KBC - Triển vọng dài hạn vẫn còn tốt?
Bất động sản khu công nghiệp vẫn còn nhiều dư địa để phát triển trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng tốt và làn sóng dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc đang diễn ra rất sôi động. Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (HOSE: KBC) cũng được hưởng lợi từ sự phát triển chung của ngành.
Triển vọng ngành tích cực
Dịch Covid-19 đã đóng vai trò là “chất xúc tác” thúc đẩy mạnh hơn làn sóng dịch chuyển sản xuất ra ngoài Trung Quốc. Trong đó, Việt Nam được đánh giá là một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn của các tập đoàn đa quốc gia, không chỉ nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh mà còn bởi chi phí xây dựng kho xưởng, chi phí nhân công đang khá cạnh tranh so với các nước trong khu vực.
Khóa học Online
CHỨNG KHOÁN CƠ BẢN
Dành cho Nhà đầu tư mới
💡 Khai giảng: 05/04/2021
💡 Ưu đãi lên đến: 60%++
Hotline: 0908 16 98 98
>> Đăng ký ngay
|
Sản xuất công nghiệp tại Việt Nam cũng được hưởng lợi khá nhiều từ các hiệp định thương mại tự do (FTA). Các FTA này sẽ giúp các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam được hưởng các ưu đãi giảm thuế khi xuất khẩu vào các thị trường lớn trên thế giới như Mỹ, Châu Âu...
Theo CBRE, quý 4/2020, tỷ lệ lấp đầy trung bình tại các khu công nghiệp (KCN) tại 5 tỉnh và thành phố công nghiệp chính tại miền Bắc là Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng đều đạt gần 90%. Tại miền Nam, tỷ lệ lấp đầy trung bình tại Bình Dương, Long An, Đồng Nai, TP.Hồ Chí Minh đều duy trì ở mức tích cực 87%.
Mặt khác, sự dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc cùng những tác động tích cực từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực RCEP và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) đã giúp cho nhu cầu về đất công nghiệp tại Việt Nam tăng lên đáng kể. Theo đó, giá thuê đất tại một số KCN ở miền Bắc như Hải Phòng, Bắc Ninh, Hải Dương và ở miền Nam như TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Long An đều có mức tăng từ 20%-30% so với cùng kỳ năm 2019.
Nguồn: CBRE
Theo giới phân tích, làn sóng di dời sản xuất ra khỏi Trung Quốc được dự báo sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn trong năm 2021 và 2022. Điều này được kỳ vọng sẽ tiếp tục thúc đẩy sự bùng nổ cả về quỹ đất cũng như giá cho thuê trên thị trường bất động sản công nghiệp tại Việt Nam.
Các khu đô thị là động lực tăng trưởng trong dài hạn
Dự án Tràng Cát do KBC sở hữu 100% vốn đầu tư là dự án trọng điểm của Tổng công ty trong năm 2021, có diện tích 584.9 ha và đã đền bù giải phóng mặt bằng 582 ha. Hiện nay, KBC đã hoàn thành nộp hết tiền sử dụng đất cho khu đô thị Tràng Cát và chính quyền Thành phố Hải Phòng đã vừa bàn giao hiện trạng đất trên thực địa cho KBC để làm các thủ tục triển khai, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng của dự án để đưa vào vận hành khai thác kinh doanh.
Đây là đại đô thị lớn ở Hải Phòng, sẽ đóng góp quan trọng cho sự phát triển của Hải Phòng và đem lại lợi ích vô cùng lớn cho cổ đông của KBC trong nhiều năm tới.
Ngoài ra, vào cuối năm 2020, khu đô thị Phúc Ninh đã được UBND tỉnh Bắc Ninh cấp giấy chứng nhận đầu tư. Các khu đô thị này được kỳ vọng sẽ là động lực tăng trưởng dài hạn cho KBC.
Dự án Tràng Cát. Nguồn: KBC
KBC là một trong những doanh nghiệp hàng đầu về thu hút FDI
KBC nằm trong nhóm các doanh nghiệp dẫn đầu trong ngành bất động sản khu công nghiệp. KBC cũng là doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam về thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài FDI, nhất là thu hút đầu tư công nghệ cao từ các tập đoàn lớn nổi tiếng thế giới như: Canon, Foxconn, Panasonic, Sanyo, Wintek, UMEC, Tenma, Mitsui, Sentec, Toyo Ink, Yamato Industries… Thu hút FDI vào các địa phương đã tạo động lực mạnh mẽ cho thị trường bất động sản địa phương. KBC đã đóng góp đáng kể trên địa bàn các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang và Hải Phòng.
Nguồn: Cục đầu tư nước ngoài
Trong những năm gần đây, thu hút đầu tư của KBC có năm chiếm tới 10-15% tổng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam. Trong đó, ngoài KCN Quế Võ (Bắc Ninh), KCN Quang Châu (Bắc Giang) thì KCN Tràng Duệ (thuộc Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải, Hải Phòng) - một trong những KCN chủ đạo trong hệ thống KCN của KBC - cũng đặc biệt thành công bởi sự đầu tư của các dự án quy mô lớn lên tới hàng tỷ đô la từ các Tập đoàn lớn như LG Display (3.25 tỷ USD - mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư tăng vốn cho dự án thêm 750 triệu USD), LG Electronics (1.5 tỷ USD), LG Innotek (hơn 1.5 tỷ USD) và hàng trăm các dự án FDI khác với số vốn đầu tư đăng ký hàng trăm triệu USD.
Hàng tồn kho, các khoản phải thu ngắn hạn và đầu tư tài chính ngắn hạn chiếm gần 85% tổng tài sản
Tính đến ngày 31/12/2020, tổng tài sản của KBC ghi nhận gần 23,571 tỷ đồng, tăng 43% so với đầu năm. Nhìn vào cơ cấu tài sản KBC trong năm 2020 có thể thấy ba khoản mục hàng tồn kho, các khoản phải thu ngắn hạn và đầu tư tài chính ngắn hạn chiếm đến 84.72% tổng tài sản.
Trong đó, các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn ghi nhận hơn 1,990 tỷ đồng và chiếm đến 8.44% cơ cấu tài sản trong khi năm 2019 chỉ chiếm 0.02%, chủ yếu là các khoản chứng khoán kinh doanh. Các khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận 6,675 tỷ đồng với hơn 2,701 tỷ đồng trả trước cho người bán ngắn hạn. Hàng tồn kho cũng tăng vọt lên 11,303 tỷ đồng, tăng 50% so với đầu năm với toàn bộ là chi phí sản xuất kinh doanh dở dang. Trong đó, chi phí dự án Tràng Cát gần 7,012 tỷ đồng, gấp 2 lần so với đầu năm 2020.
Nguồn: VietstockFinance
Qũy ngoại liên tục nâng sở hữu tại KBC
Thành viên Amersham Industries Limited thuộc quỹ Dragon Capital đã gom thêm 1 triệu cổ phiếu KBC vào ngày 02/03/2021. Giao dịch này đã giúp nâng sở hữu của cả nhóm quỹ Dragon Capital lên 10.02% (47 triệu cp).
Trước đó, quỹ ngoại này đã liên tiếp gom vào cổ phiếu KBC. Cụ thể, ngày 04/02/2021 mua hơn 4 triệu cổ phiếu và ngày 25/01/2021 mua gần 2 triệu cổ phiếu.
Đáng chú ý, giao dịch thực hiện trong ngày 25/01/2021 chính là ngày cổ phiếu KBC chạm đỉnh giá cao nhất trong hơn 10 năm qua (giá đã điều chỉnh). Chỉ trong ba phiên liên tiếp sau đó (26-28/01/2021), thị giá KBC đã sụt 13.4%.
Chiến lược đầu tư
Sau giai đoạn tăng tốc mạnh mẽ tháng 01/2021, giá cổ phiếu KBC di chuyển giằng co trong mẫu hình tam giác (triangle) trong khoảng cuối tháng 01/2021 đến giữa tháng 03/2021.
Vào ngày 19/03/2021, giá cổ phiếu KBC tạo điểm bứt phá mạnh, vượt lên cận trên của mẫu hình này với cây nến White Opening Marubozu và khối lượng tăng cao đột biến. Tuy nhiên, đây là điểm break out giả vì giá cổ phiếu bất ngờ sụt giảm trong những phiên sau đó và tạo mẫu hình Three Black Candles.
Hiện tại, KBC đang test lại vùng hỗ trợ 36,500-38,500 (cận dưới của mẫu hình tam giác hội tụ cùng ngưỡng Fibonacci Retracement 23.6% và đường SMA 50 ngày).
Có hai kịch bản có thể ở xảy ra ở KBC. Kịch bản 1, nếu vùng 36,500-38,500 vẫn được giữ vững thì tình hình sẽ chưa quá bi quan và xu hướng tăng dài hạn vẫn được giữ vững. Khi đó, giá cổ phiếu nhiều khả năng sẽ tiến lên test lại vùng đỉnh tháng 01/2021 (tương đương vùng 44,000-48,000).
Kịch bản 2, giá cổ phiếu rơi xuống dưới vùng 36,500-38,500. Khi đó, ngưỡng Fibonacci Retracement 38.2% (quanh mức 33,000) sẽ là hỗ trợ gần nhất của chỉ số.
Chỉ báo Relative Strength Index đã rơi xuống dưới trendline tăng dài hạn (bắt đầu từ tháng 03/2020). Nếu chỉ báo vẫn tiếp tục nằm dưới ngưỡng này thì khả năng điều chỉnh của KBC là khá cao.
Nguồn: VietstockUpdater
Phòng Tư vấn Vietstock
FILI
|