Người Việt loay hoay trong vòng xoáy nợ cờ bạc ở Nhật
Tâm thế "còn thua, còn gỡ" khiến con bạc Việt Nam gánh món nợ hàng tỷ đồng cùng nguy cơ đe dọa tâm lý, tính mạng từ băng nhóm đòi nợ.
"Tôi muốn lấy lại số tiền đã mất", anh X., một thực tập sinh người Việt Nam nói với tờ Mainichi. Anh cho biết đã vay nhóm điều hành cờ bạc đến 30 triệu yên Nhật (6,35 tỷ đồng) để đánh bạc cùng khoảng 30 người Việt khác tại căn hộ của một đồng hương suốt 8 tháng qua.
"Nhóm điều hành cho tôi vay tiền nhanh chóng. Tôi mắc kẹt trong vòng xoáy nợ nần không thoát ra được", thực tập sinh 30 tuổi kể.
Thua trắng cả tỷ đồng/ngày
Nhóm cờ bạc bao gồm khoảng 30 người Việt, bao gồm các thực tập sinh và cựu sinh viên đang sinh sống và làm việc tại Nhật Bản, một số được chính quyền địa phương báo cáo đã mất tích. Lúc lục soát hiện trường, cảnh sát phát hiện ít nhất 10 triệu yên (2,1 tỷ đồng) các tờ tiền mệnh giá 10.000 yên nằm la liệt khắp căn phòng.
Theo lời khai của bị cáo, các phiên đánh bạc diễn ra tại nhiều địa điểm khác nhau và người tham gia được thông báo địa điểm qua mạng xã hội để tránh sự truy vết của cơ quan chức trách.
Dịch Covid-19 khiến nhiều người Việt tại Nhật bị lôi kéo vào các đường dây đánh bạc phi pháp tại nhà. Ảnh minh họa: Caixin.
|
X. không phải trường hợp công dân Việt Nam duy nhất rơi vào vòng xoáy nợ nần trên đất Nhật. Trang tin địa phương cho biết có nhiều du học sinh và thực tập sinh người Việt dính líu vào đường dây đánh bạc bất hợp pháp từ sự giới thiệu của bạn bè hoặc các "mối" trên mạng xã hội.
Sau cuộc đỏ đen, đa số họ đối mặc với khoản nợ khổng lồ. Thậm chí, một số con bạc còn bị các nhóm tội phạm bắt cóc, đánh đập vì không có tiền trả nợ.
Anh X. cho biết bắt đầu lao vào con đường cờ bạc sau khi một đồng hương Việt Nam rủ rê. Với mức lương hàng tháng khá ít ỏi 125.000 yên (khoảng 1.138 USD), X. muốn kiếm nhiều tiền hơn. Tuy nhiên, qua những ván đỏ đen, tất cả những gì X. nhận lại là khoản nợ chồng chất lên tới hàng tỷ đồng.
X. được gia đình phụ trả số tiền nợ cho nhóm điều hành đường dây đánh bạc. Tuy nhiên, sau đó anh tiếp tục thua thêm 8 triệu yên (1,7 tỷ đồng) chỉ trong một ngày. Lo lắng sự an nguy của bản thân trước băng nhóm đòi nợ, X. đến viện cầu sự bảo vệ của cảnh sát địa phương.
Nguy cơ chồng chất phía sau canh bạc
Các băng nhóm tội phạm ở Nhật sử dụng món nợ cờ bạc để bắt cóc, giam giữ, đánh đập và đòi tiền từ gia đình của các con bạc. "Tôi rất hối hận về hành động của mình. Tôi chỉ lo gia đình mình cũng gặp nguy hiểm", X. nói.
Theo bà Jiho Yoshimizu, người đứng đầu Nhóm hỗ trợ Tomoiki Nhật Bản Việt Nam tại phường Minato (Tokyo), nhóm hỗ trợ đã nhận được rất nhiều đơn kêu cứu từ các công dân Việt Nam dính vào đường dây cờ bạc và tội phạm khác từ mùa thu năm ngoái.
Do tình hình Covid-19 diễn biến phức tạp, rất nhiều lao động Việt Nam không thể về nước mặc dù thời hạn cư trú đã hết. Những người này được tạm thả nhưng không được phép đi làm khiến nhiều người lao vào cờ bạc và những hành vi phạm tội khác.
Lớp nâng cao nhận thức về cờ bạc phi pháp tại trường nghề Urawa ở tỉnh Saitama. Ảnh: Manichi.
|
"Ngoài việc sắp xếp môi trường để những công dân Việt Nam có việc làm, cơ quan mong muốn các cơ quan quản lý và cảnh sát tích cực đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho họ", bà Yoshimizu nói.
Từ tháng 2 năm nay, cảnh sát tỉnh Saitama đã thực hiện nhiều chiến dịch nâng cao nhận thức cho người Việt Nam tại Nhật trước tình trạng đánh bạc bất hợp pháp ngày càng lan rộng. Tờ bướm tuyên truyền được viết bằng tiếng Việt ghi rõ: "Đánh bạc là phạm pháp ở Nhật Bản. Bạn sẽ có nguy cơ sa vào những sự cố nghiêm trọng hơn khi gánh nhiều nợ, vì vậy xin đừng bao giờ đánh bạc".
"Dù thắng hay thua, bạn đều có khả năng dính vào xã hội đen hoặc vi phạm pháp luật một khi đã đánh bạc. Tôi muốn mọi người nhận thức rõ ràng rằng cờ bạc là bất hợp pháp", đại diện bộ phận điều tra quốc tế của Cảnh sát tỉnh Saitama khẳng định.
Bùi Ngọc
Zing.vn
|