Khốc liệt thị trường thức ăn nhanh Việt
Dù đại diện Lotteria đã lên tiếng phủ nhận chuyện rời khỏi thị trường Việt Nam nhưng bức tranh bán lẻ cho thấy, các ông lớn ngoại không dễ bắt nạt thương hiệu nội.
* Lotteria Việt Nam lên tiếng về thông tin đóng cửa chuỗi cửa hàng ở Việt Nam
* Chuỗi thức ăn nhanh Lotteria Việt Nam sắp đóng cửa?
* Chuỗi gà rán KFC, Lotteria, Jollibee kinh doanh ra sao
Nhiều thương hiệu thức ăn nhanh vào Việt Nam bị lỗ triền miên Ảnh: Ngọc Dương
|
Thương hiệu Ngoại chững lại
Cuối tuần qua, thời báo Korea Times đưa tin đơn vị kinh doanh mảng thực phẩm Lotte GRS (vận hành chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh Lotteria tại Việt Nam và Indonesia) của Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc) đang có kế hoạch rút khỏi thị trường Việt Nam từ năm nay gây rúng động thị trường thức ăn nhanh. Tuy nhiên, ngay sau đó, đại diện của Lotteria đã bác bỏ tin nói trên và khẳng định sẽ mở rộng cửa hàng cũng như nhà máy sản xuất, cung cấp nguyên vật liệu thực phẩm cho thị trường Việt Nam. Vị đại diện này cũng cho biết sẽ tiếp tục làm việc với công ty mẹ ở Hàn Quốc để làm rõ hơn chiến lược mới của tập đoàn, thông tin đến báo giới trong tuần này. Năm 2020, khi thế giới đang căng thẳng bởi đại dịch Covid-19, Lotte GRS cho ngừng hoạt động kinh doanh của chuỗi cửa hàng Lotteria Indonesia do 20 cửa hàng của chuỗi tại thị trường này lỗ đến 7 tỉ won (tương đương 145 tỉ đồng).
Tại Việt Nam, tình hình kinh doanh của chuỗi Lotteria cũng không khá hơn khi số liệu sổ sách ghi nhận khoản lỗ 11,2 tỉ won (tương đương 231 tỉ đồng) trong khi Việt Nam là một trong những thị trường quan trọng của tập đoàn này. Thương hiệu thức ăn nhanh từ xứ kim chi vào thị trường Việt Nam rất sớm từ năm 1998, đến năm 2011 đã đạt 100 cửa hàng, sang 2014 lên 200 cửa hàng và đến giữa năm 2020, có khoảng 255 cửa hàng trên toàn quốc. Thế nhưng hơn 23 năm ở Việt Nam, số năm thương hiệu thức ăn nhanh này lỗ nhiều hơn năm có lãi dù doanh thu vẫn tăng mạnh.
Chẳng hạn, tính trước thời điểm xảy ra dịch Covid-19, giai đoạn 2015 - 2019, doanh thu của Lotteria tại Việt Nam lần lượt là 1.480 tỉ đồng, 1.306 tỉ đồng, 1.530 tỉ đồng, 1.561 tỉ đồng và 1.683 tỉ đồng. Thế nhưng, năm 2015, khoản lỗ của Lotteria tại Việt Nam đã lên đến con số 125 tỉ đồng, tăng lên 135 tỉ đồng vào năm 2016, 3 năm kế tiếp từ 2017 - 2019 số lỗ lần lượt 20 tỉ đồng, 24 tỉ đồng và 22 tỉ đồng.
Trong khi đó, một đối thủ thức ăn nhanh lớn của thương hiệu này tại Việt Nam là KFC cũng trong khoảng thời gian 5 năm nói trên (2015 - 2019), doanh thu thấp hơn Loteria nhưng số lãi cao hơn nhiều. Cụ thể, doanh thu của KFC từ 2015 - 2019 lần lượt 1.212 tỉ đồng, 1.162 tỉ đồng, 1.375 tỉ đồng, 1.479 tỉ đồng và 1.498 tỉ đồng. Theo đó, trong 2 năm 2015 và 2016, KFC lỗ 25 và 15 tỉ đồng. 3 năm sau đó có lợi nhuận trước thuế đều trên 100 tỉ đồng mỗi năm. Thương hiệu thức ăn nhanh khác vào cùng thời KFC (năm 2017) là Jollibee (Philippines) lại có sự tăng trưởng ngoạn mục. Năm 2019, doanh thu chuỗi này cán mốc nghìn tỉ đồng, tăng 40% so với năm 2018. Tốc độ tăng trưởng bình quân của Jollibee tại Việt Nam trong 3 năm gần đây đạt hơn 37%, trong khi KFC chỉ tăng hơn 4% và Loteria 5%.
Nhưng đó chỉ là trường hợp ít ỏi. Đa số hoạt động của loạt các thương hiệu thức ăn nhanh ngoại có dấu hiệu chững lại như Domino’s Pizza, Mc Donald’s, riêng Burger King đóng cửa nhiều nơi...
Thức ăn nhanh Việt trỗi dậy
Theo đánh giá của Euromonitor, KFC và Lotteria tại thị trường Việt Nam sẽ tiếp tục giữ vị thế dẫn đầu nhưng tốc độ tăng sẽ chậm lại, do sức nóng của thị trường không còn “nóng” như cách đây 10 - 20 năm nữa. Đặc biệt, chuỗi cửa hàng tiện lợi như Mini Stop, Circle K, 7-Eleven và loạt nhà hàng Nhật, Hàn… đang đẩy nhanh bán sản phẩm đồ ăn nhanh khá tiện lợi khiến thị phần của các chuỗi thức ăn nhanh bị cạnh tranh dữ dội.
Một số ý kiến cho rằng sự phong phú của thức ăn đường phố, món Việt đã và đang “ngáng chân” các thương hiệu thức ăn nhanh nước ngoài trong tương lai. Thực tế, sau khi chuỗi cửa hàng Món Huế bị giải tán từ năm 2019, sự xuất hiện rầm rộ và bề thế về hình ảnh của chuỗi cơm tấm Phúc Lộc Thọ gây sự chú ý. Mở cửa hàng đầu tiên từ năm 2012, đến 2019, Phúc Lộc Thọ mở được 10 cửa hàng. Song từ 2020 đến nay, thương hiệu này đã mở liên tục lên 33 cửa hàng tại TP.HCM, đây là thương hiệu thức ăn nhanh Việt có độ phủ về nhận diện thương hiệu “đáng nể” trong Covid-19.
Thế nhưng, theo chuyên gia marketing Vũ Quốc Chinh (ĐH Kinh tế TP.HCM), thị trường thức ăn nhanh trong nước hiện tại chỉ là sự “trỗi dậy” tình thế vì phòng ngừa dịch, tránh tụ tập đông người, người tiêu dùng có xu hướng gọi đồ về nhà ăn nhiều hơn. Nhiều món Việt chưa có thương hiệu, bộc phát, hoặc mới ra đời đang được yêu chuộng vì hợp khẩu vị, giao tận nhà thì nhu cầu “ăn no” cao hơn nhu cầu “ăn bằng mắt” và “ăn” không gian. Yếu tố về không gian ăn uống hiện đại văn minh rất được coi trọng, đặc biệt với giới trẻ ngày nay. Không ai tổ chức gặp mặt, sinh nhật tại quán cơm tấm cả, nhưng những cửa hàng thức ăn nhanh đang đảm trách được việc này. Trẻ con được bố mẹ chọn tổ chức sinh nhật tại phòng riêng của những cửa hàng KFC, Lotteria… trở nên phổ biến. Bên cạnh đó, người lớn gặp gỡ ăn uống thì chí ít cũng tại các quán nướng, lẩu của Hàn, Nhật...
Theo khảo sát của Neilsen, tỷ lệ người tiêu dùng chọn yếu tố vệ sinh an toàn thực phẩm trong ăn uống hằng ngày là quan trọng nhất cho thấy, người Việt sẵn sàng trả tiền cao hơn một chút để ăn sạch, có lợi cho sức khỏe. Món Việt nhưng nếu không gian văn minh lịch sự, đồ ăn ngon sạch, phục vụ chuyên nghiệp mới là lợi thế. Ngành thức ăn nhanh Việt không tận dụng được lợi thế này là rất tiếc.
Nguyên Nga
Thanh niên
|