Cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cùng đồng phạm ‘biến’ đất công thành đất tư ra sao?
Theo cáo trạng, các bị cáo giữ vị trí chủ chốt tại Bộ Công thương, UBND TP.HCM đã chuyển quyền quản lý, sử dụng khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng (Q1, TP.HCM) từ nhà nước sang tư nhân, gây thất thoát hơn 2.713 tỉ đồng.
* Đại án đất vàng tại Q.1, TP.HCM: 'Lận đận' số phận khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng
* Đại án 'đất vàng' Q.1, TP.HCM: Cựu Phó chủ tịch Nguyễn Hữu Tín 'tiếp tay' ra sao?
* Đại án đất vàng ở Q.1, TP.HCM: Cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói ‘đã quên nhiều’
Cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trước toà vẫn chỉ nhận trách nhiệm người đứng đầu trong vụ thất thoát hàng nghìn tỉ đồng liên quan khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng, Q.1, TP.HCM. Ảnh: CTV
|
Dùng quyền sử dụng đất nhà nước góp vốn liên doanh với tư nhân
Cáo trạng đại án “đất vàng” tại Q.1, TP.HCM của Viện KSND Tối cao quy kết, các bị cáo đều giữ vai trò chủ chốt tại Bộ Công thương và UBND TP.HCM, vì những động cơ khác nhau, bằng việc dùng quyền sử dụng đất hoặc các quyền về tài sản khác của nhà nước để góp vốn, liên doanh sau đó thoái vốn, chuyển nhượng vốn không minh bạch.
Viện KSND Tối cao quy kết, cựu Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng phạm tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí với vai trò chính, trực tiếp.
Cụ thể, từ những năm 2011, 2012, Chính phủ có chủ trương chỉ đạo các doanh nghiệp nhà nước thoái vốn đầu tư ngoài ngành, nhất là tài chính, bất động sản…; đồng thời, Tổng công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) không bố trí được số tiền hơn 1.236 tỉ đồng nộp để chuyển đổi mục đích sử dụng khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng (Q.1, TP.HCM) nhưng ông Vũ Huy Hoàng vẫn không chấp thành chủ trương của Chính phủ.
Từ năm 2012 - 2016, ông Vũ Huy Hoàng đã chỉ đạo cấp dưới, cụ thể là cựu Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa và Phan Chí Dũng, cựu Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ, có các văn bản chỉ đạo các cán bộ tại Sabeco dùng quyền sử dụng khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng (Q.1, TP.HCM) và tiền của Sabeco góp vốn với doanh nghiệp tư nhân thành lập Công ty CP đầu tư Sabeco Pearl (Sabeco Pearl) để thực hiện kinh doanh bất động sản.
Nhiều cán bộ chủ chốt của Bộ Công thương và UBND TP.HCM phải hầu toà vì dính sai phạm tại khu "đất vàng" tại số 2-4-6 Hai Bà Trưng, Q.1, TP.HCM. Ảnh: Ngọc Dương
|
Sau khi góp vốn và Sabeco thực hiện xong các thủ tục pháp lý cho dự án, ông Vũ Huy Hoàng không chỉ đạo Sabeco thực hiện dự án đã được phê duyệt mà chỉ đạo thoái toàn bộ vốn góp tại Sabeco Pearl cho doanh nghiệp tư nhân tham gia liên doanh để hoàn tất việc chuyển quyền quản lý, sử dụng khu "đất vàng" hơn 6.000 m2 tại số 2-4-6 Hai Bà Trưng là tài sản nhà nước sang tài sản tư nhân là trái pháp luật.
Trả lời trước toà xét xử sơ thẩm cũng như xuyên suốt quá trình điều tra, ông Vũ Huy Hoàng vẫn một mực chỉ nhận trách nhiệm người đứng đầu, không thừa nhận đổ lỗi cho cấp dưới.
Thoái toàn bộ vốn khi dự án xong thủ tục pháp lý
Cáo trạng của Viện KSND Tối cáo đã chỉ ra quá trình, thủ đoạn góp vốn, lo xong thủ tục dự án rồi bất ngờ thoái vốn của Sabeco tại Sabeco Pearl dưới sự “đạo diễn” của lãnh đạo chủ chốt Bộ Công thương.
Cụ thể, tháng 9.2015, trên cơ sở đề xuất của Sở Quy hoạch - Kiến trúc, cựu Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín có văn bản chấp thuận điều chỉnh bổ sung thêm chức căn hộ ở và officetel cho công trình tại khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng (Q.1, TP.HCM). Giá trị khu đất đã tăng lên rất nhiều sau văn bản này.
Ông Nguyễn Hữu Tín đang thụ án trong một vụ án khác, có đơn xin xét xử vắng mặt. Ảnh: Ngọc Dương
|
Tuy nhiên, khi cơ quan chức năng chưa tính toán, quyết định nộp tiền bổ sung mục đích, chức năng sử dụng đất thì ngày 6.1.2016, nhóm 3 nhà đầu tư tại Sabeco Pearl là Công ty CP Attland, Công ty CP Đầu tư thương mại và dịch vụ Hà An (Công ty Hà An), Công ty CP Đầu tư Mê Linh (Công ty Mê Linh) đồng loạt ký văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Công thương kiến nghị chỉ đạo Sabeco thoái toàn bộ vốn góp tại Sabeco Pearl.
Sau đó, ngày 15.1.2016, nhóm 3 nhà đầu tư này tiếp tục có thêm văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Công thương đề nghị được mua lại 26% phần vốn góp của Sabeco tại Sabeco Pearl.
3 hôm sau, ngày 19.1.2016, Phan Chí Dũng ký báo cáo gửi ông Vũ Huy Hoàng và bà Hồ Thị Kim Thoa nêu, việc thoái vốn của Sabeco tại Sabeco Pearl phù hợp với chủ trương của Chính phủ. Đồng thời, đề nghị lãnh đạo Bộ Công thương yêu cầu Bộ phận quản lý vốn nhà nước (BPQLVNN) tại Sabeco báo cáo chi tiết việc thoái vốn và xây dựng phương án thoái vốn.
Ngày 5.2.2016, chỉ hơn 10 ngày sau, ông Võ Thanh Hà, Chủ tịch HĐQT, phụ trách BPQLVNN tại Sabeco (thay ông Phan Đăng Tuấn chuyển công tác), ký văn bản đề xuất Bộ Công thương cho thoái toàn bộ 26% vốn tại Sabeco Pearl.
Cũng theo cáo trạng, ngày 16.2.2016, bị cáo Phan Chí Dũng tiếp tục đề xuất cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng ký công văn gửi Sabeco chỉ đạo thực hiện các thủ tục để thoái vốn; xây dựng phương án thoái vốn tại Sabeco Pearl.
Nhận chỉ đạo của cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, ông Võ Thanh Hà đã thành lập Tổ thoái vốn do ông Nguyễn Minh An, Phó tổng giám đốc Sabeco, làm Tổ trưởng, thực hiện công việc thoái toàn bộ 26% vốn tại Sabeco Pearl.
Ông Vũ Huy Hoàng và đồng phạm hầu toà. Ảnh: CTV
|
Sau đó, Sabeco đã ký hợp đồng thẩm định giá với 3 đơn vị độc lập đưa ra các mức xác định giá trị cổ phần tại Sabeco Pearl khác nhau. Nhưng ngày 11.3.2016, Tổ thoái vốn ký báo cáo gửi ông Võ Thanh Hà với nội dung đề nghị phê duyệt giá 13.247 đồng/cổ phần là giá khởi điểm để đấu giá. Lập tức, Sabeco có văn bản gửi Bộ Công thương với nội dung: “Xác định kết quả thẩm định giá có giá trị cao nhất cho 1 cổ phần có lợi cho Sabeco là 13.247 đồng/cổ phần”.
Theo cáo trạng, ông Vũ Huy Hoàng chủ trì cuộc họp ngày 29.3.2016, tại đây, ông Võ Thanh Hà đã báo cáo kết quả thẩm định giá trị Công ty Sabeco Pearl theo phương án cao nhất gồm chức năng căn hộ ở và officetel cho công trình tại khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng (Q.1) là 14.433 đồng/cổ phần.
Tuy nhiên, ông Vũ Huy Hoàng cho rằng, giá trị cổ phần 14.433 đồng/cổ phần là giá giả định trong tương lại khi khu đất có chức năng căn hộ ở và quyết định giá khởi điểm để thực hiện thoái vốn là 13.247 đồng/cổ phần.
Sau đó, Phan Chí Dũng cũng ký báo cáo nêu giá 14.433 đồng/cổ phần là giá giả định trong tương lai khi dự án được mở rộng, tăng thêm mục đích sử dụng, không phải giá tại thời điểm đấu giá nên không khả thi rồi đề xuất lấy giá 13.247 đồng/cổ phần làm giá sàn để thoái vốn.
Mặc dù, từ tháng 9.2015, UBND TP.HCM đã có văn bản gửi đến Sabeco nêu cho phép điều chỉnh bổ sung thêm chức năng căn hộ ở, officetel cho khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng (Q.1).
Dù vậy, đầu tháng 4.2016, bà Hồ Thị Kim Thoa cũng ký văn bản do Phan Chí Dũng dự thảo, tham mưu đồng ý lấy giá 13.247 đồng/cổ phần làm căn cứ thoái vốn.
Ngày 14.6.2016, Sabeco tổ chức bán đấu giá cổ phần tại Sabeco Pearl cho các cổ đông sáng lập với giá sàn đấu giá là 13.247 đồng/cổ phần. Kết quả, Công ty CP Attland trúng đấu giá hơn 14,7 triệu cổ phần với giá 13.347 đồng/cổ phần, tổng số tiền là hơn 196,6 tỉ đồng.
Đến tháng 8.2016, căn cứ chỉ đạo của Bộ Công thương, ông Võ Thanh Hà ký ban hành nghị quyết phê duyệt kết quả đấu giá chuyển nhượng cổ phần Sabeco tại Sabeco Pearl, nhận số tiền thoái toàn bộ vốn là hơn 196,6 tỉ đồng.
Ngày 19.10.2016, Sở KH-ĐT cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp công ty cổ phần thay đổi lần thứ 5, đổi tên Sabeco Pearl thành Công ty CP Đầu tư Quảng trường Mê Linh. Quá trình “phù phép” khu đất công 2-4-6 Hai Bà Trưng (Q.1) thành đất tư đã hoàn thành, gây thất thoát hàng nghìn tỉ đồng cho nhà nước.
Lê Quân
Thanh niên
|