Nghị định 52/2021/NĐ-CP mà Chính phủ vừa ban hành được xem là “liều thuốc” quý giá giúp doanh nghiệp “hồi sức’ trong bối cảnh bị “đuối sức” do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Ảnh minh họa
|
Nghị định 52/2021/NĐ-CP (gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021) được xem là Nghị định đầu tiên mà Chính phủ ban hành sau khi kiện toàn.
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, dự kiến tổng số thuế và tiền thuê đất được gia hạn theo chính sách giãn, hoãn thời hạn nộp thuế tại dự thảo Nghị định là 115.000 tỷ đồng. Đây thực chất là khoản cho vay không tính lãi của nhà nước đối với doanh nghiệp (DN), cá nhân để có nguồn tài chính phục vụ sản xuất kinh doanh, gia tăng nguồn lực trong tương lai.
Chính sách gia hạn nộp thuế không làm giảm thu ngân sách nhà nước và phù hợp thẩm quyền của Chính phủ mà Luật Quản lý thuế đã quy định (việc gia hạn nộp thuế không dẫn đến điều chỉnh dự toán thu ngân sách nhà nước đã được Quốc hội quyết định).
Bộ Tài chính cho biết, nguyên tắc lựa chọn đối tượng được gia hạn nộp thuế và tiền thuế đất cần bảo đảm: Đối tượng thụ hưởng chính sách phải là những DN, tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh bị ảnh hưởng trực tiếp, nặng nề do dịch COVID-19.
Để được gian hạn, người nộp thuế tự xác định và chịu trách nhiệm, thực hiện nộp 1 lần duy nhất Giấy đề nghị gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho cơ quan thuế. Hiện nay, thủ tục này đã được thực hiện trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng thông tin điện tử của cơ quan thuế để tạo thuận lợi cho người dân và DN.
Trong trường hợp DN, hộ kinh doanh không trong diện được gia hạn nhưng do xác định nhầm lẫn vẫn có thể nộp đơn, cơ quan Thuế sẽ có phản hồi ngay.
Trao đổi với Báo điện tử Chính phủ, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long đánh giá, các chính sách hoãn, giãn các loại thuế trong Nghị định của Chính phủ rất hữu hiệu với DN, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn chung do COVID-19. Khi giãn, hoãn thuế giúp các DN có thêm nguồn vốn tạm thời để quay vòng, phục vụ sản xuất kinh doanh.
"Chủ trương là rất tốt nhưng quan trọng là triển khai phải hiệu quả, các cơ quan thực thi cần làm nhanh chóng, thuận lợi tối đa cho các đối tượng được thụ hưởng. Nếu để tình trạng vướng mắc về thủ tục, triển khai chậm, hoặc cán bộ thực thi gây khó dễ cho DN, có thể khiến các DN bị lỡ thời cơ tận dụng nguồn vốn phục vụ sản xuất kinh doanh”, ông Ngô Trí Long lưu ý.
Trao đổi với chúng tôi, ông Thang Văn Hưng (Công ty TNHH Hào Hưng, doanh nghiệp chế biến gỗ) cho biết, ông rất phấn khởi khi biết tin Chính phủ ban hành Nghị định 52. “Với số tiền nộp thuế lên đến mấy chục tỷ đồng mỗi tháng, nếu được giãn thuế tháng nào thì có vốn xoay vòng kinh doanh tháng đó”. Nghị định 52 được ban hành như một phao cứu sinh, giúp “hồi sức” cho những doanh nghiệp đang gặp khó khăn.
“Chính phủ đã ban hành 3 chính sách hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch COVID-19, đây đều là những chính sách rất thiết thực. Tuy nhiên, đôi khi việc triển khai chính sách đến doanh nghiệp còn chậm...”, ông Thang Văn Hưng hy vọng sớm được hướng dẫn trong việc gia hạn nộp thuế.
Ông Lưu Hải Minh, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Mới Nhật Hải (OIC NEW) cho biết, trong bối cảnh tác động của dịch COVID-19, doanh nghiệp khoa học và công nghệ cũng gặp phải rất nhiều khó khăn như các doanh nghiệp nói chung, như thiếu nguyên liệu sản xuất, thị trường tiêu thụ bị hạn chế, thiếu hụt lao động, doanh thu sụt giảm, nguồn tiền chi trả các chi phí vận hành doanh nghiệp hạn hẹp…
Ông đánh giá cao việc chỉ trong vòng 1 năm, lần thứ ba Chính phủ đã gia hạn thuế và tiền thuê đất để hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh. Việc gia hạn các loại thuế rất kịp thời, như một phao cứu sinh cho các doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng do COVID - 19.
“Chính phủ đã tạo niềm tin cho doanh nghiệp khi luôn là người kiến tạo. Với các doanh nghiệp khoa học và công nghệ như công ty OIC NEW, phần lớn đều đầu tư mạnh vào R&D (nghiên cứu và phát triển) để tạo nên những quy trình và sản phẩm mới cho nên việc hoãn thuế là hình thức giúp đỡ doanh nghiệp KHCN có động lực hơn nữa để dẫn dắt quá trình biến Việt Nam thành Quốc gia khởi nghiệp”, ông Lưu Hải Minh nhấn mạnh. Đồng thời mong muốn Chính phủ tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp KH&CN có thể sử dụng quyền sở hữu trí tuệ như một tài sản thế chấp để vay vốn.
TS. Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đánh giá, Nghị định 52 có đối tượng áp dụng rộng rãi, không chỉ DN bị tác động nặng nề của COVID-19 như dịch vụ bán lẻ, logistic, du lịch mà kể cả những DN bị tác động ít hơn như khai khoáng... cũng được thụ hưởng. Đây là điều khá đặc biệt, thể hiện sự bình đẳng, không phân biệt giữa các loại hình kinh doanh khác nhau trên thị trường, đồng thời thể hiện ý chí quyết tâm, chia sẻ và đồng hành với cộng đồng DN từ phía Chính phủ.
Trong quá trình thực hiện 2 lần trước, từ khảo sát của cộng đồng DN cho thấy, hoãn và giãn thuế là chính sách doanh nghiệp ưa thích nhất, việc tiếp cận cũng thuận lợi, dễ dàng hơn so với miễn, giảm thuế phức tạp về mặt thủ tục. Nghị định 52/2021/NĐ-CP đề cập gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất, đã thể hiện cách xử lý vấn đề mang tính thực tiễn của Chính phủ. Điều này rất cần thiết và có ý nghĩa nhân văn, tạo cơ hội cho các DN bứt phá trong thời gian tới.
Để chính sách đi nhanh vào cuộc sống, theo TS. Tô Hoài Nam, các cơ quan quản lý liên quan cần nhanh chóng hướng dẫn cho DN cũng như tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN bằng cách giảm thiểu các thủ tục hành chính, hạn chế thanh kiểm tra, trừ những trường hợp có vụ việc nổi cộm để DN có thể ổn định tâm lý, dồn toàn bộ thời gian, công sức cho hoạt động tốt hơn.