Quanh quẩn trong cuộc sống của chúng ta, có người tất bật làm việc từ sáng đến tối mà kết quả vẫn không đạt được như mong muốn; có người thong dong làm việc, và mọi việc đều đâu ra đấy. Như nơi công sở, có người cứ loay hoay xử lý chồng công văn, giấy tờ đầy ắp trên bàn làm việc mà mãi vẫn không xong; có người lại thong thả làm mà mọi việc đều trôi chảy, hoàn thành đúng thời hạn.
Thời lượng, điều kiện, môi trường làm việc hàng ngày như nhau, vậy sự khác biệt chủ yếu có thể đến từ đâu?
Nhiều ý kiến đúc kết rằng kỹ năng góp phần quan trọng cho sự thành công của mỗi người. Từ anh nông dân cho đến chị công nhân, từ doanh nhân cho đến trí thức, từ người lãnh đạo cho đến người quản lý, nhân viên, tất cả không thể thiếu kỹ năng lao động, làm việc.
Có kỹ năng sẽ giúp công việc nhẹ nhàng hơn, nhìn nhận cuộc sống với nhiều cảm xúc tích cực hơn. Có kỹ năng thuần thục sẽ giúp năng suất lao động tăng lên, hiệu suất làm việc cao hơn. Có kỹ năng điêu luyện sẽ giúp tiếp cận nhiều cơ hội việc làm tốt hoặc tự tạo việc làm cho chính mình. Có kỹ năng nhạy bén sẽ giúp phân tích vấn đề một cách chính xác, hệ thống, đơn giản hóa việc phức tạp.
Gần đây, các viện, trường mở nhiều lớp huấn luyện, trang bị kỹ năng sống, kỹ năng mềm, song song với việc cung cấp kiến thức cho người học. Dù ở bất kỳ cấp độ nào, phương thức nào, lĩnh vực khoa học tự nhiên hay xã hội nhân văn, kỹ thuật hay nghệ thuật, đều cần đến kỹ năng chung và kỹ năng chuyên biệt. Nào là kỹ năng cứng, kỹ năng mềm, và cả kỹ năng làm “mềm hóa” kỹ năng cứng.
Kỹ năng chung dành cho mọi người và kỹ năng chuyên biệt dành riêng cho mỗi ngành nghề khác nhau. Kỹ năng tốt có thể giúp cân bằng cảm xúc, từ đó, mọi người dễ gắn kết với nhau, tôn trọng lẫn nhau, chia sẻ trong cuộc sống và hợp tác trong công việc. Kỹ năng làm việc nhóm quyết định sức mạnh của một tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp dựa vào khả năng gắn kết ý tưởng, hành động theo từng mắt xích trong guồng máy. Kỹ năng lao động quyết định sự thăng tiến thứ bậc nghề nghiệp, phát triển bản thân.
Người lãnh đạo, quản lý được trang bị đa dạng, đầy đủ kỹ năng sẽ biết cách thuyết phục thay vì áp đặt, truyền cảm hứng thay vì tạo áp lực, tiếp thêm năng lượng thay vì chỉ giáo. Người lãnh đạo, quản lý được rèn luyện kỹ năng thường xuyên sẽ biết cách lắng nghe, tương tác, đối thoại, tạo nên không khí cởi mở, thân thiện, giúp mọi người nảy sinh nhiều ý tưởng mới, thể hiện nhiệt huyết bản thân, mạnh dạn đổi mới, sáng tạo.
Người lãnh đạo, quản lý thấm nhuần kỹ năng biết cách khen thưởng, tôn vinh cộng sự, nhân viên, nhưng không làm cho cộng sự, nhân viên tự mãn, đố kỵ; biết cách phê bình, góp ý, nhưng không làm tổn thương, nhụt chí người tiếp nhận.
Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, kỹ năng làm việc đã có nhiều thay đổi và sẽ còn tiếp tục thay đổi. Kỹ năng sử dụng thành thạo công nghệ thông tin sẽ làm cho công việc được xử lý nhanh hơn, chính xác hơn, đơn giản hơn, và hiệu quả hơn. Kỹ năng áp dụng phù hợp thành tựu của chuyển đổi số, kết nối vạn vật, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, giúp mở rộng không gian làm việc, tối ưu hóa kết quả, tích hợp đa giá trị.
Đại dịch Covid-19 làm thay đổi phương thức sống và làm việc, từ trực tiếp sang kết hợp trực tiếp và trực tuyến. Sự ra đời của văn phòng ảo, lớp học ảo, nhà máy ảo, mua bán trên chợ ảo, khám chữa bệnh từ xa, hội họp trực tuyến... đặt ra yêu cầu về kỹ năng làm việc trên các thiết bị thông minh. Đấy là một trong những thay đổi có tính bước ngoặt của nhân loại, tác động đến mọi ngóc ngách trong đời sống xã hội, đến cách sống và làm việc của mọi người, không phân biệt tuổi tác, nghề nghiệp, vị trí xã hội.
Thế giới đang thay đổi nhanh chóng và sẽ tiếp tục thay đổi ngày càng nhanh chóng hơn. Xã hội đang vận động không ngừng và sẽ tiếp tục vận động không ngừng. Không thay đổi đồng nghĩa với chấp nhận đứng ngoài cuộc. Không vận động đồng nghĩa với chấp nhận đứng yên.
Đứng ngoài cuộc là chấp nhận cái cũ kỹ, không còn phù hợp. Đứng yên là chấp nhận thụt lùi trong dòng chảy phát triển cuồn cuộn của nhân loại. Kỹ năng trong thời đại 4.0 là biết cách tận dụng mọi thành tựu khoa học công nghệ, tư duy đổi mới sáng tạo, không chấp nhận đứng ngoài cuộc, không chấp nhận đứng yên, để dám biến điều không thể thành điều có thể.
Muốn vậy, dù làm bất kỳ nghề nghiệp gì, đảm nhận bất kỳ vị trí nào trong xã hội, đều cần đến kỹ năng phân tích, phản biện. Muốn vậy, khi bắt tay làm bất cứ công việc gì, cũng cần đặt câu hỏi: công việc đó có hướng tới mục tiêu nào, mang lại giá trị gì, có thể tạo ra giá trị cao hơn, rồi cao hơn nữa không, có thể giảm thiểu chi phí hay hiệu quả hơn không. Muốn vậy, khi lập một kế hoạch, cần biết dự liệu những khó khăn, rủi ro và đưa ra giải pháp quản trị tương ứng.
Tri thức khởi nguồn từ câu hỏi. Một câu hỏi hay sinh ra tri thức có giá trị. Biết cách đặt câu hỏi đúng cũng là một kỹ năng quan trọng để khơi gợi cảm hứng đổi mới, sáng tạo. Sáng tạo là phẩm chất của người thành công, trong bất kỳ bối cảnh, thời đại nào.