn Tencent và Meituan (nền tảng trực tuyến cung cấp đa dịch vụ) và Pinduoduo (thương mại điện tử) có thể chứng kiến các cơ hội tăng trưởng bị kìm hãm.
Lo ngại sự chi phối mọi mặt đời sống của các ông lớn công nghệ
Vào những năm đầu thập kỷ vừa qua, các doanh nhân với tầm nhìn xa trông rộng như Jack Ma và Pony Ma, người đồng sáng lập Tencent, đã gầy dựng các đế chế trị giá nhiều tỉ đô la bằng cách thay đổi toàn diện nhiều mảng kinh doanh từ bán lẻ cho đến truyền thông, giúp nâng cao đời sống của hàng trăm triệu người và trở thành hình mẫu cho thế hệ trẻ.
Nhưng các cơ hội kinh doanh khổng lồ cùng với những năm tăng trưởng vùn vụt của Alibaba và Tencent cũng nuôi dưỡng não trạng “kẻ thắng có tất cả”, gây lo lắng cho chính phủ Trung Quốc.
Các cơ quan quản lý Trung Quốc ngày càng lo ngại những doanh nghiệp giống như Alibaba và Tencent mở rộng lãnh địa kinh doanh của họ bằng cách tận dụng dữ liệu khổng lồ để bóp nghẹt các đối thủ hoặc ép buộc những bên bán hàng thứ ba hoặc các nhà phát hành nội dung phải ký kết những thỏa thuận độc quyền.
Sự chi phối ngày càng lớn của họ trong mọi mặt đời sống xã hội của Trung Quốc trở nên rõ ràng hơn khi họ trở thành “đường dẫn” mà thông qua đó phần lớn trong số hơn 1,3 tỉ dân Trung Quốc mua và thanh toán mọi thứ. Alibaba và Tencent đã trở thành “những kẻ tạo vua” (kingmaker) trên thị trường bằng cách đầu tư hàng tỉ đô la vào các công ty khởi nghiệp để tạo ra hệ sinh thái kinh doanh trải rộng nhiều lĩnh vực.
Các công ty công nghệ khổng lồ khác từ Tencent cho đến Meituan sẽ là mục tiêu tiếp theo của các cơ quan quản lý Trung Quốc vì họ đang thống lĩnh các lĩnh vực kinh doanh liên quan đến họ. Các cơ quan quản lý đang điều tra dịch vụ game của Tencent và làm rõ xem liệu nền tảng nhắn tin WeChat của Tencent có o ép các đối thủ hay không. Họ cũng có thể tập trung điều tra một chính sách của Meituan, trong đó, bắt buộc các đối tác phải ký kết thỏa thuận độc quyền, tức không được bán hàng và cung cấp dịch vụ trên các nền tảng khác.
“Thời kỳ bành trướng và tăng trưởng điên cuồng đã qua đi mãi mãi và kể từ đây, sự phát triển của các doanh nghiệp này có thể bị đặt dưới sự kiểm soát nghiêm ngặt của chính phủ Trung Quốc. Họ sẽ phải đối mặt với thực tế là họ cần phải hợp lý hóa các hoạt động kinh doanh không cốt lõi và giảm sự chi phối khắp các lĩnh vực kinh doanh. Vụ việc của Alibaba và Ant Group sẽ khiến các công ty công nghệ khổng lồ khác chủ động tái cấu trúc bằng cách xem cách xử lý đối với hai công ty này là điểm tham chiếu”, Shen Meng, một lãnh đạo ở Ngân hàng đầu tư Chanson & Co., nói.
Shen Meng cho rằng việc chủ động chấn chỉnh sẽ tốt hơn là tái cấu trúc theo yêu cầu của các cơ quan quản lý vì họ có thể không quan tâm đến các lợi ích tốt nhất của doanh nghiệp.
Sức mạnh khủng khiếp của họ tiến đến hồi kết vào năm ngoái khi Jack Ma, người đang chuẩn bị thương vụ chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) cho Ant Group với số tiền huy động kỷ lục 35 tỉ đô la, công khai chỉ trích các cơ quan quản lý quyền lực của Trung Quốc và những nhà lãnh đạo “cổ lỗ sĩ” của ngành ngân hàng nước này.
Ngay sau đó, một loạt động thái chấn chính chưa có tiền lệ của các cơ quan quản lý Trung Quốc cho thấy Bắc Kinh quyết tâm kiểm soát các “ông lớn” internet và công nghệ tài chính trong nước. Chiến dịch chấn chỉnh này khiến vốn hóa thị trường của Alibaba bị thổi bay gần 200 tỉ đô la kể từ tháng 10 năm ngoái.
|