Thứ Ba, 20/04/2021 11:08

Núi tiền tiết kiệm của thế giới chạm mức 5,400 tỷ USD

Người tiêu dùng trên khắp thế giới đã tiết kiệm thêm 5.4 ngàn tỷ USD kể từ khi đại dịch Covid-19 ập đến và ngày càng tỏ ra tự tin hơn về triển vọng kinh tế, qua đó góp phần dọn đường cho đà hồi phục mạnh mẽ về chi tiêu.

Hộ gia đình trên toàn cầu đã tăng phần tiết kiệm phụ trội vào cuối quý 1/2021, theo ước tính của cơ quan xếp hạng tín nhiệm Moody’s. Phần tiết kiệm phụ trội được Moody’s định nghĩa là phần tiết kiệm vượt quá mức tiết kiệm của năm 2019.

Bên cạnh đó, sự gia tăng về niềm tin tiêu dùng trên toàn cầu cho thấy người dân sẽ sẵn lòng mở hầu bao ngay khi các nhà hàng, cửa hàng, quán bar mở cửa trở lại. Trong quý 1/2021, chỉ số niềm tin tiêu dùng toàn cầu của Conference Board chạm mức cao nhất kể từ khi dữ liệu bắt đầu được thu thập trong năm 2005. Trong đó, chỉ số tăng mạnh ở tất cả khu vực trên thế giới.

Mark Zandi, Chuyên gia kinh tế trưởng tại Moody’s Analytics, cho biết: “Việc giải phóng nhu cầu bị dồn nén cộng với khoản tiết kiệm phụ trội trong thời dịch bệnh sẽ thúc đẩy chi tiêu trên toàn cầu giữa lúc các quốc gia sắp đạt miễn dịch cộng đồng và mở cửa kinh tế trở lại”.

Nếu người tiêu dùng chi ra khoảng 1/3 lượng tiền tiết kiệm phụ trội, GDP toàn cầu sẽ tăng thêm 2 điểm phần trăm trong năm nay và năm 2022, Moody’s ước tính.

Dù rằng nền kinh tế toàn cầu bị giáng đòn nặng nề trong dịch Covid-19, nhưng thu nhập của các hộ gia đình phần lớn vẫn được bảo vệ bởi các gói kích thích chưa từng có tiền lệ của chính phủ. Người tiêu dùng cũng giảm chi tiêu khi đối mặt với sự bất ổn về việc làm và thu nhập. Ngoài ra, điều này còn đến từ việc các doanh nghiệp dịch vụ đã đóng cửa hoặc hoạt động hạn chế.

Kết quả là tỷ lệ tiết kiệm năm 2020 của hộ gia đình ở các nền kinh tế phát triển đã chạm mức cao nhất trong thế kỷ này, theo dữ liệu từ OECD. Ngoài ra, tiền gửi ngân hàng cũng gia tăng nhanh chóng ở nhiều quốc gia.

Zandi cho biết phần tiết kiệm phụ trội đang ở mức cao nhất tại các nền kinh tế phát triển, nhất là Bắc Mỹ và châu Âu – nơi các lệnh phong tỏa hiện vẫn được duy trì và chi tiêu Chính phủ ở mức cao.

Tại Mỹ, các hộ gia đình đã tiết kiệm thêm hơn 2 ngàn tỷ USD, Moody’s ước tính. Đó là trước khi chương trình kích thích 1,900 tỷ USD của Tổng thống Mỹ Joe Biden được thông qua.

Các yếu tố này đủ để châm ngòi cho làn sóng “chi tiêu thả ga” trong thời gian tới, Krishna Guha, Chuyên gia kinh tế tại công ty tư vấn ngân hàng đầu tư Evercore ISI, cho hay.

Silvia Ardagna, Chuyên gia kinh tế tại Barclays, kỳ vọng chi tiêu hộ gia đình ở Mỹ tăng khá nhanh trong năm nay và tăng chậm hơn ở Anh. Tuy vậy, bà cảnh báo rằng “việc triển khai tiêm chủng vắc-xin Covid-19 chậm hơn tại khu vực châu Âu có thể dẫn tới nhu cầu bị dồn nén sẽ không được giải phóng trong hai quý tới”.

Tại các quốc gia nhận được sự hỗ trợ hào phóng từ chính phủ như các nước ở vùng Trung Đông, mức tiết kiệm phụ trội cũng rất lớn. Trong khi đó, ở châu Á, mức tiết kiệm vượt mức tích lũy thấp hơn các khu vực khác do đại dịch đã sớm được kiềm chế và tác động lên hành vi của hộ gia đình cũng không mạnh bằng những khu vực khác.

Ở Nam Mỹ và Đông Âu, lượng tiết kiệm thấp hơn vì tác động của đại dịch và sự hỗ trợ ít hơn từ phía chính phủ.

Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 gây ra tác động rất khác nhau tới các tầng lớp trong xã hội và phần lớn lượng tiền tiết kiệm phụ trội đều nằm trong tay các hộ gia đình giàu có.

Chỉ số niềm tin tiêu dùng Morning Consult cho thấy sự cải thiện ổn định trong giai đoạn từ tháng 1-4/2021 tại 15 nền kinh tế lớn. Tuy nhiên, phần lớn các hộ gia đình có thu nhập thấp cho biết điều kiện tài chính của họ còn tệ hơn so với 1 năm trước.

Hơn 1/3 số hộ gia đình giàu hơn ở nhiều quốc gia - bao gồm Trung Quốc, Australia, Italy, Nga và Mỹ - cho biết đây là thời điểm tốt để mua sắm những vật dụng có giá trị cao. Tuy nhiên, với các hộ gia đình nghèo hơn, quan điểm của họ lại rất khác, dữ liệu từ Morning Consult cho thấy.

Jan Hatzius, Chuyên gia kinh tế tại Goldman Sachs, ước tính rằng gần 2/3 số tiền tiết kiệm phụ trội của Mỹ nằm trong tay của 40% người giàu nhất nước. Vị chuyên gia cho rằng điều này có thể kìm hãm cú huých kinh tế vì “các hộ gia đình có thu nhập cao sẽ giữ lại phần lớn các khoản tiết kiệm phụ trội”.

Adam Slater, Chuyên gia kinh tế hàng đầu tại Oxford Economics, cho biết: “Nếu phần lớn khoản tiết kiệm phụ trội nằm trong tay các hộ gia đình giàu có và các khỏan này được xem như sự gia tăng của cải hơn hơn là sự gia tăng về thu nhập, chúng tôi dự báo chi tiêu sẽ tăng yếu hơn nhiều”.

Theo Ngân hàng Trung ương Anh (BoA), gần 3/4 số hộ gia đình ở Anh dự định tiếp tục giữ tiền tiết kiệm trong tài khoản ngân hàng. Những người khác lên kế hoạch sử dụng tiền tiết kiệm của họ để trả nợ, đầu tư hoặc nạp vào quỹ lương hưu.

Vũ Hạo (Theo Financial Times)

FILI

Các tin tức khác

>   Số ca nhiễm Covid-19 tăng kỷ lục, dẫn đầu là Ấn Độ và Brazil (19/04/2021)

>   Những “bí mật” về con số tăng trưởng GDP 18,3% của Trung Quốc trong quý 1 (19/04/2021)

>   Trung Quốc đột ngột 'gom' hàng trăm tấn vàng (19/04/2021)

>   Nhận được tiền cứu trợ, dân Mỹ mạnh tay chi tiêu, kinh tế tăng tốc (18/04/2021)

>   Kinh tế thế giới tuần qua: Các quốc gia xuất khẩu hưởng lợi từ nhu cầu tại Mỹ (17/04/2021)

>   Mỹ và châu Âu thiếu nguồn cung thép, cơ hội xuất khẩu dành cho châu Á (16/04/2021)

>   Citigroup định rút mảng ngân hàng bán lẻ ở Việt Nam và 12 thị trường khác (16/04/2021)

>   Nỗi lo Covid khiến IMF hạ dự báo tăng trưởng Đông Nam Á (16/04/2021)

>   GDP Trung Quốc tăng trưởng kỷ lục 18.3% trong quý 1 (16/04/2021)

>   Doanh nghiệp Mỹ “sốt xình xịch” vì kế hoạch tăng thuế của ông Biden (16/04/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật