Dầu sụt hơn 4% khi sản lượng OPEC+ tăng
Giá dầu giảm hơn 4% vào ngày thứ Hai (05/4) khi sự gia tăng nguồn cung từ OPEC+ và sản lượng dầu của Iran cao hơn đã lấn át những tín hiệu về đà phục hồi kinh tế mạnh mẽ ở Mỹ.
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, được gọi chung là nhóm OPEC+, đã đồng thuận vào ngày 01/4 về việc tăng sản lượng hàng tháng từ tháng 5 đến tháng 7. Thành viên thuộc OPEC là Iran, vốn được miễn thực hiện cắt giảm tự nguyện, cũng đang thúc đẩy nguồn cung.
“Thời điểm không tốt”, Bob Yawger, Giám đốc hợp đồng năng lượng tương lai tại Mizuho Securities, nhận định. “Có vẻ như OPEC+ sẽ thực hiện thỏa thuận, nhưng họ đã không thực hiện và bây giờ có vẻ như họ sẽ phải trả giá ít nhất trong ngắn hạn”.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Hai, hợp đồng dầu Brent rớt 3.08 USD (tương đương 4.8%) xuống 61.78 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI mất 2.80 USD (tương đương 4.56%) còn 58.65 USD/thùng.
Trong một diễn biến khác cuối cùng có thể thúc đẩy nguồn cung, nhà đầu tư đang tập trung vào cuộc đàm phán gián tiếp giữa Iran và Mỹ như một phần của các cuộc đàm phán nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015.
Chuyên gia phân tích Henry Rome của Eurasia cho biết ông hy vọng các lệnh trừng phạt của Mỹ, bao gồm việc hạn chế đối với doanh số bán dầu của Iran, sẽ chỉ được dỡ bỏ sau khi các cuộc đàm phán này hoàn tất và Iran trở lại tuân thủ.
Iran đã tăng cường xuất khẩu dầu sang Trung Quốc bất chấp các lệnh trừng phạt.
Dầu đã phục hồi từ các mức đáy lịch sử hồi năm ngoái với sự hỗ trợ của các đợt cắt giảm kỷ lục từ OPEC+, mà hầu hết vẫn sẽ duy trì sau tháng 7/2021. Nhu cầu được dự báo sẽ tiếp tục phục hồi trong nửa cuối năm.
Trong khi việc triển khai vắc-xin chậm chạp và sự quay lại của các lệnh phong tỏa ở nhiều khu vực của châu Âu đã gây sức ép đến giá dầu, số liệu vào ngày 02/4 cho thấy nền kinh tế Mỹ đã tạo ra nhiều việc làm nhất trong 7 tháng vào tháng 3.
Tuy nhiên, các lệnh phong tỏa thắt chặt ở Pháp và sự gia tăng số ca nhiễm Covid-19 ở Ấn Độ đã làm mờ đi triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu để thúc đẩy nhu cầu dầu mỏ.
An Trần (Theo CNBC)
FILI
|