Thứ Ba, 06/04/2021 10:05

Khoảng trống pháp lý trong cung ứng gỗ hợp pháp

Hiệp định Đối tác Tự nguyện về Thực thi Luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA-FLEGT) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) có hiệu lực từ 01/06/2019.

Ảnh minh hoạ

Đây là Hiệp định được thúc đẩy bởi EU, với mục tiêu cốt lõi là thực hiện chuỗi cung ứng gỗ hợp pháp và quản trị rừng bền vững ở Việt Nam, qua đó bảo đảm các mục tiêu môi trường và phát triển bền vững của Việt Nam cũng như của EU trong quan hệ thương mại về gỗ với Việt Nam.

77% HỒ SƠ THẦU KHÔNG YÊU CẦU TÍNH HỢP PHÁP CỦA SẢN PHẨM GỖ

Theo VPA-FLEGT, "gỗ hợp pháp" là gỗ tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật liên quan của nơi khai thác gỗ và nơi sản xuất, chế biến gỗ, bao gồm, nhưng không giới hạn ở, pháp luật đất đai, lâm nghiệp, đầu tư kinh doanh, lao động, môi trường, sở hữu trí tuệ, thuế, phí, xuất nhập khẩu....

Trong khi đó, kết quả rà soát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện cho thấy, hệ thống pháp luật đấu thầu hiện chưa có cơ chế pháp lý nào cho phép bảo đảm hàng hóa mua sắm là "hợp pháp" (theo nghĩa thông thường).

Như Luật Đấu thầu 2014 chỉ nêu nguyên tắc chung về áp dụng pháp luật. Theo đó hoạt động đấu thầu không chỉ tuân thủ pháp luật đấu thầu mà còn phải tuân thủ tất cả các hệ thống pháp luật liên quan. Luật Đấu thầu cũng không có quy định điều kiện "tính hợp pháp của hàng hóa, dịch vụ" (mặc dù có quy định về điều kiện "tư cách hợp lệ của nhà thầu").

Hay Nghị định 63/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đấu thầu và các Thông tư về các mẫu hồ sơ mời thầu có một số quy định liên quan tới các yếu tố pháp lý của hàng hóa mua sắm (trong đó có gỗ và sản phẩm gỗ). Mặc dù vậy, các quy định này không đủ để bảo đảm sản phẩm gỗ mua sắm đáp ứng được yêu cầu về tính hợp pháp theo VPA-FLEGT.

Ở góc độ thực tiễn mời thầu mua sắm đồ gỗ, kết quả rà soát của VCCI đối với 100 bộ hồ sơ mời thầu mua sắm đồ gỗ nội thất do các cơ quan Nhà nước các cấp, các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước đã từng thực hiện trong giai đoạn 2016-2018 qua Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia (VNEPS) cho thấy, có tới 77% hồ sơ mời thầu không có yêu cầu về bất cứ khía cạnh nào của tính hợp pháp của sản phẩm gỗ ngoài các quy định chung của pháp luật đấu thầu.

23% hồ sơ mời thầu còn lại tuy có yêu cầu nào đó về tính hợp pháp của sản phẩm gỗ mua sắm công nhưng phần lớn chỉ quan tâm tới một số khía cạnh pháp luật mà không phải là toàn bộ các tiêu chí như tiêu chuẩn chất lượng, nhãn hiệu, tính hợp pháp của gỗ nguyên liệu…

11% hồ sơ mời thầu yêu cầu đặt hàng gỗ tự nhiên thuộc nhóm I, II (nhóm gỗ quý) nên rủi ro đặc biệt cao về tính bất hợp pháp.

Có tới 74% doanh nghiệp cho biết đã từng sử dụng gỗ nhập khẩu nhóm I, II; 50% từng sử dụng gỗ trong nước nhóm I, II cho các hợp đồng mua sắm công đồ gỗ. Trong số các doanh nghiệp đã sử dụng gỗ quý nhóm I, II ở trên, 80% cho biết lý do sử dụng là do bên mời thầu yêu cầu chứ không phải do nhà thầu chủ động đề xuất hay gợi ý.

"Thực tế nói trên cũng cho thấy, so với yêu cầu gỗ hợp pháp của VPA-FLEGT thì các quy định hiện tại về pháp luật đấu thầu chưa bảo đảm được sản phẩm gỗ trong đấu thầu là gỗ hợp pháp", bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, VCCI nhận định.

Mặt khác, trong thực tiễn đấu thầu mua sắm sản phẩm gỗ, một số sản phẩm gỗ cung cấp trong các gói thầu có nguy cơ không bảo đảm gỗ hợp pháp mà nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ bên mời thầu.

RÀNG BUỘC TRÁCH NHIỆM BẰNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Để đảm bảo gỗ trong các gói thầu mua sắm công là "hợp pháp" theo VPA- FLEGT, bà Trang cho rằng, pháp luật đấu thầu cần thiết phải bổ sung các quy định cụ thể, rõ ràng về gỗ hợp pháp, theo hướng bảo đảm rằng bên mời thầu đưa yêu cầu về gỗ hợp pháp vào hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu.

Đồng thời, ràng buộc trách nhiệm của nhà thầu trong bảo đảm cung cấp gỗ hợp pháp trong gói thầu. Kiểm soát việc thực hiện yêu cầu này của nhà thầu trong quá trình thực hiện hợp đồng.

"Một khi có quy định "cứng" của pháp luật, bên mời thầu sẽ phải tuân thủ và đưa ra yêu cầu tương ứng với nhà thầu về gỗ hợp pháp. Tương ứng với đó, bên dự thầu cũng sẽ phải bảo đảm gỗ hợp pháp để được lựa chọn và thanh lý hợp đồng", bà Trang nói.

Nhìn từ góc độ quốc tế, ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia chính sách của Tổ chức Forest Trends cho rằng, bảo vệ môi trường là mục tiêu ngắn hạn mà chính sách Việt Nam cần quan tâm. Song về lâu dài, trong 10-15 năm tới cần hướng đến sử dụng các sản phẩm gỗ bền vững, góp phần bảo vệ rừng ở Việt Nam và ở các quốc gia cung cấp gỗ nguyên liệu cho Việt Nam.

Nhấn mạnh chính sách là công cụ thay đổi thị trường, do đó, để hiệu quả, ông Phúc khuyến nghị, chính sách cần đi kèm với các biện pháp khác như thông tin về môi trường cho người mua, tiêu chuẩn của sản phẩm...

Bên cạnh đó, cán bộ cần có năng lực để thực hiện chính sách hiệu quả. Chính sách cần bắt buộc. Việc ban hành chính sách chỉ là bước đầu. Thực hiện hiệu quả là cốt lõi. Chính phủ có thể ủy thác cho bên thứ 3 để thực hiện chính sách (Anh, Đan Mạch)…

Đặc biệt, đại diện Forest Trends đề xuất, nên ưu tiên sử dụng gỗ rừng trồng trong đấu thầu mua sắm công các sản phẩm gỗ ở Việt Nam. Có thể thí điểm chính sách bắt đầu từ các địa phương với việc lựa chọn địa bàn, ngành, nhóm sản phẩm và kêu gọi sự trợ giúp về kỹ thuật, tài chính của các tổ chức quốc tế. Những bài học kinh nghiệm từ thí điểm sẽ làm đầu vào xây dựng chính sách quốc gia trên toàn quốc.

Cũng theo ông Phúc, trong việc ban hành chính sách liên quan tới vấn đề này, Chính phủ nên là người đi tiên phong, chuyển tải thông điệp tới các nhóm tiêu dùng khác. Qua đó, giúp họ thay đổi hành vi và thói quen tiêu dùng theo hướng hợp pháp và bền vững hơn trong tương lai.

Đồng thời, ban hành chính sách mua sắm công. Điều này tác động tới chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Và việc xây dựng chính sách cần có sự tham vấn rộng rãi của các bên liên quan; cần các biện pháp và cơ chế hỗ trợ đi kèm như truyền thông, hướng dẫn chi tiết.

VŨ KHUÊ

VnEconomy

Các tin tức khác

>   Đường nội địa 'sống trong sợ hãi' trước đường lậu (06/04/2021)

>   Tiêu thụ điện tại TP HCM tăng vọt (05/04/2021)

>   Kích cầu du lịch nội địa: Giảm giá hay tăng chất lượng? (05/04/2021)

>   Sẽ đấu thầu dự án điện mặt trời (05/04/2021)

>   Giải pháp nào cho sự hồi phục của ngành hàng 22 tỷ USD hậu Covid-19 (05/04/2021)

>   TP.HCM sẽ tiến ra biển thế nào? (05/04/2021)

>   'Dụ' nâng cấp sim điện thoại rồi chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng (04/04/2021)

>   Cấp bách gỡ vướng trong đầu tư đường Vành đai 3, 4 (04/04/2021)

>   Tăng khả năng thích ứng trước những tác động để đạt mục tiêu xuất khẩu (04/04/2021)

>   Doanh nghiệp có thể tự chứng nhận xuất xứ để hưởng ưu đãi từ UKVFTA (04/04/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật