Thứ Sáu, 23/04/2021 08:37

Đại án 'đất vàng' Q.1, TP.HCM: Cựu Phó chủ tịch Nguyễn Hữu Tín 'tiếp tay' ra sao?

Dù Sabeco Pearl không thuộc diện được thuê đất tại số 2-4-6 Hai Bà Trưng (Q.1, TP.HCM) nhưng cựu Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín và các cán bộ thuộc các sở, ngành vẫn tạo điều kiện khó có thể thuận lợi hơn.

Đại án ‘đất vàng’ Q.1, TP.HCM: Cựu Phó chủ tịch Nguyễn Hữu Tín ‘tiếp tay’ ra sao?
Cựu Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín đang thụ án trong một vụ án khác, có đơn xin xét xử vắng mặt. Ảnh: Ngọc Dương

Công nhận Sabeco Pearl là chủ đầu tư, cho nộp tiền sử dụng đất sai pháp luật

Theo cáo trạng, ngày 10.4.2015, cựu Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín đã ký quyết định duyệt giá trị quyền sử dụng khu đất rộng hơn 6.000 m2 tại 2-4-6 Hai Bà Trưng, Q.1 là hơn 997,2 tỉ đồng. Căn cứ để bị cáo Nguyễn Hữu Tín ký là văn bản của Bộ Công thương gửi đề nghị UBND TP.HCM cho Công ty CP đầu tư Sabeco Pearl (Sabeco Pearl) được làm chủ đầu tư dự án, thực hiện nghĩa vụ tài chính với khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng.

Sau đó, cựu Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín còn chỉ đạo Tổ công tác liên ngành gồm Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND Q.1 nghiên cứu đề xuất UBND thành phố xem xét, quyết định đối với đề nghị của Sabeco.

Từ đây, hàng loạt sai phạm của hàng loạt cán bộ, lãnh đạo TP.HCM được nối tiếp. Cụ thể, dù chưa có ý kiến các đơn vị liên quan nhưng bị cáo Lâm Nguyên Khối, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, đã có văn bản đề xuất UBND TP.HCM chấp thuận cho Sabeco Pearl làm chủ đầu tư dự án, được thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng.

Sau đó, bị cáo Lê Văn Thanh, Phó chánh văn phòng UBND TP.HCM, đã ký vào tờ trình không số với nội dung tham mưu, đề xuất cựu Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín chấp thuận đề xuất của Sở Kế hoạch và Đầu tư, đồng ý cho Sabeco Pearl được làm chủ đầu tư dự án.

Trên cơ sở này, tháng 6.2015, Sabeco Pearl đã nộp gần 1.000 tỉ đồng tiền sử dụng đất, lệ phí trước bạ và tiền phạt nộp chậm.

Bị cáo Đào Anh Kiệt thừa nhận hành vi vi phạm và mong được xem xét thêm về hoàn cảnh phạm tội. Ảnh: Ngọc Dương

Cuối tháng 6.2015, theo tham mưu cấp dưới, bị cáo Đào Anh Kiệt, cựu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, đã trình văn bản đề xuất cho Sabeco Pearl được thuê đất tại số 2-4-6 Hai Bà Trưng theo hình thức trả tiền một lần với mục đích thương mại, dịch vụ có thời hạn sử dụng 50 năm.

Cũng với “thủ đoạn” ký tờ trình không số, bị cáo Lê Văn Thanh và cấp dưới đã ký tờ trình đề nghị cựu Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín chấp thuận đề xuất của Sở Tài nguyên và Môi trường, đồng ý cho thuê khu đất với giá hơn 997,2 tỉ đồng. Đầu tháng 7.2015, bị cáo Đào Anh Kiệt ký hợp đồng cho thuê đất với Sabeco Pearl, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng cho liên doanh này.

Giám định của Bộ TN-MT: Cho Sabeco Pearl thuê đất tại số 2-4-6 Hai Bà Trưng là trái luật

Không lâu sau đó, tháng 9.2015 theo đề nghị của Sabeco Pearl, Sở Quy hoạch - Kiến trúc có văn bản đề nghị UBND TP.HCM chấp thuận điều chỉnh bổ sung chức năng căn hộ ở và officetel cho công trình tại khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng. Đề nghị này được chấp thuận vào cuối tháng 9.2015 và giá trị khu đất được tăng lên nhiều.

Theo giám định của Bộ Xây dựng, việc điều chỉnh chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc, bổ sung thêm chức năng căn hộ ở, officetel của UBND TP.HCM đối với công trình tại khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng là đúng thẩm quyền, phù hợp quy định pháp luật.

Cáo trạng của Viện KSND Tối cao trích dẫn giám định của Bộ TN-MT khẳng định, việc UBND TP.HCM cho Sabeco Pearl thuê đất tại 2-4-6 Hai Bà Trưng thay cho Sabeco là không đúng quy định tại luật Đất đai 2013.

Bộ TN-MT khẳng định việc UBND TP.HCM cho Sabeco Pearl thuê đất 2-4-6 là không đúng luật Đất đai 2013. Ảnh: Ngọc Dương

“Để thực hiện đúng pháp luật đất đai thì sau khi Sabeco thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính của khu đất như nộp tiền chuyển đổi mục đích sử dụng đất, lệ phí trước bạ; được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì Sabeco mới được góp vốn bằng quyền sử dụng đất vào vốn điều lệ Công ty Sabeco Pearl”, giám định của Bộ TN-MT nêu.

Tại toà, 8 bị cáo nguyên là cán bộ, lãnh đạo của TP.HCM bị xét xử về tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai, theo khoản 3 điều 229. Trong đó, bị cáo Nguyễn Hữu Tín xin xét xử vắng mặt. 7 cựu người còn lại đều thừa nhận hành vi và mong HĐXX xem xét đến thời điểm cũng như bối cảnh phạm tội.

Bị cáo Lâm Nguyên Khôi cũng thừa nhận có thiếu sót khi không xin đủ ý kiến các bộ, ngành và cho rằng thời điểm đó dự án có mức vốn lớn, thuộc đầu tư không có điều kiện nên buộc phải cấp giấy chứng nhận.

Còn bị cáo Đào Anh Kiệt khai, chủ trương đã có nên Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ ký thừa uỷ quyền để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. "Nhiệm vụ của tôi lúc đó chỉ quy tắc hành chính để hoàn thiện hồ sơ. Tuy nhiên, nếu xét toàn diện thì mình có sai phạm nên mong toà xem xét để có sự công bằng", bị cáo Kiệt nói.

Lê Quân

Thanh niên

Các tin tức khác

>   Đại án đất vàng ở Q.1, TP.HCM: Cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói ‘đã quên nhiều’ (22/04/2021)

>   Vụ 'siết nợ' Ocean Park Vân Đồn: Sở Xây dựng yêu cầu dừng ngay giao dịch (22/04/2021)

>   Bà Rịa-Vũng Tàu tạm dừng chuyển nhượng đất đồng sở hữu (22/04/2021)

>   Xét xử ông Vũ Huy Hoàng: Bà Hồ Thị Kim Thoa có vai trò gì? (21/04/2021)

>   Chuyên gia Hàn Quốc khuyến huy động vốn cho nhà ở xã hội qua xổ số (21/04/2021)

>   Đất, vốn đâu làm nhà ở xã hội? (21/04/2021)

>   Nhà ở xã hội 'tịt ngòi' do đói vốn (20/04/2021)

>   Mua nhà đất có bảo lãnh ngân hàng vẫn bị lừa (20/04/2021)

>   Ngân hàng Quân đội nói gì vụ 'siết nợ', chủ đầu tư Ocean Park Vân Đồn dọa kiện? (20/04/2021)

>   Cần sản phẩm khác biệt cho bất động sản nghỉ dưỡng (20/04/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật