Thứ Năm, 22/04/2021 14:00

CIEM: Tốc độ tăng trưởng GDP giai đoạn 2021-2023 có thể đạt 6,76%/năm

“Nếu Việt Nam đạt được những đột phá trong chất lượng cải cách thể chế sẽ dẫn tới chất lượng tăng trưởng được cải thiện và tốc độ GDP trung bình có thể đạt tới 6,76%/năm.”

Ảnh minh họa

Đại dịch COVID-19 đã gây ra những tác động bất lợi, sâu rộng đối với kinh tế toàn cầu. Đến nay, đại dịch vẫn có những diễn biến hết sức phức tạp, cho dù nhiều nước đã bắt đầu quá trình phổ biến vaccine.

Trong nước, COVID-19 vẫn còn nhiều diễn biến khó lường và cần có nhiều những đánh giá về tình hình dịch bệnh, hệ lụy đối với nền kinh tế Việt Nam cũng như các yêu cầu cải cách trong thời gian tới.

Trước yêu cầu đó, bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết với sự hỗ trợ của Chương trình Australia Hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform) và Đại sứ quán Australia tại Việt Nam, CIEM đã thực hiện Báo cáo “Thúc đẩy phục hồi kinh tế và cải cách thể chế sau đại dịch COVID-19: Đề xuất cho Việt Nam.”

Triển vọng phục hồi lạc quan

Báo cáo cho hay đại dịch COVID-19 bùng phát đã làm trầm trọng thêm những rủi ro trên đối với kinh tế toàn cầu đồng thời buộc các nền kinh tế phải đẩy nhanh những cải cách thể chế, gắn với tiếp cận Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và kinh tế số.

Tại Việt Nam, Chính phủ đã phản ứng quyết liệt và khá sớm với các đợt bùng phát của đại dịch COVID-19 và được đánh giá là tương đối thành công trong kiểm soát dịch bệnh. Trong quý 1, các hoạt động kinh tế-xã hội tiếp tục đà phục hồi. Hoạt động tiêm vaccine đã dần được triển khai, nhiều cuộc thảo luận xoay quanh mở lại các đường bay quốc tế, “hộ chiếu vắc-xin”… được đề cập gần đây nhằm hướng đến mở cửa trở lại nền kinh tế một cách an toàn, đồng bộ và bền vững.

Trong bối cảnh đại dịch, Việt Nam duy trì có tốc độ tăng GDP đạt 2,91% trong năm 2020 và phục hồi ở mức 4,48% trong quý 1. Với kết quả này, các tổ chức quốc tế đều duy trì đánh giá tích cực về kinh tế Việt Nam, cao hơn so với hầu hết các nền kinh tế trên thế giới và khu vực Đông Á.

Bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương phát biểu. (Ảnh: Vietnam+)

Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra tổng vốn phát triển toàn xã hội năm 2020 tăng 5,7% và thấp hơn 4,5 điểm phần trăm so với năm 2019, bên cạnh đó tỷ trọng đầu tư/GDP chỉ đạt 34,4%; hiệu quả đầu tư tính theo hệ số ICOR sụt giảm đột ngột trong năm 2020 (hệ số ICOR tăng tới gần 14,3). Trong khi đó dịch bệnh COVID-19 trên thế giới còn diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực của dịch bệnh đến các mặt của đời sống kinh tế-xã hội còn tiếp tục kéo dài, chưa thể đánh giá hết.

Trên thực tế, khu vực doanh nghiệp vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn mặc dù đã có sự thích ứng, cả về tổ chức sản xuất, sử dụng lao động và ứng dụng các mô hình, cách thức kinh doanh mới (đặc biệt gắn với nền tảng số). Đại dịch COVID-19 đã tác động nặng nề tới nhiều ngành nghề, đặc biệt là du lịch.

Phục hồi kinh tế đi cùng cải cách thể chế

Đặt trong bối cảnh ấy, bà Minh cho biết báo cáo đưa ra một số cân nhắc về quá trình phục hồi và cải cách thể chế kinh tế trong thời gian tới. Điều này bao gồm ổn định và phục hồi kinh tế vĩ mô, cải cách thể chế trong nước và hội nhập kinh tế quốc tế. Ngoài ra, vai trò của Nhà nước và không gian kinh tế cho khu vực tư nhân, thời điểm tiến hành cải cách... cũng được nhìn nhận thấu đáo trong giai đoạn phục hồi tăng trưởng sau đại dịch.

Theo đó, báo cáo nhấn mạnh thông điệp “phục hồi kinh tế cần phải song hành với cải cách thể chế kinh tế ở Việt Nam” với những đề xuất lộ trình chính sách cho giai đoạn 2021-2023. Cụ thể là tiếp tục phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả, tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp và người lao động, kết hợp với cải cách thể chế kinh tế trong năm 2021; kết hợp giải pháp phục hồi và cải cách thể chế kinh tế trong năm 2022; rút dần các giải pháp hỗ trợ phục hồi tăng trưởng, tập trung vào cải cách thể chế kinh tế trong năm 2023.

Bà Minh cho hay nhóm nghiên cứu dự báo triển vọng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2021-2023: “Nếu đạt được những đột phá trong chất lượng cải cách thể chế sẽ dẫn tới cải thiện chất lượng tăng trưởng song hành với các biện pháp nới lỏng tài khóa, tiền tệ đúng trọng tâm và đúng thời điểm, tốc độ tăng trưởng GDP trung bình có thể đạt tới 6,76%/năm đi kèm với cải thiện đáng kể về năng suất.”

“Khi ấy, kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi tăng trưởng nhanh và bền vững hơn, ngay cả khi kinh tế thế giới còn nhiều bất định,” bà Minh nhấn mạnh./.

Hạnh Nguyễn

Vietnam+

Các tin tức khác

>   Hà Nội đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP 7.5%-8.0%/năm (21/04/2021)

>   Kịp thời giúp doanh nghiệp ‘hồi sức’, phát triển (20/04/2021)

>   VEPR: Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng kinh tế 6.3% năm 2021 (20/04/2021)

>   Việt Nam là điểm đến đầu tư an toàn và ổn định cho dòng vốn FDI (17/04/2021)

>   Mỹ loại Việt Nam ra khỏi danh sách thao túng tiền tệ (16/04/2021)

>   Lạm phát của người nghèo và lạm phát của người giàu! (16/04/2021)

>   Tác động của dịch Covid-19 đến tình hình lao động, việc làm trong quý 1/2021 (16/04/2021)

>   Kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhờ vai trò trong chuỗi cung ứng toàn cầu (16/04/2021)

>   Thủ tướng Phạm Minh Chính: Phải bắt tay ngay vào công việc, xử lý những vấn đề tồn đọng kéo dài (15/04/2021)

>   Fitch Ratings: Tài chính công Việt Nam cải thiện vượt trội giữa Covid-19 (15/04/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật